Băng tuyết, con cá và chiếc cần câu

Chủ Nhật, 06/03/2016, 11:15
Tôi thiết nghĩ muốn thay đổi được cuộc sống của người dân miền núi thoát khỏi nghèo đói lạc hậu không gì khác phải bằng tri thức. Mà tri thức chính là cái sự học của những đứa trẻ. Cái cần câu chính ở chỗ đó. Nhưng trước hết vẫn phải là con cá. Như những chiếc ủng, đôi giày, tấm áo chống chọi với trận rét vừa xong. Và những bữa cơm có thịt cho trẻ.

Lời tòa soạn: Kính thưa bạn đọc, từ số báo CSTC này chúng tôi mở chuyên mục Thư gửi từ cuộc sống, chia sẻ những câu chuyện mang tính cá nhân của một bạn đọc, một công dân, một người viết, về một vấn đề xã hội bất kỳ mà đông đảo bạn đọc đang quan tâm, bình luận. 

Chúng ta biết rằng mỗi ngày, có bao nhiêu điều khiến chúng ta suy nghĩ, truy vấn, muốn bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, với mục đích làm sao để cuộc sống ngày càng đẹp hơn, tình người được lan tỏa hơn. 

Thư gửi từ cuộc sống chính là những bức thư vang lên từ đời sống của mỗi người, hy vọng gặp được tiếng nói chung với nhiều người. Bức thư đầu tiên, chúng tôi xin giới thiệu là bức thư của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, về những trăn trở của ông trong công tác thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng mà ông tham gia bấy lâu, cũng là chủ đề mà rất nhiều bạn đọc quan tâm trên mạng xã hội trong đợt rét kỷ lục vừa qua ở miền Bắc.

Kính gửi các cư dân trên mạng xã hội

Miền Bắc vừa trải qua một đợt rét kỷ lục. Không chính xác lắm nhưng có lẽ đây là đợt rét đậm nhất mà tôi chứng kiến trong 60 năm cuộc đời. Rét đến mức khăn quấn sùm sụp, áo phao lèn phồng người và di chuyển bằng ôtô mà vẫn viêm họng ho khù khụ như cóc ngấm thuốc lào. Cơ thể không đề kháng nổi với cái rét kinh khủng. Nhiệt độ Hà Nội xuống 6 độ C, vùng núi có nơi xuống ngưỡng không, thậm chí dưới không độ, xảy ra hiện tượng đóng băng và tuyết rơi.

Với khí hậu nhiệt đới thì đây là một sự kiện thiên nhiên hiếm lạ. Điều đó đồng nghĩa với sự tò mò háo hức của không ít người muốn được chiêm ngưỡng. Từng đoàn xe và người ồn ã đổ về những vùng núi cao có băng tuyết như Sapa, Mẫu Sơn, Y Tý… Dòng người du lịch dịch chuyển về nơi có băng tuyết được các phương tiện truyền thông và thế giới mạng hào hứng đưa tin. Thoạt đầu ít người nói đến những hậu quả của thiên nhiên gây ra cho người dân ở vùng bị giá rét băng tuyết. 

Tôi đọc được trạng thái của một người quen trên facebook, đại thể anh phàn nàn tại sao mọi người chỉ quan tâm tận hưởng sự kỳ thú của băng tuyết mà quên đi những người dân nghèo khó đang gồng mình chống chọi với cái rét. Tâm đắc tôi còm vào bài và rất nhanh chóng nhận được lời đề nghị của anh sẽ gửi tiền về tham gia nếu có một cuộc vận động quyên góp chống rét. 

Ngay khi ông Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch quỹ Trò nghèo vùng cao giật một status kêu gọi chiến dịch chống rét khẩn cấp 24h thì anh bạn tôi đã lập tức gửi về 2000 CAN (tiền Canada tương đương với 32 triệu đồng tiền Việt) ủng hộ chương trình và anh đề nghị được giấu tên. Từ đây bắt đầu một chiến dịch rầm rộ chống rét và cũng hình thành những luồng dư luận trái chiều nhau về việc làm này.

Những đứa trẻ miền núi phong phanh trong tuyết rơi.

Con cá và chiếc cần câu là điều được nhiều người tranh luận lâu nay về một hiện tượng gọi là thiện nguyện đối với người dân miền núi, nhất là với trẻ em. Đại để con cá là chỉ những thứ người miền núi được nhận như quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men…tóm lại là những thứ thiết yếu cho đời sống. 

Ai là người làm thiện nguyện? Xin thưa đó là những người, nhóm hảo tâm, các hội đoàn và các quỹ thiện nguyện. Họ kêu gọi quyên góp và chuyên chở hàng hóa đưa đến những địa chỉ khó khăn nhất ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… nơi tập trung những dân tộc ít người lạc hậu so với đời sống hiện đại. Tóm lại là những nơi khó khăn, rất khó khăn từ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái học, cái sự đi lại giao thông, sinh hoạt. 

Đối tượng nhận được sự quan tâm nhiều nhất là trẻ em và các trường học. Cá biệt ở một số nơi đặc biệt khó khăn các cá nhân và tổ chức thiện nguyện còn xây trường, xây nhà ở nội trú cho giáo viên, học sinh. Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều cố gắng đầu tư cải thiện đời sống sinh hoạt cho miền núi như đưa ra những chính sách thiết thực cải tạo đường sá, bê tông hóa trường học, xây dựng chế độ nội trú, bán trú cho học sinh vùng cao, ưu đãi cứu trợ gạo, tiền cho một số đối tượng khó khăn…nhưng nói thật là vẫn chưa thể bù đắp hết. Người dân miền núi vẫn nghèo. Học sinh miền núi vẫn gặp vô vàn khó khăn trong hành trình tìm kiếm cái chữ từ trường lớp, nơi ăn chốn ở đến miếng ăn, cái mặc. 

Đấy, con cá là thế. Chỉ trích những việc làm từ tấm lòng lá lành đùm lá rách này, những người phản đối viện dẫn ra lý luận đừng cho con cá hãy cho người dân miền núi chiếc cần câu tức là cho họ phương tiện, tri thức, cơ sở vật chất để họ tự cải thiện cuộc sống của mình, đừng mang đến những thứ khiến họ lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vân vân và vân vân. Một câu chuyện vô tiền khoáng hậu sẽ chẳng thể có được câu trả lời thỏa mãn nhất cho từng bên cả con cá lẫn cần câu.

Trở lại với trận giá rét. Khi dòng người du lịch đổ về các vùng núi có băng tuyết sau im ắng ban đầu, dư luận truyền thông gần như nổi bão với những hình ảnh đa dạng về hiện tượng hiếm hoi của thiên nhiên này. Ngoài những phản ánh thiệt hại về con người, mùa màng, gia súc thì cá biệt có những hình ảnh về những đứa trẻ trần truồng, những người dân phong phanh trong giá rét. Nếu chỉ để mô tả sự nghèo khổ không có nổi đồ dùng chống rét đã đành đi một nhẽ. Đi miền núi nhiều tôi có thể khẳng định là đâu đó có những trường hợp như thế nhưng là rất hiếm hoi và nguyên nhân cũng nhiều. 

Nghèo, công nhận nhưng đến mức không có nổi một manh áo là không có. Đứa trẻ đó có thể sống bản năng theo thói quen từ cái nếp hoang dã, khốn khó và chúng ngại mặc quần áo. Không hiếm lần khi người lớn mặc cho chúng, chỉ được một lúc những thứ được cho đã bị đứa bé vứt bỏ. Hỏi cha mẹ chúng thì nhận được nụ cười hiền lành: "Nó thích thế.". 

Những hình ảnh xót xa vừa nêu mà một số người đưa lên với những dụng ý riêng, thậm chí họ lên án, chửi rủa những khách du lịch như thể đây chính là nguyên nhân gây ra băng tuyết. Cộng đồng mạng phân hóa bởi những ý kiến trái chiều, thậm chí còn giễu cợt những hành động thiện nguyện. Bất chấp điều đó, hàng trăm đoàn thiện nguyện tự phát, hàng vạn người hảo tâm đã đóng góp tiền bạc, đồ dùng dồn hơi ấm cho những vùng lạnh giá. 

Chỉ tính riêng quỹ Trò nghèo vùng cao trong chiến dịch chống rét khẩn cấp 24h được kéo dài trong 3 ngày đã huy động được gần 4 tỷ đồng và nhiều đồ dùng chống rét. Quỹ đã điều động nhiều chuyến xe chở đầy quần áo ấm, khăn, ủng, giày dép, chăn…đến với xấp xỉ hai vạn học sinh của nhiều trường học ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. 

Nếu thống kê đầy đủ các đoàn thiện nguyện đến với miền núi đợt giá rét này sẽ là những con số không chỉ là con số. Nó là hơi ấm tình người, lòng người bao bọc đồng bào. Nếu không có những sự trợ giúp kịp thời đó điều gì sẽ xảy ra. Hẳn sẽ lại có lập luận, chẳng có thì đồng bào vẫn vậy, bao đời nay họ quen với những điều như thế rồi. Không. Không thể tàn nhẫn như thế được. Không chỉ người dân trong nước, rất nhiều kiều bào nước ngoài bằng nhiều nguồn đã gửi tấm lòng của mình về sẻ san hơi ấm chống lại băng giá. Trận rét kỷ lục này thêm một minh chứng cho truyền thống người Việt yêu thương, cưu mang nhau khi hoạn nạn.

Nhân trận rét cần phải nói kỹ về con cá và chiếc cần câu. Năm 2011, khi bắt đầu chương trình Cơm có thịt (tiền thân của quỹ Trò nghèo vùng cao) nhà báo Trần Đăng Tuấn chủ trương cho trẻ mầm non phải có bữa cơm trưa có thịt. Cũng cần nói rõ lúc này ngoài một số trường nội trú dân tộc, bán trú của bậc tiểu học, trung học cơ sở đủ tiêu chuẩn, các học sinh được Nhà nước nuôi ăn thì bậc học mầm non mới chỉ có lứa 5 tuổi được trợ cấp 120 ngàn đồng/ tháng. Số tiền này được phát thẳng cho phụ huynh học sinh. 

Trẻ mầm non đi học và không có ăn trưa (nếu có là cơm nhà mang đi) nên chúng bỏ học rất nhiều. Khi Cơm có thịt trợ cấp lứa 4 tuổi, 3 tuổi bằng với chế độ nhà nước cho trẻ 5 tuổi với yêu cầu nhà trường phải tổ chức bữa cơm trưa có thịt cho học sinh. Chương trình cũng tài trợ luôn những dụng cụ đồ bếp và những thứ để có thể đủ tổ chức được việc nấu ăn. Hàng loạt trường mầm non ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang…đã nổi lửa nấu cơm cho trẻ trong sự tài trợ của Cơm có thịt. Khi Nhà nước điều chỉnh chế độ cho toàn bộ trẻ mầm non được hưởng 120 ngàn/ tháng thì chương trình chuyển sang hỗ trợ lứa nhà trẻ và các đối tượng không trong diện Nhà nước trợ cấp. 

Nhắc đến việc này để tôi muốn nhấn mạnh chuyện con cá và cần câu. Đúng, cần câu rất tốt, rất cần và đó là đường hướng cơ bản lâu dài. Nhưng để có cái cần câu ấy và sử dụng được nó để thay đổi cuộc sống cái cần nhất là gì? Đất trồng trọt ở miền núi tưởng nhiều nhưng thực ra rất ít ỏi nhất là vùng đông bắc. Chăn nuôi chưa hẳn là giải pháp tối ưu vì đã không ít người, tập thể giúp đồng bào theo hướng này nhưng kết quả không được như ý. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chiếc cần câu vẫn là ẩn số. 

Tôi thiết nghĩ muốn thay đổi được cuộc sống của người dân miền núi thoát khỏi nghèo đói lạc hậu không gì khác phải bằng tri thức. Mà tri thức chính là cái sự học của những đứa trẻ. Cái cần câu chính ở chỗ đó. Nhưng trước hết vẫn phải là con cá. Như những chiếc ủng, đôi giày, tấm áo chống chọi với trận rét vừa xong. Và những bữa cơm có thịt cho trẻ.

                              Hà Nội 30/1/2016

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
.
.
.