Thủy điện Sông Bung 2, Quảng Nam:

Bàng hoàng sự cố vỡ cống dẫn dòng và nỗi lo chất lượng những "công trình nghìn tỉ"

Thứ Sáu, 16/09/2016, 09:25
Những tưởng, các tỉnh miền Trung "tai qua nạn khỏi" khi cơn bão số 4 dự đoán "siêu mạnh" đã tan thành áp thấp nhiệt đới… Nhưng sau bão, từ chiều và trong đêm 13-9, những thông tin chưa chuẩn xác ban đầu như: "Vỡ đập" tại thủy điện Sông Bung 2, nhiều tài sản, nhà dân bị nước thủy điện cuốn trôi, hay số người mất tích lên đến hàng chục, đã khiến người dân không khỏi nháo nhào, bất an.

Hai cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào sáng 14-9 đã khẳng định: "Chỉ là vỡ cống dẫn thủy điện do ảnh hưởng mưa bão và có 2 công nhân mất tích"… Tuy nhiên, dư luận không thể không lo lắng, đặt câu hỏi: "Vì sao một công trình thủy điện đội vốn hàng nghìn tỉ đồng, không những trễ tiến độ 1 năm, mà mới mưa bão đã xảy ra sự cố?!”...

"Nỗi đau sau bão" tại cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2

Theo báo cáo thiệt hại tài sản sau sự cố vỡ cống dẫn dòng tại công trình thủy điện Sông Bung 2 (tại xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vào chiều tối ngày 13-9 do UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp thì chỉ có: 2 ôtô loại 7 chỗ, 2 máy đào, 1 máy cẩu 25 tấn, khoảng 3-4 chiếc ôtô tải ngập trong nước và các thiết bị thi công, vật tư khác… Nước tràn cũng làm ngập lụt một số đường giao thông tại thôn Pà Ooi, cuốn trôi 1 nhà dân và làm một nhà dân khác bị xiêu vẹo…

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng tại hiện trường.

Nguyên nhân sự cố là do: Ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11-9, nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn vào khoảng 560m3/s. Nước lũ đã chảy mạnh làm bục cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công…

Nhưng, lại có đến 2 công nhân lái máy đào của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Thủy Lợi 4 bị mất tích; ngoài ra, có một số công nhân trồng rừng, người vãng lai chưa liên lạc được.

Cho đến 10h ngày 14-9, theo xác nhận của Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thì: Ngoài hai công nhân mất tích, đang được tích cực tìm kiếm, hiện đã tìm được hết những người bị mất liên lạc.

Trả lời câu hỏi của PV Chuyên đề CSTC về việc có khởi tố vụ việc hay không, Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết: Cần phải xác định rõ nguyên nhân và cần làm rõ về sự cố rồi mới có thể khởi tố hay không. Sau khi rõ tất cả các nguyên nhân liên quan thì sẽ xem xét và làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan…

Khi kể lại sự việc kinh hoàng vào chiều tối ngày 13-9 cho PV, một ngày sau khi xảy ra sự cố, các công nhân ở đập thủy điện Sông Bung 2 vẫn chưa hết bàng hoàng: "Thật là kinh hoàng.  Bấy giờ, nhiều công nhân đang làm việc giữa lòng sông thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn, ngay sau đó dòng nước từ trên đập thủy điện đổ ập xuống, hàng chục người hoảng loạn bỏ chạy"...

Anh Nguyễn Hữu Dân, công nhân Công ty Thủy lợi 4, là người lái xe cẩu ngay dưới chân đập thủy điện Sông Bung 2, đồng thời cũng là nhân chứng của vụ việc thì: "Tôi đang điều khiển xe bỗng thấy nước chảy xuống ào ào nên đạp cửa chạy lên bờ. Do nơi tôi làm việc gần bờ nên mới nhanh chân chạy thoát được. Tôi thấy 2 người lái xe cẩu đang làm việc giữa lòng sông nên họ không thể chạy kịp vì bất ngờ, đến bây giờ nhớ lại sự việc tôi vẫn thấy hãi hùng".

Sáng 14-9, hiện trường tại nơi vỡ cống dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2, nước lũ tràn đã rút, nhưng nước mắt của người thân, đồng nghiệp của 2 công nhân mất tích vẫn không ngừng chảy.

Ai cũng đau đớn: "Anh Tuyền mới lên làm việc 3 ngày thôi mà, sao xui quá. Xe nó đang nằm giữa sông mà nó bây giờ ở đâu"?... Nghe tin anh Tuyền gặp nạn, người nhà đã vượt 60km đường rừng đến hiện trường để cùng phối hợp tìm kiếm với cơ quan chức năng.

Tại trụ sở Ban chỉ huy công trình, anh Trần Minh Quý, em vợ anh Tuyền, cho hay: "Gia đình tôi ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) nghe tin công trình thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ đập ngay trong chiều 13-9. Gia đình liền giấu kín thông tin không cho vợ anh Tuyền là chị Trần Thị T.T. biết.

Tuy nhiên đến tối cùng ngày, vợ anh Tuyền đọc báo biết chồng mất tích đã nằng nặc đòi vượt lũ đi tìm chồng... Anh Quý còn đau đớn cho biết, anh Tuyền là tài xế lái máy xúc làm việc ở thị trấn Thạnh Mỹ.

Hơn 1 tuần trước, Công ty Thủy lợi 4 - là đơn vị thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 - thuê anh Tuyền lên công trình thủy điện Sông Bung 2 dọn dẹp rác. Tuy nhiên, công việc ở công trình là khơi thông dòng nước phía chân đập. "Anh ấy chỉ mới làm việc ở đây 3 ngày.

Tôi nghe các công nhân khác kể anh Tuyền làm việc ngay chân đập, nơi cống dẫn bị vỡ nên không thể đạp cửa chạy lên bờ kịp". Vị trí các chân đập khoảng 200m. "Tôi tin chắc anh tôi còn mắc kẹt ở trong cabin xe. Anh ấy bị nạn đã hơn 12 giờ rồi. Tai nạn đã xảy ra, gia đình chỉ mong đưa được anh ấy về nhà nguyên vẹn.

Đến trưa 14-9, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện lực 2 - chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2, đã cung cấp thông tin mới nhất về những người mất tích trong sự cố vỡ cống dẫn thủy điện Sông Bung 2.

Một nhân chứng kể lại vụ vỡ cống dẫn dòng khiến 2 công nhân mất tích.

Ông Hải cho biết vẫn chưa tìm được thi thể 2 công nhân mất tích là anh Đặng Văn Tuyền (SN 1979, trú tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (SN 1992, trú tỉnh Phú Thọ).

Ngoài ra, hơn 200 người thuộc các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, dân quân… đang tìm kiếm dọc bờ sông Bung 12 người dân thuộc huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) mất tích. Các lực lượng chức năng cũng nhận được tin báo 9 lao động tự do đang đãi vàng trên sông Bung hiện vẫn chưa thể liên lạc được.

Theo ông Hải, hiện các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Giang cũng đã điều lực lượng theo dọc sông Bung phần hạ lưu của đập thủy điện Sông Bung 2 để tìm kiếm cứu nạn...

Nỗi lo chất lượng những công trình nghìn tỉ

Trước thông tin nhiều chiều chưa kiểm chứng, tránh để dư luận hoang mang, sau chuyến thị sát thâu đêm tại công trình thủy điện Sông Bung 2, nơi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên, 9 giờ sáng ngày 14-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Huỳnh Khánh Toàn đã chủ trì cuộc họp báo "nóng" để thông tin đầy đủ cho dư luận và nhân dân được rõ.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến kiểm tra hiện trường vụ sự cố nghiêm trọng.

Thứ trưởng Hưng cho rằng, đây là sự cố nghiêm trọng nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị chức năng, công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng được triển khai. Hiện các hạng mục như đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước... đang ổn định.

Bên cạnh việc tìm kiếm bảo đảm an toàn, Tổng Công ty Phát điện 2 tiếp tục phối hợp với ngành liên quan sớm khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão.

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cơ quan chức năng kiểm tra về sự an toàn trong lao động, an toàn các hồ đập ở khu vực miền Trung cũng như trên địa bàn Quảng Nam; đồng thời tổ chức đánh giá toàn diện dự án thủy điện Sông Bung 2 để xem liệu có tiếp tục tích nước được hay không...", ông Hưng chỉ đạo.

Điều nhiều người lo lắng là hiện nay Quảng Nam có nhiều thủy điện, trước mùa mưa bão còn có những biện pháp gì?. Ông Toàn cho rằng, hiện những thủy điện trên 30MW là do Bộ Công thương quản lý, còn dưới 30MW thuộc loại nhỏ và vừa do tỉnh quản lý.

Hiện Quảng Nam có 10 thủy điện lớn, trong đó 3 cái đang được xây dựng (Đăk Mi 2-3 và Sông Bung 2). Hằng năm, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương kiểm tra, rà soát mức độ an toàn công trình cũng như độ an toàn, xả lũ… để địa phương, người dân yên tâm.

"Chủ trương của tỉnh từ nay không triển khai dự án thủy điện nhỏ và vừa, để thực hiện chủ trương của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng, mà thủy điện cũng liên quan đến rừng nên phải thực hiện nghiêm túc", ông Toàn khẳng định.

Toàn cảnh hiện trường sự cố vỡ cống dẫn dòng tại thủy điện Sông Bung 2 khiến 2 công nhân mất tích.

Tại cuộc họp này, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 cũng đã chia sẻ: "Sự cố hết sức hy hữu, chúng tôi còn vài ngày nữa là xử lý xong hạng mục hầm dẫn dòng này. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tìm kiếm nạn nhân mất tích, hỗ trợ thiệt hại xảy ra.

Khi sự cố xảy ra, Tổng công ty đã cùng với cơ quan chức năng xử lý thâu đêm nắm thông tin, tìm kiếm nạn nhân mất tích. Khẩn trương khắc phục sự cố để đẩy nhanh hoàn thành tiến độ trong năm 2016".

Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích; triển khai ngay các giải pháp khắc phục sự cố, không để mất an toàn cho người và công trình vùng hạ lưu; đồng thời khẩn trương xác định nguyên nhân, thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động trong khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-9-2016.

Công trình trọng điểm thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) được khởi công xây dựng cuối năm 2012, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2015. Đáng nói, vào tháng 5-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh dự án thủy điện Sông Bung 2 với giá trị 5.239 tỷ đồng, thay vì TMĐT ban đầu là 3.661 tỷ đồng. Và việc đội vốn khủng tăng thêm trên 1.600 tỉ đồng, nhưng lại chậm tiến độ 1 năm, công trình tiếp tục gặp sự cố vỡ cống dẫn dòng khiến 2 công nhân mất tích, thiệt hại nhiều tài sản khác đã và đang là vấn đề mà người dân, dư luận đặc biệt quan tâm, cũng như đòi hỏi một "đáp án"  từ phía BQL dự án thủy điện Sông Bung 2.
Thu – Công
.
.
.