Bí ẩn hành trình tìm mộ công chúa Lý Kiều Oanh

Chủ Nhật, 04/08/2013, 12:47

Trong suốt một thời gian dài từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm liên tục có những giấc mơ kỳ lạ. Một người đàn ông tự xưng là đức vua Lý Công Uẩn đã nhờ đích danh nhà ngoại cảm cứu mộ cháu gái tên Lý Kiều Oanh công chúa, đang bị nhà xây đè lên, bị xú uế bẩn thỉu. Kèm theo đó là những thông điệp, những lời chỉ dẫn hết sức mơ hồ…

Giấc mơ kỳ lạ và những thông điệp bí ẩn

Nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm vốn được biết đến với tư cách là một trong những nhà ngoại cảm hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Bà cũng rất có duyên với các cuộc hành trình tìm kiếm mộ phần của các bậc vua chúa trong suốt chiều dài các triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Mới đây nhất, cuộc hành trình truy tìm ngôi mộ cổ của công chúa Lý Kiều Oanh (con vua Lý Thái Tông và hoàng hậu Thiên Cảm) đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của những nhà khoa học, khảo cổ, nghiên cứu lịch sử cũng như những nhà ngoại cảm có tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực mà họ tham gia như: GS-TS – VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam; nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm.

Theo lời kể của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm: Trong suốt thời gian từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, rất nhiều đêm bà đã gặp phải những giấc mơ hết sức kỳ lạ khiến bà hoang mang. Trong những giấc mơ đó, thường xuất hiện một người đàn ông tự xưng ngài là đức vua Lý Công Uẩn. Những lần như vậy, ngài đều gửi tới nhà ngoại cảm lời nhờ bà cứu giúp mộ cô cháu gái mình là công chúa Lý Kiều Oanh. Theo chỉ dẫn từ những giấc mơ, phần mộ của vị công chúa cao sang, quyền quý đang bị một ngôi nhà xây đè lên, bị xú uế, bẩn thỉu.

Giấc mơ cũng như nội dung kỳ lạ đó liên tục lặp đi lặp lại trong nhiều đêm. Mật độ cũng như tần số giấc mơ kỳ lạ đó xuất hiện ngày càng dày đặc và những lời thúc giục của tiền nhân mỗi lúc mạnh mẽ hơn, khiến cho nhà ngoại cảm nhiều lúc rơi vào trạng thái hoang mang. Mỗi sáng thức dậy, nhớ lại giấc mơ, lúc đầu nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm nghĩ mình bị hoang tưởng.

Càng kỳ lạ hơn, khi chỉ vài ngày sau đó, em gái của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm tên là Hoàng Thị Thuy, hiện đang sinh sống ở Lào Cai, cách nơi bà Thiêm sinh sống tới 300km đã gọi điện và kể cho bà nghe về việc chị nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ, trong giấc mơ có một người đàn ông nhìn không rõ mặt về báo và chỉ dẫn những thông tin về một ngôi mộ cổ của một vị công chúa nào đó trong tỉnh Quảng Bình. Sau khi nghe cô em gái kể về nội dung giấc mơ kỳ lạ, bà Thiêm đã giật mình vì nó giống hệt giấc mơ bà đã từng mơ. Nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm cũng cho biết thêm: Thông thường nếu cả hai chị em nhà bà mơ cùng một giấc mơ, thì nội dung trong những giấc mơ đó rất nhiều khả năng chính là sự thật.

Ngay lập tức, bà Thiêm đã gọi điện và có cuộc trò chuyện rất lâu qua điện thoại với người bạn thân là luật sư Bích Lan – Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội. Một cuộc hành trình lần theo những chỉ dẫn hết sức mơ hồ trong giấc mơ kỳ lạ của hai người đàn bà nhỏ bé bắt đầu.

Những lời chỉ dẫn của tiền nhân

Trong những giấc mơ sau đó, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đã liên tục nhận được những thông điệp cùng những lời chỉ dẫn của tiền nhân vọng về từ ngàn năm. Người đàn ông tự xưng là đức vua Lý Công Uẩn đã xác định vị trí ngôi mộ của công chúa Lý Kiều Oanh, hiện đang nằm dưới nền ngôi nhà số 18, ngõ 35, đường Trương Pháp, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngài còn cho biết chữ cái đầu trong tên chủ ngôi nhà trên là N.

Một thông điệp cũng rất quý báu nữa mà nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm tiếp nhận được qua các giấc mơ về ngôi mộ cổ là: Cách đây vài chục năm, khi gia đình chủ nhà đào hầm để trú ẩn làn mưa bom của quân giặc, khi đào xuống tới độ sâu vài mét đã chạm phải tường gạch cổ, do sợ quá nên họ đã lấp lại.

Từ những thông điệp đó và sự thúc giục của tiền nhân, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đã cùng người bạn thân của mình là luật sư Bích Lan thu xếp kinh phí bắt chuyến xe nhanh nhất đi vào thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đặt chân đến đất Quảng Bình, hai người đã nghỉ lại khách sạn Phú Quý một đêm để lấy sức tiến hành tìm kiếm địa chỉ mà mình đã được tiền nhân chỉ dẫn. Ngay trong đêm ngày hôm đó, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm lại nằm mơ, trong giấc mơ, có người báo: “Đúng 9h30 sáng ngày mai mới được gặp chủ nhà”. Sáng sớm ngày hôm sau, hai bà đã dậy từ rất sớm, nghe theo lời chỉ dẫn của tiền nhân đã tìm được đúng đến ngôi nhà số 18. Chờ một lúc, vợ chồng chủ nhân ngôi nhà đi làm về. Trông thấy khách lạ, chủ nhà đã hỏi thăm, khi biết sự việc đã mời bà Thiêm và chị Bích Lan vào nhà uống nước để thưa chuyện.

Vì mới lần đầu tiếp xúc, cả bà Thiêm và luật sư Lan không muốn đả động ngay đến vấn đề dưới nền ngôi nhà hiện tại có ngôi mộ cổ nghi là của công chúa Lý Kiều Oanh, mà chỉ nói rằng đang đi tìm hài cốt của những người thân bị thất lạc trong chiến tranh. Khi câu chuyện bắt đầu được gợi mở ra, vợ chồng chủ ngôi nhà cũng thật thà kể lại rằng: “Trước đây, gia đình cũng từng đào hầm để trú ẩn lúc có máy bay, khi mới đào đến độ sâu khoảng 2m thì bất ngờ phát hiện tường gạch bao quanh. Do quá hoảng sợ, mọi người đã tiến hành lấp lại”. Trong suốt thời gian sau đó, những thành viên trong gia đình anh Nguyễn Văn Nam, chủ nhân ngôi nhà số 18, liên tục nằm mơ cụ tổ mình báo mộng ở dưới nền nhà hiện có một ngôi mộ.

Nghe được thông tin đó từ chính vị chủ nhà, cả nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm cũng như luật sư Bích Lan đều rất vui mừng và tin rằng, việc mình đang làm là hoàn toàn có căn cứ xác thực. Lập tức, bà Thiêm đã thông báo sự việc đến Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và đã được lãnh đạo Viện động viên, khích lệ. Liền sau đó, một đoàn công tác của Viện đã được cử vào tận Quảng Bình để tiến hành khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương về ý định khai quật ngôi mộ cổ dưới nền ngôi nhà số 18, ngõ 35, đường Trương Pháp, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Trong nhiều giấc mơ tiếp theo, tiền nhân đã kể cho nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm về thân thế sự nghiệp của công chúa Lý Kiều Oanh. Cùng với đó, khi tiến hành đào thử nghiệm vị trí được cho là có chứa ngôi mộ cổ, đoàn công tác đã phát hiện ra tường gạch bao quanh. Ngoài ra, một tấm bia cổ được làm từ đá hoa cương cũng được tìm thấy, trên bia đá viết chữ nho, đã được những nhà nghiên cứu hán nôm hàng đầu Việt Nam dịch: Công chúa Lý Kiều Oanh…

Công chúa Lý Kiều Oanh là ai?

Nhiều di vật có niên đại cổ được tìm thấy tại khu lăng mộ.

Sau lần đầu tiên cùng người bạn thân luật sư Bích Lan vào tận Quảng Bình để tìm hiểu về nơi được cho là chứa ngôi mộ cổ của công chúa Lý Kiều Oanh, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm trong suốt một thời gian dài sau đó lại liên tục có những giấc mơ kỳ lạ. Mỗi giấc mơ là một câu chuyện về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của công chúa đáng kính. Bà Hoàng Thị Thiêm cho biết, trong giấc mơ, tiền nhân đã kể khá chi tiết về cuộc đời của công chúa Lý Kiều Oanh rằng: Bà là con của vua Lý Thái Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, bà lấy chồng là Hồ Đức Cưởng, một tướng chấn giữ vùng biên cương.

Nhằm có một cái nhìn chính thống và chuẩn xác nhất về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của công chúa Lý Kiều Oanh, chúng tôi đã lật tìm những trang sử sách đã ghi chép lại. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Công chúa Lý Kiều Oanh là con gái của vua Lý Thái Tông và hoàng hậu Thiên Cảm. Ngay sau khi Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha Thái Tổ, ông đã lập phẩm cấp cho các hoàng hậu, thứ phi thân cận tổng cộng là 13 người; ngự nữ 18 người và nhạc kỹ 100 người.

Ngoài ra, nhà vua còn thầm yêu trộm nhớ một ngự nữ (nàng hầu). Đức vua vẫn kín đáo hẹn hò và người ngự nữ đó đã sinh hạ được một người con gái đặt tên là Kiều Oanh. Mối tình đó của nhà vua đã khiến cho trời đất cảm động. Sau đó, vua Lý Thái Tông đã phong cho người ngự nữ đó làm hoàng hậu, hiệu là Thiên Cảm mà theo Đại Việt sử ký toàn thư có ghi là không biết tên.

Sau khi công chúa Kiều Oanh được sinh ra, nhà vua đã giao cho người con cả là thái tử Lý Nhật Tôn chăm sóc và nuôi dưỡng. Thái tử Nhật Tôn là con trưởng của Thái Tông và Mai Thị Kim Thiên hoàng hậu. Khi vua Thái Tông qua đời, thái tử Nhật Tôn lên kế vị và phong mẹ mình là lên làm Kim Thiên hoàng thái hậu.

Cũng theo sử sách ghi chép lại, khi hoàng hậu Thiên Cảm còn là ngự nữ đã được hoàng hậu Kim Thiên hết lòng thương yêu, che chở. Thời gian thấm thoát thoi đưa, khi công chúa Lý Kiều Oanh đến tuổi trưởng thành, vua cha ban sắc phong cho làm công chúa hiệu là Tân Bình, gả cho quận công Hồ Đức Cưởng. Công chúa Tân Bình được sắc lập phủ đệ riêng ở trại Bố Chánh (sau này là phủ Tân Bình) ở cùng với chồng để trấn phủ.

Thời bấy giờ, biên cương phía Nam nước ta luôn có giặc Chiêm Thành câu kết cùng quân Tống thường xuyên xâm lược bờ cõi. Trước thế giặc mạnh, sợ vợ chồng phò mã – công chúa không thể kháng cự, vua Lý Thái Tông đã phong cho thái tử Nhật Tôn làm tổng nguyên soái, mang quân đi hỗ trợ vợ chồng công chúa Lý Kiều Oanh đánh tan quân giặc, bảo toàn lãnh thổ. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, lũ giặc quay lại gây chiến. Thái tử cùng vợ chồng công chúa đã lập nên nhiều chiến công hiển hách trên dòng sông Giang (sau này đổi tên là Nhật Lệ).

Do lực lượng tương quan không cân sức, quân giặc quá mạnh, trong một trận chiến, phò mã Hồ Đức Cưởng đã bị quân giặc sát hại. Khi đó công chúa Lý Kiều Oanh cũng mới sinh hạ được một người con gái, lại cộng thêm việc gánh vác quân cơ nên đã kiệt sức rồi qua đời.

Phát lộ những dấu tích về ngôi mộ cổ…

Những thông tin về ngôi mộ cổ của công chúa Lý Kiều Oanh cũng được nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm trao đổi với PGS – TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam. Nhận được tin báo, ông Nguyễn Lân Cường và TS Nguyễn Giang Hải, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học đã thực sự háo hức khi được nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và luật sư Bích Lan mời cùng vào Quảng Bình ngày 6/6/2012 để quan sát bước đầu khi ngôi mộ chỉ mới hé mở vài viên gạch.

Vết tích đầu tiên được nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm mách bảo, chính xác là ở sân nhà ông Nguyễn Văn Nam và bà Nguyễn Thị Lan, số nhà 18, ngõ 35, đường Trương Pháp, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ đầu cả ông Hải và ông Cường đều có những nhận định đây rất có thể là dấu tích của một ngôi mộ cổ hoặc một công trình cổ nào đó. Khoảng 2 tuần sau đó, khi ông Hải và ông Cường từ Quảng Bình trở về, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm lại cung cấp thêm một thông tin quan trọng: “Linh báo mách bảo bà Thiêm rằng ở dưới nền đất ngôi nhà số 18, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có một tấm bia mà chữ loằng ngoằng không sao đọc được, có thể là chữ Hán”.

Sự việc tưởng như rất mơ hồ đó cuối cùng đã trở thành sự thật. Vào ngày 26/9/2012, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đã chỉ cho chủ nhà Nguyễn Văn Nam đào tìm được một tấm bia. Tấm bia rất nhỏ được làm từ nguyên liệu đá hoa cương, được mài phẳng một mặt để viết chữ lên đó, hai bên mài vát, trong khi mặt sau vẫn để nguyên trạng (bia dài 25cm, rộng 10,5cm, chỗ dày nhất 6cm và nặng 2,1kg).

Tấm bia được xem là chiếc chìa khóa đầu tiên nhằm giúp đoàn công tác vén bức màn bí ẩn về ngôi mộ cổ nằm dưới nền ngôi nhà số 18, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người đầu tiên dịch được những chữ hán cổ viết trên tấm bia đá tìm được là TS Mai Hồng. Ông đã khẳng định dứt khoát 5 chữ Hán cổ trên tấm bia là: “Lý Kiều Oanh công chúa”.

Đúng đêm giao thừa ngày 31/12/2012, PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã cùng nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, luật sư Bích Lan lên chuyến tàu trở lại Quảng Bình lần thứ 2. Mục đích của chuyến đi lần này nhằm quan sát ngôi mộ mà gia đình anh Nam đã bóc dỡ làm lộ phần tường bao của lăng mộ. Đồng thời tìm kiếm và thu thập các hiện vật tại ngôi mộ để đưa về Hà Nội nghiên cứu, giải mã.

TS Mai Hồng còn nhận định thêm rằng, tác giả của những chữ viết trên tấm bia đá tìm được tại Quảng Bình phải là một tay bút cừ khôi như Lương Thế Vinh. Khi ông quay lại Quảng Bình để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh ngôi mộ cổ, ông được những người già trong làng kể cho nghe một chi tiết: Năm 1972, khi nhân dân đào hầm để tránh bom đạn của máy bay Mỹ, họ đã đào được một tấm bia đá cao khoảng 70-80 phân, chiều rộng 30-40 phân, khắc nhiều chữ nho. Sau đó mọi người mang tấm bia đá đó để vào gốc bụi xương rồng ở lối đi, các cụ còn khẳng định không có bất kì một ai lúc đó có khả năng mang được bia đá đi nơi khác. Một số cụ biết chữ nho trong làng cho biết, chỉ biết được một phần nhỏ nội dung là nói về một vị công chúa. Hiện tấm bia trên đã bị thất lạc và vẫn là một sự bí ẩn.

Giữa trung tuần tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Lịch sử, khảo cổ, phả học, tâm linh… đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học bàn về ngôi mộ cổ mới phát tích tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Nhiều bằng chứng tiếp tục được hé lộ

Theo những tài liệu mà PGS – TS Nguyễn Lân Cường và TS Nguyễn Giang Hải thu thập được, tường bao quanh lăng mộ có hình vuông (4,33m x 4,30m), chiều cao hiện tại tới mặt bằng là 0,80m (nếu tính đáy tường bao khoảng 1,55m), độ dày của tường bao không đều dao động từ 0,28m – 0,30m. Cửa lăng mộ hướng đông bắc rộng 1,13m, được giới hạn bởi hai trụ gần vuông (0,31x0,28m). Phần tường bao đối diện với cửa, khoảng chính giữa rộng 1,7m, và uốn cong lên như hình cánh cung, chỗ cao nhất so với mặt trên của tường bao là 0,20m. Cách hai cột cổng 0,7m có tấm bình phong chắn phía trước, cao 0,72m, dài 1,6m và dày 0,26m. Trên tường bao có những viên gạch đỏ hình chữ nhật (dài 25,5cm, rộng 13,5cm và dày 0,5cm).

Các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tham gia hội nghị khoa học nhằm giải mã ngôi mộ cổ ở Quảng Bình.

Phía mặt ngoài của cột trụ trái có chữ Hán, đọc theo thứ tự từ trên xuống: Quốc – Chi – Thần – Nhân.

Theo PGS – TS Nguyễn Đặng Na, đã góp tiếng nói của mình trong quá trình giải mã bí mật ẩn trong ngôi mộ tại Quảng Bình theo hai vấn đề chính: Cách đọc hai cột chữ Hán trên ngôi mộ và cung cấp một số tư liệu liên quan đến ngôi mộ.

Từ những phân tích hết sức cặn kẽ, ông đã đưa ra những kết luận hết sức rõ ràng về ngôi mộ: Thứ 1. Về cấu trúc: Hình vuông theo kiến trúc Đường – Tống; chất liệu xây dựng là gạch đất nung; phong thủy: Đầu gối vào núi, chân duỗi ra biển, sống ôm bên phải trấn biên thùy. Một chi tiết khá thú vị nữa cũng được PGS – TS Nguyễn Đặng Na đưa ra: Sau khi phu thê đã mất thì thường được hợp táng. Như vậy, ông cho rằng, khi khai thác mộ này rất có thể tìm thấy cốt của Lý Công chúa cùng cốt Hồ Phò mã.

Thứ 2. Về phong cảnh: Sông và biển phía trước, lưng nương tựa núi. Hai cột trước mộ mang nội dung: Cột bên phải đọc là: Nhậm di dĩ chỉ quán (chim đới thắng chuyển xuống nơi ổ quán). Cột bên trái: Phượng (giáng) hậu thân nhân (tức: Chim phượng trích giáng xuống làm người để thân oan người mất).

Có thể nói những lý giải, lập luận của PGS – TS Nguyễn Đặng Na đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong hành trình khám phá bí ẩn ngôi mộ cổ ở tỉnh Quảng Bình.

Về tấm bia nhỏ có khắc chữ Hán, mới đây các nhà khoa học cũng có tham khảo ý kiến của GS-TS Phan Trường Thị, nhà thạch học số 1 Việt Nam thì được ông khẳng định rằng, chất liệu bia được làm từ đá hoa cương. Cũng trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, các triều đại ở Việt Nam đều gắn liền với các loại đá khác nhau (Nhà Lý – Trần thường sử dụng đá sa thạch; nhà Lê, Hồ dùng đá vôi; nhà Nguyễn dùng đá hoa cương). Xét về cấu trúc mộ, ngôi mộ cổ ở Quảng Bình rất giống với hai ngôi mộ đã từng được phát hiện ở TP HCM và Long An, hai ngôi mộ này đều được xác định là có niên đại dưới triều nhà Nguyễn. Từ những cứ liệu và phân tích trên, các nhà khoa học đã đặt ra giả thiết rằng ngôi mộ này đã từng được tu bổ dưới triều nhà Nguyễn.

Hành trình giải mã vẫn chưa có hồi kết

Theo miêu tả của TS Mai Hồng, người rất có tâm huyết trong hành trình tìm kiếm mộ công chúa Lý Kiều Oanh cho biết: Ngôi mộ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 155cm, có tường gạch bao quanh cao 70cm, kích cỡ 350x390cm. Nhằm bảo vệ cho khu mộ khỏi tình trạng bị gió lấp, cát vùi, những người có tâm huyết trong việc lật tìm lại dấu tích người xưa đã quyên góp và xây dựng tường gạch tứ vi che chắn, phía bên trên có lợp mái tôn để che nắng, che mưa. Khuôn viên ngôi mộ có xây cửa rộng khoảng 72cm. Phía bên ngoài có tấm bình phong xây gạch liên kết bằng hồ cát. Loại hồ hay được bà con vùng biển miền Trung sử dụng bằng vỏ sò nung chín, có sức kết dính bền chặt, giống như loại đá vôi ngoài miền Bắc. Đặc biệt loại hồ này còn được pha trộn thêm mật mía khiến cho kiến trúc vô cùng bền vững.

Hiện nay, công việc giải mã ngôi mộ cổ ở Quảng Bình vẫn chưa đi tới hồi kết. Trong bản báo cáo của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm nêu ra trong hội thảo khoa học giữa trung tuần tháng 6 vừa qua cho biết: Vào tháng 5/2012, đoàn công tác của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người đã có vào làm việc với UBND tỉnh và chính quyền sở tại. Kết thúc buổi làm việc, chính quyền địa phương nói sẽ làm thủ tục để khai quật sớm. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, việc khai quật vẫn chưa thể được tiến hành tiếp

Đại Lãng – Nhung Tuyết
.
.
.