"Bão" methamphamine tàn phá tương lai trẻ em và cuộc sống của nông dân Thái Lan

Thứ Ba, 16/12/2014, 14:01
Cap bắt đầu sử dụng methamphamine thường xuyên khi cậu 13 tuổi. Cha cậu cần phụ giúp quản lý đồn điền cao su của gia đình, nên Cap thường phải thức dậy làm việc từ lúc 1 cho đến 4 giờ sáng để cạo mủ cao su…

Khi "cơn bão" methamphamine tràn vào đồn điền cao su, nhiều trẻ em phải bỏ học

"Đó là công việc nặng nhọc và cần phải dùng yaba lấy lại sức, cháu sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi nữa" - Cap cho biết. Hiện cậu đang được điều trị nghiện ma túy ở Bệnh viện Wang Saphung sau khi cảnh sát phát hiện cậu lén sử dụng ma túy ở trường học và cho cậu đi thử nước tiểu.

Yaba hay còn gọi là "ma mị dược", loại methamphamine gây hưng phấn mạnh đang từ Myanmar vào và tàn phá nhiều miền quê trên khắp đất nước Thái Lan, gây nghiện cho những người nông dân vì miếng cơm, manh áo phải vắt kiệt sức lao động nhiều giờ và tăng năng suất thu hoạch nhiều hơn.

Một đồn điền cao su ở Thái Lan.

Là một nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, Thái Lan đã đầu tư rất lớn để phát triển đồn điền cao su trên toàn quốc, đào tạo và hỗ trợ nhiều nông dân như trường hợp của cha cậu bé Cap. Đối với nhiều hộ gia đình thì cây trồng mới đã làm tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Gia đình Cap kiếm được 6.000 USD/năm nhờ cây cao su, hơn 5 lần so với trồng sắn.

Hằâng ngày, Cap bắt đầu đến trường vào lúc 8 giờ sáng, cậu bé phải dùng ma túy để giữ tỉnh táo. Nhưng loại methaphamine mà Cap dùng để "nạp năng lượng" khi làm việc hoặc "giúp" đầu óc "tỉnh như sáo sậu" bây giờ đã làm Cap trở nên thất học. Cậu bé buộc phải nghỉ học khi nghiện nặng, và mặc dù giờ đây không còn nghiện, vì mặc cảm Cap vẫn chưa muốn trở lại trường học.

Cuộc sống của người nông dân bị tàn phá…

Ở Khon Kaen, một tỉnh nổi tiếng nhờ nông nghiệp mía đường, các quan chức y tế huyện này ­­cũng nhận ra thực trạng báo động tương tự, ngày lại ngày nhiều người làm việc quần quật trên đồng, những chiếc xe tải chất đầy mía hối hả chạy vào ban đêm.

Bà Supankalaya Lamleua, một cán bộ y tế cộng đồng công tác tại bệnh viện thành phố đã thành lập một nhóm trị liệu kèm theo chương trình đào tạo nghề tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy ở các vùng chuyên canh cây mía. Bà cho biết, vấn nạn ma túy trong những cộng đồng có nguy cơ cao đang bị giấu nhẹm.

Trong các cuộc trò chuyện với những người nông dân, bà Supankalaya và đồng nghiệp thường lắng nghe người dân tố cáo chủ dụ dỗ, đánh lừa nông dân sử dụng khi đang làm việc, tuy nhiên các ông, bà chủ đã phủ nhận trách nhiệm.

Cảnh sát Thái Lan đã tịch thu và tiêu hủy 31 triệu viên methamphamine trị giá 34 triệu USD trong một đợt tấn công, truy quét tội phạm ma túy trên toàn quốc vào tháng 6/2013.

Năm ngoái, cảnh sát cùng các cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan tịch thu 126 triệu viên methaphamine, số lượng cao nhất trong lịch sử nước này-theo báo cáo từ Cục Bài trừ ma túy. Và họ cũng ghi nhận số lượng các vụ án hình sự có liên quan đến loại độc dược methaphamine tăng gấp 3 lần từ năm 2010-2013.

Cảnh sát Thái Lan đã chủ động, tích cực hơn trong công tác phòng chống và thường xuyên có những chuyến công tác đến tận buôn làng và trường học để giáo dục người dân hiểu rõ về tác hại khôn lường của ma túy.

Dưới sự lãnh đạo cứng rắn từ chính phủ mới, các chính sách phòng chống ma túy của Thái Lan được tăng cường. Trong tháng 7/2014, Bộ Tư pháp Thái Lan đã công bố sáng kiến trị giá 300 triệu USD để giám sát, quản lý 1,2 triệu người phải cai nghiện bắt buộc.

Năm ngoái, 60% bệnh nhân điều trị/cai nghiện ma túy ở bệnh viện Wang Saphung là nông dân trồng cao su, và gần một nửa nghiện methaphamine.

Theo một thống kê của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm hình sự được công bố vào năm 2009, số lượng người nghiện ma túy ở khu vực châu Á chiếm 50% toàn cầu.

Phạm Trúc
.
.
.