Bao giờ người trẻ đỡ lười?

Chủ Nhật, 13/05/2018, 17:01
Đầu giờ sáng, tại sảnh của một tòa nhà cao tầng có khá nhiều người chờ đợi đi thang máy. Vài phút trôi qua, cánh cửa nhỏ xíu của thang máy từ từ mở, người bên trong chưa ra hết thì người đứng ngoài đã đẩy nhau vào. 

Thang báo quá tải, vài người phải ra không giấu được vẻ bực dọc. Rồi họ đứng đó, lấy điện thoại ra xem và kiên nhẫn chờ đợi. Đó là cảnh tượng khá phổ biến ở các tòa nhà chung cư hay văn phòng vào những giờ cao điểm.

Trong số những người đi thang máy trên, có người chỉ lên tầng 2, tầng 3. Thời gian họ chờ thang máy có khi phải mất 5, 6 phút, thế nhưng nếu di chuyển bằng thang bộ chỉ tốn 2, 3 phút. Đáng buồn là trong số đó có nhiều người trẻ, sức dài vai rộng, họ có dư sức khỏe để chạy bộ lên tầng 2, tầng 3, song họ vẫn lựa chọn cách “chui” vào thang máy. Nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất là bệnh lười.

Minh họa của Lê Tâm.

Trong cuộc sống hiện đại, thang máy là một phương tiện di chuyển thiết yếu trong các tòa nhà cao tầng. Những người sống, làm việc trên các tầng cao (từ tầng 4 trở lên) thì việc di chuyển bằng thang máy là đương nhiên. Còn những người sống từ tầng 3 trở xuống thì các nhà khoa học khuyến khích nên dùng thang bộ. Nó là những vận động cần thiết để tăng cường sức khỏe, giúp bạn có một cơ thể linh hoạt, phản xạ nhanh và tiết kiệm được thời gian.

Đó là bệnh lười của người trẻ khi nhìn từ góc độ đi thang máy. Trong các sinh hoạt thường ngày, nếu phải đến một địa điểm cách 500-700 mét, họ cũng sẵn sàng đi xe máy hoặc gọi taxi. Với các bạn trẻ, vượt qua một quãng đường không phải quá xa như vậy bằng cách đi bộ chắc chỉ mất 5-10 phút là cùng.

Tất nhiên, câu chuyện tôi đang đề cập tới được diễn ra ở các thành phố lớn, nơi đa số các gia đình có điều kiện, lại ít con nên họ quá nuông chiều con cái, làm hộ con từ những việc nhỏ dẫn đến tình trạng những đứa trẻ thụ động và lười biếng. 

Còn tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, những đứa trẻ phải theo cha mẹ ra đồng từ nhỏ thì khác. Chúng quý trọng những gì mình có, biết tiết kiệm những giá trị được làm từ mồ hôi, nước mắt của cha mẹ mình.

Lười vận động sẽ sản sinh ra những người chậm chạp, kém năng động, béo phì và có xu hướng sống thu mình lại. Nên nhớ, chiều cao trung bình của thanh niên Việt thấp hơn nhiều so với thanh niên một số nước châu Á. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thanh niên ta “thấp bé nhẹ cân” là do lười vận động và không chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Tầm vóc con người còn là nội lực của một quốc gia. Sự vươn mình của một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào nội lực đó.

Sự lười biếng còn thể hiện ở chỗ, sau những giờ lên lớp trên giảng đường hay làm việc ở công sở, thay vì tập luyện thể lực hoặc bổ sung những kỹ năng khác, không ít bạn trẻ cắm mặt vào chơi game, tụ tập trong hàng quán chém gió để giết thời gian. Cuộc sống với họ cứ nhờ nhờ như thế, thiếu sinh khí và những khát vọng lớn lao.

Thấp bé đã là điều đáng suy nghĩ, nhưng buồn hơn cả là những người trẻ lười tư duy, ít động não. Cha mẹ nào cũng muốn con mình trưởng thành trong cuộc sống, nhưng họ lại thường xuyên nghĩ hộ con, làm hộ con. 

Rồi khi con đã có công ăn việc làm, họ lại chạy chọt để con được ở những vị trí tốt hơn, nhiều bổng lộc hơn. Sự lười nhác đã khiến cho nhiều người Việt trở nên trì trệ, thiếu sáng tạo, hăng say trong công việc.

Người Việt có câu thành ngữ: “Nhàn cư vi bất thiện” chỉ việc sống trong nhàn hạ lâu ngày, không có việc gì để làm, rảnh rỗi quá thì cũng sẽ không tốt, dễ trở nên lười nhác và nảy sinh ra các hành động tiêu cực. Cụ thể, đó là những việc làm ảnh hưởng đến người khác, thậm chí phạm tội.

Lỗ Tấn có câu nói nổi tiếng: “Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng”. Vâng, sự thành công chắc chắn sẽ không bao giờ đến với những người dậy muộn, không biết vượt qua những giới hạn bản thân để vươn tới những ước mơ của mình. Các bạn trẻ, hãy chăm chỉ học tập, làm việc mỗi ngày. 

Có thể bạn chưa làm được điều gì to lớn, nhưng trước hết, bạn sẽ đánh thức những giá trị của chính mình và cuộc sống hẳn có ý nghĩa hơn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.