Báo động tình trạng cháy nổ tại các quán karaoke

Chủ Nhật, 06/11/2016, 14:45
13 người tử vong trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1-11-2016 là một con số quá lớn khi xảy ra ở giữa Thủ đô. 


Sau vụ cháy quán karaoke ở phố Nguyễn Khang, Hà Nội cách đây hơn 1 tháng, dư luận một lần nữa lại dấy lên sự lo lắng, hoang mang về mức độ an toàn cháy nổ của các quán karaoke.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) không đảm bảo, cửa thoát hiểm không có hoặc khá nhỏ hẹp, biển quảng cáo lớn che kín mặt tiền gây khó khăn cho công tác cứu hộ… các quán karaoke hiện đang trở thành nỗi đe dọa không chỉ với chính những khách hàng ra vào quán mà cả với những hộ dân xung quanh.

Quản lý lỏng lẻo?

Vào khoảng 13h30 ngày 1-11, tại quán karaoke 68 trên đường Trần Thái Tông, bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra 5 ngôi nhà xung quanh cũng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke do phía trước là các biển quảng cáo liền kề nhau. Phải vật lộn hơn 5 giờ đồng hồ, lực lượng Cảnh sát PCCC mới khống chế được đám cháy nhưng 13 nạn nhân vĩnh viễn nằm lại trong vụ hỏa hoạn khủng khiếp ấy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC căng mình chữa cháy.

Được biết, vào tháng 10-2016, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy kiểm tra và yêu cầu đình chỉ hoạt động quán karaoke số 68 Trần Thái Tông do hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu nhưng không hiểu vì lý do gì, quán vẫn hoạt động để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như ngày 1-11.

Trước đó, chiều 17-9, quán karaoke 8 tầng ở phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy bất ngờ bùng cháy với cột lửa cao hàng chục mét khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc chập điện cháy biển quảng cáo và quán karaoke 85 Nguyễn Khang chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về PCCC và cũng từng bị kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần song vẫn vi phạm.

Thời điểm hỏa hoạn, quán đang sửa chữa nhưng vẫn kinh doanh karaoke. Thực tế cho thấy, những vụ cháy lớn ở quán karaoke phần lớn bắt nguồn từ những vụ chập điện, cháy biển quảng cáo Led. Với lợi thế về giá, sử dụng công nghệ đèn màu sắc, đèn Led đang được nhiều cửa hàng, quán ăn lựa chọn nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của người đi đường.

Thế nhưng để tiết kiệm chi phí, chủ cửa hàng thường lựa chọn các thiết bị, dây nối có độ bền thấp, nên thường xuyên xảy ra sự cố hư hỏng. Thêm vào đó việc sửa chữa, lắp ráp… thiếu kĩ năng, thiếu công tác bảo đảm an toàn PCCC rất dễ gây ra cháy nổ.

Hầu hết biển quảng cáo điện tử được làm bằng mecal, nhựa nên khi chập, cháy rất dễ bắt lửa. Việc treo biển quảng cáo quá lớn che kín mặt tiền các nhà cao tầng, ảnh hưởng tới công tác cứu hộ, chữa cháy cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ hỏa hoạn lan nhanh và khả năng thương vong lớn.

Chỉ lướt qua một số tuyến phố lớn của Hà Nội cũng đủ thấy các cửa hàng kinh doanh đều treo biển quảng cáo cỡ lớn, bịt kín lối thoát nạn của ngôi nhà, trong khi phần lớn các cửa hàng và cả nhà dân đều được thiết kế theo hình ống diêm và cửa cuốn điện, 4 bề bê tông kín mít.

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh, quán karaoke… xây dựng không qua thẩm duyệt PCCC, không có hệ thống thoát hiểm, còn tự ý bịt kín mặt thoáng duy nhất của tòa nhà để treo biển quảng cáo, không trang bị dây thoát nạn trên cao hoặc thang dây, dù cơ quan PCCC đã có nhiều kiến nghị, khuyến cáo khiến nguy cơ cháy nổ xảy ra nhiều hơn và khả năng thương vong lớn hơn nhiều so với những nơi khác.

Các quán karaoke thường chỉ có một cửa ra vào nên nếu xảy ra cháy ở điểm ngoài cửa phòng hát thì người ở bên trong chỉ có cách chạy vào biển lửa mới có đường thoát. Hệ thống cách âm, mút xốp bao bọc quanh hệ thống đèn, việc trang trí các phòng hát bằng các loại thảm cầu kì, cộng với loa đài công suất lớn hoạt động trong thời gian dài chính là nguy cơ xảy ra cháy, nổ và một khi đã cháy thì cháy rất lớn, hỏa hoạn lan nhanh.

Tại sao những quán karaoke khi bị cháy mới phát hiện là có sai phạm về hệ thống PCCC, giấy phép kinh doanh, nhiều quán còn bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn vô tư kinh doanh dẫn đến những hậu quả nặng nề? Vụ cháy ngày 1-11 ở phố Trần Thái Tông là một ví dụ điển hình và là một trong những vụ cháy có tỷ lệ người chết lớn nhất tại Hà Nội trong vòng mấy chục năm trở lại.

Tại thời điểm cháy, nếu hệ thống báo cháy hoạt động thì chỉ cần có khói phát ra, chuông reo, khách hàng sẽ có cơ hội thoát thân. Và nếu theo đúng quy định về PCCC như có hệ thống thang dây thoát hiểm, cửa thoát hiểm, van nước chữa cháy xả tự động từ trên tầng cao thì có lẽ sẽ không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo một số nhân chứng cho biết, khi phát hiện ra cháy bảng quảng cáo, nhân viên quán karaoke ra sức dập lửa nhưng bất thành. Và phải đến 30 phút sau, không khống chế được ngọn lửa thì các nhân viên mới hô hoán cho khách hàng tháo chạy nhưng tất cả đã quá muộn.

Đã có nhiều vụ cháy lớn xảy ra ở các quán karaoke nhưng dường như việc quản lý hệ thống PCCC, giấy phép kinh doanh của các quán này vẫn đang bị buông lỏng. Và ngay giữa Thủ đô Hà Nội, ngay mặt tiền phố lớn như Trần Thái Tông lại xảy ra một vụ cháy kinh hoàng đến như thế.

Nếu như những quán karaoke này nằm sâu trong ngõ, công tác cứu hộ càng gặp khó khăn thì có lẽ thương vong và thiệt hại còn xảy ra nhiều hơn thế.

Kỹ năng thoát hiểm

Tuy nhiên, việc hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi hỏa hoạn xảy ra hoàn toàn có thể làm được nếu mọi người tự trang bị cho mình những kỹ năng sống và mẹo thoát hiểm cần thiết. Khi bước vào quán karaoke, khách hàng thường trong tình trạng thiếu tỉnh táo vì đã có hơi men từ trước, nên nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình.

Đôi khi việc hút thuốc lá vô tình chỉ để tàn thuốc rơi xuống cũng có thể làm bùng phát nguy cơ hỏa hoạn vì các phòng hát được làm bằng các nguyên liệu cực kì dễ cháy và bén lửa. Vì thế điều cấm kị nhất là hút thuốc trong quán karaoke.

Chia sẻ về những kĩ năng thoát hiểm trong đám cháy, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó phòng Cảnh sát PCCC số 7, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay: "Khi đám cháy xảy ra, quan trọng nhất và cũng là nguyên tắc sống còn là giữ bình tĩnh, tỉnh táo.

Khói bốc lên từ quán karaoke 68.

Tuyệt đối không được chạy vào nhà vệ sinh để cố thủ vì nơi đó càng thiếu không khí, dễ bị chết ngạt. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết những người đã vào quán karaoke là uống rượu hoặc bia nên trí nhớ sẽ giảm tới 50%, lúc ấy sẽ không minh mẫn và khiến cho khả năng tử vong xảy ra nhiều hơn.

Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Đặc biệt, cần hết sức cân nhắc khi nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Khi phát hiện cháy, điều cấm kị là dùng thang máy thoát hiểm vì khi đó điện có thể cắt đột ngột, thang máy dừng, khách hàng sẽ bị mắc kẹt trong đó. Nhanh trí dùng bất kỳ vật gì có thể thấm nước: chăn, màn, khăn, vải, quần áo choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể".

Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả vẫn là sự chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh không chỉ của các quán karaoke mà bất kể cửa hàng kinh doanh nào. Người kinh doanh phải luôn coi tính mạng con người là trên hết, đừng vì đồng tiền mà bất chấp tất cả.

"Nhất thủy, nhì hỏa", thiên tai khó có thể đổ lỗi được nhưng hỏa hoạn đều do con người mà ra, sức tàn phá của nó vô cùng ghê gớm, vì thế hãy biết phòng tránh có hiệu quả để những tai nạn đáng tiếc không xảy ra.

Ngay sau vụ cháy, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C66, Bộ Công an) có điện đề nghị lãnh đạo Công an các địa phương tổ chức rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ như: quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng… Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

Đối với vụ cháy tại quán karaoke 68, C66 đề nghị Công an, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả; điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó vụ cháy ở quán karaoke 68 (đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) gây thiệt hại về người và của nhiều nhất.

Ngọc Trâm
.
.
.