Bao giờ mới hết những "em bé tuổi 30"?

Thứ Hai, 18/07/2016, 09:12
30 tuổi, bạn đã trưởng thành chưa? Bạn đừng vội cười với câu hỏi này bởi hiện tại, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ chưa thể độc lập với cuộc sống của mình thì làm sao gọi họ là đã trưởng thành.

Theo cách nghĩ thông thường, với một người 30 tuổi, chắc chắn họ đã tốt nghiệp một trường đại học, cao đẳng hoặc học nghề nào đó, hoặc nếu không học hành thì cũng đã lăn lộn ngoài xã hội kiếm sống chục năm trời. Số đông đã lập gia đình và với thu nhập của mình, họ phải gánh vác những trọng trách là người chủ gia đình, nuôi dạy con cái và thực hiện các nghĩa vụ công dân.

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, sự "độc lập" này chỉ có nghĩa tương đối bởi còn rất nhiều thanh niên vì những lý do khác nhau mà không thể tự nuôi sống bản thân, vẫn phụ thuộc vào cha mẹ ngay cả khi họ đã xây dựng gia đình. Còn phụ thuộc vào kinh tế nghĩa là phụ thuộc nhiều thứ khác, nhất là tư duy và như thế, chắc chắn không thể gọi họ là người đã trưởng thành.

Minh họa: Lê Tâm

Ở nhiều nước phát triển, thanh niên đủ 18 tuổi sau khi gia đình làm lễ trưởng thành, họ có quyền ra ngoài thuê nhà sống, hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ.

Họ có thể vừa đi học, vừa đi làm ngoài giờ để trang trải cuộc sống và tất nhiên phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi của mình. Trước đó, khi còn nhỏ, họ đã được quyền bộc lộ những quan điểm cá nhân và cha mẹ khuyến khích họ như vậy.

Ở ta thì khác. Bởi nhiều phụ huynh luôn quan niệm con cái mãi là đứa trẻ, cần sự quan tâm, chăm bẵm của cha mẹ nên con cái dù học xong đại học rồi đi làm thì bố mẹ vẫn phải nuôi, vẫn phải hỏi han tình hình mỗi ngày, vẫn bị can thiệp vào những việc hệ trọng. Tất cả hình thành nên tính cách lệ thuộc trong mỗi cá nhân đó và một khi đã là tính cách thì khó lòng thay đổi.

Đó là ở nhà, còn ở trường học cũng tương tự. Giáo dục đi theo một lối mòn bao nhiêu năm nay, nghĩa là những gì thầy cô giáo nói luôn luôn đúng, luôn luôn là chân lý. Cùng với đó là rất nhiều bài toán mẫu, bài văn mẫu mà học sinh cần phải học thuộc rồi chép ra trong những bài kiểm tra.

Nếu một học sinh đưa ra một quan điểm cá nhân không giống với thầy cô giáo thì sẽ bị cho là cá biệt, ngỗ ngược hay… có vấn đề. Xét cho cùng, thầy cô cũng là con người, cũng có những sai lầm và chân lý không phải lúc nào cũng chuẩn xác trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh.

Còn ở công sở, nơi mà chủ nghĩa kinh nghiệm của lớp người đi trước luôn được đề cao thì những ý kiến trái ngược của người trẻ sẽ bị coi là "ngựa non háu đá" hoặc sẽ bị người có kinh nghiệm xoa đầu căn dặn: không biết dựa cột mà nghe. Tất nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là những người trẻ có hiểu biết, có kiến thức xã hội và ý kiến họ đưa ra dù không đồng thuận với người quản lý nhưng cũng không hẳn là sai trái.

Sống trong những môi trường như thế, để người 30 tuổi trưởng thành theo đúng nghĩa quả thật là khó. Chúng ta thường nói với nhau rằng, hãy tin ở lớp trẻ, hãy trao cho họ cơ hội song lại không sẵn sàng chấp nhận những quan điểm của họ, vẫn bắt họ phải đi theo những lối mòn của tư duy, định kiến thì rõ ràng những người trẻ cũng không thể phát huy tốt nhất những năng lực, sở trường của mình.

Mới đây, một bài viết trên mạng có nhan đề: Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều "em bé tuổi 30" đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của độc giả. Đó là cách nhìn thẳng thắn của một người trẻ khi muốn khẳng định một điều, sự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ "những em bé tuổi 30".

Đã đến lúc những người lớn cần có sự thay đổi về cách nhìn với người trẻ bởi đó là động lực của sự phát triển. Trong một xã hội vận động không ngừng thì luôn cần những tư tưởng mang tính đột phá, tiên phong dù những tư tưởng đó chỉ có giá trị tại một thời điểm nhất định.

Và sự thay đổi đó phải được diễn ra trong mỗi gia đình nhỏ, để hình thành nhân cách cho từng đứa trẻ. Chính vì thế, tôi rất tâm đắc khi tác giả kết thúc bài viết: Một trong những kỹ năng quan trọng mà giáo dục gia đình cần phải làm được, đó là dạy được cho trẻ kỹ năng bày tỏ ý kiến ngay từ những tháng năm đầu đời. Đã đến lúc xã hội phải có một góc nhìn cởi mở hơn, không phải cái gì có trước, cái gì lâu đời hơn thì sẽ là bất biến, là chân lý mãi mãi.

Tuấn Nguyễn
.
.
.