Bí ẩn dưới chân núi Đọ

Thứ Sáu, 06/01/2012, 07:35
Núi Đọ nằm trên địa bàn xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa soi bóng hình hùng vĩ của mình xuống dòng sông Chu hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây được nhiều người biết đến là vùng đất thiêng, cổ xưa của xứ Thanh nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều câu chuyện kỳ lạ và đầy bí ẩn đang chờ được giải mã.

Từ xưa đến nay đã có rất nhiều câu chuyện được cha ông truyền lại về vùng đất thiêng này. Đặc biệt là khu vườn bí ẩn có "vết chân tiên" mà gia đình anh Đỗ Văn Toản đang sở hữu ở xóm 8, xã Thiệu Vân.

Kỳ lạ "vết chân tiên"

Núi Đọ hay có tên gọi khác là núi Rùa (do khối núi có hình một con rùa nên người dân sinh sống xung quanh núi còn gọi cái tên khác là núi Rùa) là ngọn núi cao nhất đồng bằng phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa. Theo một số cụ cao niên ở xóm 8, xã Thiệu Vân kể rằng: "Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện trên sườn núi những di vật cổ bằng đồ đá có niên đại hàng chục vạn năm, đánh dấu nơi này trước đây đã từng có người nguyên thủy sinh sống. Cho đến thời điểm này trên núi Đọ vẫn còn một cái giếng cổ và các dấu tích bằng đá xếp tầng của người xưa nhưng không biết chúng có từ bao giờ và ai xây dựng nên chúng”.

Để tìm hiểu rõ về những bí ẩn ở núi Đọ, chúng tôi được người dân địa phương giới thiệu đến gia đình anh Đỗ Văn Toản ở xóm 8, xã Thiệu Vân, người nắm giữ khu vườn bí ẩn có "vết chân tiên", vết chân ấy đã từng một thời thu hút rất đông người hiếu kỳ đến xem. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, anh Toản kể rằng, từ nhỏ anh đã thích nghề chăn bò và muốn lập một trang trại chăn nuôi bò của riêng mình. Khi cưới vợ xong, hai vợ chồng anh trải qua bao năm tích góp dành rụm được ít vốn rồi vay bà con họ hàng thêm nữa mua được một mảnh đất khá rộng ngay dưới chân núi Đọ với ý định lập một trang trại phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Nhưng do nhiều năm chăn nuôi không có lãi, gia đình anh chuyển cả khu vườn sang trồng cây ăn quả, rau và dành một góc nhỏ đào ao thả cá.

Trong khu vườn nhà anh Toản, Nhiều đoàn khảo cổ đã phát hiện rất nhiều di vật cổ.

Cũng trên mảnh đất đó anh Toản dựng lên căn nhà cấp 4 lợp ngói 2 gian nằm sát dưới chân núi Đọ. Sau nhà là vườn cây cam, bưởi và rừng bạch đàn đang vươn lên xanh tốt. Anh Toản chỉ tay vào bức tường mới xây bằng gạch bao quanh khu vườn dài dằng dặc lên chân núi và nói: "Bức tường ấy là sự ngăn cách giữa hai xã Thiệu Vân và Thiệu Khánh. Lúc gia đình mới chuyển đến đây sinh sống nghe bà con nói trước đó, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện hơn 2.500 di vật bằng đá và trầm tích đất bazan ở quanh khu vực này.

Ngoài ra, cách nay khoảng 10 năm, khi gia đình chúng tôi mới chuyển đến đây thi thoảng tôi lại thấy một số người đến khu vườn nhà xem hình vết chân trên phiến đá rồi tò mò hỏi về khu vườn này có gì khác thường không, rồi họ xin phép đào bới. Gia đình tôi thấy không ảnh hưởng gì đến khu vườn lại cải tạo đất cho mình nên cũng đồng ý cho họ đào. Họ đào rồi đi, chúng tôi không biết họ đào để làm gì?". 

Dứt lời, anh Toản dẫn chúng tôi lên đằng sau nhà, nơi có những phiến đá đen nhẻm nằm ẩn mình dưới tán rừng cây bạch đàn trắng bạc. Anh bước lên một phiến đá to như một chiếc giường rồi chỉ cho chúng tôi xem bức hình một bước chân y như bước chân của người giao chỉ thời xưa mà theo anh từ xa xưa đến nay người dân vùng này đã đặt tên cho bước chân kỳ lạ này là "vết chân tiên".

"Khi gia đình tôi chuyển đến đây, bố tôi còn sống và kể rằng bước chân này rất giống với bàn chân trái. Ngón chân trái dài cụp ra phía ngang, các ngón khác thưa hơn với bàn chân của người bình thường. Kích thước bàn chân cũng to hơn", anh Toản lý giải về dấu chân trên phiến đá trong khu vườn nhà mình như vậy.

Anh Toản cho biết thêm, trước đây bàn chân rất rõ nét, giống như dấu vết một bàn chân thật. Nhưng cách đây một năm có một đồng chí ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến đây xin đổ thạch cao vào vết chân để lấy biểu tượng rồi đúc tượng gì đó nên "vết chân tiên" mờ đi ít nhiều.

Qua tìm hiểu những người dân sinh sống quanh khu vực có "vết chân tiên" chúng tôi bất ngờ khi được biết có ít nhất hai người ở xã Thiệu Hợp có bàn chân giống như đúc vết chân trên phiến đá. Những người dân và người sở hữu bàn chân kỳ lạ đó đều lý giải bàn chân của họ như vậy là do đi lại nhiều, leo đồi núi nhiều mà không đi dép nên như vậy.

Bí ẩn một vùng đất thiêng

Cũng chính từ khi phát hiện hình bước chân kỳ lạ này trong một số làng có người dân sinh sống lâu đời quanh núi Đọ đã truyền tụng với nhau rằng nếu muốn sinh con trai thì người vợ chỉ cần đến đây dẫm vào "vết chân tiên" này sẽ được như ý muốn. Khi thấy chúng tôi nhắc đến câu chuyện kỳ lạ này, anh Toản lắc đầu rồi cười hề hề chỉ tay về phía hai đứa con gái cho rằng: "Làm gì có chuyện đó, đấy là do mấy người mê tín, họ đồn thổi như vậy. Nếu thật sự dẫm lên bước chân mà có con trai thì làm gì có chuyện gia đình tôi vinh dự có hai thiếu nữ này".

Khi nói về những câu chuyện quanh "vết chân tiên" trong khu vườn nhà mình thì anh Toản không tin, nhưng khi chúng tôi hỏi về khu vườn mà gia đình anh đang sở hữu thì anh chẳng giấu giếm gì. Anh Toản kể: "Khi mới chuyển đến đây nghe dân làng kể chỗ đất mình mới mua đã từng có mấy đoàn khảo cổ đến khảo sát và đào mang đi rất nhiều di vật là rìu đá và các am trong đó có bát đĩa, tiền cổ từ đời Lý, Trần. Mãi sau này, tìm hiểu tôi mới biết trưởng đoàn khảo cổ ngày ấy là cố Giáo sư khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã đến đây vài lần và mang nhiều di vật đi nghiên cứu".

Sau khi biết tin đoàn khảo cổ đã đào được nhiều di vật trong khu vườn nhà anh Toản, nhiều người dân ở các xã lân cận đã ùa đến đây xin anh đào. Nếu phát hiện cổ vật sẽ chia đôi, sau một thời gian đào bới cũng phát hiện một số cổ vật nhưng đều không nguyên vẹn.

Qua trò chuyện với anh Toản để tìm hiểu những bí mật trong khu vườn nhà anh cũng như cả núi Đọ, chúng tôi được biết, sau khi thành lập trang trại chăn nuôi không thành, anh chuyển sang đào ao thả cá. Trong quá trình đào, anh Toản đã đào được 2 cái am có chứa nhiều bình gốm, kiếm, và rất nhiều gạch vồm - thứ gạch dùng để xây dựng mộ của người xưa.

Trong số những đồ vật anh đào được khi đào ao có thanh kiếm đã gỉ nhưng còn khá nguyên vẹn, bình gốm cũng như bát đĩa đều bị vỡ vụn. Anh Toản nhớ lại mà vô cùng tiếc nuối: "Khi biết tin tôi đào được thanh kiếm, dân buôn đã đến tận nhà tìm mua, thấy họ trả vài trăm nghìn một thanh kiếm gỉ nên tôi bán liền, sau này mới biết thanh sắt gỉ ấy chính là một thanh bảo kiếm thời hậu Lê, lúc đó tiếc lắm nhưng đã bán rồi, biết họ là ai, ở đâu mà chuộc lại".

Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đến gặp nhiều người từng sinh sống lâu đời ở quanh khu vực núi Đọ để xác tín câu chuyện anh Đỗ Văn Toản kể lại. Tất cả những người chúng tôi gặp đều nói câu chuyện chúng tôi đưa ra là có thật, cả khu vực núi Đọ đúng là đã phát hiện rất nhiều di vật cổ có giá trị về văn hóa, đời sống của người xưa. Cụ Nguyễn Thị Ngà, 79 tuổi, ở xã Thiệu Vân cho hay: "Ngày xưa hồi còn trẻ cụ thường theo bố mẹ lên làm nương trên núi, hồi ấy trên núi Đọ còn rất nhiều hang và giếng cổ, cách đây mấy năm cụ lên chăn bò thì không còn thấy nhiều giếng nữa, có lẽ do quá trình bào mòn, vùi lấp của tự nhiên và việc con người canh tác trên núi đã lấp hết các hang và giếng".

Đó là những câu chuyện của ngày xưa, không nói đâu xa, gần đây nhất vào tháng 7/2011, hàng xóm nhà anh Toản trong lúc làm vườn đã đào được mấy chiếc vòng tay bằng đá, được xác định đó là cổ vật, khi biết tin dân buôn đồ cổ đến mua với giá rất cao. Chính vì thế mà những lúc nông nhàn, nhiều người dân lại vác cuốc, xẻng lên núi Đọ tìm vận may. Nhưng phần lớn trong số họ là nông dân không có kinh nghiệm khảo cổ nên chẳng đào được gì. Còn với chủ nhân của khu vườn đầy bí ẩn này thì trong lòng đất, nơi gia đình anh đang sinh sống có lẽ chính là nơi người xưa đã từng cư trú và canh tác

Hoàng Bảo Yên
.
.
.