Bệnh viện Chợ Rẫy với hành trình điều trị thành công cho hai bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virút Corona

Thứ Sáu, 31/01/2020, 14:40
Liên quan đến quá trình điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virút Corona tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), trong đó một bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh, lãnh đạo bệnh viện và y, bác sĩ đã có những chia sẻ xoay quanh quá trình điều trị cho hai bệnh nhân này với nhiều khó khăn, áp lực…


Điều trị thành công nhờ phác đồ đầy uyển chuyển, cá thể hóa bệnh nhân

Ngày 29-1-2020, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, là người trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm virút Corona (2019-nCoV) tại bệnh viện này cho biết, bệnh nhân Li Zi Chao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), trường hợp đầu tiên nhiễm virút Corona được chữa khỏi bệnh tại Việt Nam nhờ vào phác đồ điều trị đầy uyển chuyển, cá thể hóa bệnh nhân.

Tính đến sáng 29-1, bệnh nhân Li Zi Chao đã âm tính với virút Corona sau 3 lần xét nghiệm (phết họng làm PCR), hiện đã ăn uống, sinh hoạt bình thường, hết sốt hơn 4 ngày.

Anh Li Zi Chao (áo kẻ) đã khỏi bệnh.

Tuy vậy, cha của anh Li Zi Chao là ông Li Ding (65 tuổi, đến từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi đang là vùng dịch tễ của vi rút viêm phổi cấp do chủng virút  Corona mới) vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính với virút Corona, dù bệnh nhân này cũng đã tỉnh, ăn ngủ được, huyết áp ổn định, không sốt từ chiều 25-1, chức năng gan thận, điện giải bình thường, chụp X quang phổi cho thấy tổn thương đã không tiếp tục tiến triển.

Bệnh nhân Li Ding nhập viện ở Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22-1 với triệu chứng sốt nhẹ và mệt mỏi. Người này có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch vành, ung thư phổi. Trước đó, bệnh nhân đổ bệnh và sốt từ ngày 17-1, tức bốn ngày sau khi cùng vợ bay từ TP Vũ Hán, Trung Quốc (nơi bùng phát chủng virút corona mới) sang Hà Nội, sau đó từ Hà Nội bay đi Nha Trang…

Cùng ngày, anh Li Zi Chao (đang sống, làm việc tại Long An) đã ra Nha Trang (Khánh Hòa) gặp cha mẹ. Cả gia đình ở lại Nha Trang du lịch 4 ngày, rồi di chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng tàu hỏa.

Khi về đến TP Hồ Chí Minh, người cha phát sốt. Ba ngày sau, anh Li Zi Chao cũng có triệu chứng tương tự. Ngày 20-1, ba người đi taxi về Long An, ngày 22-1 thì đến Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) thăm khám và sau đó được tư vấn chuyển đến đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngay tối hôm đó, tại Khoa Cấp cứu, qua khám lâm sàng và khai thác dịch tễ, các bác sĩ nghi ngờ hai bệnh nhân nhiễm virút  Corona nên được chuyển cách ly nghiêm ngặt tại Khoa Bệnh Nhiệt đới.

Đáng nói, người vợ của ông Li Ding dù đi cùng cha con ông nhưng không có triệu chứng nhiễm bệnh và vẫn khỏe mạnh.

Theo chia sẻ của TS.BS Lê Quốc Hùng, đây là một loại bệnh hoàn toàn mới, các bác sĩ chỉ biết gốc gác của bệnh là từ virút Corona (gần giống bệnh SARS) - đó là loại virút  gây viêm phổi, gây viêm nhiễm đường hô hấp trên, khả năng bệnh lây lan cao và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Những yếu tố này khiến các nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho các trường hợp bệnh này chịu một áp lực rất lớn.

Bên cạnh đó, bệnh này đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị nào được coi là chuẩn cả, mà tất cả chủ yếu là tùy biến của các cơ sở y tế khi tiếp xúc, chữa trị cho các bệnh nhân này.

Cũng theo TS.BS Lê Quốc Hùng, thời điểm tiếp nhận hai bệnh nhân là khá nhạy cảm bởi lúc đó mọi kế hoạch nghỉ phép và trực Tết Nguyên đán Canh Tý của các khoa phòng Bệnh viện Chợ Rẫy đều đã có, nhưng khi có hai ca bệnh này thì tất cả đều bị đảo lộn. Và việc này đã khiến nhiều y, bác sĩ của bệnh viện phải thay đổi kế hoạch nghỉ Tết.

Đồng thời, bản thân nhân viên y tế được chọn vào theo dõi, điều trị cho các ca bệnh này phải là những người có chuyên môn giỏi, tay nghề vững và là người cần mẫn, tỷ mỉ, để tránh những sai sót dù là nhỏ nhất và tránh gây ra tình trạng lây lan bệnh ra bên ngoài.

Mặt khác, chính những người được chọn theo dõi, điều trị hai ca bệnh này cũng có gia đình, con nhỏ… nên có lẽ cũng phải hiểu rằng họ cũng lo lắng khi về nhà có mang theo nguồn bệnh về cho gia đình, vợ con hay không…

Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Và để điều trị cho hai bệnh nhân, các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải thăm khám, theo dõi 24/24h theo từng ca trực để đảm bảo nhận biết rõ mọi diễn tiến của bệnh nhằm có biện pháp điều trị phù hợp, hữu hiệu…

“Đây thực sự là những áp lực rất lớn, tuy vậy khi được giao nhiệm vụ thì không có nhân viên y tế nào từ chối cả. Với căn bệnh này, hầu như ai nghe tới cũng sợ, cũng bỏ chạy hết, nhưng với nhân viên y tế chúng tôi lại chạy vào để chữa trị, cứu sống họ với tất cả tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc…

Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, cùng với kinh nghiệm của các y, bác sĩ của Khoa Bệnh Nhiệt đới qua nhiều lần chống dịch, thì đến giờ kết quả có được là rất tốt đẹp”, TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.

"Đây là loại bệnh có thể điều trị được"

Quá trình điều trị hai ca bệnh này đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh viết thành báo cáo đăng trên Tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine (NEJM) ngày 28-1. Nói thêm về nội dung của báo cáo này, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết có thể nói Việt Nam là nước đầu tiên xác định loại bệnh này có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Trong trường hợp vợ chồng người Trung Quốc từ Vũ Hán qua Việt Nam, người chồng (ông Li Ding) bị bệnh nhưng người vợ thì không nhiễm bệnh. Trong khoảng thời gian vợ chồng này qua thăm con ở Việt Nam thì chủ yếu tiếp xúc với con và không ngờ chính người con lại bị nhiễm bệnh.

Từ trường hợp này và các tài liệu, bằng chứng khác, có thể xác định chính xác là 2019-nCoV này có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra vấn đề là tại sao người vợ dù tiếp xúc nhiều với người chồng và sau đó là người con nhưng vẫn không mắc bệnh. Có thể thấy, bệnh có thể mắc với người này nhưng người khác thì không. Vấn đề đặt ra này các nhà khoa học, nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.

Quá trình điều trị hai cha con bệnh nhân này, thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, gần đây cũng đang có một số loại bệnh như cúm gia cầm, nCoV… đây là các loại bệnh do virút  gây viêm phổi.

Do đó, các bác sĩ đã thăm khám, xét nghiệm rất kỹ tất cả các loại bệnh, trước khi có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Và với thuốc điều trị cũng thế, các bác sĩ cũng đều phải cân nhắc và đưa ra trong phác đồ điều trị ban đầu để “bao vây” các loại bệnh.

Nhưng sau đó khi đã có kết quả xét nghiệm chính xác thì cũng phải thay đổi phác đồ điều trị. Nhưng phác đồ này cũng chưa có gì chính thức cả, cho nên phác đồ điều trị cũng được dựa trên các phác đồ trước đây bệnh viện đã có, cùng với việc theo dõi các thông tin điều trị của quốc tế để có phác đồ điều trị tốt nhất.

“Có thể nói, đây giống như một nghệ thuật, do không phải chỉ là một phác đồ cứng nhắc vì cũng tùy với mỗi bệnh nhân - mỗi người có bệnh lý nền khác nhau, chẳng hạn như người con thì hầu như không có bệnh gì khác, còn người cha có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch vành, ung thư phổi…

Do đó, cần phải có phác đồ điều trị khác nhau, hay nói cách khác là điều trị theo kiểu cá thể hóa bệnh nhân, không có phác đồ điều trị chung cho tất cả mà với mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ riêng…

Do một số yếu tố chuyên môn sâu không thể nói rõ hết được nhưng có thể thấy qua quá trình điều trị thì đến nay người con đã âm tính với virút  này, còn người cha đã hết sốt 3 ngày. Hy vọng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì trong vòng 48 tiếng nữa người cha nhiều khả năng sẽ có kết quả âm tính với loại virus này”, TS.BS Lê Quốc Hùng giải thích.

Theo nguyên tắc thì bệnh nhân hết sốt 3 ngày và kết quả xét nghiệm âm tính thì có thể giải phóng bệnh nhân được trở về cuộc sống đời thường mà không lây bệnh cho ai. Tuy nhiên, hiện người con vẫn ở lại phòng bệnh để chăm sóc cha và hỗ trợ các y, bác sĩ trong quá trình chăm sóc và tiếp xúc với bệnh nhân (ông Li Ding).

TS.BS Lê Quốc Hùng khẳng định, đây là loại bệnh có thể điều trị được. Và nếu phát hiện sớm tất cả các dấu hiệu, biến chứng có thể xảy ra thì chúng ta có thể phòng ngừa trước và có những phương pháp hữu hiệu, phù hợp với từng bệnh nhân và có thể chữa khỏi bệnh được.

Với loại bệnh lây lan nhanh rất nhanh theo cấp số nhân và bệnh có thể lây từ người sang người, vấn đề chính vẫn là phòng chống bệnh; đặc biệt với những người có bệnh lý mãn tính có trước như người có bệnh đái tháo đường, suy thận mãn… cần phải tự phòng tránh trước.

Như cần tránh đi tới chỗ đông người, tránh tiếp xúc với người có nghi ngờ bị bệnh, tránh tiếp xúc với những người đã đi tới vùng dịch. Trường hợp buộc phải tiếp xúc thì nên đứng xa từ 1m80 đến 2m, vì bệnh này lan truyền qua đường hô hấp, đường không khí… Như thế sẽ hạn chế được nguồn lây bệnh (chứ không phải là chắc chắn sẽ tránh được bệnh).

Nói về sự chuẩn bị của bệnh viện vào thời điểm trước khi tiếp nhận hai bệnh nhân kể trên, BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay từ ngày 12-12-2019, khi dịch bệnh được phát hiện, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo khẩn cấp rất kịp thời, quyết liệt cho các bệnh viện. Dựa vào các chỉ đạo này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập những đội phản ứng nhanh trong bệnh viện.

Mặt khác, dựa vào các kinh nghiệm các đợt trước chống các dịch SARS, H5N1… Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng khởi động lại một cách kỹ lưỡng ở tất cả các khâu như tập dượt, trang thiết bị, phòng cách ly, ban hành văn bản yêu cầu các khâu trong bệnh việc nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ. Nhờ sự chuẩn bị chủ động này, khi hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc nhập viện, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho hai ca bệnh này.

Tuy vậy, với tình hình dịch bệnh do virus Corona đang diễn biến ngày càng phức tạp, cùng với việc tiếp nhận hai ca bệnh kể trên, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cùng đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện ở các Khoa Cấp cứu, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Bệnh nhiệt đới, Phòng Kế hoạch tổng hợp… đã phải trực chiến xuyên Tết. Tất cả các chương trình Tết đều phải hủy hết.

Phú Lữ
.
.
.