Bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc đua về thu nhập của các ứng viên đảng Dân chủ

Thứ Sáu, 19/07/2019, 08:48
Từng bị đánh giá là một trong những thành viên nghèo nhất của Thượng viện Mỹ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vươn lên vị trí ứng viên đảng Dân chủ giàu nhất với thu nhập 16 triệu USD trong vòng 2 năm.

Xem ra, hồ sơ thuế và công bố tài chính mới đang giúp cựu Phó Tổng thống vượt xa các ứng viên còn lại để tiến gần hơn với vị trí ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Những đồng USD biết nói

Theo hãng tin CNBC, trong báo cáo mới nhất, cựu Phó Tổng thống Mỹ và vợ cho biết có thu nhập hơn 11 triệu USD trong năm 2017 và 4,5 triệu USD năm 2018, chủ yếu là từ các hợp đồng viết sách. Thu nhập khác của hai vợ chồng này là tiền lương của ông Joe Biden với tư cách là giáo sư giảng dạy tại Đại học Pennsylvania, Đại học Drew và Jill Biden từ công việc tại Đại học cộng đồng ở Virginia. 

Ngoài ra, ông Joe Biden còn có thêm thu nhập hàng chục ngàn USD từ các cuộc nói chuyện, thuyết giảng, quảng bá tự truyện năm 2017 và có mặt tại hơn 10 sự kiện du lịch. Bên cạnh đó, hai vợ chồng ông còn có thêm tiền từ việc cho thuê ngôi nhà tranh trong khuôn viên gia đình ở Del. Do đó, năm 2017, cả hai đã phải nộp hơn 3,7 triệu USD tiền thuế thu nhập và 1,5 triệu USD tiền thuế cho năm 2018. Họ cũng đã trao hơn 1.275.000 USD cho các hoạt động từ thiện trong 2 năm qua. 

Hãng AP ghi nhận, gia đình ông Biden đã quyên góp nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện tôn giáo và chính trị, bao gồm hàng ngàn người cho Quỹ Joseph Biden và Quỹ Beau Biden để bảo vệ trẻ em. Năm 2016, gia đình đã quyên góp gần 6.000 USD và năm 2017 họ đã trao hơn 1 triệu USD cho gần 20 tổ chức từ thiện. Chưa hết, để chứng minh mình trong sạch, cựu Phó Tổng thống còn công bố cả hồ sơ 10 năm kê khai thuế khi ông cùng tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 và trong những năm ông giữ vị trí Phó Tổng thống.

Cử tri Mỹ dõi theo cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Dân chủ hồi tháng 6.

5 ngày trước khi ông Joe Biden công khai hồ sơ thuế và thu nhập của mình, Thượng nghị sĩ Kamala Harri là ứng viên giàu nhất của đảng Dân chủ. Hôm 5-7, Thượng nghị sĩ Kamala Harris và chồng là Luật sư Douglas Emhoff đã báo cáo khoảng 1,9 triệu USD thu nhập gộp đã điều chỉnh cho năm 2018, theo tờ khai thuế được công bố đầu năm nay. Các chính trị gia thường kiếm được thu nhập lớn trong và sau thời gian tại vị. 

Báo cáo thuế của Kamala Harris cho thấy bà là một quan chức có thành công tài chính tăng vọt cùng sự ảnh hưởng lớn trong giới chính trị. CNBC viết: “Giống như một số đối thủ khác, Kamala Harris thấy mình ở vị trí cao và với vai trò là ứng cử viên có thu nhập cao, bà có nhiều cơ hội hơn trong việc vận động giúp đỡ những người Mỹ có thu nhập thấp. Trong các cuộc tranh luận trước đó, bà Kamala Harris hứa sẽ bãi bỏ dự luật thuế năm 2017 của đảng Cộng hòa, nói rằng nó chỉ mang lại lợi ích cho 1% người kiếm tiền hàng đầu và những tập đoàn lớn nhất ở Mỹ. 

Chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris còn mô tả đề xuất xử phạt các công ty không trả tiền như nhau cho đàn ông và phụ nữ tham gia cùng một công việc là “nỗ lực tích cực nhất trong lịch sử để thực thi thanh toán công bằng”. 

Ý tưởng đằng sau kế hoạch này của ứng cử viên Kamala Harris là đưa trách nhiệm về phía các công ty, chứ không phải nhân viên của họ nhằm thực hiện việc chi trả mức lương tương đương và bà muốn kế hoạch được mã hóa thông qua một đạo luật được Quốc hội phê chuẩn. Hiện bà Kamala Harris đang tìm cách nhằm giành được nhiều sự ủng hộ hơn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình.

Tuy nhiên, Kamala Harris không phải lúc nào cũng giàu có. Khi bà là luật sư quận tại San Francisco (bắt đầu từ năm 2004) và sau đó là tiểu bang California (bắt đầu vào năm 2011), bà thường chỉ kiếm được từ 125.000 USD đến 225.000 USD. Thu nhập của bà chỉ tăng vọt sau khi kết hôn năm 2014 và hai vợ chồng trở thành đối tác tại Công ty luật Venable. Bản thân Kamala Harris cũng có thêm thu nhập khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016. 

Trên một mẫu công khai tài chính Thượng viện năm 2018 riêng biệt, Kamala Harris cho biết, hai vợ chồng có tài sản từ 2,5 triệu đến 5,8 triệu USD. Trong khi đó, các ứng viên khác cũng đã tiết lộ phần thu nhập của mình như: Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và chồng Bruce Mann báo cáo gần 850.000 USD thu nhập gộp đã điều chỉnh cho năm 2018; Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và vợ Jane có khoảng 560.000 USD thu nhập gộp đã điều chỉnh vào năm ngoái sau khi nhận hơn 1 triệu USD/năm trong năm 2016 và 2017…

Việc các ứng viên đảng Dân chủ công khai thu nhập được cho là một kế hoạch nhằm hạ bệ uy tín đương kim Tổng thống Donald Trump bởi ông liên tục từ chối hành động này.

Các cuộc tranh luận chưa có hồi kết

Hãng tin Bloomberg cho hay, trong khoảng gần nửa năm qua, hầu như mỗi tuần đều có thêm một ứng viên đảng Dân chủ tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Đây là số lượng ứng viên nhiều nhất của một đảng trong các cuộc tranh cử Tổng thống kể từ năm 1980 đến nay. 

Thống kê cho thấy, hiện có 23 ứng viên đảng Dân chủ, chưa kể 1 người mới tuyên bố rút lui hồi đầu tháng 5. Các ứng viên này đều là những người có kinh nghiệm chính trường và có tài phát biểu trước đám đông. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên này đã diễn ra tại Miami hồi cuối tháng 6. 

Có 20 ứng viên (3 người bị loại khỏi cuộc tranh luận vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn là nhận được tỷ lệ ủng hộ tối thiếu 1% trong 3 cuộc thăm dò dư luận hoặc được tài trợ 65.000 USD từ ít nhất 200 nhà tài trợ ở 20 bang) đã được phân chia ngẫu nhiên vào hai buổi tối tranh luận. Và sau cuộc tranh luận đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders được cho là đã dẫn đầu.

Thậm chí, trang web của tờ The Hill còn trích dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận của hai hãng Washingtonpost và ABC News cho thấy cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua giả định giữa hai nhân vật này. (Ông Joe Biden được cho là nhận được 53% số phiếu ủng hộ của cử tri so với tỷ lệ ủng hộ 43% dành cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm). 

Trong cuộc thăm dò này, cũng với tình huống giả định trên, Tổng thống Mỹ cũng bị các ứng cử viên hàng đầu khác của đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Kamala Harris và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lần lượt dẫn với các tỷ lệ lần lượt là 2% (48% so với 46%) và 1% (49% so với 48%).

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vươn lên vị trí ứng viên đảng Dân chủ giàu nhất với thu nhập 16 triệu USD trong vòng 2 năm.

Cũng theo kết quả các cuộc thăm dò này, chủ đề mà người Mỹ quan tâm nhất hiện nay là các vấn đề kinh tế, chăm sóc sức khỏe và nhập cự, tiếp theo sau là chính sách đối ngoại, kiểm soát bạo lực súng đạn, các vấn đề về thuế cùng những vấn đề đặc biệt khác liên quan đến phụ nữ và nạo phá thai. Các ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã rất khôn khéo khi lồng những nội dung này vào các bài phát biểu, tranh luận của mình để sau đó công kích Tổng thống Donald Trump. 

Một số tờ báo Mỹ còn nhận định: “Khi thấy những thắng lợi nho nhỏ từ việc công kích những vấn đề trên, các ứng viên đảng Dân chủ đã “tung đòn quyết định” bằng chiến lược công khai thu nhập. Đây là vấn đề khá nhạy cảm đối với ông Donald Trump và chính nó từng khiến uy tín của ông bị giảm sút”.

Thực tế, trong bầu cử Mỹ, công bố thu nhập là một trong những chiêu bài ghi điểm quan trọng. Việc này giúp các ứng viên thể hiện vị thế, sự ủng hộ của mọi người đối với mình và là minh chứng sâu sắc nhất cho việc họ minh bạch về tài chính và thuế. Sơ hở trong việc kê khai này sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích của các đối thủ. 

Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump khi đó là ứng viên đảng Cộng hoà đã bị nói rất nhiều khi từ chối cung cấp hồ sơ thuế cá nhân của mình. Lần này, trước khi các ứng viên đảng Dân chủ công khai thu nhập, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã yêu cầu Sở Thuế vụ Mỹ cung cấp bản khai thu nhập cá nhân và doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump nhưng bị từ chối. Cuộc đối đầu lớn nổ ra giữa Quốc hội và Nhà Trắng. Từ đây, những câu chuyện về xung đột lợi ích, khả năng vi phạm luật thuế và những giả thuyết khác về chính sách cho có lợi cho doanh nhân của Tổng thống Mỹ đã bị đưa ra mổ xẻ, xem xét, thậm chí yêu cầu điều tra…

Như một nhà phân tích đã bình luận: “Phe Dân chủ đã rất biết chớp thời cơ để đánh vào vấn đề đạo đức và sự tôn trọng pháp luật của ông Donald Trump nhất là khi ông là Tổng thống đầu tiên của Mỹ (kể từ thời Tổng thống Richard Nixon) từ chối tiết lộ bản khai thuế thu nhập. Họ muốn hồ sơ khai thuế của Tổng thống từ năm 2013-2018, khoảng thời gian mà các chuyên gia pháp lý cho rằng có thể làm sáng tỏ các giao dịch kinh doanh của ông. 

Một quy trình pháp lý như vậy có thể diễn tiến chậm chạp và trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử năm 2020 nhất là khi các ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ đã sớm thực hiện yêu cầu này. Đã có những bang như Illinois đã dùng sức ép buộc ông Donald Trump tiết lộ hồ sơ thuế nếu không sẽ không được xuất hiện trên phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020”.

Khánh Chi
.
.
.