Bị bỏ quên ở "ốc đảo" giữa đồng bằng

Thứ Bảy, 28/06/2014, 09:00

Nửa thế kỷ trước họ được coi là những người tiến bộ, dũng cảm, rời làng sang vùng kinh tế mới theo chủ trương. Những con người ấy đã phải gồng mình khai hoang, thau chua, rửa mặn mất cả chục năm ròng. Để rồi mảnh đất thấm đẫm mồ hôi ấy đã cho ra những vườn ngô, ruộng mía. Cho đến hôm nay con cháu họ lại phải ngậm ngùi bỏ mảnh đất ấy ra đi vì đang bị bỏ quên, được gọi với cái tên chẳng ai muốn "Ốc đảo giữa đồng bằng".

Vùng đất thấm đẫm mồ hôi

Nửa thế kỷ nay người dân xóm 2 (xã Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương) hàng ngày từ đi học, đi họp, đi làm hay thậm chí đưa ma… đều phải đi thuyền qua sông. 100 mét lòng sông đã cắt nguyên một rẻo đất của xã Minh Đức, tách xóm 3 khỏi làng, biến nó trở thành "xóm đảo Tiền Giang” - người dân quanh vùng vẫn thường gọi. Xóm Tiền Giang bị cô lập bởi dòng sông Cửu An, trước đây dòng Cửu An vốn chỉ là một dòng chảy nhỏ. Năm 1950 nhà nước cho khơi dòng, mở rộng hệ thống Bắc - Hưng - Hải, dòng chảy của sông Cửu An mới rộng như ngày nay. Năm 1963 - 1964, để giữ khoảng 20 ha đất bên kia sông bị chia cắt, chính quyền đã vận động những gia đình đông con sang lập xóm, trồng trọt để giữ đất cho địa phương.

Ngày đó có 17 gia đình hăng hái nhận nhiệm vụ, chủ yếu là những đôi vợ chồng còn trẻ sang khai khẩn vùng đất hoang. Cụ Nguyễn Thị Tèo kể: "Lúc đó cứ lấy bờ đê làm mốc, mỗi nhà được căng dây chia cho hai mươi mét mặt đường. Tôi mới gần ba mươi tuổi, ngày ngày cùng chồng chèo thuyền qua sông chặt từng tay che, phát từng bụi rậm". Ngày đào dòng Cửa An, đất từ đáy sông được bỏ đưa lên bãi đất xóm 2. Đất chua không cây trồng nào có thể sinh trưởng được. 17 cặp vợ chồng gồng mình, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" thau chua, rửa mặn mất cả 5 năm trời ròng rã. Họ đã bật khóc khi chứng kiến thành quả của mình, khi khoai lang cho ra củ, hạt ngô chịu nảy mầm.

Cụ Thảnh (90 tuổi) không cầm được nước mắt nhớ lại tháng ngày miệt mài dùng sức để cải tạo đất ở đây: "Từng hòn đất trong vườn, ngoài ruộng đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của chồng con tôi. Nhiều lúc chán nản định không cải tạo nữa. Bây giờ cây trái tốt tươi rồi vậy mà con cháu tôi phải bỏ đất bỏ nhà mà đi…".

Nửa thế kỷ lại trở về vạch xuất phát

Những ngôi nhà bị bỏ hoang như thế này không phải là hiếm.

Về xóm Tiền Giang chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí rệu rã, vắng vẻ ở đây. Những năm tháng vật lộn cải tạo đất hoang, những tiếng cười sau những mùa bội thu đang xa dần. Tiền Giang lại đang dần trở về thời kỳ đầu kinh tế mới. Từ 300 nhân khẩu, nay chỉ còn vỏn vẹn 70 người. Nhiều người ví von, cả xóm bây giờ cứ tựa như một gia đình vậy. Xóm ít người đến mức họ nhớ tên, nhớ mặt, nhớ tuổi và cả sở thích của nhau nữa. Ông Vũ Văn Luật (trưởng thôn) có thể điểm mặt, kể tuổi và cả những sở thích của từng người trong xóm.

"Anh Chương, anh Biên, anh Toàn, Anh Lý…ai đi ai ở, ai làm gì tôi biết hết. Xóm gì mà chỉ có 1 nhúm người". Thế rồi ông Luật đưa chúng tôi đi 1 vòng quanh xóm. Ông nói rệu rã: "Kia kìa chỗ nào cũng có nhà hoang, cỏ mọc um tùm. Họ không chịu được cảnh cô lập, không chịu được cảnh thiếu thốn và bất tiện. Có nhà đổ mái bằng, xây to đẹp nhưng rồi cũng khóa cửa im ỉm, cỏ dại lấn lối đi. Lâu không ai ở, tường vôi bong tróc, cửa xộc xệch nghĩ mà đau lòng. Có nhà còn vừa xây chưa kịp trát, chưa kịp đổ mái đã lại bỏ đi". Đau lòng nhất là có những hộ trong sổ hộ khẩu có 7 nhân khẩu hoặc hơn nhưng thực tế chỉ ở một mình như cụ Tèo, cụ Thảnh. Họ là những người hiếm hoi còn sót lại chưa từng nghĩ đến việc bỏ đất, bỏ nhà đi.

Cụ thảnh tâm sự: "Đi đâu được? Đây là mảnh đất chúng tôi khai hóa, đây là mảnh đất bao kỷ niệm, bao mồ hôi nước mắt. Chắc chết chúng tôi cũng phải chết ở đây".

Ước mơ một cây cầu

Người dân xóm Tiền Giang khó nhọc qua sông.

Trước đây, nhà nhà tự chèo thuyền nan qua sông. Cao hơn nữa là họ tự đóng góp tiền mua sắm thuyền sắt to hơn. Thế nhưng vào những ngày nước lũ, thời tiết xấu  lại có thuyền gặp nạn, lại có người đuối nước. Thấy cuộc sống của người dân quá khó khăn, chính quyền xã đã quyết tâm "đầu tư" cho xóm 2 Tiền Giang một chiếc đò máy, Anh Vũ Đình Thư là người được chọn đi học điều khiển thuyền máy phục vụ bà con. Anh Thư cho biết: "Ngã ba sông Cửu An, hai bên là xã Minh Đức, bên kia là xã Phượng Kỳ. Con đò này không chỉ là phương tiện của người dân xóm 2, nó còn chở bà con bên xã Phượng Kỳ nữa. Con đò này phải chạy ba bờ, khó khăn nhất là vào mùa bèo tây. Đò thì nhỏ, bèo quấn cả vào chân vịt, bà con ngồi đò đều phải cắm cúi mặt mày xuống gạt bèo để cho đò đi. Nếu đặc quá không đi được bà con phải đi vòng xa mấy chục cây số mới sang được. Khổ nhất là các cụ già, em nhỏ đi học".

Khó khăn nhất là mỗi lần ở xóm 2 Tiền Giang này có đám xá. Họ hàng bên làng, khách khứa nơi khác sang, đò phải chở mấy chục chuyến mới hết người. Nhiều đám đông có khi phải mất ngày mới chuyển hết người sang. Đặc biệt hơn cả ở đây có tục lệ khi người đã mất phải chuyển sang bên kia (tức làng cũ) để mai táng. "Khi đó toàn bộ con cháu phải sang bên này, rồi lại đi đò toàn bộ đám sang bên làng. Trong khi đó chúng tôi cũng chỉ có 1 cái đò. Cứ như thế anh chở đò mướt mải cả ngày trời mới xong được một đám tang".

Cả xóm Tiền còn nhớ như in cách đây 3 năm, một vụ đưa tang qua đò hi hữu đã xảy ra. Chiếc đò chở quan tài cùng con cháu vừa đi đến giữa dòng thì chòng chành lệch quan tài, nước cứ thế tràn vào… Con cháu hoảng loạn nhảy hết xuống sông, người không biết bơi thì kêu cứu, người bơi giỏi vừa muốn cứu người thân vừa muốn nâng đò ngăn không cho nước vào quan tài.

"Gia đình chỉ sợ người chết phải tắm 2 lần. Đó là phong tục ở đây, trước khi chết người đã khuất được tắm rửa sạch sẽ rồi khâm liệm. Nếu như bị chìm thuyền và ướt quan tài thì coi như bị tắm lần 2. Lúc đó sẽ ảnh hưởng, con cháu sẽ gặp chuyện chẳng lành" - ông Luật nói. Khó khăn nhất vẫn là vào mùa khô khi dòng sông đặc kịt bèo tây. Mỗi lần có đám như vậy, bà con phải huy động già trẻ lớn bé xuống sông gạt bèo kéo đò sang.

Ở “ốc đảo” này chỉ có người già là không muốn rời đi.

Nguyên nhân lớn nhất khiến người dân xóm Tiền Giang phải rời làng có lẽ là sự cô lập trong cả làm ăn, buôn bán. Di chuyển bằng đò không phải lựa chọn duy nhất mà vẫn còn đường đất để sang làng. Tuy vậy con đường độc đạo để bà con tiếp cận với "đất liền"  quá xa (lên tới cả vài chục cây số) lại khó đi. Ông Luật cho biết: "Đi bằng đường bộ khác nào mua đường, cả mấy chục cây số chứ ít gì đâu. Từ đầu xóm trở lên thì trải nhựa rộng 3,5 mét, còn đường độc đạo của xóm thì chỉ đủ cho cái xe bò. Cứ mưa là cả xóm này coi như bị cấm vận, đường lầy lội đi bộ cũng khó. Đấy như thế thì còn buôn bán, giao thương được với ai". Do đường nhỏ, xe tải không đến tận nơi nên hàng hóa nông sản của bà con xóm 2 Tiền Giang đều bị ép giá khá nặng. "Nhà tôi trồng 1 mẫu rau màu, nếu tự vận chuyển, vài ba tấn dưa đến nơi thu mua cũng chả bù được so với cái lỗ của việc ép giá. Trồng cây ở đây rất tốt, năm nào cũng được mùa nhưng không hiệu quả vì bị ép giá. Chúng tôi giờ cũng chẳng tha thiết gì nữa".

Ước mơ một cây cầu không phải bây giờ người dân mới nói, đã rất nhiều lần đại diện xóm 2 Tiền Giang đơn từ lên cấp trên. Thế rồi lần nào họ cũng ngậm ngùi nhận được câu trả lời "Xây cầu chỉ để phục vụ xóm Tiền Giang là không hiệu quả, tốn kém". Biết sẽ không bao giờ có được cây cầu, sẽ không thể phát triển cuộc sống ở nơi "ốc đảo" ấy bà con đã bỏ đi, người có tiền thì về làng mua đất, người không có thì "thuê đất" chuyển đổi HTX trong 50 năm để dựng nhà sinh sống.

Cô Thu (người dân xóm "ốc đảo") nói mà như khóc: "Chúng tôi ở đây vừa bị chèn ép, lại còn bị người ta khinh. Thậm chí chính người trong làng với nhau mà còn khinh người xóm Tiền Giang. Hễ cứ nghe đến dân chúng tôi họ lại dè bỉu: "Úi giời cái xóm mù văn hóa, cái xóm vùng sâu vùng xa đó nói làm gì". Mọi thông tin từ chính quyền địa phương đối với người dân là lịch đóng tiền điện. Việc sản xuất, gieo trồng tuyệt nhiên bà con không nắm được lịch, lúa không được HTX bơm nước. Chị Thu thêm lời: "Chúng tôi bị bỏ quên lâu rồi. Muốn có nước cho lúa phải tự thuê máy về mà bơm. Tôi chỉ nắm được lịch là ngày 11- 12 hàng tháng phải lên xã đóng tiền điện".

Nếu cứ bị bỏ quên, cô lập như vậy. Chắc chắn chỉ ít năm nữa thôi xóm 2 Tiền Giang chỉ còn cái tên hành chính. Sẽ không còn một bóng người ở ốc đảo đơn độc kia khi những người già nặng lòng với đất yên nghỉ.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Rất hiểu nỗi khó khăn của người dân nhưng do xã còn rất nghèo, dù biết cũng khó mà thay đổi được. Tôi cũng đã được nghe nguyện vọng của người dân về 1 cây cầu nhưng đó là điều không thể, vì đây là ngã ba sông Cửu An là trục giao thông đường thủy quan trọng của tỉnh Hải Dương sang Thái Bình, Hưng Yên, hằng ngày có cả trăm tàu bè đi lại, nên việc làm cầu chỉ để phục vụ xóm Tiền Giang là điều không thể vì rất tốn kém.

Phong Anh
.
.
.