Bao giờ mới hết những "con voi chui lọt lỗ kim"?

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:59
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội, tồn đọng từ năm 2015- 2016 tới nay. Trong 43 trường hợp vi phạm, quận Hoàn Kiếm- một trong bốn quận nội đô lịch sử đứng đầu danh sách với 8 trường hợp; tiếp đến là quận Hai Bà Trưng (7 trường hợp); quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì (5 trường hợp); quận Ba Đình (3 trường hợp)…


Trong số các công trình bị bêu tên lần đầu này, có nhiều chung cư đã "nổi tiếng" vì vi phạm từ nhiều năm qua như tòa nhà 8B Lê Trực ở quận Ba Đình của Công ty CP May Lê Trực; Chung cư 93 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư tòa nhà Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng của Công ty TNHH Hòa Bình;

dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi (chung cư King Palace) do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn;

chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, Hà Đông) do Công ty CP Thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư; chung cư Đại Thanh, chung cư CT5 Tân Triều (huyện Thanh Trì) của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Tòa 04-HH02 - thuộc dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ của Công ty Cổ phần Alaska…

Ngoài những doanh nghiệp tư nhân, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Hà Nội là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cũng bị nêu đích danh vi phạm tại các công trình xây dựng tại các lô E3, E4, E5 khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Đây là lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội công bố "danh sách đen". Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao với những công trình nhà ở của các gia đình, dù trong ngõ ngách nhưng khi sửa chữa hoặc xây dựng, chỉ cần đổ một đống cát ra đường thì lập tức đã thấy thanh tra xây dựng có mặt. Vậy mà những công trình xây dựng vi phạm này đều là các tòa chung cư hàng chục tầng, nằm ngay mặt phố nhưng dù vi phạm đều tồn tại từ nhiều năm qua mà mãi không được xử lý dứt điểm?

 Điển hình trong số này là tòa nhà 8B Lê Trực, đã phát hiện sai phạm và xử lý từ năm 2016 nhưng tới nay vẫn chưa xong. Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp.

Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép…

Tuy nhiên, sau khi phá dỡ tầng 19 vào năm 2016, từ đó đến nay việc xử lý tiếp phần sai phạm tại công trình này vẫn giậm chân tại chỗ. Chủ đầu tư dự án này cũng đã đề xuất nhiều phương án để xử lý phần sai phạm, như được nộp tiền phạt cho phần vi phạm để giữ lại công trình, thậm chí chuyển giao cho thành phố phần diện tích này nhưng đều không được chấp nhận…

Trong khi phương án phá dỡ nốt phần vi phạm đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Hậu quả là cho tới lúc này, công trình vẫn dở dang, còn người mua nhà trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Hay như chung cư 89 Phùng Hưng, dù sai phạm nhưng chủ đầu tư vẫn đưa dân vào ở khiến cho việc xử lý vi phạm hiện rất khó khăn.

Việc những tòa chung cư hàng chục tầng vi phạm không khác gì "con voi chui lọt lỗ kim". Để xảy ra vi phạm, chính quyền phường, quận cũng trách nhiệm rất lớn. Bởi dù có cả một bộ máy làm công tác quản lý đô thị nhưng vẫn để sai phạm ngang nhiên tồn tại.

Mới đây, ngày 18-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định có hiệu lực từ 1-4-2019. Theo đó, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh; đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Quy định mới cũng xác định trách nhiệm của chủ đầu tư; nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các cơ quan cung cấp dịch vụ có liên quan tới công trình vi phạm…

Đặc biệt, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.

Chưa biết sau quyết định này, có còn tiếp diễn tình trạng vi phạm xây dựng kéo dài dây dưa nhiều năm như vừa qua hay không? Hay cứ chờ và hy vọng vậy.

Công Lý
.
.
.