Bí ẩn về sức sống kỳ diệu của thầy đồ tí hon

Thứ Sáu, 03/05/2013, 09:08

Đủ 9 tháng 10 ngày hoài thai, nhưng khi chào đời, đứa trẻ chỉ nặng vỏn vẹn 400g. Là ca thứ 17 trên thế giới có thân hình vô cùng đặc biệt đến nỗi các nhà khoa học đã chẩn đoán, tuổi thọ của đứa trẻ không thể vượt qua con số 13. Sự kỳ diệu ở chỗ, đứa trẻ ấy đã sống khỏe mạnh, thách thức vận số.

29 tuổi, một cơ thể "không thể nhỏ hơn" với những bữa ăn chay mà sở thích chỉ có rau luộc chấm với nước tương nhưng thầy tu, kỷ lục gia Thích Nhuận Pháp vẫn luyện võ, đi quyền điêu luyện như con nhà nghề. Bí ẩn về một cơ thể tí hon vẫn đang thách thức các nghiên cứu khoa học đương đại.

Ôm "thần linh" trốn chạy khắp nơi

Tên trần tục của thầy đồ tí hon là Nguyễn Duy Phương nhưng từ khi thoát khỏi "lời nguyền" vận số 13, cái tên ấy vĩnh viễn ẩn mình để nhường chỗ cho một pháp danh nhà Phật: Thích Nhuận Pháp.

Gặp nhà tu Nhuận Pháp chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về một thân hình nhỏ quá cỡ tưởng tượng. Chúng tôi đi theo thầy tu tí hon, cái dáng lon ton bước thoăn thoắt lên bậc cầu thang của thầy khiến chúng tôi nhiều lần bị "hẫng" về phía trước. Có khi như không mà vẫn có, có mà như không bởi sự tương phản quá lớn giữa hai "khối" di động. Để hiểu rõ về thầy tu tí hon này, chúng tôi đã được chính người mẹ của thầy, bà Đinh Thị Anh trải lòng.

Đó là một người phụ nữ nhanh nhảu, hoạt bát, có một nét gì đó mặn mà ở tuổi 50. Và đó còn là một người mẹ vô cùng dũng cảm, mạnh mẽ khi dám đương đầu với thực tại đớn đau, những thị phi, xỉa xói, một người mẹ dám rũ bỏ lời nguyền tâm linh quyết liệt bảo vệ con trai giữa hàng ngàn "nanh vuốt, nọc độc" của người đời. Hỏi bà nuôi dạy thầy đồ Nhuận Pháp khó khăn như thế nào? Bà chỉ bảo, khó khăn lớn nhất mà bà phải gánh chịu là miệng lưỡi người đời.

Ngay từ khi thầy đồ chào đời, khi ấy bà đã cảm nhận được một sự khác biệt rõ rệt ở đứa con này. Nói cho đúng thì đó chỉ là cục thịt sống vừa bằng nắm tay. Một tuần sau, đem lên bàn cân được đúng 5 lạng không hơn không kém. Một không gian sẫm sịt, một bầu trời tối tăm đổ sụp xuống người mẹ khi đón nhận "cục thịt sống" vào lòng.

Để truyền năng lượng sống cho con trai, bà dành hết tình thương cho đứa trẻ. Những ngày đầu, bà cuốn con vào trong chiếc khăn tay, khẽ khàng lắm mới đưa vào bầu sữa và phải nhẹ nhàng lắm mới mớm được giọt sữa vào miệng con. Bà Anh kể: "Phải chăm chút bàn tay hết cỡ vì sợ nó tuột, bế con mà không có cảm giác trọng lượng. Cứ chơi vơi, lâng lâng thế nào ấy".

Thầy đồ tí hon và mẹ.

Đến năm 2 tuổi, như bao đứa trẻ khác, cậu bé cũng bắt đầu bập bẹ nói và lững chững đi. Khi ấy, làn sóng hiếu kỳ, tò mò của người dân khắp vùng An Nhơn - Bình Định dậy lên. Mỗi ngày lượt người kéo tới xem mặt chú bé tí hon càng đông. Bà Anh chỉ biết ôm con trong lòng đóng chặt cửa, khóa chốt cài then. Thấy đóng cửa, sự hiếu kỳ càng rộn lên, họ phá rào, đập cửa đòi xem cho bằng được "người trời" đầu thai.

Những khi bận bịu công việc, bà Anh thả con ra, đứa trẻ thỏa thê chạy nhảy, nô đùa ngoài sân thì mọi người bâu vào sờ nắn khắp người cậu bé xem đây có phải con búp bê được gắn pin không. Đã có không ít mỹ từ tâm linh cao siêu dành cho đứa con bé bỏng của bà Anh. Nào là thần linh giáng thế, người trời phái xuống hay ma quỷ đầu thai…

Sự chạy trốn của người mẹ đã lên đến đỉnh điểm, bà quyết định bế con rời khỏi quê hương Bình Định phiêu dạt vào TP Hồ Chí Minh lánh nạn. Thế nhưng, tình hình nào có yên thân bởi từ trước đến nay ở Việt Nam chưa từng có người tí hon đến mức như vậy. Người này rỉ tai người kia, những tiếng rì rầm mỗi ngày càng lan xa, chẳng bao lâu, căn phòng trọ nương náu của hai mẹ con cậu bé tí hon trở lại tấp nập, nhộn nhịp.

Ở cái thành phố đất chật người đông này, sự tò mò đã phát triển thành làn sóng lớn mạnh không gì ngăn cản được. Người này giẫm đạp lên người kia chỉ mong sao được tận mắt nhìn thấy chú bé "ngoài hành tinh". Ngày nào cũng vậy, lượng người "bu" chật cứng từ ngoài hẻm vào tới tận trong nhà. Bà Anh ôm con khóa trái cửa ở tịt trong phòng không dám bước ra ngoài.

Đứa con tí hon của bà lớn lên trong sự hiếu kỳ chưa bao giờ có điểm dừng. Bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt, bao nhiêu lời đồn thổi tai ác về một "mầm sống" đặc biệt này.

Một ngày, trong đám đông có vợ ông Phan Thành Tiệp khi ấy đang là Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh về kể cho chồng nghe. Hôm sau, vị Công an mặc dân sự tới và thấy được ngọn ngành vấn đề. Ông lập tức đề nghị đưa hai mẹ con về nhà mình ở. Những người chưa tận mắt nhìn thấy "thần thánh" vẫn không thôi đeo bám nhưng ngặt nỗi nhà Phó trưởng Công an kín cổng cao tường nên họ đành ngậm ngùi ra về.

Từ khi được gia đình ông Tiệp "giải thoát", mẹ con bà Anh mới cảm nhận cuộc sống thật sự. Sau đó, hồ sơ của chú bé tí hon được Bệnh viện Từ Dũ chấp nhận. Chú bé tí hon có thời gian dài sống trong môi trường bệnh viện, khép kín với bên ngoài để các bác sĩ thực nghiệm nghiên cứu khoa học. Tại đây, chú được đi học và chính cái sự học của chú mới khiến nhiều người phải "cười ra nước mắt".

Thầy đồ không biết chữ

Chú bé tí hon được đưa vào trường chuyên biệt học chữ. Chính vì cái kiếp người "ngoài hành tinh" như vậy mà sự học của chú chẳng đi đến đâu. Ngay từ ngày đầu bước vào lớp, chú trở thành tâm điểm của những trò nghịch ngợm, trêu trọc của học sinh. Tầm giác ngộ của chú phát triển đủ để chú cảm nhận được mình đang là một "sinh vật lạ" trong trò chơi thường ngày của lớp học.

Khi con chữ "bẻ làm đôi" chưa biết, chú quyết định bỏ dở quay về núp bóng người mẹ. Sau khi "rũ bỏ" lời nguyền vận số 13, bà Anh gửi con vào chùa bắt đầu kiếp chân tu. Chú được thọ giới tại chùa Bát Nhã (quận Bình Thạnh) do hòa thượng Thích Đạt Đạo chù trì (hiện là Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM). Từ đây, chú bé tí hon chính thức khoác lên mình chiếc áo thiền môn với pháp danh Thích Nhuận Pháp. Năm đó, chú vừa tròn 17 tuổi.

Thầy đồ Nhuận Pháp không chỉ đặc biệt về ngoại thể mà còn khiến người ta phải sững sờ vì một "trí tuệ" học trước quên sau. Cho đến thời điểm này, thầy đồ Nhuận Pháp đã bước sang tuổi 29 nhưng thầy chưa từng biết một chữ tiếng Việt nào.

Được cái, thầy đồ có tài hoa bẩm sinh ở lĩnh vực hội họa và thư pháp. Những nét đồ của thầy bằng hình thức thư pháp thì vô cùng mềm mại, uyển chuyển. Trong những năm gần gũi và dạy bảo Nhuận Pháp, đến nay thầy đồ này đã thuộc lòng được gần 10 mặt chữ, trong đó, chữ "hạnh phúc" là nhuần nhuyễn nhất". Một "kinh điển" nữa mà thầy đồ Nhuận Pháp vừa hoàn thành trong vòng ba ngày là bài chú Đại bi. Bài này thầy viết theo mẫu có sẵn và tuyệt nhiên không biết đánh vần một chữ nào.

Thầy đồ và người anh trai hiện đang là kỹ sư tin học.

Nhìn bóng dáng mỏng manh của thầy đồ, tôi hỏi thầy có hay đau ốm không? Thầy nói tía lia: "Chú khỏe lắm, hằng ngày vẫn dành ra cả tiếng đồng hồ tập võ, đi quyền. Chú tập để cho giãn cái gân ở dưới chân chứ không mỏi lắm, đi không nổi".

Về phần "nội công" này tuyệt nhiên không ai dạy cho thầy Nhuận Pháp cả. Là do thầy tự học trong đĩa phim võ thuật Thiếu Lâm Tự. Nếu có yêu cầu, thầy sẵn sàng "tả xung hữu đột" cho mà xem, chuyên nghiệp chẳng khác nào những chú tiểu Thiếu Lâm trong phim.

Ở thầy đồ tí hon này, ngoài những khả năng thực và ảo, những cái biết và không biết, người tiếp xúc dễ dàng nhận ra một tình thương vô hạn thầy dành cho người mẹ của mình. 29 tuổi, chưa một ngày nào thầy rời khỏi vòng tay bao bọc của mẹ, trong câu chuyện của mình thầy luôn nói: "Cái gì chú không rõ thì hỏi mẹ chú sẽ rõ. Mẹ chú hiểu chú hơn là chú hiểu về mình".

Xác lập kỷ lục cho thầy đồ tí hon

Ngày 12/1/2013, Trung tâm VietKings đã trao bằng công nhận thầy đồ 29 tuổi, là ông đồ nhỏ nhất Việt Nam với chiều cao 90cm, cân nặng 13kg.

Dấu bàn tay chứng nhận, thầy đồ kỷ lục gia Việt Nam.

Ngoài ra, VietKings đang hoàn tất thủ thục đề nghị Trung tâm Kỷ lục châu Á công nhận Tu sĩ Phật giáo Thích Nhuận Pháp là người viết thư pháp nhỏ nhất châu Á. Bà Anh cho biết thêm, Ban tổ chức lễ hội văn hóa quốc tế - triển lãm Vermont (diễn ra tại Mỹ) đã gửi thư mời thầy đồ tí hon qua viết thư pháp và biểu diễn võ thuật trong tháng 11/2013.

Dấu bàn tay chứng nhận, thầy đồ kỷ lục gia Việt Nam.

Sức phá vỡ "lời nguyền" vận số 13

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu trên cơ thể thầy đồ Nhuận Pháp nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân làm nên thể trạng tí hon này. Được biết, đây là ca thứ 17 trên thế giới có hiện trạng tí hon và tất cả trong số đó đều không qua khỏi tuổi 13.

Từ những thực tế trên, các nhà khoa học tiên định, con người này sẽ không ngoại lệ. Thế nhưng, hiện nay thầy đồ tí hon vẫn sống khỏe mạnh ở tuổi 29 với những bữa cơm chay yêu thích là rau luộc chấm nước tương.

Ngọc Thiện
.
.
.