Bé trai tử vong ở nhà trẻ "chui"

Thứ Ba, 01/12/2015, 16:00
Hình ảnh người bố Nguyễn Tấn Hải với gương mặt vô cùng đau khổ ẵm đứa con trai chỉ mới hơn 1 tuổi đã tử vong do bị sặc cháo lúc gửi trẻ từ bệnh viện về nhà khiến những người chứng kiến không cầm được nước mắt… Vụ việc này cùng với một số vụ trước đó cho thấy cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc xem xét hoạt động của những nhà trẻ, điểm giữ trẻ để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm và những cái chết oan cho trẻ.

Nguyên nhân tử vong nghi do bị sặc cháo

Sáng ngày 24-11, Đại tá Nguyễn Văn Nhỏ, Trưởng Công an thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, cơ quan đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của bé Nguyễn Cao Hải Long (ngụ khu phố 3, phường 4, thị xã Cai Lậy) tại một điểm giữ trẻ tự phát trên địa bàn vào ngày 23-11.

Theo thông tin ban đầu, vào sáng 23-11, cặp song sinh Nguyễn Cao Hải Long và Nguyễn Cao Hải Dương (sinh ngày 1-11-2014, tức là chỉ mới hơn 1 năm tuổi) được người thân gửi cho chị Trần Thanh Hằng (34 tuổi, hộ khẩu ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, là người giữ trẻ tại gia) như thường ngày. Đến 11h30’ cùng ngày, cha của hai bé nhận được tin báo bé Long bị bệnh và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cấp cứu, nhưng khi cha cháu bé đến nơi thì bé Long đã tử vong. Nhận tin báo, Công an thị xã Cai Lậy nhanh chóng có mặt điều tra vụ việc.

Anh Hải ôm thi thể con trai về nhà lo hậu sự.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, chị Hằng chính là người đút cháo cho bé Long ăn. Trong lúc được chị Hằng cho ăn cháo, bé Long đã bị sặc, khó thở và tím tái nên chị Hằng cùng người nhà nhanh chóng đưa bé Long đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cấp cứu nhưng theo các bác sĩ thì bé đã tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. Nhiều khả năng, trong quá trình được cho ăn cháo, bé Long đã bị sặc dẫn đến tím tái do thức ăn lọt vào phế quản và dẫn đến tử vong.

Trước khi xảy ra sự việc, chị Hằng thuê phòng trọ ở số 24/16e đường Mỹ Trang, khu phố 1, phường 4, thị xã Cai Lậy để mở điểm giữ trẻ. Đây là điểm giữ trẻ tự phát chứ chị Hằng không xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tại đây, chị Hằng có nhận trông giữ 4 cháu bé, trong đó có anh em sinh - con của vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hải (35 tuổi) và chị Cao Thị Phượng (32 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 4, thị xã Cai Lậy).

Về phần hai vợ chồng anh Hải, chị Phượng thì do cuộc sống khó khăn, lại sinh đôi hai cháu trai, nên vợ chồng anh chị muốn gửi con để đi xin việc làm. Nhưng hai đứa con trai sinh đôi của anh chị chỉ mới hơn một tuổi, nên các nhà trẻ chính quy không nhận trông giữ. Được người quen giới thiệu chị Trần Thanh Hằng có giữ trẻ nhỏ tuổi, nên vợ chồng anh Hải đã quyết định đưa hai con đến gửi với số tiền phí mỗi tháng là 1 triệu 50 ngàn đồng/cháu (chị Hằng lo cơm nước bữa trưa và bữa chiều cho hai cháu, còn sữa vợ chồng anh Hải sẽ mua mang tới). Khoảng 8h ngày 23-11, vợ chồng anh Hải đưa các con đến gửi. Nhưng chỉ vừa gửi các con được đúng hai tiếng đồng hồ, vợ chồng anh đã phải nhận tin như sét đánh ngang tai, "cháu Long bị sặc cháo phải đi bệnh viện cấp cứu, sau đó đã tử vong".

Anh Hải cho rằng bảo mẫu đã vô trách nhiệm nên gián tiếp gây ra cái chết của con anh.

"Đến giờ tôi chưa biết nguyên nhân chính xác khiến con tôi tử vong, nhưng tôi nghĩ cô Hằng đã vô trách nhiệm và không hề có kỹ năng chăm sóc trẻ nên mới để ra nông nỗi khốn khổ như vậy", anh Hải đau đớn cho biết.

Làm việc với cơ quan Công an, chị Hằng khai nhận, khoảng hơn một năm trở lại đây, do không có công ăn việc làm ổn định, nhưng trước nhu cầu giữ trẻ dưới 2 tuổi của nhiều cặp vợ chồng làm công nhân nghèo, không gửi con vào được các trưởng mầm non vì các cháu chưa đến tuổi, nên chị Hằng đã thuê phòng để giữ trẻ cho những gia đình công nhân này. Hôm đó chị Hằng đút cháo cho 4 cháu bé ăn, nhưng cháu Long không may bị sặc. Chị Hằng hoảng hốt đưa đến bệnh viện, thì đã muộn.

Sau khi lấy lời khai, chị Hằng đã được cho về. Hiện cơ quan điều tra phải chờ kết quả khám nghiệm của Trung tâm Pháp y tỉnh để có cơ sở kết luận nguyên nhân vụ việc.

Cảnh báo sự an toàn của những điểm giữ trẻ "chui"

Chiều 25-11, để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc, chúng tôi đã tìm về nhà vợ chồng anh Hải. Trong nhà, mọi người lộ rõ sự đau đớn khi vừa mất đi đứa con đứa cháu của mình. Chia sẻ sự việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị An (60 tuổi), bà nội bé Long, nghẹn ngào nói: "Cháu tôi chết quá oan ức, cho đến giờ tôi vẫn không tin đó là sự thật. Từ nhỏ cho đến khi hơn 1 tuổi, tôi chưa từng nghĩ đến việc cháu tôi sẽ được đưa đi gửi trẻ. Nhưng có lẽ do con trai và con dâu tôi thấy cuộc sống khó khăn quá nên đã bàn nhau đưa cháu đi gửi trẻ, để có thời gian đi xin việc làm…".

Vợ chồng anh Hải chết lặng trước sự mất mát quá to lớn.

Theo bà An cho biết, anh Hải là con thứ hai trong ba người con của vợ chồng bà. Tuy hoàn cảnh gia đình chẳng lấy gì làm khá giả nhưng trước giờ, bà là người luôn chăm lo cho gia đình, thương con thương cháu. Anh Hải và chị Phượng cưới nhau cách đây 4 năm. Trước đây, sau khi cưới, anh Hải sinh sống bên nhà vợ ở An Giang. Nhưng sau đó mẹ vợ mất, bà An muốn hai vợ chồng anh Hải về nhà ở cùng cho ấm cúng. Sau hai năm lấy nhau, chị Phượng báo tin vui có thai đôi rồi sau đó sinh đôi hai cháu trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Hơn một năm cả nhà chăm bẵm, cả hai cháu Long và Dương đều khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. 

"Cả nhà trước giờ rất vui vì vợ thằng Hải sinh đôi hai cháu trai, và chúng  rất ngoan, mau lớn, mạnh khỏe. Vậy mà… Từ khi vợ chồng thằng Hải về ở cùng, kinh tế của vợ chồng tôi không khá giả, nên cũng chẳng giúp được gì nhiều cho vợ chồng nó. Nhiều khi chi tiêu trong gia đình cũng túng thiếu, có lẽ vì thế mà hai vợ chồng nó muốn gửi con để xin việc làm. Ai ngờ, chỉ gửi được đúng hai tiếng đồng hồ là cô Hằng hớt hải báo tin… Tôi chạy đến thì bác sĩ bảo cháu đã chết trước khi đến bệnh viện. Cả nhà ai cũng đau lòng…".

Vụ việc này khiến chúng ta chưa quên một bé trai khác là cháu Bùi Hoàng Phát (13 tháng tuổi, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị thương tích nặng khi được gửi vào nhà trẻ tư thục vào ngày 15-10-2015 vừa qua. Theo đó, sau khi nhập viện cấp cứu, sáng 16-10, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh nhi Bùi Hoàng Phát bị những thương tích rất đáng lo, như có vết xây xát vùng đỉnh đầu, liệt nửa người trái; chụp CT scan thì thấy có máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải. Sau khi tiến hành phẫu thuật cấp cứu để máu tụ dưới màng cứng giải áp, bệnh viện này đã chuyển cháu Phát lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh để chữa trị chuyên sâu.

Chị Oanh lúc ở bệnh viện ngóng tin con trai.

Theo chia sẻ của chị Lê Thúy Oanh (29 tuổi - mẹ ruột cháu Phát) thì cũng chỉ vì miếng cơm manh áo - chị Oanh thì hàng ngày chị đi bán chè, chồng chị làm tài xế xe tải - nên cả hai vợ chồng chị phải chấp nhận gửi con chỉ mới 13 tháng tuổi cho điểm giữ trẻ tư thục gần nhà (Nhóm trẻ gia đình Kiều Ngân, thuộc khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng) để đi làm. Nào ngờ, vợ chồng chị mới gửi con đến cơ sở này 4 ngày thì cháu đã gặp nạn.

Kể lại sự việc, chị Oanh bàng hoàng nhớ lại: "Sáng 15-10, trước khi đi làm, tôi cho hai cháu nhỏ ăn cháo, mọi biểu hiện của cháu Phát sáng đó vẫn khỏe mạnh, cười đùa, không có bất cứ dấu hiệu gì bất thường. Sau đó, tôi chở hai con đến gửi tại điểm giữ trẻ tư thục Kiều Ngân. Sau đó, tôi quay về tiếp tục công việc của mình. Mãi tới 12h cùng ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ cô Kiều (tức là bà Nguyễn Thị Lam Kiều, 43 tuổi, ngụ phường Lê Bình, vợ của ông H.V.B.S - chủ cơ sở giữ trẻ này), làm bảo mẫu nơi con tôi đang gửi. Cô này bảo là con tôi đang ngủ, bỗng thức giấc rồi khóc, dỗ hoài mà cháu không chịu nín. Cô Kiều nói con tôi quặt qua, quặt lại và liên tục khóc không cho ẵm bế, nên cô kêu tôi đến đón cháu về. Lúc đến nơi, tôi bế cháu lên thì thấy mắt con đứng tròng, thân hình mềm nhũn, tay chân không cử động. Tôi hốt hoảng chở con đến trạm y tế phường rồi liên tiếp chuyển viện lên tuyến trên… Mỗi lần chuyển viện các bác sĩ lại phát hiện thêm những tổn thương nặng của con tôi".

Giãi bày về sự việc, bà Kiều cho rằng mình không đánh hay kéo làm cháu Phát bị chấn thương. Tất cả là vì khi hai chị em cháu Phát đang chơi đùa thì cháu Phát đi tiểu vào cháu Vy nên bị chị xô ngã, nằm sõng xoài xuống nền gạch. Sau khi vào bế cháu dậy và dỗ dành, không thấy bất cứ biểu hiện gì bất thường nên bà Kiều đã để cháu Phát nằm ngủ trên võng. Đến 12h thì cháu khóc dữ dội không thể dỗ dành được nên bà đã gọi mẹ cháu đến đón cháu về.

Tuy nhiên, trái với ý kiến bảo mẫu Kiều, chị Oanh tỏ ý bức xúc: "Tôi có hỏi cháu Vy thuật lại câu chuyện thì gần như không trùng với lời nói của cô Kiều. Cháu Vy kể lại vào buổi trưa, cô Kiều đút canh cho cháu Phát ăn, cháu không chịu ăn nên cô mới nắm tóc kéo cháu ngược ra sau. Sợ hãi, cháu bỏ chạy thì cô Kiều nắm cổ áo kéo lại mới khiến con tôi té nên sự việc mới xảy ra như thế. Tôi không tin rằng con tôi nô đùa lại gặp sự cố nghiêm trọng đến vậy"…

Theo tìm hiểu thì nhóm trẻ gia đình Kiều Ngân hoạt động gần ba năm nay, có giấy phép và bốn người phụ trách trông nuôi (trong đó có cô Kiều) khoảng 10-15 trẻ, ở độ tuổi từ 1 - 4. Từ lúc hoạt động tới giờ, cháu Phát là trường hợp đầu tiên gặp sự cố tại điểm giữ trẻ này…

Những vụ việc này thêm một lần nữa đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ ở các nhà trẻ mầm non, các điểm giữ trẻ tự phát, từ các sự cố hy hữu cho đến cả nguyên nhân chủ quan xuất phát từ thái độ và cách hành xử của các bảo mẫu khi nuôi giữ trẻ.

Ánh Xuân - Ngọc Chi
.
.
.