Báo động sự lên ngôi của thị trường mỹ phẩm giả trong giới tuổi teen

Thứ Hai, 11/11/2013, 10:21

Ngày đó vẫn còn xa, và trong khi chờ đợi, các cô gái đang học cấp II, cấp III vẫn ngày ngày dành thời gian buổi sáng để trang điểm bằng các thứ mỹ phẩm không đảm bảo. Không ai trang bị cho các em kiến thức, cũng hầu như chẳng có phụ huynh nào cho rằng mình phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra để con em mình có được kiến thức về chuyện làm đẹp. Do vậy, các em vẫn cứ làm theo cách của mình.

Hình ảnh các cửa hàng bán mỹ phẩm màu sắc sặc sỡ, bày đủ các loại hàng hóa, thương hiệu nào cũng có, mà quanh năm suốt tháng trưng biển “đại hạ giá”, “giảm giá sốc” đến tận 50, 70% không còn xa lạ gì với người dân thành phố. Đi quanh Hà Nội một vòng, có thể sơ sơ thấy ít nhất hàng trăm cửa hàng loại ấy nằm trên các con phố từ lớn đến nhỏ, từ đông đúc tấp nập đến vắng vẻ. Cộng thêm cả trăm các sạp hàng bán mỹ phẩm thập cẩm ở các chợ lớn chợ nhỏ, cộng thêm cả ngàn các cửa hàng bán trên các loại mạng, có thể thấy lượng mỹ phẩm “trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ” như người ta thường nói, và tất nhiên đi liền với điều đó là không rõ cả về chất lượng, lớn đến mức nào.

Đáng nói hơn nữa, thị trường mỹ phẩm này cứ tồn tại, cứ phát triển, cứ bành trướng, mặc cho cửa kính trong suốt của các hãng mỹ phẩm chính cống ngày qua ngày cứ hiện rõ một hình ảnh ảm đạm: cửa hàng cả ngày vắng khách, đám nhân viên chẳng có mấy việc để làm ngồi nhìn kẻ qua người lại bên ngoài lớp kính, và tất nhiên, nhìn cả cửa hàng mỹ phẩm thập cẩm hãng gì cũng có, hàng gì cũng sẵn ở bên kia đường. Ai cũng biết dùng mỹ phẩm không nguồn gốc xuất xứ, bán trong các cửa hàng không chính hãng, thì nguy hiểm đến mức nào. Lại có những thời gian các cơ quan chức năng tưng bừng vào cuộc, kiểm tra, thử nghiệm, kết luận, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hại của những loại mỹ phẩm này đến sức khỏe và cả nhan sắc người dùng. Cứ tưởng thị trường mỹ phẩm giả phải chết đến nơi, cứ tưởng khách hàng sẽ bỏ chạy hết. Ấy thế nhưng mà không!

Không cần làm điều tra cho mất công, ai cũng biết khách hàng chọn các cửa hàng này mà không bước vào các hãng mỹ phẩm chính cống vì một nguyên nhân đơn giản: giá rẻ. Giá cả so với hàng xịn trong cửa hàng, trên web hãng rẻ đến giật mình, đã thế còn có chương trình bốn mùa giảm giá, giảm đến mức không thể giảm hơn được. Khách hàng có nhu cầu làm đẹp, nhưng túi tiền chỉ có hạn, cộng thêm chút dễ dãi, chút liều lĩnh trong tâm lí nữa, thế là thành ra khách hàng tiềm năng của thị trường mĩ phẩm giả. Cứ mua, cứ dùng, cũng chả thấy tác hại gì ngay trước mắt cả, thế rồi thành khách hàng trung thành từ lúc nào không hay.

Và một điều tưởng chừng nghịch lý đã xảy ra: kinh tế khủng hoảng hình như chỉ chạm đến được các hãng mỹ phẩm chính cống, chứ chẳng ảnh hưởng gì mấy đến các cửa hàng mỹ phẩm “hợp túi tiền”. Thậm chí, suy thoái có khi còn là một động lực đẩy cho thị trường ấy tiến lên phía trước mạnh mẽ hùng hồn hơn gấp bội. Nghe nói, có cả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, càng lao đao về tài chính, kiếm tiền càng khó khăn, phụ nữ lại càng có nhu cầu làm đẹp!

Thử dành ra một buổi quan sát khách hàng vào ra các cửa hàng mỹ phẩm trên, chúng ta sẽ thấy một phần khá lớn trong đó là học sinh. Các em gái, cháu gái trẻ măng, còn mang trên mình chiếc áo đồng phục học sinh, vác theo ba lô đựng sách vở to đùng, hăng hái chọn lựa, thử, rồi trả tiền mua về đủ thứ mỹ phẩm. Học trò trang điểm không còn là chuyện lạ ngày nay. Trên các diễn đàn từng truyền nhau một bài viết mang tên “Sự khác nhau giữa học sinh thời xưa và nay”.

Ảnh minh họa.

Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra 10 điểm khác biệt giữa học sinh thời xưa và học sinh thời nay. Ví dụ, những buổi sáng đến trường, học sinh ngày xưa dạy sớm, ôn lại bài cũ, đạp xe đến trường, học sinh ngày nay dạy sớm nhưng ngồi bàn trang điểm, soi gương, vuốt keo, nhảy lên xe máy phóng vèo vèo. Học sinh ngày xưa kính trọng thầy cô giáo và đa phần đến khi về già, vẫn đi thăm thầy cô giáo cũ, học sinh thời nay đa phần gọi thầy cô là ông bà, còn có trò viết blog chửi thầy cô. Học sinh ngày xưa rất ít khi yêu nhau, có yêu thì thường bí mật, học sinh thời nay, cùng một lúc có thể yêu được vài người và thường dẫn nhau đi nhà nghỉ...

Bài viết gây tranh cãi, một phần vì cách so sánh có phần cực đoan. Xét cho cùng, thì thời nào cũng có người thế này, người thế khác. Hoài niệm học sinh của ngày xưa, coi học sinh ngày xưa như chuẩn mực để phê phán học sinh ngày nay, khó lòng nhận được sự tán đồng hoàn toàn của giới học sinh. Tuy nhiên,có một chi tiết nhỏ mà chắc học sinh thời nay đều phải công nhận: đó là, học sinh nữ thời xưa, rất hiếm khi trang điểm khi đến lớp, còn thời nay, việc các bạn gái trang điểm đến trường là điều hết sức bình thường. Các em trang điểm vì muốn mình đẹp hơn, vì muốn bắt chước các thần tượng, và vì nhiều lý do khác nữa.

Mà nói cho thật công bằng, việc các bạn gái trang điểm khi đi học quả đúng là việc rất bình thường. Tôi tin rằng chỉ chưa đến chục năm nữa, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, và nói rộng ra là cả dư luận xã hội sẽ bớt đi nhiều phần khắt khe khi nói về chuyện này. Các học sinh nữ bước vào cấp II, tức là mười mấy tuổi, cũng là lúc nên bắt đầu học trang điểm, cả lý thuyết lẫn thực hành. Trang điểm nên được coi như một kỹ năng cần thiết của cuộc sống hiện đại, cũng như các kỹ năng giữ gìn sức khỏe hay kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu hiểu như vậy, thì chính các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, thay vì trách mắng, cảnh cáo, tỏ thái độ không ưa, hay cấm đoán các em trang điểm, phải trở thành người hướng dẫn các em luyện tập kỹ năng này.

Tuy nhiên, ngày đó chắc vẫn còn xa, và trong khi chờ đợi, các cô gái đang học cấp II, cấp III vẫn ngày ngày dành thời gian buổi sáng để trang điểm bằng các thứ mỹ phẩm không đảm bảo. Không ai trang bị cho các em kiến thức, cũng hầu như chẳng có phụ huynh nào cho rằng mình phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra để con em mình có được kiến thức về chuyện làm đẹp. Do vậy, các em vẫn cứ làm theo cách của mình. Bớt tiền quà sáng, dành tiền tiết kiệm, thậm chí nói dối bố mẹ phải nộp tiền nọ tiền kia để lấy tiền đi mua mỹ phẩm. Và không cần nói thì cũng đoán ra, mỹ phẩm các em mua chủ yếu là loại mỹ phẩm gì.

Về phía nhà trường và các thầy cô giáo, có lẽ hiếm có trường học nào để tâm, mà cũng hiếm thầy cô nào thực sự muốn tìm hiểu nhu cầu làm đẹp của lứa tuổi này. Phổ biến nhất là chuyện các trường học đưa ra lệnh cấm, còn thầy cô giáo thì giữ thái độ ác cảm, định kiến với chuyện học sinh nữ làm đẹp khi tới lớp. Về phía gia đình, nếu không phải là ngăn cấm thì cũng là buông xuôi, để mặc con cái muốn làm gì thì làm, bởi vết hằn đã sẵn trong đầu: “chúng nó nghe bạn bè chứ đâu có nghe bố mẹ trong mấy cái chuyện này”.

Trang điểm sớm chẳng có gì là sai, nhưng thật đáng tiếc khi cả một thế hệ có thể làm hỏng sức khỏe và vẻ đẹp của mình bởi không được hướng dẫn trang điểm đúng cách. Và đáng báo động hơn khi thị trường mỹ phẩm giả vẫn tồn tại, vẫn ăn nên làm ra ngày ngày dựa trên nhiều khách hàng “tiềm năng” này. Đứng từ quan điểm xã hội học, thói quen tiêu dùng được hình thành trong giai đoạn bắt đầu trưởng thành có ảnh hưởng rất lớn đến cách tiêu dùng sau này của một con người. Đằng sau những cửa hàng lấp lánh ánh sáng và tỏa mùi thơm của trăm ngàn thứ mỹ phẩm kia, có những mối nguy hại phức tạp hơn nhiều và nghiêm trọng hơn nhiều những thứ “độc hại”, “không rõ nguồn gốc xuất xứ” mà các nhà quản lí thị trường vẫn cảnh báo

Mai Thanh
.
.
.