Sửng sốt trường mầm non xã lạm thu hơn nửa tỷ đồng

Thứ Bảy, 30/09/2017, 09:40
Thời gian gần đây, dư luận xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bức xúc trước hàng loạt sai phạm của trường mầm non đóng trên địa bàn. Đặc biệt là việc nhà trường thu tiền sai quy định, với nhiều khuất tất trong thu chi.


Bên cạnh đó, giáo viên giả chữ ký trong văn bản vận động cha mẹ học sinh đóng tiền tự nguyện. Rồi chuyện học sinh đi học phải mang theo cả bát đũa, chăn màn để ăn ngủ. Đó là những nguyên nhân khiến cho phụ huynh học sinh đòi lại quà giáo viên trong dịenp lễ, Tết.

Lạm thu tới cả nửa tỷ đồng

Năm 2016, do quá bức xúc về việc thu - chi nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại Trường Mầm non Hợp Tiến đã kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải trình. Hàng loạt những cuộc họp giữa đại diện cha mẹ học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện chính quyền địa phương đã đi đến thống nhất: Trường Mầm non Hợp Tiến buộc phải trả lại số tiền đã thu của phụ huynh học sinh trong năm 2016-2017. 

Số tiền đó gồm những khoản thu "tự nguyện" và xã hội hóa. Số tiền mà Trường Mầm non Hợp Tiến đã trả lại vào tháng 5-2017 là 520.700.000 đồng gồm: Tiền xã hội hóa giáo dục là: 148.844.000 đồng và tiền cha mẹ học sinh "tự nguyện" đóng góp phục vụ cho trẻ là: 371.886.000 đồng. Số tiền này thu của gần một nghìn phụ huynh học sinh trong toàn xã. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, các khoản mà nhà trường gọi là "tự nguyện" áp dụng thu cho mỗi đầu phụ huynh gồm: quỹ phụ huynh: 100 nghìn đồng, dịch vụ vệ sinh: 225 nghìn đồng, bảo vệ: 120 nghìn đồng, y tế: 20 nghìn đồng. Tổng số là 465 nghìn đồng/phụ huynh/năm. 

Bên cạnh đó, các khoản xã hội hóa mức đóng khác nhau, tùy theo khu vực. Tại văn bản trả lại tiền do nhà trường lập có sự xác nhận của phụ huynh học sinh vào ngày 18-5-2017, lý do mà nhà trường nêu ra là do đã làm văn bản chưa chặt chẽ; nên Ban Đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường chưa thống nhất. Vụ việc chỉ vỡ lở khi một số phụ huynh chậm đóng tiền. Khi giáo viên giục phụ huynh đóng tiền thì gặp phải sự phản đối của nhiều người. Nhiều phụ huynh yêu cầu trường chỉ rõ các khoản cụ thể, phải có giấy tờ, chữ ký, xác nhận.

Việc giả chữ ký của phụ huynh học sinh, bà Bình (bên phải)  - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hợp Tiến cho đó là do nhận thức của giáo viên kém, một số phụ huynh học sinh không biết chữ.

Ông Đỗ Khắc Tư (thôn Viên Khê) - đại diện cha mẹ học sinh chia sẻ: "Các khoản về quỹ phụ huynh, dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, y tế và xã hội hóa chưa được thỏa thuận, tự nguyện nhưng trường đã yêu cầu đóng. Nhà trường đã không minh bạch các khoản thu, chi. Đến khi phụ huynh yêu cầu Ban Giám hiệu trả lời đang quản lý bao nhiêu học sinh, tổng số tiền nhà trường thu được của mỗi năm học? Nhà trường đã trả lại những khoản nào và tổng số tiền là bao nhiêu? Đồng thời làm rõi các khoản thu chi từ năm 2015 trở về trước. Chúng tôi yêu cầu như thế nhưng bà Trần Thị Bình là Hiệu trưởng đã không làm rõ ràng yêu cầu của phụ huynh mà lại đi đổ lỗi cho phụ huynh học sinh. Thực sự đây là điều hết sức vô lý. Rõ ràng có sự mập mờ trong thu chi nên phụ huynh học sinh đã yêu cầu nhà trường trả lời, thế nhưng bà Bình đã coi như không biết gì".

Điều mà các phụ huynh ở xã Hợp Tiến muốn cơ quan có thẩm quyền phải làm rõ tại sao trong văn bản vận động cha mẹ học sinh, giáo viên lại có thể giả mạo chữ ký của đại diện cha mẹ học sinh với mục đích và động cơ gì? Đồng thời, đã nói là phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng lại quy định số tiền cụ thể cho phụ huynh đóng? Tất cả phải đóng với số tiền là như nhau, như vậy là ép buộc chứ không còn là tự nguyện được nữa.

Giả chữ ký cha mẹ học sinh

Về vấn đề này, bà Trần Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hợp Tiến giải thích là do ngân sách cấp cho trường đầu năm 2016 khó khăn. Chính vì thế nhà trường phải thỏa thận với phụ huynh để đóng góp. Hiện tại tiền thu của năm học này đã trả lại cho phụ huynh, lẽ ra tiền xã hội hóa không phải trả. Bà Bình khẳng định, trước khi thu tiền đã có tờ trình kế hoạch thông qua cha mẹ học sinh. Tuy nhiên khi phóng viên yêu cầu được xem tờ trình kế hoạch đó thì bà Bình nói đã đưa lên cấp trên và không cung cấp.

Còn về việc giáo viên đã giả chữ ký đại diện cha mẹ học sinh trong văn bản vận động đóng tiền "tự nguyện", bà Bình giải thích rằng đó là do giáo viên chưa nhận thức đầy đủ. "Có khoảng 6 trường hợp ký thay phụ huynh. Tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt vì phụ huynh nói là không biết chữ nên đã xảy ra như thế. Mức độ xử lý đối với giáo viên ký giả chữ ký chỉ là cảnh cáo và rút kinh nghiệm thôi. Các giáo viên chỉ "ký thay" phụ huynh ở bên cạnh chứ không phải giả chữ ký" - bà Bình cho hay. 

Khi chúng tôi muốn biết đích danh những giáo viên mà theo bà Bình đã "ký thay" thì bà nói không nhớ ai. Điều hết sức vô lý khi bà Bình giải thích rằng, các phụ huynh không biết chữ nên đã ký thay.

Các bậc phụ huynh rất bức xúc vì có quá nhiều sai phạm ở trường mầm non Hợp Tiến.

Chị N.T.H - Chi hội trưởng một hội phụ huynh bức xúc: "Đáng lẽ ra là phải họp toàn dân, với đại diện của cha mẹ học sinh, nhưng họ chẳng họp để thống nhất với chúng tôi và cũng không có chữ ký. Để có chữ ký trong lần vận động đó, họ đã lấy bằng chữ ký giả để làm bằng chứng. Sau đó, lật lọng lại bà con là chúng tôi đã thống nhất rồi. Từ đầu năm 2017 chúng tôi chưa được ký bất cứ gì, ngoại trừ ký việc đăng ký cho con đi học. Ngay từ đầu nhà trường đã đưa xã hội hóa ra và bắt buộc đóng 200 nghìn mỗi cháu để làm chỗ trú mưa và đưa cơm. Nhà trường cho rằng, nếu đóng không đồng đều thì dân sẽ phản ứng người đóng ít, người đóng nhiều. Đã gọi là tự nguyện mà bắt đóng 200 nghìn, lúc đầu là 300 nghìn nhưng vì bị phản đối mạnh quá".

Bản thân chị H là một trong những phụ huynh bị giả chữ ký, chị chỉ biết việc này khi có đơn kiện về những khuất tất xảy ra tại trường. Khi chị H phản ứng lên Ban Giám hiệu thì bà Hiệu trưởng giải thích là do sai sót của giáo viên chủ nhiệm. Do có một số đại diện phụ huynh không đi họp nhà trường, thiếu chữ ký nên nhờ giáo viên chủ nhiệm lấy giúp chữ ký. 

"Tôi không nghĩ nhà trường lại cho rằng chữ ký là của cha mẹ học sinh thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm chung cùng nhà trường. Đối với đại diện cha mẹ học sinh là rất khó xử vì đưa chữ ký này thì cha mẹ học sinh đều nghĩ chúng tôi cái gì cũng đã thống nhất với nhà trường rồi, tất cả sẽ không còn tin chúng tôi nữa. Chúng tôi chưa đồng ý nhưng họ đã lấy chữ ký giả thì hóa ra chúng tôi cũng đồng tình hết. Theo tôi, chữ ký là đại diện cho bản thân tôi và tính mạng tôi. Chữ ký giả làm mất danh dự, mất hết sự tin tưởng của nhà trường. Nhà trường không tôn trọng chúng tôi, nhà trường dựng Hội trưởng Hội CMHS chỉ là hình thức thôi, còn nhà trường muốn làm gì thì làm. Những khoản thu chúng tôi cũng không được thông qua".

Chị Nguyễn Thị Lập - Hội trưởng hội cha mẹ học sinh cho biết thêm, trong danh sách cha mẹ học sinh đồng ý "tự nguyện" đóng góp thì chị không hề ký hay viết gì. Khi chị Lập thắc mắc không được ký nhưng nhà trường lại đổ cho cha mẹ học sinh thì bà Hiệu trưởng đã xin lỗi. Khi chúng tôi hỏi về việc "ký thay" phụ huynh trong danh sách vận động đóng tiền tự nguyện dành cho đại diện cha mẹ học sinh ký, bà Trần Thị Bình cho rằng, đó là việc bình thường. 

Đó chỉ là sự vô tình, vô tư quá nên giáo viên "ký thay" cha mẹ học sinh. Có thể giáo viên lười đi xin chữ ký nên đã ký thay. Một sự việc nữa cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc, đó là cơ sở vật chất của nhà trường đã được Nhà nước đầu tư, thế nhưng nhà trường vẫn yêu cầu học sinh mang theo bát đũa, chăn gối đến trường để sinh hoạt. 

"Có tình trạng như trên, nguyên nhân là do nhà trường còn khó khăn thiếu thốn nên các cháu mang đi để cho tiện sinh hoạt. Ở đây có một số phụ huynh người ta phản đối. Đến cả quà cho giáo viên còn đòi lại. Họ mua khăn mặt, ấm chén, bánh kẹo tặng ngày 20-11, ngày tết cho các cô trong trường" - bà Bình cho biết.

* Ông Đặng Văn Viện - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh Phòng đã chỉ đạo trường trả lại tiền cho phụ huynh học sinh, đồng thời Phòng cũng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với những người có liên quan. Khi tiến hành kiểm tra nhà trường đã nhận thấy những cái sai trong việc thu tiền nói trên". Lý giải cho việc thu sai của nhà trường, ông Viện cho rằng do nhà trường khó khăn nên đã "thỏa thuận" với phụ huynh thống nhất thu các khoản trên.

Theo ông Viện, sở dĩ nhà trường thu sai là từ năm 2010 đến 2016 nhà nước cấp kinh phí trung hạn thấp nên không đủ chi phí, chủ yếu chi cho lương. Còn từ năm 2017, kinh phí mới được tăng lên nên các trường có chia sẻ với phụ huynh học sinh "tự nguyện" đóng để thuê thêm bảo vệ, mua giấy vệ sinh…

Khi được hỏi quan điểm của mình trong vấn đề có các văn bản vận động CMHS đóng các khoản "tự nguyện" xuất hiện các chữ ký của giáo viên "ký thay" đại diện CMHS, ông Viện giải thích: "Thực tế, theo quy trình thu thì nhà trường phải báo cáo xã và trình với Phòng thu những cái gì, chi cái gì. Nhưng ở đây trường vận động tuyên truyền không đúng. Giao cho các cô thì có người ký, có người không ký, có trường hợp phụ huynh không có mặt nên để hoàn thành nhiệm vụ của mình, các cô đã "ký hộ", ký giả. Tôi đã truy vấn Hiệu trưởng và giáo viên đã thừa nhận, chính vì vậy nên nhà trường đã phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh. Tôi chỉ đạo đã sai là phải sửa, những khoản thu sai không đúng quy định phải trả lại cho phụ huynh".

Tuy nhiên, khi nói đến việc thu, chi các khoản trong những năm trước đó thì vị Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho rằng các khoản đã chi hết rồi, nhưng phụ huynh vẫn yêu cầu trả lại tiền thì hết sức buồn cười: "Đương nhiên bảng thu chi các năm trước là có thể có, có thể không do từ lâu rồi không còn nữa". Bên cạnh đó, khi được hỏi đến trách nhiệm và việc xử lý liên quan đến những sai phạm của cá nhân, tập thể Trường Mầm non Hợp Tiến, ông Viện nói: "Các bạn thông cảm, người ta cũng sắp nghỉ hưu rồi".


Song Anh
.
.
.