Bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với giặc lửa

Chủ Nhật, 05/06/2016, 15:45
Gan dạ, dũng cảm, nhiệt huyết, nhiều sức khỏe và thường trực lòng yêu nghề, đó là những cảm nhận của tôi trong lần đến thăm cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.


Chúng tôi đến Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh vào buổi chiều một ngày đầu tháng 6 - 2016. Dưới cơn mưa đầu mùa ở vùng Nam bộ cứ sầm sập trút nước, song hàng trăm cán bộ chiến sỹ vẫn đang miệt mài tập luyện những bài kỹ chiến thuật phòng cháy chữa cháy trên bộ, dưới nước, nhà cao tầng, nhà xưởng, cháy hóa chất… để sẵn sàng ứng chiến trong những trường hợp có xảy ra cháy nổ trên địa bàn mình quản lý.

Vuốt vội những vạt nước mưa ướt đẫm trên gương mặt đen sạm, Trung tá Đỗ Văn Kháng - Trưởng Phòng mời chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế đá kê ngay trước sảnh trụ sở. Qua cái bắt tay thật chặt cùng vài lời chào hỏi thân mật, anh vào ngay vấn đề mà chúng tôi đã đề cập từ trước đó qua điện thoại.

Theo lời kể của anh Kháng, Bình Chánh và các vùng lân cận đang có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, lại là huyện có dân số thuộc dạng đông nhất cả nước (600 ngàn dân). Ngoài ra trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất có sử dụng các loại hóa chất độc hại ra ngoại thành mà chủ yếu là chuyển về huyện Bình Chánh nên chỉ trong thời gian ngắn hàng ngàn nhà xưởng từ cơ sở sản xuất dầu nhớt, chế biến phế liệu các loại cho đến các doanh nghiệp có quy mô lớn như sản xuất keo, nhuộm vải, thuốc sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật… cứ ào ào mọc lên.

Phối hợp lực lượng chữa cháy ở một cơ sở sản xuất

Thực tế đa phần các doanh nghiệp thường không quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy chữa cháy khiến cho các vụ cháy ở khu vực sản xuất này luôn ở trong tình trạng báo động.

Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn, đồng thời giúp cho những hộ sản xuất cá thể và một số doanh nghiệp vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên nâng cao ý thức trong công tác PCCC, trong những năm qua, tập thể cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh đã xây dựng kế hoạch thường xuyên tuyên truyền đến từng đơn vị sản xuất.

Song song với công tác tuyên truyền, hàng năm Phòng còn cử cán bộ xuống từng đơn vị sản xuất yêu cầu thành lập tổ PCCC rồi trực tiếp bắt tay chỉ việc giúp cho những thành viên trong các tổ này thuần thục các biện pháp phòng ngừa cháy nổ và kịp thời ứng phó đối với các đám cháy có thể xảy ra trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt.

Chính việc kiên trì các biện pháp tuyên truyền và cầm tay chỉ việc mà từ ngày thành lập (tháng 12-2013) cho đến nay đã kéo giảm được 52% số vụ cháy so với trước khi thành lập, không để tình trạng cháy rừng xảy ra.

Chỉ vào những thân hình vạm vỡ, chắc nịch đang đội mưa tập luyện phương án PCCC, anh Kháng hóm hỉnh bảo: "Lính chiến đấy. Nhưng để có thể gia nhập được đội lính chiến này thì không hề dễ đâu bởi ngoài lòng yêu nghề và đặc biệt là sự dũng cảm, còn phải có sức khỏe hơn người để thường xuyên tập luyện những bài kỹ chiến thuật trong PCCC.

Lính chữa cháy phải luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường bất kỳ thời gian nào trong ngày. Khi có chuông hiệu lệnh vang lên, chỉ trong vòng hai phút, tất cả phải trang phục chỉnh tề rồi ôm cột sắt tụt xuống sân đơn vị lên xe để có mặt tại điểm cháy trong khoảng thời gian từ 5-10 phút từ lúc nhận tin báo.

Ngoài ra phải cần có sức khỏe để mang vác cả những máy bơm nước, máy phát điện nặng hàng trăm cân cùng các loại thiết bị chạy băng hẻm sâu, băng rừng tràm để kịp thời chữa cháy… Nếu không thì chỉ qua vài lần tập luyện dưới thời tiết từ nắng gắt hoặc mưa rào, nhất là đối mặt với một vài loại hóa chất đang cháy là bật bãi liền…

Ngoài những yêu cầu trên, lính chữa cháy khi đối diện với ngọn lửa thường rất khát nước và nguồn cung cấp duy nhất là vòi rồng, mà thời điểm ấy phải tận dụng cả các nguốn nước thải để bơm vào trung tâm đám cháy nên chuyện lính chữa cháy uống nước thải, nước kênh đen là chuyện từng xảy ra".

Nhớ lại vụ cháy kho hóa chất ở Công ty Tân Hồng Thái ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân vào giữa tháng 4-2014, anh Kháng bảo: Trong cuộc đời làm nghề, anh đã từng đối diện với nhiều vụ cháy hóa chất, nhưng trong vụ ấy, mặc dù trước khi tự mình lao vào trung tâm đám cháy để xem xét tình hình, anh đã căn dặn từng cán bộ chiến sỹ phải hết sức thận trọng nhằm tránh tổn thương đến sức khỏe và nhất là tính mạng nhưng vẫn có hơn chục anh em bị bỏng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Hôm ấy là ca trực của Trung tá Đỗ Văn Kháng. Khi đang tập thể dục trên sân thượng tại trụ sở, anh bỗng nhìn thấy một cột khói đen bốc lên từ khu công nghiệp Lê Minh Xuân nên đã tức tốc chạy xuống phòng trực ban bấm chuông báo động để tập hợp lực lượng chuẩn bị lên đường.

Chiến sỹ Cảnh sát PCCC tranh thủ bôi thuốc vào hai tay bỏng rát để tiếp tục lao vào dập lửa trong vụ cháy hóa chất ở công ty Tân Hồng Thái.

Đến nơi thì đám cháy đã bao trùm toàn bộ hai chiếc container để ngay cổng Công ty Tân Hồng Thái và đang lan vào trong khu vực nhà xưởng, nhưng khi hỏi người quản lý về nguyên nhân thì người này do sợ bị trách nhiệm đã tìm cách lảng tránh.

Không thể chậm trễ, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC lập tức triển khai thiết bị rồi lao mình vào trong đám cháy xịt nước dập lửa. Càng xịt, ngọn lửa càng lan ra rộng thêm. Xác định đây là vụ cháy hóa chất, Trung tá Đỗ Văn Kháng lập tức điều động xe chở bọt hóa chất đến hiện trường tiếp ứng và đến 12 giờ đêm thì ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn.

Tuy nhiên lúc này lại xuất hiện thêm thách thức mới bởi trong quá trình vào trong chữa cháy, hóa chất độc hại đã văng ướt đẫm quần áo của nhiều cán bộ chiến sỹ gây phản ứng với da tạo thành những vết bỏng lan khắp cơ thể, có chiến sỹ do đạp trúng thùng hóa chất khiến cho da và những mảng thịt từ bắp chân trở xuống đầu bị cháy.

Đang định đưa các cán bộ chiến sỹ bị thương đến bệnh viện cấp cứu thì số hóa chất còn lại trong hai chiếc container sau khi bị ngấm nước đã phát nổ liên tục và thế là những "thương binh" lại phải làm nhiệm vụ không khác gì ôm bom là di dời toàn bộ số hóa chất còn lại ra cách xa vùng cháy, nếu không di dời kịp, chúng phát nổ thì hàng trăm công nhân đang bị lửa nhốt trong nhà xưởng sẽ bị nguy hại đến tính mạng.

3 giờ sáng hôm ấy, 21 cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh mới được đưa lên xe đến bệnh viện đa khoa khu vực để cấp cứu trong tình trạng có nhiều người đã bị suy hô hấp và bỏng nặng, đặc biệt Trung tá Trần Văn Ba - Phó đội trưởng Đội Tổng hợp bị suy hô hấp cấp và Thượng sỹ Trần Công Thành - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5 bị bỏng nặng phải chuyển gấp lên tuyến trên để chữa trị. 

Vẫn còn ám ảnh về vụ cháy, Thượng sỹ Trần Công Thành thuật lại: Hôm ấy đang trong ca trực, nghe tiếng chuông báo động, anh em lập tức lên đường. Xuống đến hiện trường thấy mùi hóa chất bốc lên.

Tuy không xác định được là hóa chất loại gì và người có trách nhiệm ở Công ty Tân Hồng Thái cũng không cung cấp thông tin về các loại hóa chất nhưng để cứu hàng trăm con người đang bị ngọn lửa chặn bên trong khu nhà xưởng, anh em quyết định vẫn lao vào khống chế ngọn lửa.

Lúc đầu khi mới lao vào trung tâm đám cháy thấy hơi khói độc làm cho khó thở nhưng có lẽ do sức trẻ nên không anh em nào bị ngộp. Một lúc sau thì không thể chống chọi được nữa, nhiều anh em bị khói độc đánh bật ra ngoài phải được sơ cứu rồi đeo bình thở và mặt nạ chống độc lao vào tiếp tục chiến đấu. Gần sáng kỹ sư hóa chất của công ty mới có mặt và cho biết có trên 200 loại hóa chất và hầu hết là kỵ nước.

Lúc này nhiều anh em bị bỏng nặng, một số bị suy hô hấp, số còn lại đã kiệt sức vì cả đêm chống chọi với giặc lửa nhưng vẫn phải cố gắng di dời số hóa chất còn lại đến khu vực an toàn rồi mới đến bệnh viện cấp cứu.

Cũng theo lời kể của Thượng sỹ Trần Công Thành, ngoài lần bị thương trong vụ chữa cháy hóa chất ở Công ty Tân Hồng Thái, trước đó vào các ngày 15-5 và 20-8-2013, anh cùng đồng đội được yêu cầu tăng cường chữa cháy vật liệu da giày ở Công ty Pouchen nằm trên địa bàn quận Bình Tân.

Thời điểm các anh có mặt tại hiện trường, cột lửa đã bốc lên cao, nhưng do tâm cháy nằm trên lầu cao, tòa nhà lại được bao bọc bằng lớp kính nên để vào trong dập lửa là điều không đơn giản. Sau khi tìm mọi cách để tiếp cận nhưng không thành, anh cùng đồng nghiệp được yêu cầu leo lên ngọn thang để xe thang nâng lên ngang với tầng nhà bị cháy rồi tìm cách đập vỡ kính để vào trong.

Tuy nhiên, khi những tấm kính vừa được đập vỡ thì những cuộn khói cuốn theo lửa đỏ cứ liên tục phụt ra với tốc độ rất mạnh hất văng nhiều anh em ra khỏi vị trí. Mặc dù một số anh em bị mảnh kính vỡ cứa cho thân thể chảy máu, một số khác bị ngọn lửa táp vào mặt gây bỏng nhưng sau khi hội ý nhanh, tất cả quyết định đồng loạt vào trong để dập lửa.

Trải qua hơn hai tiếng liên tục đối mặt với nguy hiểm, các anh đã khống chế được ngọn lửa, dập tắt đám cháy giúp cho nhà sản xuất chỉ bị thiệt hại ở mức thấp nhất.

Trời đã xế chiều, chúng tôi phải chia tay Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh để tiếp tục hành trình công việc. Nhìn những người lính chữa cháy vẫn miệt mài luyện tập dưới trời mưa nặng hạt, chúng tôi chắc rằng bà con nhân dân, các cơ sở, xí nghiệp, công ty có nhà xưởng trên địa bàn sẽ được đảm bảo hạn chế thấp nhất khả năng cháy nổ.

Đức Cương
.
.
.