Bao giờ mới hết "trên bảo dưới không nghe"?

Thứ Bảy, 22/02/2020, 15:58
Đầu tuần này, Văn phòng Chính phủ lại  có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc xử lý vi phạm liên quan đến các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn Hà Nội.


Theo đó, xét báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả xử lý các vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính, quận Ba Đình và mương thoát nước Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến 2 mương thoát nước trên theo đúng nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các văn bản số 609 ngày 28/12/2017, số 10106 ngày 17/10/2018 và số 6960 ngày 6/8/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xử lý các sai phạm liên quan đến dự án cống hóa 2 mương thoát nước Phan Kế Bính và Nghĩa Đô đã có kết luận từ năm 2017.

Theo thông báo kết luận sai phạm tại 2 dự án này, mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc UBND Hà Nội cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Ngoài ra, đất mương thoát nước cho các doanh nghiệp thuê để làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích sau cống hóa lại được cho thuê xây dựng văn phòng, nhà hàng. Một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bêtông là sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Chủ trương của UBND TP Hà Nội dùng quỹ đất sạch, quỹ đất 20% trong các khu đô thị và quỹ đất khác tương đương với giá trị công trình mà doanh nghiệp đã xây dựng trên mương thoát nước Phan Kế Bính để giao cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính là không có cơ sở pháp luật, có nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiến hành thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật…

Tính từ năm 2017 đến nay, Phó Thủ tướng đã 3 lần có chỉ đạo liên quan đến sai phạm tại dự án cống hóa 2 mương thoát nước Phan Kế Bính và Nghĩa Đô. Và lần này là lần thứ 4 Phó Thủ tướng lại phải có ý kiến chỉ đạo. Tại chỉ đạo lần này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Nhìn vào thực tế này, dư luận phải đặt câu hỏi: Vì sao sai phạm đã rõ vậy mà suốt hơn 3 năm qua UBND TP. Hà Nội cứ loay hoay trong việc xử lý? Phải chăng có "chuyện tế nhị" gì đằng sau sự chậm trễ này?

Từ nhiều năm nay, xử lý vi phạm trật tự xây dựng luôn là câu chuyện nhức nhối ở Hà Nội bởi rất nhiều công trình sau khi cơ quan chức năng kết luận rõ vi phạm thì khi xử lý lại dây dưa kéo dài. Dường như cái câu người dân thường nói đùa "Hà Nội không vội được đâu" vẫn luôn đúng trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm. Năm 2019, Hà Nội đã xem xét kỷ luật gần 150 cán bộ, xử phạt hơn 600 công trình vi phạm trật tự xây dựng với số tiền phạt và kiến nghị thu hồi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn rất nhỏ so với số vụ và mức độ vi phạm.

Điều đáng nói là vi phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn trong một thời gian dài nhưng không ít vụ việc dù sai phạm ngang nhiên mà chính quyền các cấp lại "không biết", chỉ tới khi báo chí hoặc cơ quan thanh tra vào cuộc thì những sai phạm ấy mới được "chỉ mặt đặt tên". Nhưng sau đó việc xử lý lại dây dưa kéo dài.

Tân Lương
.
.
.