Bảo tồn di sản: Đừng đánh đổi văn hóa lấy phát triển du lịch

Thứ Năm, 02/08/2018, 15:04
Hội nghị bảo tồn và phát triển văn hóa vừa diễn ra đề cập đến rất nhiều vấn đề quan trọng trong công tác bảo tồn các di sản.


Một trong những vấn đề được quan tâm nhất, đó là làm sao để có được sự hài hòa trong bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Đánh đổi văn hóa lấy phát triển du lịch đang là một hiện tượng mà nhiều địa phương sa vào, dẫn đến tình trạng không ít di tích lịch sử cũng như di sản văn hóa đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Thậm chí có chuyên gia cảnh bảo, một số di tích đang có nguy cơ “mất tích” vì thiếu sự chăm sóc, bảo tồn đúng cách.

Những tiếng kêu cứu

Đất nước ta có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, cả vật thể và phi vật thể. Trong hàng vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam rải rác trên khắp các vùng miền đất nước, hiện đã có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia 9.857 cấp tỉnh. 

Về di sản văn hóa vật thể và danh thắng được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chúng ta có Quần thể Di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An... 

Cùng với đó là 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Đền Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, Đàn ca Tài tử Nam Bộ, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Kéo co, Tín ngưỡng thờ Tam Phủ... 

Những di sản thế giới vừa kể tên thực sự là những giá trị vô giá để Việt Nam kể với bạn bè thế giới về sự giàu có trong văn hóa của mình. Những giá trị văn hóa phong phú và độc đáo này chính là tiền đề quan trọng, là điều kiện thiết yếu để phát triển du lịch. 

Mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có ý thức xây dựng thương hiệu du lịch cho riêng mình. Khu vực miền trung có thương hiệu “Con đường di sản”. 

Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thương hiệu sản phẩm du lịch “Tinh hoa Việt Nam” quy tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố. 

Vùng đất Quảng Nam xây dựng hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến hai di sản thế giới”. Thành phố Hội An có thương hiệu gắn với làng nghề thông qua Lễ hội đèn lồng. Huế có sản phẩm du lịch “Festival Huế” nằm lòng du khách từ nhiều năm nay. 

Quảng Ninh có lễ hội đường phố Các-na-van Hạ Long. Hải Phòng có Lễ hội hoa phượng đỏ... Ngoài ra, các tour, tuyến du lịch lên các tỉnh vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc cũng đang ngày càng phát triển mạnh.

Đền thờ Trịnh Khả tại Thanh Hóa đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Có thể nói, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc những năm qua. Doanh thu du lịch thông qua bán vé các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch có Di sản văn hóa thế giới ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. 

Năm 2017 có hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan khu di sản Huế, doanh thu từ vé tham quan đạt 320 tỷ đồng. So với năm 2011, doanh thu từ vé tham quan khu di sản Huế đến nay đã tăng gấp 4 lần. Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) riêng trong năm 2017 đón 7 triệu lượt du khách tham quan, tăng trưởng 9% so với năm trước đó, đạt doanh thu 2.450 tỷ đồng. 

Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử chỉ riêng những tháng đầu năm 2018 đã đón hơn 12 vạn người về hành hương, doanh thu bán vé gần 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều các di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp trầm trọng. Những con số được đưa ra từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục di sản khiến cho những người yêu văn hóa không khỏi suy nghĩ. 

Hà Nội có 5.847 di tích thì có tới 2000 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế đang có khoảng 400 di tích đang ở trong tình trạng hư hỏng, đổ nát như lăng Khải Định, trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ... Chùa Cầu ở Hội An, một biểu tượng văn hóa lâu đời của người Hội An hiện đang có nhiều vết nứt, các lớp vữa trên mố cầu bong tróc ngày một nhiều, nhưng vẫn phải tiếp tục đón hàng nghìn người dân và du khách qua lại mỗi ngày. 

Bắc Giang là một địa phương mà sự báo động của tình trạng xuống cấp di sản  cấp thiết nhất. Nơi đây thường xuyên bị mất cắp các cổ vật, di vật trong các di tích đền, chùa. 

Và ở nhiều địa điểm du lịch khác, với tình trạng khai thác du lịch quá đà, quá tải đã gây nên những câu chuyện đáng buồn khác. Ngoài ra là nỗi ngậm ngùi khi nhiều công trình xây mới đã phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản, thậm chí có cả những vi phạm ở chùa Hương, Yên Tử... 

Đặc biệt vào mùa lễ hội truyền thống đầu xuân năm mới, số lượng khách tham quan tăng cao, khiến cho các di tích bị quá tải và phải chịu nhiều tác động tiêu cực rất quan ngại.

Cảnh tượng chen chúc thường thấy ở Di tích Yên Tử mỗi mùa lễ hội.

Phát triển bền vững cùng di sản

Vẫn biết du lịch là một ngành mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Một đất nước phong phú, giàu có về văn hóa như đất nước ta, việc phát triển du lịch bằng cách khai thác các di sản văn hóa là cách làm đúng đắn. 

Vì văn hóa luôn gắn liền với giao lưu, hội nhập. Văn hóa phục vụ đời sống là một nền văn hóa sống động, tiếp biến, phát triển, rất đáng khích lệ. 

Tuy nhiên, bài toán phát triển du lịch như thế nào để phù hợp, hài hòa, vừa giúp cho du lịch bền vững, vừa bảo tồn, giữ gìn được các di sản văn hóa cần được nghiêm túc đề ra với ngành văn hóa, các nhà quản lý du lịch. 

Không thể nào vì sự phát triển “xổi” của du lịch mà chúng ta đánh đổi văn hóa. Nghĩa là không thể phát triển du lịch bằng mọi giá. Hy sinh văn hóa cho phát triển du lịch là một sự hy sinh thiển cận và trong tương lai có thể chúng ta sẽ phải trả giá lớn cho điều này. 

Bởi di dản văn hóa là các giá trị được cha ông tạo ra trong hàng ngàn năm, hàng trăm năm, và qua nhiều thế hệ giữ gìn mới có được. Nó là nền tảng sống còn của quốc gia, không được phép xem nhẹ.

Di tích Phu Văn Lâu ở Quần thể di sản cố đô Huế bị sập góc mái.

Thực tế, chúng ta đang chứng kiến nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa bị mai một dần, xuống cấp thảm hại vì du lịch. Hạn chế chung thường gặp của du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, tình trạng xâm hại cảnh quan môi trường sinh thái còn nhiều bất cập, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu kém. 

Việc khai thác thế mạnh, tiềm năng di sản chưa đạt hiệu quả cao, chưa sáng tạo và thiếu một chiến lược quy mô để tôn vinh những giá trị đặc sắc đồng thời bảo vệ, tôn tạo, phát triển các giá trị đó cho phù hợp với truyền thống và hiện đại.

Trong Hội nghị bảo tồn và phát triển văn hóa vừa qua tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành văn hóa phải xử lý hài hòa giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. 

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản vốn là các giá trị của quá khứ, dễ bị ngủ yên nên phải luôn luôn “sáng tạo, năng động” để di sản phát huy giá trị trong cuộc sống của những thế hệ hiện tại. Phải giáo dục cho người dân kiến thức về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc. 

Ngoài ra, phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Nhất định phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch.

Đông đảo khách du lịch đến thắng cảnh di tích Tràng An.
Vấn đề cấp bách đang cần đặt ra hiện nay là phải làm sao bảo vệ, giữ gìn kho tàng di sản văn hóa trước tác động của thiên nhiên và con người, trong đó yếu tố con người là chủ chốt. 

Ngành Du lịch trong chiến lược phát triển của mình cần phải nâng cao chất lượng nhân lực, để mỗi người làm du lịch phải là một chuyên gia hiểu biết về văn hóa. Họ nhận thức được rằng, du lịch không chỉ là câu chuyện tiền, mà còn là chung tay lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước, đồng thời bảo tồn, giữ gìn các giá trị đó cho mai sau. 

Tận thu tài nguyên, xâm hại di tích không thể được xem là cách thức phát triển du lịch bền vững. Bởi xét cho cùng, du lịch và văn hóa luôn phải gắn với nhau. Xem nhẹ văn  hóa trong phát triển du lịch là một sự trả giá cực kỳ đắt mà không ít quốc gia đã từng nếm trải. 

Thùy Dương
.
.
.