Bê bối vắc-xin Khủng hoảng niềm tin

Thứ Năm, 09/08/2018, 15:22
Ngày 15-7, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Cát Lâm (Trung Quốc) phát hiện Công ty Nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh ở Cát Lâm đã làm giả số liệu về việc sản xuất khoảng 113.000 liều vắc-xin phòng bệnh dại. Do vậy, cơ quan quản lý đã thu hồi giấy phép sản xuất loại vắc-xin này của Trường Sinh.


Tiếp đó, ngày 20-7, Tân Hoa xã dẫn lời cơ quan điều tra cho biết Công ty Trường Xuân đã cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông khoảng 252.600 liều vắc-xin DTP "3 trong 1" (dùng cho trẻ sơ sinh để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) không đạt chất lượng.

8 năm, 5 vụ bê bối vắc-xin

Có 15 người, bao gồm cả chủ tịch công ty đã bị bắt. Và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự cố “kinh hoàng” này. 

Tờ South China Morning Post ngày 23-7 cho biết trong tuyên bố đưa ra trước nửa đêm 21-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định vụ việc đã vượt "lằn ranh đạo đức thấp nhất". Ông ra lệnh điều tra toàn bộ quy trình sản xuất và buôn bán vắc-xin nói trên và nói sẽ trừng phạt nghiêm khắc những công ty và cá nhân có liên quan. 

Theo Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (CCTV)  thì Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ rà soát tất cả hãng sản xuất vắc-xin trong nước.

Đây là lần thứ 5 trong 8 năm qua Trung Quốc bị dính bê bối vắc-xin giả/kém chất lượng. Hồi tháng 3-2016, các nhà chức trách Trung Quốc phát hiện 2 triệu liều vắc-xin được lưu trữ không đúng cách trong một nhà kho chật hẹp. Số vắc xin này đã được bán trên khắp đất nước. 

Năm 2015, hàng trăm trẻ sơ sinh ở tỉnh Hà Nam đã bị tiêm chủng ngừa bằng vắc-xin hết hạn, hậu quả là 2 ca tử vong đã xảy ra. Năm 2013, các cơ quan y tế đã điều tra một công ty sản xuất vắc-xin sau khi 8 trẻ sơ sinh tử vong trong 2 tháng sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B. Và năm 2010, vắc-xin không được bảo đảm ở tỉnh Sơn Tây đã cướp đi sinh mệnh 4 đứa trẻ và làm hơn 70 bé khác bị ảnh hưởng.

“Tỵ nạn” vắc-xin

Những bê bối liên quan đến vắc-xin liên tiếp diễn ra theo hướng ngày càng nghiêm trọng dường như đã làm người dân mất niềm tin vào ngành y tế nước nhà. 

Bất chấp những lời lẽ trấn an từ chính phủ và truyền thông, một phụ huynh họ Lin ở Quảng Châu, có con gái đã tiêm 4 liều DPT kém chất lượng, nói rằng không còn niềm tin với vắc-xin sản xuất ở Đại lục và tuyên bố ông sẽ đưa con tới Hồng Kông để tiêm phòng. 

Một số phòng khám tư nhân ở Hồng Kông cho biết lịch tiêm chủng của họ đã hoàn toàn không còn chỗ trống trong 2 tháng tới mặc dù đã tăng giá dịch vụ gấp đôi. Một phòng khám tư nhân khác tiết lộ họ đã nhận được tới 30.000 đăng ký từ các bà mẹ ở Đại lục.

Hiện nay, 2 loại vắc-xin phổ biến nhất là mũi 5 trong 1 và mũi 6 trong 1 ở Hồng Kông đã “cháy hàng”, do lượng đăng ký từ Đại lục tăng vọt. Nhiều bác sĩ nhi khoa lo lắng rằng việc thiếu hụt vắc-xin có thể ảnh hưởng đến tình trạng tiêm phòng trẻ em ở Hồng Kông

Trong khi vụ bê bối vắc-xin chưa lắng xuống thì người dân nước này lại mất niềm tin hơn khi vào ngày 30-7, Công an huyện Cát Thủy, tỉnh Giang Tây đã tịch thu 6 tấn thuốc làm từ bột mì, tờ BL Daily đưa tin. Được biết trong 6 tấn thuốc giả trên có cả Axit folic dành cho phụ nữ mang thai (axit này là một loại vitamin B9 hòa tan trong nước, giúp bào thai được phát triển khỏe mạnh, tránh các biến cố bào thai hay bệnh tật bẩm sinh nguy hiểm cho thai nhi).

Chứng khoán lao dốc

Cổ phiếu của Công ty Trường Sinh đã bị ngừng giao dịch trên sàn Thẩm Quyến ngày 23-7. Hôm 16-7, công ty này cũng đã dừng sản xuất và tiến hành thu hồi vắc-xin phòng bệnh dại theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài loại vắc-xin phòng bệnh dại có vấn đề, Trường Sinh cũng đang bị cơ quan chức năng giám sát vì hành vi sản xuất và bán vắc-xin chất lượng kém dành cho trẻ sơ sinh. Năm ngoái, công ty này bị phát hiện có sai phạm trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván.

Công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2 tỷ USD này đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và nhà đầu tư trong một tuyên bố đăng trên sàn chứng khoán Thẩm Quyến vào tối ngày Chủ nhật 22-7. Phiên sáng 23-7, giá cổ phiếu các công ty vắc-xin Trung Quốc như Shenzhen Kangtai hay Chongqing Zhifei đồng loạt giảm kịch sàn 10%. Trước đó, cả hai cổ phiếu này đều tăng 57% từ đầu năm do nhu cầu vắc-xin tại Trung Quốc tăng mạnh.

Không chỉ các công ty vắc-xin bị ảnh hưởng mà Công ty Công nghệ sinh học Thượng Hải Hile, vốn hoạt động hoàn toàn trong lĩnh vực bán vắc-xin cho lợn và gia cầm cũng bị vạ lây. Tuần qua, giá trị vốn hóa của công ty này đã giảm tới 34%, tương đương 483 triệu USD.

Thà bán nhầm hơn bỏ sót

Hôm 30-7, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định những công ty dược phẩm vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng có thể bị hủy niêm yết. Các nhà sản xuất dược phẩm cũng nằm trong nhóm bị kiểm soát đặc biệt với những quy tắc quản lý nghiêm ngặt bởi nguy cơ xảy ra các sự cố y tế công cộng. Nhiều cổ phiếu vì thế mà bị bán tháo.

Ngoài Công ty Trường Sơn, 2 công ty khác cũng đang hứng chịu đợt "tắm máu" là Công ty Sản phẩm Sinh học Trùng Khánh Zhifei và Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao Trường Xuân. Những bê bối liên quan tới thuốc kém chất lượng khiến cổ phiếu của các công ty này liên tục bị bán sàn.

Trung Quốc, từng nhiều lần bị rúng động bởi bê bối liên quan tới thực phẩm. Vài năm trước, vụ việc sữa nhiễm melamine đã khiến nhiều người phải lĩnh án tử hình. Trong vụ việc lần này, dù nhà chức trách Trung Quốc cho thấy họ không có ý định nhẹ tay với các công ty vi phạm, nhưng nỗi lo sợ khiến các nhà đầu tư "bán nhầm còn hơn bỏ sót" và những công ty như Công ty Công nghệ sinh học Thượng Hải Hile là nạn nhân.

Vĩnh Đông
.
.
.