Bí ẩn xứ Mường: Kỳ bí và chuyện đồn thổi về hòn đá đòi ăn thịt

Thứ Bảy, 15/09/2012, 14:53
Cứ treo một tảng thịt lên tảng đá và được thầy mo làm lễ tức thì khối đá vài chục tấn đó có thể xoay chuyển một cách dễ dàng. Điều đặc biệt khi hòn đá xoay về hướng nào thì năm đó bà con mất mùa và gặp tai ương. Cho đến ngày nay, sự tích về hòn đá "đòi ăn thịt" vẫn còn rất nóng nơi xứ Mường đầy kỳ bí.

Hòn Dạ Há - hóa thân của người đàn bà độc ác

Đứng từ trung tâm huyện Lạc Sơn phóng tầm mắt vẫn có thể nhìn thấy quả núi Cô Đơn. Sở dĩ người ta gọi nó là núi Cô Đơn vì hàng ngàn năm nay nó chỉ đứng một mình. Người dân Lạc Sơn mách: "Cứ hướng quả núi Cô Đơn đó là đến được hòn Dạ Há - hòn đá đòi ăn thịt".

Đường đến hòn Dạ Há không xa nhưng rất khó khăn, những con đường đất đỏ gấp khúc, khi lên khi xuống khiến cho nhiều tay lái phải nản. Biết chúng tôi tìm hiểu về hòn Dạ Há, ông Bùi Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Văn Sơn trả lời đầy hoài nghi: "Việc thờ cúng hòn Dạ Há là có thật! Tuy nhiên từ khi Nhà nước có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan thì lễ cũng đã không còn. Quả thực những câu chuyện truyền lại, sự trùng lặp ngẫu nhiên khiến nhiều người hoang mang, lo lắng".

Ông Bùi Văn Nhinh :"Đã nhiều lần hàng trăm thanh niên trai tráng dùng búa, xà beng định đào lên vẫn không được. Tất cả họ đồng lực cũng không tài nào xoay chuyển được hòn đá này đi. Chỉ khi được làm lễ và treo 1 miếng thịt lên là xoay vần một cách dễ dàng".

Người dân xã Văn Sơn (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) ai nấy đều đánh cặp mắt tò mò về phía chúng tôi khi hỏi chuyện về hòn Dạ Há. Bởi với người dân xã Văn Sơn hòn Dạ Há như một nét văn hóa xa xưa của người Mường. Đến nay vẫn còn biết bao câu chuyện rùng rợn về nó. Người dân nói, muốn biết gốc tích của hòn Dạ Há phải tìm đến thầy Minh (một thầy mo có uy tín bậc nhất của xứ Mường Lạc Sơn).

Ông Minh vốn là thầy thuốc, cũng là người am hiểu thâm sâu về văn hóa xứ Mường. Cho đến nay ông còn lưu giữ hàng loạt những cổ vật của người Mường. Đặc biệt ông còn sở hữu một cuốn sách tự tay ghi chép về lễ thờ hòn Dạ Há. Ông Minh chia sẻ: "Là thầy mo trong bản thì phải am hiểu hết những văn hóa của người Mường chứ. Dân làng không biết hỏi, mình có cái mà nói".

Ông Minh bắt đầu câu chuyện về hòn Dạ Há bằng những tiếng thở dài... Ông bảo: "Người Mường có bao tục lễ hay nhưng bây giờ mai một hết. Nhất là tục thờ hòn Dạ Há này". Ngày đó, hòn Dạ Há được người ta cho rằng nó là hồn vía của những người đàn bà xấu xa tập hợp lại.

Với đồng bào dân tộc Mường, hòn Dạ Há biểu trưng cho sự xấu xa và tàn độc. Do binh biến mà người chồng phải ra nơi xa trường để lại mẹ già, vợ dại và đứa con thơ. Một hôm người mẹ già bỗng nổi đóa đòi ăn thịt cháu nội của mình. Quá hoảng sợ cô vợ bèn chặt bông hoa chuối bọc vào áo rách rồi đưa cho mẹ. Sau đó người vợ trẻ ôm con bỏ chạy.

Người mẹ chồng ác độc tức giận liền đuổi theo. Khi đến một khúc sông thì đã thấm mệt nên người đàn bà này nằm ngay đó mà chết. Ít lâu sau người dân quanh vùng thấy một hòn đá lớn nằm ngay cạnh bờ sông với hình dạng như một con cóc cụ. Với cái miệng luôn há rộng, thân hình xù xì, gớm ghiếc. Từ "Dạ" theo nghĩa của người Mường là xấu xa nên người dân gọi hòn đá này là hòn Dạ Há.

Người ta thường nói "nước Sơn La, ma Hòa Bình", quả thực nơi rừng sâu núi thẳm của xứ Mường này có biết bao câu chuyện ma quỷ được người ta thêu dệt khiến người nghe phải lạnh người.

Ông Bùi Văn Minh chỉ tay về hòn núi sau nhà và nói: "Hòn núi Cô Đơn này được cha ông nói lại, đó là hồn của những người chết trẻ, chưa có gia đình. Chính vì thế đây là vùng đất rất thiêng. Hòn Dạ Há cũng là một trong những câu chuyện rùng rợn được người ta tương truyền". Người dân Lạc Sơn coi việc thờ cúng hòn Dạ Há như một nét văn hóa độc đáo. Cứ 3 năm người ta lại tổ chức một lần.

Dân làng đóng góp trâu bò, lợn gà để ăn hết 3 ngày hội đó. Nghi lễ hòn Dạ Há là một phần không thể thiếu trong lễ hội đền Khênh. Hòn Dạ Há được đặt ở phía Đông Nam so với nhà đình, ngay sát sân đình. Theo tục lệ cứ đến mùa là người dân phải quay hòn Dạ Há về một hướng. Hễ quay về hướng nào y như rằng năm đó khu vực này chịu nhiều tai ương và mất mùa.

Mà xoay hòn Dạ Há được cho là cầu kỳ nhất, trong cả lễ hội. Thầy mo uy tín nhất trong bản sẽ đọc bài cúng, dân làng sẽ làm một mâm cỗ đặt cạnh. Vật tế không thể thiếu là miếng thịt lợn được treo lên đầu hòn đá. Nói đến đây ông Minh gật gù: "Hòn Dạ Há thích nhất thịt lợn. Nếu không có miếng thịt lợn treo lên cổ thì không cách nào xoay chuyển được. Người xoay chuyển cũng phải là những cô gái còn trinh tiết trong bản".

Được sự đồng ý của người dân, ông Bùi Văn Nhinh (người thông thạo địa hình) đưa chúng tôi mục sở thị hòn Dạ Há kỳ bí này. Do những câu chuyện rùng rợn được người ta thêu dệt nên hòn Dạ Há không được ai chăm sóc. Rêu, cỏ dại mọc kín lối vào. Hòn đá tảng xù xì hình con cóc há miệng rộng, trong miệng lại có 1 chiếc lưỡi lớn thè ra khiến ai nhìn vào cũng phải nổi da gà.

Ông Nhinh đặt tay lên hòn Dạ Há nói: "Đã nhiều lần hàng trăm thanh niên trai tráng dùng búa, xà beng định đào lên vẫn không được. Tất cả họ đồng lực cũng không tài nào xoay chuyển được hòn đá này đi. Chỉ khi được làm lễ và treo 1 miếng thịt lên là xoay vần một cách dễ dàng. Các bậc cao niên trong bản thống nhất cử một thầy mo uy tín để gieo quẻ âm dương. Nếu thấy mo gieo quẻ nằm sấp thì hòn Dạ Há phải xoay về hướng Đông Tây, còn ngược lại thì về hướng Nam Bắc".

Với người dân xứ Mường ở đây, việc xoay hướng hòn Dạ Há là rất quan trọng. Bởi khi quay về hướng nào hướng đó sẽ gánh những hậu quả, tai ương cho hướng khác. Cách đây không lâu, khi hòn Dạ Há quay về hướng Thượng Cốc (huyện Tân Lạc ngày nay), năm đó họ làm ăn mất mùa, chịu nhiều thiên tai. Người dân vùng Thượng Cốc bèn cử hàng trăm thanh niên đến cũng không suy chuyển được hòn đá.

Những chuyện thêu dệt đến rùng rợn

Hòn Dạ Há được người nơi đây sùng kính hơn bởi cạnh nó có mạch nước cực kỳ linh thiêng. Người dân thường gọi là giếng Biệng. Trước mùa lễ hội giếng Biệng không có giọt nước nào nhưng khi làm lễ cho hòn Dạ Há nước phun ra ầm ầm. Ông Minh kể: "Các mùa trong năm, nước giếng ở đây rất hiếm. Đặc biệt là tháng 3 (lịch người Mường), người ta bảo "tháng 3 gà bới suối", nghĩa là tất cả đều khô hạn. Thế nhưng khi làm lễ nước giếng ở cạnh hòn Dạ Há nước ở đâu lại tuôn ra".

Ông Minh kể tiếp: "Năm đó bố tôi được làm nhiệm vụ be bờ để dẫn nước từ giếng về làm lễ. Lúc đó bố tôi còn rất bé, phải đi lấy đất đắp quanh miệng giếng. Nhiều lần bố tôi cứ thắc mắc và cãi lại ông cụ cố là: khô hạn thế này thì lấy đâu ra nước. Thế nhưng cứ đến 12 giờ (đúng giờ hoàng đạo) là có nước. Một làn nước trong vắt cứ thế ục ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người làng. Lúc đó ai nấy trong bản đều ra lấy nước từ giếng này về làm rượu cần cho vua uống khi làm lễ".

Tiếp lời ông Nhinh kể, ba năm trước chính mắt ông có nhìn thấy nước giếng này phun ra ầm ầm. Lúc đó vào đúng đêm 30, gia đình sống cạnh hòn Dạ Há làm lễ gì đó.

Mặc dù người dân xã Vân Sơn chỉ coi hòn Dạ Há như một truyền thuyết nhưng những sự trùng lặp ngẫu nhiên lại khiến nhiều người ở đây hoang mang. Khi Nhà nước có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, lễ hội đền Khênh và cả ngôi đền cũng bị xóa bỏ. Sau cải cách ruộng đất thì khu đất của đền Khênh được chia cho nhân dân làm nhà và trồng trọt. Thế nhưng những gia đình sống cạnh hòn đá đó liên tiếp gặp những chuyện không may. Vì thế người dân nói "gia đình này chịu sự báo oán của Dạ Há".

Ông Nhinh cho biết: "Chẳng biết đúng sai thế nào, khi gia đình này xảy ra chuyện thì mới bắt đầu tìm ra những lý do. Nào là do xây một chuồng lợn cạnh giếng Biệng nên khu vực này bị ô nhiễm. Cũng chẳng hiểu sao nhưng bao năm nay gia đình này sống chẳng yên lành".

Chưa dừng lại ở đó, gia đình sống bên cạnh hòn Dạ Há khác cũng chịu cảnh tương tự. Ông Nhinh chỉ vào người đàn ông luôn giữ vẻ mặt buồn bã nói: "Ông ta đã chính tay mình đánh chết con đẻ. Rồi đứa con gái bây giờ cũng ngơ ngơ. Bản thân ông chịu nhiều bi kịch bây giờ cũng đờ đẫn...".

Ông Bùi Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Văn Sơn cho biết: Hòn Dạ Há hiện nay vẫn còn tồn tại. Chúng tôi đang có biện pháp tuyên truyền để người dân bớt hoang mang về cái gọi là "báo oán" của hòn Dạ Há. Lễ hội đình Khênh trước đây được tổ chức 3 năm một lần, tuy nhiên do lâu ngày nên đình và miếu bị xuống cấp trầm trọng. Hy vọng thời gian tới chúng tôi sẽ được quan tâm của ngành Văn hóa cho phục dựng lại lễ hội truyền thống của người Mường và ngôi đình, đền.

Chúng tôi luôn hướng nhân dân coi những sự tích của xứ Mường nói chung và hòn Dạ Há nói riêng là những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Cấm những hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan trong dân chúng.

Trả lời báo chí, ông Bùi Hụy Vọng (hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho biết:

Thực chất đá Dạ Há là biểu tượng linh thiêng của người Mường xã Văn Sơn. Khu vực của đá Dạ Há là một vùng đất thiêng và hàng năm đều có lễ hội xung quanh lễ thờ "hòn đá ăn thịt" này. Nhiều người cho rằng, chỉ khi treo đầu lợn vào cổ của "hòn đá hình con cóc" thì mới quay được là việc chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan thì lễ hội này đã bị cấm".

Tiêu Phong
.
.
.