Bến Ngự một chiều xanh

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:00
Có một bến đò trên sông An Cựu, TP Huế, một thời các vua triều Nguyễn thường cho thuyền rồng đậu lại, trong những lần đi tế lễ ở đàn Nam Giao, được gọi là Bến Ngự. Con dốc xuống bờ sông được gọi là dốc Bến Ngự. Sau này cây cầu, hay ngôi chợ bên sông cũng đều gắn cái tên Bến Ngự. Lại nữa, khi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị giặc Pháp giam lỏng ở đây, được dân gọi là “Ông già Bến Ngự”...

1 - Nhớ khúc ca bến đò và câu chuyện tình yêu

Nay Bến Ngự không còn nữa vì đã có cây cầu bắc qua sông An Cựu, nhưng vẫn được gọi đúng với cái tên “Cầu Bến Ngự”, để thay cho cái bến đã đi vào tiềm thức của đời sống văn hóa thành Huế. Cầu nối hai bờ con phố Phan Bội Châu, đi từ bờ sông Hương lên tới di tích đàn Nam Giao, dài khoảng 5 cây số. Nhưng cái tên Bến Ngự vẫn lưu dấu bao ký ức của những lớp người dân xứ Huế. 

Nếu sông An Cựu gắn bó với dân thành Huế qua câu ca dao “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong” thì cái tên Bến Ngự lại ngày đêm vang vọng với những điệu hò xứ Huế với những điệu Nam Ai, Nam Bình và những giai điệu tình ca mang nỗi nhớ nhung và sâu nặng tình đời.

Có một mối tình của người con gái trên Bến Ngự Bình khó ai có thể quên, bởi nó là nguồn cảm xúc da diết được thể hiện trong bài hát “Đêm tàn Bến Ngự”. Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Huế và có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc. 

Cầu Bến Ngự.

Nói đến “Đêm tàn Bến Ngự” (sáng tác năm 1946) là nói đến mối tình giữa ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ca sĩ Minh Trang tên thật là Ngọc Trâm, người con của làng An Cựu, và cất tiếng chào đời tại nhà hộ sinh ngay trên dốc Bến Ngự. Ngọc Trâm là cháu nội của Diên Lộc Quận Công và cũng là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương, chị gái vua Thành Thái, nên thường ở trong cung học âm nhạc và ca hát. 

Ngọc Trâm sớm lập gia đình và có hai con. Nhưng người chồng bị bệnh hiểm nghèo không thể qua khỏi. Khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp Ngọc Trâm lấy tên của hai người con là Bửu Minh và Công Tằng Tôn Nữ  Đoan Trang, ghép lại thành nghệ danh Minh Trang.

Dăm năm sau đó, ca sĩ Minh Trang gặp Dương Thiệu Tước trong một dịp đi hát, theo lời mời dự Hội chợ tại Hà Nội. Tình yêu giữa hai người nảy sinh theo đúng nghĩa “sét đánh”. Chàng si mê nàng theo vào Huế và sống với Huế như trong một cung mê tình ái. Hẹn hò và đắm đuối với những lời thân thương cùng sông Hương, núi Ngự. Và trong một đêm mộng du với cuộc tình thần tiên, chàng công tử Dương Thiệu Tước viết “Đêm tàn Bến Ngự” ngay trên bờ sông An Cựu. 

Những lời ca đầu tiên chính là lời trao gửi cho một hồn thơ xao xuyến: “Ai về bến Ngự Bình cho ta nhắn cùng. Nhớ chăng non nước Hương Bình! Có những ngày xanh, lưu luyến bao tình. Vương mối tơ mành...”. Không ai khác chính ca sĩ Minh Trang là người hát đầu tiên ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” trên Đài Phát thanh Sài Gòn, và lập tức trở nên nổi tiếng. 

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang.

Sau này hai người trở thành vợ chồng và cùng vào Sài Gòn lập nghiệp suốt 30 năm trời. Sự nghiệp âm nhạc của hai người, ngoài những ca khúc nổi tiếng của Dương Thiệu Tước, còn đào tạo được con gái là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang trở thành một ca sĩ hết sức nổi tiếng với giọng hát trong vắt bay bổng làm say đắm lòng người. Đó chính là ca sĩ Giao Linh. Còn con trai Bảo Minh cũng là một nhạc công violon tài hoa lừng danh ở CHLB Đức. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mất năm 1995, tại TP Hồ Chí Minh, thọ 82 tuổi. Còn ca sĩ Minh Trang đã định cư ở Mỹ, và mất năm 2010, thọ 90 tuổi.

2-Về lại mái nhà xưa...

Đó chính là ngôi nhà của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, nơi ông sống 15 năm cuối đời; từ năm 1925 đến 1940,  nay là số nhà 119, phố Phan Bội Châu. Thật khó hình dung nổi một đấng anh hùng cái thế bị sa cơ, nay thường lênh đênh với con thuyền trên sông vịnh thơ, dậy học. Trong thời gian này, ông còn kiếm tiền sinh sống, nuôi vợ con bằng nghề viết sách báo và thảo câu đối thuê... 

Hình ảnh ông già ngồi ung dung câu cá trên bến sông đã đi vào tiềm thức người dân thành Huế một thời với niềm yêu thương sâu sắc. Đó là “Ông già Bến Ngự”. Ngồi đấy nhưng trái tim ông vẫn còn nóng bỏng với nhịp sống cách mạng dân tộc. 

Người ta kể, để thoát khỏi cảnh tù túng trong ngôi nhà tù giam lỏng trên con dốc Bến Ngự, cụ Phan đã mua một chiếc đò và thuê người chèo, để có thể sống ngao du đây đó. Sông Hương, núi Ngự, hay hướng ra phía biển. Ông nhớ lại những ngày vượt sóng to gió lớn trong những chặng đường đi thực hiện chí lớn, vì dân vì nước.

Ngôi nhà ấy nay trở thành di tích danh nhân, nơi ẩn giấu nhiều kỷ niệm mà Phan Bội Châu khắc khoải, với những ẩn ức đầy bi phẫn. Ông dồn hết ý chí và tâm sức mình vào sự nghiệp văn thơ và rèn luyện nhân tài cho đất nước. Dường như bất cứ bài thơ nào của ông cũng có sức hút, sôi sục với ý tưởng đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước, cứu dân. 

Tại ngôi nhà nhỏ bé của mình ông đã viết hàng chục cuốn sách về lịch sử, văn hóa cùng hàng ngàn bài thơ yêu nước. Ai bước chân đến đây, cũng đều bồi hồi với những dấu vết nóng hổi của một bầu nhiệt huyết còn vương đâu đây. Đó là những buổi chiều chạng vạng, ông ngồi bên thềm với những tứ thơ dậy sóng trong lòng. 

Có lẽ không mấy ai có thể quên những câu thơ cháy bỏng: “Ái hữu chí từ nay xin gắng gỏi. Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần. Đừng ham chơi, đừng ham mặc ham ăn. Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa. Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ...” (Bài ca chúc tết Thanh niên-1927). 

Ngay cả khi rong chơi, tâm hồn thi sĩ họ Phan vẫn cất lên lời hào sảng: “Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi. Sinh thời thế phải xoay nên thời thế. Đạp toang hai cánh càn khôn. Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà” (Chơi xuân). Thậm chí lúc ngã bệnh, Phan Bội Châu cũng vẫn còn cuồn cuộn hồn thơ: “Gan vàng một khối nghe sôi mãi. Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời”.

Những nhánh hoa trong vườn xưa vẫn luôn luôn xanh tốt. Ngôi mộ kia không lúc nào nguội lạnh. Hương trầm tỏa lan những nỗi niềm bi kịch của người anh hùng trong không gian tù túng. Ai cũng biết, ngay bên ngôi mộ mình trước đó ông con dựng bia mộ cho con Vá, con Ky, những chú cún trung thành và đáng thương. Nhưng kèm theo đó, ông còn viết những dòng chữ trên bia đá; nói là an ủi cho chúng, đồng thời bày tỏ thái độ lên án những kẻ cam chịu phận tay sai bán nước. 

Khi đến đây nhiều người đều thấu hiểu ý chí cách mạng của một chí sĩ đầy sức chiến đấu qua những dòng chữ viết trên bia mộ chó. Hẳn vì thế mà ông dựng những 6 bia mộ cho hai con chó trung thành, ngay dưới chân mộ của mình.

Tượng Phạn Bội Châu.

Ta đọc những dòng chữ khắc trên bia mộ con Vá, tạm dịch với ý: “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó. Người còn vậy huống chi chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lang thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó” (Con Vá mất ngày 21 tháng 5 năm 1934). Mới hay không kể lúc nào, và bất cứ sự kiện nào xảy ra, nhà yêu nước Phan Bội Châu không nguôi ý chí, luôn luôn thắp lên ngọn lửa chiến đấu trong những năm tháng cuối đời, tại ngôi nhà tranh vách đất bên dốc Bến Ngự.

Hình tượng của danh nhân Phan Bội Châu, sau này còn được nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn dựng, từ năm 1973, với nhiều cảm xúc sâu sắc. Đó là bức tượng chân dung bằng đồng lớn nhất hiện nay. Một kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc ở nước ta, được dựng bên cạnh đầu cầu Tràng Tiền (địa chỉ 19 Lê Lợi, TP Huế). 

Hằng ngày người dân Huế thường qua lại với lòng ngưỡng mộ “Ông già Bến Ngự”, một thời sống với tình yêu sông Hương, núi Ngự. Ánh mắt người anh hùng luôn luôn bừng sáng, với những cuộn sóng tóc thôi thúc những đoàn tàu vượt đại dương, đến chân trời mới.

3-Những bậc đá còn sót lại

Cách đây vài năm, khi xây bờ kè hai bên sông An Cựu, những người thợ đã tìm thấy những bậc đá chìm dưới lòng sông. Đó là những bậc cầu dẫn lên bờ của Bến Ngự năm xưa. Chúng không hề mất đi như mọi người dân Huế tiếc nuối. Một di sản trăm năm nằm dưới con nước cuồn cuộn trôi xuôi. Những thớ đá bên cây sung cổ thơm thảo xum xuê. Đó là thơm vị của dòng nước sông Hương ấp ủ và nuôi dưỡng cho bến sông không bao giờ bị rơi vào quên lãng.

Bến Ngự vẫn còn đó. Những vần thơ của Huế lưu giữ hồn bến quê với thời gian. Rằng: “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi. Cô đi về đâu tan buổi học rồi. Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao. Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba”. Và ai đó đang cất lên bài ca “Mùa đông Xứ Huế”, làm xao xuyến lòng người mỗi khi bước chân lên cầu Bến Ngự, với lời nhắn gửi: “Sông Hương nước trôi hữu tình. Xuôi về qua miền Bảo Vinh, đưa ai quay về Bến Ngự. Hò ơi...hò ơi...Ai qua đây...”. Bầu trời Huế trong xanh. Một con đò lênh đênh, cùng điệu hò ngọt lịm. Tất cả đều bắt đầu từ Bến Ngự mỗi khi bình minh chào một ngày mới.

Chung Tư
.
.
.