Bao giờ sẽ tháo được những “rào cản” tự chủ đại học?

Chủ Nhật, 25/11/2018, 09:40
Một trong những “điểm nhấn” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Đây có thể coi là hành lang pháp lý quan trọng nhất khi giao quyền tự chủ cho các trường. 


Tự chủ nghĩa là các cơ sở đào tạo được giao nhiều quyền hơn và được tự quyết. Lợi ích của tự chủ cũng đã được khẳng định trong thực tiễn. Nhưng trong câu chuyện “tự chủ đại học” vẫn còn chứa đựng nhiều lo lắng, băn khoăn, nhất là khi các rào cản xuất hiện, chưa được tháo gỡ.

"Tự chủ" nên càng phải "liệu cơm gắp mắm"

Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này, vấn đề tự chủ được quy định tại khoản 2 Điều 32. Mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học. Do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực. 

Luật cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản tại các khoản 3, 4, 5 Điều 32. 

Với những trường “tự chủ năng động”, sẽ tập trung đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học.

Dự thảo Luật lần này cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Đến thời điểm này, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, sau hơn 3 năm tự chủ, các trường có kết quả đào tạo tích cực, có thêm các chương trình đào tạo phát triển mới, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết với nước ngoài... Các trường cũng đã điều chỉnh giảm quy mô đào tạo để đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng. 

Nghiên cứu khoa học cũng có kết quả khả quan, đặc biệt là công bố quốc tế. “Khi tự chủ, các trường đã chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sử dụng đội ngũ của mình, có cơ chế khuyến khích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế đã tăng mạnh trong các trường tự chủ”, Thứ trưởng Phúc cho hay.

Về tự chủ tổ chức nhân sự, bộ máy, các trường đã tiến hành rà soát sắp xếp lại bộ máy, hoàn thiện mô hình quản trị. Phần lớn các trường tự chủ đã thành lập hội đồng trường, củng cố tổ chức bộ máy bên trong cho hiệu quả. Những vấn đề tuyển dụng, sử dụng, trả thu nhập gắn với kết quả công việc tạo động lực bên trong đã có sự thay đổi.

Về tài chính, tài sản, các trường phải tự chủ chi thường xuyên 100%, đồng thời chi đầu tư cũng phải tự chủ với các dự án dở dang, nhưng bù lại, các trường được tăng học phí để bù đắp. Điều quan trọng nữa là các trường cũng dành nguồn thu lớn để bổ sung vào quỹ học bổng, tăng nhiều học bổng dành cho các đối tượng chính sách. Đấy là những kết quả ban đầu tích cực trong việc thí điểm Nghị quyết 77/NQ-CP.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (một cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ) cho biết, tự chủ giúp cho nhà trường phát huy tốt nhất khả năng của mình. Ví dụ, mảng liên kết quốc tế được nhà trường thực hiện thành công rực rỡ, không chỉ mang lại quyền lợi cho nhà trường, mà nguồn lực, lợi thế cũng tăng lên. 

“Tự chủ đại học còn cho chúng tôi được quyết định nhiều hơn trong kiến tạo nhà trường, chọn cách tiếp cận quốc tế hóa toàn diện. Nhưng thật sự là từ khi thực hiện tự chủ, nhà trường nhận được rất ít sự hỗ trợ của Chính phủ, phải “tự bơi”, nên chúng tôi phải tiết kiệm những gì cần tiết kiệm để đảm bảo nguồn thu”. Khi được tự chủ, các trường được tự quyết về mức học phí, nhưng Nghị định 86 của Chính phủ đã quy định “mức trần” học phí. Do đó, một số trường được tự chủ “không thể dựa vào mức tăng học phí” để đảm bảo nguồn thu.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là cơ sở đào tạo được thực hiện tự chủ. Theo đánh giá của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng, thay đổi quan trọng nhất, trực tiếp từ cơ chế tự chủ của Đại học Bách khoa Hà Nội đó là sự thay đổi về hệ thống quản trị nhà trường và sự đổi mới nhận thức trong tập thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ viên chức.

Nhà trường cũng đã được chủ động hơn rất nhiều trong việc tuyển dụng cán bộ, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các đối tác quốc tế và doanh nghiệp. “Đây không phải là thành quả của riêng giai đoạn gần hai năm qua thực hiện tự chủ, nhưng trong điều kiện trường không được nhận ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước thì đó có thể coi là thành công bước đầu khẳng định quá trình đổi mới cơ chế hoạt động đang đi theo đúng hướng”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Được "tự chủ" sao vẫn "bị bó"?

Mặc dù có nhiều thành tựu khi thực hiện “tự chủ”, nhưng theo PGS.TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn. Một trong vướng mắc là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ. 

Vì vậy, một số nội dung trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế không thực hiện được. Cụ thể như việc liên kết sử dụng tài sản của nhà trường để phát triển đào tạo khoa học công nghệ. Các nguồn từ ngân sách Nhà nước như khoa học vẫn phải quyết toán theo Luật Ngân sách Nhà nước rất phức tạp. Vai trò của Hội đồng trường trong việc quản trị nhà trường chưa được như kỳ vọng, mong muốn.

Một vướng mắc nữa, theo PGS.TS Lê Minh Thắng, là nguồn ngân sách nhà trường sau tự chủ chủ yếu dựa vào học phí, việc này ảnh hưởng đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ sở vật chất của nhà trường. Đặc biệt, đối với trường kỹ thuật và công nghệ như  Đại học Bách khoa Hà Nội thì việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, không thể dựa vào học phí. 

“Đối với chính sách miễn giảm thuế dịch vụ, chúng tôi nhận thấy còn chậm triển khai, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay chưa được triển khai. “Một vấn đề nữa là sự phát triển của đất nước cũng ảnh hưởng đến quá trình tự chủ của nhà trường. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu phát triển. Đó cũng là một trong khó khăn chính mà chúng tôi gặp phải trong quá trình triển khai tự chủ”, PGS.TS Lê Minh Thắng nói. 

Chung quan điểm này, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội cho hay: “Tự chủ tức là được tự chủ nguồn thu, tự chủ nguồn chi, nhưng trong khi tự chủ nguồn chi khá ổn thì tự chủ nguồn thu lại khó khăn. Chúng tôi muốn làm dịch vụ thì phải hài lòng đối tượng sử dụng dịch vụ, do đó, phải đầu tư cơ sở vật chất tốt, con người tốt, kèm theo cơ chế vận hành tốt. Nhưng bù lại, chúng tôi phải có cơ chế thỏa đáng để lấy thu bù chi. Điều này thì nhiều trường thực hiện tự chủ chưa làm được, còn rất khó khăn”.

Khi thực hiện tự chủ đại học, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải bắt tay với doanh nghiệp để cung – cầu nhân lực gặp nhau.

Hiện nay, khi nội dung “tự chủ đại học” đã được luật hóa, một số trường đại học sẽ tiếp tục được thực hiện “tự chủ” ở mức cao hơn nữa (hiểu nôm na là các trường này sẽ không chịu sự quản lí của Bộ chủ quản), trong đó có Đại học Kinh tế quốc dân. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nguyên lý tiến tới thí điểm tự chủ hoàn toàn này xuất phát từ một mô hình quản trị đại học trên thế giới, coi trường đại học không như doanh nghiệp, mà sở hữu của trường là của cả cộng đồng xã hội. 

Sinh viên vào học trong trường “sẽ có quyền” với trường đó, yêu cầu trường phải làm thế nào phục vụ tốt nhất mục tiêu của người học. Các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của trường “cũng có quyền” yêu cầu các trường tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng lao động của họ. 

Khi ấy, vai trò quản trị của nhà trường không phải chỉ là Nhà nước, mà là những thực thể xã hội, cho nên không cần thiết một cơ quan chủ quản đứng ra như một doanh nghiệp. Thời gian tới, các trường được giao thực hiện thoát khỏi Bộ chủ quản là để thực hiện mục tiêu đó.

Hiện nay, về cơ bản, đề án tự chủ “không chịu sự quản lí của Bộ chủ quản” đã được định hình và đang trình lên Chính phủ phê duyệt. Lúc này, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò đúng nghĩa là thay mặt xã hội để kiểm tra, giám sát xem các cam kết, tuyên bố của trường có thực hiện đúng hay không, cũng như xem các trường có tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật.

Tự chủ là xu thế tất yếu, sẽ dần thấm sâu vào hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Có rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi để phù hợp xu thế, để không lạc hậu. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội phải nghiên cứu để đề xuất sửa các luật chuyên ngành khác, lúc đó mới có thể tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình tự chủ đại học. 

Thiết nghĩ, các trường cần phải cấp thiết đổi mới nhận thức về tự chủ đại học và thị trường giáo dục đại học, đổi mới mô hình quản trị và nâng cao năng lực quản trị đại học giống các trường tiên tiến trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, so với một số nước trên thế giới, vấn đề “tự chủ đại học” ở Việt Nam có gì khác biệt, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng: 

“Mức độ và phạm vi của tự chủ đại học được quy định rất khác nhau ở các nước; ngay trong một số quốc gia liên bang cũng quan niệm khác nhau giữa các bang, nhưng có một điểm chung là “tự chủ” đều được nhìn nhận từ 4 góc độ: tổ chức, nhân sự, học thuật và tài chính. 

Tự chủ về học thuật ở nước ta có thể coi là đạt mức cao, nhưng về tổ chức và tài chính thì các trường đại học ở các nước khác nhìn chung được trao quyền tự chủ cao hơn nhiều. 

Chính vì vậy mà những văn bản luật pháp về giáo dục đại học ở các nước đều khá ngắn gọn, không quy định chi tiết để các trường được quyền chủ động; những nguyên tắc chung được quy định khá bền vững với thời gian. 

Rào cản lớn nhất đối với tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay nằm ở lĩnh vực nhân sự và tài chính, trong đó nhiều vấn đề lại nằm trong quy định của các luật khác. 

Theo tôi, một số mô hình tự chủ đại học của nước ngoài chúng ta có thể tham khảo là mô hình của Anh, của Wales và của Malaysia”.

Thu Phương
.
.
.