Bay đi những chú chim nhỏ

Thứ Hai, 24/02/2014, 10:00

Mới đầu Xuân mà cộng đồng mạng Việt Nam đã được một phen phát sốt lên với ứng dụng trò chơi Flappy Bird của chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông khi nó đứng đầu trong danh sách tải về toàn cầu trong tháng 1/2014 với doanh số quảng cáo đính kèm ước tính lên tới 50 ngàn USD/ngày nhờ vào lượt tải khủng tính bằng đơn vị triệu.

Cơn sốt ấy càng trở nên tăng nhiệt hơn khi tác giả Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ bỏ ứng dụng này trên kho dữ liệu và chính thức khai tử trò chơi của mình. Đã có rất nhiều đồn đoán, phân tích của cư dân mạng lẫn báo chí quốc tế về lý do tại sao Nguyễn Hà Đông lại gỡ bỏ trò chơi vàng này của mình. Nào là sợ áp lực thuế; nào là sợ bị kiện vi phạm bản quyền; nào là sợ sức ép từ truyền thông... và v.v.

Nhưng suy cho cùng, chúng ta chẳng có đủ hiểu biết cặn kẽ đến căn nguyên của câu chuyện để mà đồn đoán tại sao Nguyễn Hà Đông lại quyết định như thế. Đó là một quyết định của cá nhân anh và chắc chắn anh phải suy nghĩ chín chắn trước khi đưa ra quyết định ấy. Chúng ta cần tôn trọng sự riêng tư đó của tác giả trò chơi và đồng thời cũng nên dẹp bỏ những quan tâm quá mức, đặc biệt là những ánh mắt đố kị, nghi ngờ vốn dĩ dành cho chàng kỹ sư tin học trẻ. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn thẳng thắn vào chính mình, chính thế hệ của mình, những thất bại của mình để so sánh, đối chiếu với cơn sốt Flappy Bird nhằm nhìn nhận được căn nguyên của những vấn đề lớn hơn: Vấn đề KHỞI NGHIÊP.

Đã có thời kỳ, khoảng giữa thập niên (19)90s, người Việt có cơn sốt theo học hai ngành Quản trị kinh doanh và Tin học. Họ cho rằng đó là ngành thời thượng, có thể kiếm được việc làm một cách nhanh chóng sau khi tốt nghiệp đại học. Rồi sau đó đến lượt cơn sốt học ngành xây dựng, kiến trúc cũng với cùng một tư duy cũ rích như thế. Kết quả là gì?

Kết quả là một lượng lớn cử nhân kỹ sư thất nghiệp cùng với một mẫu số chung: dư thừa nguồn cung nhân lực cùng một ngành học. Nhưng trong mắt những người thất bại (tạm gọi đó), việc họ thất nghiệp là do kinh tế xuống dốc, xã hội thế này, đời sống thế kia. Nói chung, chúng ta ưa đổ lỗi cho khách quan thay vì nhìn chính vào sai lầm của mình, đặc biệt là sai lầm khi chọn lựa.

Nguyễn Hà Đông, chàng trai tuyệt vời với việc nhỏ mà tạo hiệu quả cực lớn.

Song song đó, việc thất bại của nhiều người trong công việc còn nằm ở chỗ chính họ đặt cho mình một viễn tưởng quá lớn về sự nghiệp. Đại khái là có một số lượng không nhỏ luôn tự cho rằng mình sinh ra để 'Làm việc lớn' và coi những việc 'nho nhỏ', thậm chí là 'không tên' là những việc không đáng để làm. Đơn cử, người ta thích mở một công ty cho hoành tránh (về cái tên) trong khi nội dung (tức công việc) lại chẳng có gì đáng giá thay vì mở một tiệm nho nhỏ để kinh doanh.

Và bởi thế, chính những người số ít mở những cơ sở kinh doanh nho nhỏ, chẳng ra hồn (trong mắt cộng đồng về độ oai) lại là những người rất thành công và tạo dựng được những doanh nghiệp mà giá trị hiện thời của nó phải tính bằng đơn vị chục triệu đô Mỹ. Flappy Bird là một ví dụ điển hình. Khi bắt đầu thực hiện nó, chắc hẳn Nguyễn Hà Đông sẽ không được đánh giá cao trong mắt những người khác bởi họ cho rằng đó chỉ là 'việc vặt', thậm chí là 'vớ vẩn'. Nhưng khi nó sinh ra kết quả thực sự, là thành công vang dội toàn cầu, liệu những người từng xem thường công việc ấy có nhìn lại mình hay họ chỉ dè bỉu nó theo tinh thần ghen ăn tức ở đúng nghĩa?

Bài học Flappy Bird rõ ràng rất lớn đối với chúng ta, đặc biệt trong chuyện hướng nghiệp. Hãy nhớ, nếu bạn làm một công việc xuất phát từ kiến thức của chính mình, từ niềm đam mê đến mức độ yêu say đắm công việc đó, thành công sẽ không quá khó. Và khi ấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng những việc nhỏ không hẳn chỉ tạo ra những kết quả nhỏ và ngược lại, những việc lớn chưa chắc đã tạo ra hiệu quả lớn.

Tất nhiên, ai cũng có quyền mơ giấc mơ lớn nhưng giấc mơ lớn phải vừa tầm sức của mình chứ không phải là một huyễn tưởng mà cả đời mình cuối cùng bị nó hành hạ.

Và cho dù Nguyễn Hà Đông có khai tử Flappy Bird của anh bởi lý do gì đi chăng nữa, điều TỐT ĐẸP nhất mà anh để lại từ Flappy Bird là một hứng khởi cho những người trẻ ở Việt Nam để họ lao vào những công việc (dù nhỏ thôi) mà họ đam mê thực sự. Hiểu rõ được câu chuyện ấy, thấm đẫm được hứng khởi ấy, ta sẽ thấy một ngày, chính ta, có thể chắp cánh cho những cánh chim nhỏ của mình cất bay ở một vùng trời không ai ngờ…

H.Anh
.
.
.