Bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với giặc lửa

Thứ Ba, 14/11/2017, 10:17
Họ sẵn sàng lao vào trung tâm đám cháy, chiến đấu với giặc lửa, cố gắng cứu lấy những gì còn lại cho người dân; đưa những người đang bị mắc kẹt ra ngoài; dũng cảm lao mình xuống những dòng sông sâu, nước xoáy, lặn ngụp trong đường cống thoát nước đầy hiểm nguy mùa mưa bão để tìm kiếm những nạn nhân bị trôi.


Nói như Đại tá Lê Quang Nhân - Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đồng Nai thì dù có khó khăn, nguy hiểm đến mấy cũng phải quyết tâm “Cứu lấy cái còn trong cái mất”.

1.Tôi đến Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai vào buổi trưa một ngày cuối tháng 10-2017. Mặc dù đang bộn bề với công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy & cứu nạn cứu hộ nhưng Đại tá Lê Quang Nhân - Phó giám đốc vẫn dành thời gian kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của lính PCCC.

Theo Đại tá Lê Quang Nhân, chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ là nghề đặc biệt nguy hiểm, ngoài việc bị thương như “cơm bữa” thì giặc lửa, giặc nước có thể cướp đi tính mạng của người cán bộ, chiến sỹ bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên do thường xuyên được sinh hoạt chính trị tư tưởng, giáo dục về đạo đức lối sống, truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của lực lượng CAND nói chung và lực lượng PCCC nói riêng nên CBCS Cảnh sát PC&CC Đồng Nai luôn xác định rõ đây là công việc gian khổ, nguy hiểm, nhiều khó khăn, căng thẳng nhưng cũng đầy tính nhân văn, nhân đạo.

Song song với đó, đơn vị cũng chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tích cực vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC, nhất là các cơ sở trọng điểm và đã xây dựng thành công phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhất là thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao ý thức của người dân đối với công tác PCCC.

Vận động xây dựng cụm công nghiệp, cụm dân cư an toàn về PCCC, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC&CNCH giữa UBND các huyện, thị, thành, giữa các xã, phường, thị trấn và giữa các xóm, ấp, khu phố trong xã, phường, thị trấn, giữa các khu công nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan các cấp và người đứng đầu các doanh nghiệp. 

Điển hình có một số khu dân cư đã tiến hành thực tập phương án chữa cháy phối hợp với lực lượng Cảnh sát PC&CC như xã Bảo Vĩnh, thị xã Long Khánh; khu dân cư Phước Hải, thị trấn Long Thành; khu phố 1, phường An Bình khu phố 2, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa …

Tổ chức cứu nạn - cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn trôi.

Từ khi xây dựng mô hình “cụm cơ quan, doanh nghiệp và cụm dân cư an toàn về PCCC” đến nay, ở các cụm này chưa để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số vụ cháy nhỏ, lẻ đã được lực lượng PCCC cơ sở phát hiện kịp thời, nhanh chóng tổ chức, tham gia chữa cháy đạt hiệu quả, không để cháy lan, cháy lớn.

Đặc biệt phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh, Công an tỉnh thí điểm xây dựng mô hình tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC trong các cơ sở tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức của đông đảo bà con giáo dân (chiếm 35% dân số tỉnh Đồng Nai). Trong đó đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp, các tiêu chí phải đạt được, nội dung tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền và các quy định về công tác phối hợp. Đến nay đã vân động được người đứng đầu 12 giáo hạt, 270 giáo xứ, 80 nhà thờ hợp tác tuyên truyền về PCCC.

Phối hợp giữa các lực lượng PCCC trong một buổi diễn tập.

2. Với trên 30 năm tuổi nghề, Đại tá Nhân rút ra kết luận: Để có thể trở thành người lính Cảnh sát PCCC ngoài vững vàng trình độ nghiệp vụ, sức khỏe tốt, sự sáng tạo, kiên nhẫn còn cần một tinh thần quả cảm để sẵn sàng đối mặt muôn vàn hiểm nguy giành lại tài sản, tính mạng cho nhân dân sau đám cháy dù đó chỉ là hy vọng nhỏ nhất. 

Sau nhiều năm đối mặt với giặc lửa, giặc nước tuy chưa có những sự cố đáng tiếc nào xảy ra đối với người lính cứu hỏa nhưng những trường hợp bị bỏng nặng do lửa hoặc tràn hóa chất, bị xà nhà rơi trúng người gây thương tích hoặc bị thương khi lặn sông, bị kim tiêm, mảnh chai lọ, thanh kim loại… đâm vào cơ thể khi chui ống cống thì chắc có tới hàng trăm.

Chính vì sự vất vả ấy mà người lính Cảnh sát PCCC phải vượt qua tất cả sức ép để trưởng thành, song cũng có không ít em chỉ qua một lần lặn sông mò xác nạn nhân là bị ảnh hưởng tâm lý nặng buộc phải chuyển sang công tác khác.

Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác huấn luyện và thường trực sẵn sàng chiến đấu nên trong những năm qua, khi có sự cố cháy, nổ, sự cố khẩn cấp cần phải cứu nạn, cứu hộ (CNCH), lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai đã kịp thời xuất hàng trăm lượt xe, canô chữa cháy cùng hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ tổ chức chữa cháy và CNCH. 

CBCS khi tham gia chữa cháy & CNCH với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả và kịp thời nhất.

Qua đó đã hướng dẫn nhiều người thoát nạn từ đám cháy an toàn và cứu được nhiều hàng hóa, tài sản có giá trị lớn, ngăn chặn được nhiều vụ cháy lan, cháy lớn, bảo vệ an toàn nhiều nhà xưởng, kho, đưa nhiều trang thiết bị máy móc ra khỏi đám cháy an toàn. Bên cạnh đó cũng đã tổ chức thành công CNCH, cứu sống và đưa được nhiều nạn nhân bị đuối nước, mắc kẹt trong sự cố đến nơi an toàn.

Cụ thể vào lúc 7 giờ 30 ngày 26/9/2017, có 1 nam thanh niên leo lên mái nhà khu vực tiếp dân của trụ sở UBND huyện Nhơn Trạch quậy phá, không hợp tác với lực lượng dân phòng (nghi bị phê thuốc do sử dụng ma túy). Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai đã có mặt kịp thời tại hiện trường, thực hiện ngay các biện pháp, hoạt động cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy trình.

Kết quả đến 9h30 cùng ngày, đã vận động được đối tượng hợp tác với lực lượng chuyên nghiệp và đưa xuống đất an toàn qua nệm hơi cứu người. Đối tượng tên Phạm Hoài Hậu, 22 tuổi, HKTT: Xã Tân Thanh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Sau đó bàn giao đối tượng cho Công an huyện Nhơn Trạch xử lý theo quy định.

Công tác CNCH dưới nước ở Đồng Nai trong mùa mưa bão cũng hết sức nan giải. Do tỉnh có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều khu vực nước xoáy sâu do (một phần do nạn khai thác cát trộm), đường cống thoát nước đô thị có độ dốc cao lại gấp khúc nhiều chỗ tạo dòng chảy mạnh khó lường, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Khó khăn, vất vả như vậy, nhưng trong tư tưởng của những người lính, cứu được một người đuối nước là niềm hạnh phúc lớn nhất, trường hợp không cứu sống được cũng phải cố gắng lặn ngụp vớt thi thể nạn nhân trao về cho thân nhân của họ để chăm lo hậu sự.

Vào lúc 17h15 ngày 7/10/2017, Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai nhận tin báo có một nạn nhân bị mắc kẹt trong cống thoát nước ngầm ngang qua quốc lộ 1A, địa chỉ: Km 1.864, quốc lộ 1A, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Ngay lập tức một tổ công tác được cử đến hiện trường. Qua xác minh nhanh, nạn nhân bị tâm thần, tự chui vào cống và mắc kẹt bên trong (ống có đường kính khoảng 1,2m, dài khoảng 50m). Mặc dù trời mưa lớn, nước trong cống chảy xiết nhưng anh em vẫn quyết định buộc dây thừng ngang bụng, chui sâu vào bên trong tìm kiếm người mắc kẹt. 

Đến 18h5 cùng ngày, lực lượng CNCH đã đưa nạn nhân ra bên ngoài an toàn. Nạn nhân tên Trương Thị Chi, 48 tuổi, HKTT: Ấp An Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Sau đó đơn vị bàn giao vụ việc cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

Trong quá trình làm nghề, Đại tá Nhân cùng đồng đội đã từng chiến thắng không ít đám cháy, cứu sống nhiều nạn nhân đuối nước hoặc gặp sự cố khác, nhưng có lẽ vụ một nạn nhân bị nước cuốn trôi vào trong cống gây tử vong khiến anh mất ngủ nhiều nhất. 

Hôm ấy là ngày 30-9-2017, vào lúc 23 giờ 55 phút khi đang trực chỉ huy tác chiến tại đơn vị, anh Nhân nhận thông tin có một nạn nhân đi xe máy khi đi qua cầu dân sinh Kim Bích, phường Trảng Dài, Biên Hào trong lúc trời mưa lớn, nước dâng cao chảy xiết và ngập cầu đã bị cuốn trôi xuống suối mất tích. Không thể chậm trễ, anh huy động tổ công tác lập tức lên đường và đến 24 giờ 3 phút thì có mặt tại hiện trường.

Do nắm chắc địa hình, địa vật, sau vài phút hội ý chớp nhoáng, Đại tá Nhân quyết định chia đội hình làm hai, một tổ làm nhiệm vụ men theo hai bên bờ tìm kiếm xem nạn nhân có bị trôi dạt hoặc mắc kẹt trong bụi cây nào đó hay không, tổ thứ hai gồm hàng chục thợ lặn với quần áo người nhái, bình dưỡng khí và đặc biệt là dây an toàn buộc ngang lưng lần lượt lao xuống rồi mất hút trong dòng nước dữ. 

Đến 0 giờ 15 phút ngày 1-10-2017, đã tìm thấy xe máy nạn nhan bị trôi cách hiện trường khoảng 100m, nhưng thông tin làm cho các anh đượm buồn được báo về từ tổ tìm kiếm trên bờ là không thấy dấu tích nạn nhân.

Xác định có thể nạn nhân đã bị nước cuốn trôi nhưng hy vọng họ có thể vẫn còn sống, tổ thợ lặn tiếp tục lặn xuống dòng nước tìm kiếm. Hơn 5 giờ đồng hồ liên tục lặn ngụp, tất cả các ống cống trong khu vực đều đã được rà soát hết sức cặn kẽ, dòng nước xiết lạnh buốt thấm vào từng thớ thịt khiến nhiều anh em thợ lặn  mặt mày tái nhợt nhưng vẫn không tìm thấy nạn nhân.

Việc chữa cháy diễn ra trong mọi điều kiện khó khăn.

Bụng đói, sức kiệt nhưng với quyết tâm cao độ, các thợ lặn quyết định mỗi người uống vội một hộp sữa tươi rồi tiếp tục thi gan với dòng nước dữ. 

Sự kiên trì, quả cảm của các anh cuối cùng cũng đã được đền đáp khi đến 6 giờ 30 ngày 1-10-2017 đã tìm thấy thi thể nạn nhân trên sông Đồng Nai thuộc khu phố 6, phường Tân Mai, TP Biên Hòa cách hiện trường 7km (nạn nhân tên Nguyễn Tấn Phát, SN 1988, HKTT: Khu phố 4B, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa). Sau đó bàn giao vụ việc cho Công an TP Biên Hòa xử lý theo quy định.

Lòng đau nhói vì không thể cứu sống được nạn nhân song ít ra cũng có một niềm an ủi lớn đó là hoàn thành được nguyện vọng của thân nhân gia đình, nhanh chóng tìm được nạn nhân đưa về cho họ lo hậu sự. 

Đức Cương
.
.
.