Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Những cáo buộc cuối cùng

Thứ Ba, 08/11/2016, 16:26
Hôm nay (8-11, theo giờ địa phương), hơn 146 triệu (146,3 triệu người xác nhận sẽ đi bầu cử trên tổng số 219 triệu người đủ điều kiện) cử tri Mỹ đi bầu cử tân Tổng thống. Việc hơn 200 triệu người đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 8-11 đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.


Theo khảo sát của tổ chức Statistic Brain, có 146.311.000 người chắc chắn sẽ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong đó bang có số lượng cử tri dự kiến đi bầu cao nhất là Minnesota (75%), và thấp nhất là Utah (53,1%). Và đã có hơn 40 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm ở 38 bang.

Từ cáo buộc đối với bà Hillary Clinton

Ngày 4-11, Kênh truyền hình Fox News đã công khai xin lỗi sau khi đưa tin rằng, bà Hillary Clinton sẽ bị truy tố với các cáo buộc liên quan tới Quỹ Clinton.

Trong khi Bret Baier, người dẫn chương trình rút lại bản tin đã phát, các hãng tin lớn như NBC News, ABC News và CNN cũng bác bỏ điều này dựa theo nguồn tin riêng của họ.

Trong khi đó, Quỹ Clinton vừa xác nhận đã nhận món quà 1 triệu USD từ Qatar khi bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng, nhưng không báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm 2011, quan chức Qatar hứa tặng Quỹ Clinton 1 triệu USD nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của cựu Tổng thống Bill Clinton. Hơn 1 tháng trước (1-10) cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, trong tháng 9-2016, bà đã gây quỹ được số tiền kỷ lục 154 triệu USD.

Trước đó 1 tháng, bà Hillary Clinton kiếm được 143 triệu USD so với 90 triệu USD của đối thủ Donald Trump. Quỹ Clinton từng bị phe Cộng hoà công kích. Quỹ Clinton là quỹ phi lợi nhuận do cựu Tổng thống Bill Clinton thành lập năm 2001, với sứ mệnh "nâng cao năng lực con người trên khắp thế giới để đối phó với những thách thức của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Giới chức Mỹ tin rằng, 5 cơ quan tình báo nước ngoài từng đột nhập và lấy trộm các email của bà Hillary Clinton từ máy tính cá nhân của cựu Ngoại trưởng.

Và thông tin này được kênh truyền hình Fox News đăng tải hôm 3-11 đã khiến Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ Michael McCaul gọi hành động của bà Hillary Clinton là "phản quốc".

Bộ Ngoại giao Mỹ bị tố thông đồng với bà Hillary Clinton trong bê bối email cá nhân của cựu Ngoại trưởng. Ngày 7-11, FBI đã công bố kết quả điều tra những email liên quan tới bà Hillary Clinton. theo đó, giữ nguyên phán quyết hồi tháng 7 - bà Hillary Clinton vô can.

Theo điều tra của CBS/New York Times, việc FBI tái điều tra vụ email cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton không ảnh hưởng nhiều tới quyết định bỏ phiếu của cử tri. Và theo tính toán của CNN, bà Hillary Clinton có thể đạt 272 phiếu đại cử tri, còn ông Donald Trump có 179 phiếu đại cử tri, còn 87 phiếu đại cử tri tại các bang còn do dự sẽ quyết định ai trở thành tân Tổng thống.

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton dẫn trước ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa một khoảng cách nhỏ và việc này hoàn toàn có thể thay đổi khi cử tri chính thức đi bỏ phiếu hôm 8-11.

Nhà làm phim Joel Gilbert tiếp tục gây chú ý với bộ phim về Danney Williams, người tự nhận là "con rơi" của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Ngày 1-11, ông Joel Gilbert đã đưa Danney Williams, 30 tuổi, đến Washington, để anh phát biểu trước camera truyền hình tại CLB Báo chí Quốc gia Mỹ: "Tôi mong cô Monica Lewinsky cho mượn chiếc váy xanh lấy mẫu ADN của cựu Tổng thống Bill Clinton để tôi có thể chứng minh: ông ấy là cha tôi".

Mặc dù ADN của Danney Williams đã được kiểm tra 17 năm trước, khi mẹ ông bán câu chuyện này cho một tờ lá cải. Và tuy kết quả giám định ADN đã được công bố: Danney Williams không phải con ông Bill Clinton, nhưng cuối năm 2015, cố vấn lâu năm của tỉ phú Donald Trump là ông Roger Stone lại tuyên bố "đòi lại công lý cho Danney Williams".

Và việc này đã khiến bà Hillary Clinton vô cùng tức giận, thậm chí mất bình tĩnh sau khi một người đàn ông tuyên bố (1-11): Bill Clinton là kẻ hiếp dâm!

Tới cáo buộc với vợ chồng ông Donald Trump

Ngày 5-11, tờ Wall Street Journal cáo buộc tờ National Enquirer (ủng hộ ông Donald Trump) từng chi 150.000 USD để mua câu chuyện ngoại tình giữa nhà tỷ phú này với cựu người mẫu Karen McDougal, nhưng lại không đăng.

Karen McDougal đã giành giải Người mẫu của năm 1998 do tạp chí Playboy bình chọn, từng hẹn hò với tỷ phú Donald Trump, bất chấp việc ông đã cưới bà Melania. Và cuộc tình này kéo dài từ đầu năm 2006 đến năm 2007.

Sau khi chấm dứt cuộc tình bí mật với ông Donald Trump, Karen McDougal được "mời ký hợp đồng" cam kết không tiết lộ chuyện này với bất kỳ tờ báo nào, đổi lại cô nhận một khoản tiền lớn.

Hope Hicks, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã bác bỏ thông tin của tờ Wall Street Journal, vì cho rằng chuyện tình này không đúng sự thực!

Tỷ phú Donald Trump.

Tờ New York Daily News vừa dẫn tuyên bố của Lisa Bloom, luật sư đại diện cho bà Jane Doe, về việc thân chủ đã rút đơn kiện hôm 3-11 tại Tòa án Tối cao Manhattan, New York.

Jane Doe cáo buộc ông Donald Trump cưỡng hiếp mình năm 13 tuổi, nhưng đã rút lại đơn kiện sau khi bị đe dọa - sẽ làm hại bà và gia đình nếu sự việc bị tiết lộ. Theo bà Jane Doe, ông Donald Trump đã cưỡng hiếp mình ở New York trong các bữa tiệc sex do tỷ phú Jeffrey Epstein tổ chức năm 1994, và khi đó bà mới 13 tuổi.

"Jane Doe đã nhận được nhiều lời đe dọa, giống như tất cả những người cáo buộc ông Donald Trump mà tôi từng đại diện", luật sư Lisa Bloom nói.

Hãng AP cũng vừa tiết lộ, 7 tuần trước khi được phép làm việc hợp pháp tại Mỹ, bà Melania Trump từng kiếm được 20.056 USD.

Theo giới truyền thông, bà Melania Trump nhận thẻ xanh tháng 3-2001 và trở thành công dân Mỹ năm 2006. Nhưng theo tài liệu vừa được hãng AP công bố, bà Melania Trump kiếm được 20.056 USD từ 10 hợp đồng người mẫu từ ngày 10-9-1996 đến ngày 15-10-1996, trước khi nhận được thị thực làm việc tại Mỹ ngày 18-10-1996. Điều này đồng nghĩa với việc bà Melania Trump đã phạm luật.

Tỷ phú Donald Trump và bà Karen McDougal.

Ngoài ra, bà Melania Trump còn bị tờ Independent cáo buộc đã "ăn cắp" bài phát biểu của người khác, để đọc khi thuyết phục cử tri hôm 3-11 ở Berwyn, bang Pennsylvania.

Điều thú vị là bà Melania Trump đã lấy một số đoạn văn trong bài phát biểu của bà Marla Maples, người vợ hai của ông Donald Trump. Trước đó, bà Melania Trump từng bị tố "sao chép" bài phát biểu của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Ngày 3-11, Thẩm phán liên bang Gerald Pappert đã ủng hộ một đạo luật của bang Pennsylvania, khiến những người ủng hộ ông Donald Trump gặp khó khăn trong việc giám sát hoạt động bầu cử tại các khu vực có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ. 

Bởi trước đó, ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố, cuộc bầu cử ngày 8-11 có thể bị gian lận và kêu gọi những người ủng hộ theo dõi chặt các dấu hiệu gian lận tại thành phố Philadelphia, thủ phủ bang Pennsylvania và các khu vực khác.

Và những tuyên bố khác nhau

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên đài RT (Nga) hôm 5-11, ông Julian Assange cho biết, WikiLeaks sẽ đăng tải những email cho thấy, bà Hillary Clinton từng nhận tài trợ tài chính từ những người đang tài trợ cho tổ chức khủng bố IS.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo John Pilger, ông chủ WikiLeaks tuyên bố, những quỹ đầu tư của các chính phủ Arab là nhà tài trợ chính cho bà Hillary Clinton và IS.

Ông Julian Assange cũng khẳng định, dưới thời bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng, Mỹ đã ký hợp đồng bán vũ khí lớn nhất thế giới với thế giới Arab, trị giá hơn 80 tỉ USD. Ông chủ WikiLeaks còn cáo buộc, giới chức Mỹ và bà Hillary Clinton đều biết chuyện này, nhưng cố tình làm "sai lệch thông tin".

"Ông Donald Trump không thể giành chiến thắng vì không được ai hậu thuẫn. Giới ngân hàng, tình báo, công ty vũ khí... tài trợ từ nước ngoài và cả các phương tiện truyền thông đều hậu thuẫn bà Hillary Clinton", ông Julian Assgange nhấn mạnh.

Bà Hillary Clinton và ông Julian Assange.

Dư luận và giới truyền thông từng cho rằng, chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được dự đoán là một trong những chiến dịch tiêu tốn nhiều tiền nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và theo ước tính của hãng tin Bloomberg, con số này có thể lên đến 10 tỷ USD.

Còn theo ước tính của Borrell Associates, một trong những công ty tư vấn và quảng cáo lớn nhất ở Mỹ, cuộc chạy đua để trở thành chủ nhân Nhà Trắng sẽ tiêu tốn hơn 11 tỷ USD.

Đang có dư luận cho rằng, cử tri sẽ bầu cho ông Donald Trump vì muốn làm bẽ mặt giới tinh hoa ở Mỹ.

Và với nhiều người ủng hộ nhà tỷ phú này, thất bại trong cuộc bầu cử ngày 8-11 không hề chứng tỏ nhà lãnh đạo của họ đã sai. Bởi theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới 83% người ủng hộ ông Doinald Trump tin rằng, chính phủ luôn lãng phí và không hiệu quả.

Vẫn theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa số cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa tin rằng, cuộc sống hiện tại tệ hơn so với 50 năm trước.

Trong khi đó, đảng Dân chủ dựa vào sự ủng hộ của giới tinh hoa và đa số quần chúng dựa theo những nguyên tắc chính như tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật, bảo vệ hệ thống chính trị dân chủ…

Hãng Reuters vừa dẫn cảnh báo của giới chức an ninh và tình báo Mỹ, theo đó 8-11 là ngày nước Mỹ sẽ chứng kiến một cuộc chiến công nghệ thông tin khốc liệt và ở một hình thức hoàn toàn mới.

Và 3 bang New York, Texas, Virginia có nguy cơ bị Al-Qaeda tấn công trong ngày bầu cử 8-11. Do đó, lực lượng cảnh sát New York, cơ quan Cảng New York và New Jersey đã lên kế hoạch để đối phó với nguy cơ này.

Bộ An ninh nội địa từ chối bình luận, FBI cũng không xác nhận hay bình luận về thông tin này. Theo thống kê của FBI, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống 1 tháng, số lượng súng được người dân Mỹ mua đã tăng cao kỷ lục. Theo đó hơn 2,3 triệu khẩu súng đã được đăng kiểm tại Mỹ chỉ trong tháng 10-2016 và con số này đánh dấu 18 tháng doanh số súng gia tăng liên tục. 

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.