“Bắt mạch” những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông đô thị

Thứ Sáu, 11/11/2011, 14:53

Giao thông, đó là từ tự nó nói lên cái bản chất bên trong rất dễ hiểu. Vạn vật chỉ có thể thông nếu biết giao nhau. Cụ thể nhất nếu chúng ta ngắm nhìn một ngã tư, ngã năm hoặc ngã sáu, thì thấy mọi xe cộ đi từ mọi ngả đến đã giao nhau ở đó, và người ta chỉ có thể đi tiếp - đi thông khi xe nọ nhường và tránh xe kia. Nhưng để xử lý những ngã giao nhau đó, người ta đã dùng những cầu vượt. Cầu vượt không phải thứ chạy trốn được sự giao nhau mà chỉ là cách giao nhau khác mà thôi.

Giao thông ở đâu là phức tạp nhất? Đường thủy hay đường không? Con người  không có vây vì vậy đất sống của họ không phải là nước! Con người cũng không có cánh nên đất sống của họ không phải là trời mây. Mà như tên gọi "đất sống", chỉ có đất đai là nơi ở bản năng thân quen gần gũi nhất của con người. Triết gia J.P Sartre có nói một câu thật da diết: "Cuộc đời yêu như thể đất thịt này" (La vie est aimable comme la terre charnelle). Một người đàn ông lao xe vào cửa nhà mình thì cả đường và hè đều là chỗ xe lăn. Ông ta lấy chiếc ghế ngồi hóng mát ngắm xe cộ chạy qua, thì hè phố đó còn biến thành mảnh đất nghỉ ngơi thụ hưởng của ông ta…

Suy rộng ra chúng ta thấy, đường phố không chỉ là nơi chạy xe mà còn là cảnh quan sinh hoạt cộng đồng của cả xã hội. Một chiếc xe đang chạy nó có thể gây nguy hiểm nếu đâm bổ hay va quệt. Nhưng khi nó đỗ, có phải nó sẽ đỗ như một vật thể vô tri? Không, nó đang ở trạng thái chờ, tức là ngay cả khi nó không chạy nó vẫn chứa đựng sự thụ hưởng về đi lại. Nó giống như một cô gái đang chờ tình nhân. Sự chờ đó không bất động mà chính nó đang ươm một chiếc mầm hạnh phúc.

Một trong những phát minh quan trọng nhất của con người là bánh xe. Nó phát triển đến ngày nay đã thành xe đạp, xe máy, ô tô. Và từ đất sống bản năng sát cánh với con người, cho đến phương tiện bánh xe trên bộ, cho thấy vấn đề đường bộ là nơi thiết yếu nhất của con người. Ở đó nó vừa phục vụ người ta đi lại, vận chuyển, cũng như là phương tiện hưởng lạc của con người. theo tiêu chuẩn cứng về mức sống hiện nay, điều đầu tiên là nhà ở vì nó thiết yếu, nhưng cái thứ hai là ôtô - vì nó là phương tiện hưởng lạc.

Và vấn đề đất sống thiết yếu, đất giao thông cho phát triển đang là vấn đề ách tắc nhức nhối bức xúc ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều chuyên gia nước ngoài đã cảnh báo, nếu Việt Nam không tiến hành kiến thiết cơ sở hạ tầng giao thông xứng tầm thì không thể nào phát triển được, cũng như không thu hút được nguồn vốn từ ngoài rót vào.

Mới đây, ngày 20 tháng 9, Hà Nội đã tiến hành phân luồng cho ôtô và xe máy, tại TP Hồ Chí Minh thì đang xây dựng 35 trạm thu phí để áp dụng với những ôtô đi vào nội đô. Tất nhiên đó là việc làm của chính quyền thành phố và các ngành chức năng, nhưng điều quan trọng hơn là, nếu mọi người dân không tự giác thực hiện thì tất cả các dự án chỉ là những bản vẽ phá sản mà thôi. Mà muốn tự giác, thì người dân đặc biệt là các chuyên gia phải khơi mào xới lên vấn đề bàn bạc cũng như tìm giải pháp. Và bài viết này cũng không nằm ngoài ý muốn được tham gia vào cuộc trao đổi về vấn đề cốt tử này.

- Ý thức: Việc đầu tiên luôn luôn là ý thức. Tất cả mọi ôtô và xe máy đang nghiêm chỉnh đợi trước đèn đỏ ở ngã tư, vừa có đèn xanh, bỗng có một vài anh chàng không đội mũ bảo hiểm muốn lẩn tránh cảnh sát liền tăng tốc vọt ngang qua, thế là tất cả dòng người phải khựng lại. Thậm chí đi đến chỗ đèn đỏ, mọi người đang dừng lại, một anh chàng đi buôn ào đến đỗ sau mọi người còn chửi bậy "mẹ kiếp, chỗ này thì đỏ với đen cái gì!" nghĩa là anh ta không chỉ coi thường pháp luật mà còn coi thường ngay cả những người đang nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật.

- Mặt bằng: Theo thống kê, người đi xe máy đỗ hết 1,5 m2, còn ôtô đỗ hết 10 m2, xe máy đi chiếm diện tích sử dụng động là 6 m2 còn ôtô là 25 m2. Như vậy có nghĩa thành phố cần cả đường cho xe lưu thông, cần cả đường cho xe đỗ. Nhưng ở tất cả mọi xó xỉnh, người ta đều cơi nới tận dụng đến mức một chiếc xe máy nhiều khi còn không quay đầu nổi, phải dắt dật lùi.

Những chung cư cao tầng xưa kia được xây theo mô hình nước ngoài chẳng hạn, khoảng cách giữa các tầng rất rộng rãi và hợp lý, đảm bảo cho cư dân có không gian sinh hoạt. Nhưng giờ đây không rõ bằng những ban phát ríc rắc nào, người ta cơi nới ra hết tầm, làm cho việc tìm thấy một chỗ đỗ xe thật khó. Chưa hết, ngay cả những cao ốc mới, theo thiết kế thì phải có bãi và hầm để xe, nhưng do nhu cầu chạy theo lợi nhuận, người ta bèn cắt béng chỗ để xe đi, lấy mặt bằng cho thuê bán hàng. Thế là chỗ để xe đã chật lại càng chật.

So với Singapore mặt bằng giao thông của chúng ta ít hơn hai lần rưỡi, cụ thể, Singapore diện tích đất dành cho giao thông chiếm 15,5%, trong khi ở nước ta con số này chỉ là 6%. Đã ít, nhưng khi có cơ hội cải thiện, người ta lại làm ngược lại. Thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

- Thói quen đi lại của người Việt: Nói chung, người xứ nóng thích đi lại và sinh hoạt ngoài đường, cho nên đường phố càng đông đúc. Nhưng đặc biệt với người Việt thì sự đi lại còn nhiều hơn xứ nóng nơi khác rất nhiều. Một học sinh nước ngoài chỉ đi học và về mỗi ngày một lần. Nhưng các học trò ở ta, do lo đi học thêm cả chiều lẫn tối, có khi đi mỗi ngày ba lần, tức cao gấp 300 % xứ người. Các bậc phụ huynh mỗi ngày đưa đón con nhỏ 2 lần, làm mật độ đã đông lại càng đông. Trẻ con đã vậy, mỗi mùa thi cử, ngay cả với những em đã tốt nghiệp phổ thông mà vẫn phải có cha mẹ tháp tùng vì lo con "sa bẫy", nên dịp thi cử, đường đông không chịu nổi.

- Cơ sở hạ tầng: Nhưng tất cả các giải pháp có tính chất ý thức trên không thể thay thế cho giải pháp cơ bản của cơ sở hạ tầng, chẳng hạn người ta sẽ đầu tư bao nhiêu, thực hiện những dự án nào, nâng cấp, cải tạo, mở rộng thêm. Người Việt có câu "đánh bùn sang ao", nghĩa là nếu người ta không thực hiện giải quyết triệt để bất cứ vấn đề nào, chỉ tìm cách xàng xê nó từ chỗ nọ qua chỗ kia thì chẳng khác nào đánh bùn từ chỗ này sang chỗ khác, chỗ này sạch bùn nhưng chỗ khác lại chất đống bùn. Ở Việt Nam đã có không ít bài học về việc này, nào giải quyết tắc ở phố này thì nó lại sình lầy sang phố khác, dọn được chỗ này nó lại chảy qua chỗ kia… vấn đề tổng hợp là ở chỗ, mặt bằng dành cho giao thông, cả đi và đỗ quá chật hẹp.

Đã có nhiều ý kiến nêu lên là sẽ cấm đoán nào xe máy hay ôtô lưu thông, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng trả lời phỏng vấn của nhà báo Tiến Dũng đăng trên báo VN Express cho biết: "Quyết định cấm xe đạp rồi đến xe máy là sai lầm lớn nhất ở Trung Quốc". Rõ ràng đây là một bài học nhãn tiền để chúng ta tham chiếu và rút kinh nghiệm.

Về nguyên lý, rõ ràng chúng ta không thể cấm đoán đi lại, bởi lẽ hạn chế đi lại cũng có nghĩa là hạn chế phát triển, hạn chế tiến bộ, và hạn chế hưởng thụ. Chúng ta chỉ có giải pháp thay thế phương tiện đi lại như dùng giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân mà thôi. Nhưng hiện giờ phương tiện công cộng của chúng ta lại chưa thể đáp ứng.

Thêm nữa, như chúng ta đã biết phương tiện giao thông còn là thứ để con người hưởng thụ đời sống vật chất của mình, đặc biệt với ôtô hiện đang là phương tiện hưởng thụ lợi ích phổ biến bậc nhất, ngành công nghiệp ôtô của việt Nam mới còn non trẻ, nó không thể phát triển được nếu bị cấm đoán và không tìm được đầu ra. Vì thế xét lợi ích lâu dài, chúng ta nên có những dự án cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng với tầm nhìn xa, dài hơi hơn.

Tuy nhiên trước mắt cũng nên bàn bạc, nhanh hơn là học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, từ đó rút ra giải pháp cho mình. Dẫu vậy, những giải pháp phân luồng hay thu phí chỉ là cách tạm thời, như một giải pháp tình huống, nó không thể làm lãng quên hay che khuất những dự án đồng bộ dành cho cơ sở hạ tầng. Có một phương ngôn rằng "Sống trong nhà kính thì không ai ném đá". Hy vọng rằng khi đã có một cơ sở hạ tầng đồng bộ, cộng với ý thức tự giác được rèn luyện qua những "phân luồng" rạch ròi, đến một ngày không xa người Việt sẽ thực hiện qui tắc giao thông theo cách khá tốt và khá đẹp!

Nguyễn Hoàng Đức
.
.
.