Bi hài hàng trăm hộ dân "khát nước" ở khu đô thị cao cấp

Thứ Ba, 17/05/2016, 16:14
Ấn tượng đầu tiên chúng tôi đến khu đô thị cao cấp này không phải là những ngôi biệt thự với những thiết kế hiện đại, mà là dòng chữ rất lớn được vẽ ngay đường vào "Dân Ao Sào cần nước". Điều đó đủ thấy hàng trăm hộ dân ở đây khát nước đến mức nào. Biết chúng tôi là phóng viên tìm hiểu về tình trạng không có nước sinh hoạt, bà con ở đây cũng chẳng mấy tha thiết...


Bỏ ra số tiền lên tới vài tỉ đồng để mua căn hộ cao cấp ở khu đô thị Ao Sào (thuộc địa bàn xã Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng suốt 2 năm qua hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh ba không: Không nước, không đường, không sổ đỏ. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước với giá cắt cổ, 50 nghìn đồng/m3 hoặc phải đào nước giếng khoan "chui". Vì sự thiếu thốn ấy mà kéo theo bao chuyện phiền toái, cười ra nước mắt của những người mang tiếng sống ở nơi văn minh. Biết bao đơn kêu cứu gửi tới Ban quản lý khu đô thị, nhà đầu tư và nhiều cơ quan chức năng nhưng mọi chuyện đến nay vẫn dậm chân tại chỗ…

Khổ như sống trên ốc đảo

Ấn tượng đầu tiên chúng tôi đến khu đô thị cao cấp này không phải là những ngôi biệt thự với những thiết kế hiện đại, mà là dòng chữ rất lớn được vẽ ngay đường vào "Dân Ao Sào cần nước". Điều đó đủ thấy hàng trăm hộ dân ở đây khát nước đến mức nào. Biết chúng tôi là phóng viên tìm hiểu về tình trạng không có nước sinh hoạt, bà con ở đây cũng chẳng mấy tha thiết.

Ít ai nghĩ những ngôi nhà đẹp thế này vẫn chưa có nước sinh hoạt trong 2 năm nay.

Họ bảo, bao nhiêu phóng viên báo chí, truyền hình về rồi đưa tin khắp cũng không giải quyết được gì. Khi được phỏng vấn, đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định chỉ trong 2 tháng là có nước nhưng rốt cục dân vẫn "khát". Đơn thư của bà con gửi khắp nơi, từ chủ đầu tư, Ban Quản lý cho đến chính quyền các cấp cũng chỉ nhận được sự im lặng. Chưa khi nào bà con ở khu đô thị này cảm thấy chán nản, tuyệt vọng đến vậy.

Tên đầy đủ của khu đô thị này là: Khu đô thị chức năng Ao Sào - Lexington Etaste. Nhưng để đến được khu này chúng tôi phải hỏi thăm rất nhiều người, đi lòng vòng cả tiếng đồng hồ. Có hai đường để đi vào khu đô thị Ao Sào, một là đi xuyên qua làng, đi nhờ người dân, hai là đi qua một công trình đang thi công. Còn bản thân khu đô thị mĩ miều này vẫn chưa có đường riêng của mình, dù không xa so với đường quốc lộ.

Ông Vũ Văn Cơ (65 tuổi) là người đầu tiên về khu đô thị này ở, cũng là người "hưởng" những thiếu thốn ở đây lâu nhất. Ông Cơ xua tay đầy ngao ngán: "Cao cấp cái nỗi gì hả cô chú? Sống chẳng khác nào ốc đảo. Đường vào thì mù mịt, lại phải đi nhờ. Nếu họ bịt đường thì chúng tôi phải bay về nhà. Điện thì đường chúng tôi kêu mãi mới cho. Khổ nhất là nước, hàng trăm hộ dân, khoảng 4 trăm nhân khẩu ở đây 2 năm nay không có lấy một giọt nước từ hệ thống ống nước của tòa nhà. Cơ man nào là khổ".

Trước khi quyết định mua ngôi biệt thự tiền tỷ ở đây ai cũng đã nghiên cứu trước những điều kiện sinh hoạt, như: chất lượng công trình tốt, dân trí cao, cùng nhiều hạng mục phụ trợ trường học, cây xanh, bãi đỗ xe tập trung, vườn hoa, nhà văn hóa… Thế nhưng khi giao nhận nhà, sau 1 thời gian sinh hoạt nhiều người mới thấy hối hận vì đó là lựa chọn sai lầm.

Ông Cơ khoe với chúng tôi chiếc giếng khoan, thứ được gọi là cứu cánh cho một số hộ sống tại đây.

Những ngày đầu đến ở vì không có nước sinh hoạt, hai vợ chồng ông Cơ phải dùng xe đạp, buộc 4 thùng nhựa lên Ban Quản lý (BQL) xin nước chở về nhà để nấu nướng. Ông kể: "Vợ chồng tôi đã nghỉ hưu những tưởng về đây được sống an nhàn, vậy mà vất vả quá. Lên BQL xin nước được vài thùng để ăn uống, còn tắm giặt thì phải lên đó nhờ. Lúc đầu thì dễ dàng sau này nhiều người đến xin họ cũng không cho luôn".

Không xin được nước, các hộ phải tự cứu mình bằng cách mua lại nước của người dân xung quanh. Để mua được nước mỗi hộ phải bỏ tiền mua hàng trăm mét ống, bình inox trữ nước, sau đó đến nói khó để người dân bán lại nước. Tuy nhiên giá của mỗi khối nước lên tới 50 nghìn đồng. Nhận thấy không thể sống mãi với cảnh ăn đong, người dân gửi đơn kêu cứu lên BQL, chủ đầu tư thậm chí tổ chức người lên tận công ty để phản ánh.

"Sau khi nhận nhà, nhân viên BQL còn xuống yêu cầu chúng tôi nộp 7,2 triệu đồng/căn để được cấp điện nước. Mọi thứ chúng tôi đều làm theo, vài triệu đồng chúng tôi có tiếc gì đâu miễn là giải quyết được nước, thế mà suốt 2 năm nay đã có đâu" ông Cơ bức xúc nói. Theo các hộ dân, số tiền 7,2 triệu đồng thực chất là "phí bôi trơn", trong các giấy thu tiền, nhân viên BQL đều chỉ ghi là "đã hoàn thành nghĩa vụ" về tài chính cung cấp điện nước. 

Cùng chung bức xúc, anh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: "Nhìn vào thì tưởng chúng tôi ở một ngôi nhà hoành tráng, thực chất khổ hơn là ốc đảo. Nhà tôi có con nhỏ nên lại càng bất tiện, càng khổ sở. Hơn nữa tôi có mua rất nhiều cây cảnh đẹp, đắt tiền chính vì thế không thể không tưới được. Người không tắm nhưng cây cảnh 1 ngày không thể không tưới".

Để duy trì cuộc sống tại khu đô thị cao cấp này, mỗi tháng anh Hậu phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 triệu đồng để mua nước từ người dân xung quanh. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền là có thể mua được nước. Việc mất nước, thiếu nước của các hộ dân xung quanh cũng thường xuyên diễn ra. Các hộ dân bán nước phải túc trực, bơm nước vào bể chứa nhà mình, người mua sẽ dùng vòi, máy bơm, điện của mình hút từ bể chứa đó.

Bình chứa nước như thế này hầu hết nhà nào cũng có.

"Mua được nước cũng là cả một vấn đề không đơn giản. Nhiều khi không mua được nước cũng chẳng dám mời bạn bè đến chơi. Mấy hôm trước con gái tôi có xin phép mời bạn bè đến nhà chơi, ăn uống nhẹ. Tôi đành phải xin lỗi con vì nhà đang thiếu nước, các con đến sẽ rất khổ và bất tiện. Đành phải động viên cháu là khi nào người ta làm hệ thống nước tha hồ mà mời bạn bè về. Cả nhà tôi tắm giặt đều phải đi ra nhà ông bà nội cách đây 1 cây số. Nếu mà mua nước tắm giặt tại nhà thì tiền nào cho lại".

Bỏ một đống tiền khoan giếng chui

Phần vì xót tiền mua nước, phần vì nước của người dân xung quanh cũng thường xuyên mất. Các hộ dân đã "làm liều" tự khoan giếng lấy nước. Bà Phạm Thị Lưu (số nhà 33 TT 5.2) nói: "Nước thì chủ đầu tư không cấp, khoan giếng cũng không cho. Họ bảo khoan giếng sẽ phá vỡ kết cấu chung của khu đô thị". Gia đình bà Lưu nhiều lần định khoan giếng thì bị BQL cho người xuống tịch thu thiết bị.

Sau nhiều lần đấu tranh, gia đình bà Lưu mới có thể khoan giếng, nhưng phải thực hiện vào ban đêm. Để đầu tư 1 chiếc giếng khoan chi phí không phải nhỏ. Công khoan giếng, máy bơm, hệ thống lọc tất cả chi phí lên tới khoảng 50 triệu đồng.

Ông Lê Văn Đoàn không giữ được bình tĩnh: "Trước khi mua nhà ở đây, chúng tôi nghiên cứu kỹ hợp đồng rồi. Thấy điều kiện rất tốt nên mới bỏ tiền tỷ ra mua, ai ngờ nó thế này. Khoan giếng là việc không hề đơn giản. Có nước để dùng nhưng sợ nước không đảm bảo, xung quanh đây toàn ao tù, nghĩa địa, bãi rác nên chúng tôi sợ, dùng cũng e dè. Vừa rồi có lấy mẫu nước đi thử thì thấy chỉ số Asen và Amoni ở ngưỡng cao. Không đảm bảo cũng phải dùng, chứ kêu nhiều lắm rồi người ta có cho nước đâu. Đơn thư của bà con gửi đi khắp nơi cũng đều không nhận được phản hồi".

Rất nhiều đơn thư của bà con khu đô thị Ao Sào gửi đi nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Đưa chúng tôi ra góc sân, nơi ông Cơ và một số hộ dân chung nhau khoan giếng, ông Cơ kể lại: "Họ cũng nể tôi lắm mới cho khoan giếng này đấy. Tôi còn nhớ cái hôm khoan giếng xong, bà nhà tôi sung sướng kêu lên: Hôm nay tôi phải tắm một trận cho thỏa thích. Đấy! Như sống ở hoang mạc cô chú ạ".

Người dân sống ở khu đô thị "cao cấp" này không chỉ "khát nước" mà ngày ngày họ đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, giữa trung tâm đô thị cỏ dại mọc um tùm khắp nơi, bãi rác cách nhà dân không xa, bao quanh là nước ao tu bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Văn Hậu bức xúc: "Chúng tôi thường xuyên phải chịu mùi hôi thối từ bãi rác, rác tập trung ngay bên hông nhà, cả tuần không được dọn dẹp đi. Mọi người xung quanh ai chẳng biết tiếng "muỗi Ao Sào". Chúng tôi phun thuốc chỉ 2 - 3 ngày sau lại bu đen. Khoảng tháng 10/2015 có dịch sốt xuất huyết, vợ chồng con cái tôi bị hết".

Ngoài những bức xúc về thiếu nước, ô nhiễm môi trường, rất nhiều hộ dân còn cho rằng công trình ở đây có vấn đề về chất lượng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngôi nhà chưa có người ở đã có hiện tượng nứt trần và tường bao. Một số hộ vừa chuyển đến khoảng 2-3 tháng trần nhà đã bị thấm nước. Theo cam kết trong hợp đồng, sau khi nhận nhà được 3 tháng, mọi người sẽ nhận được sổ đỏ. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua kể từ ngày nhận nhà, chưa một hộ gia đình nào trong khu đô thị này có được tấm sổ đỏ.

Chia tay chúng tôi, ông Cơ nói với giọng buồn rười rượi: "Mùa hè đến rồi, nắng nóng thế này mà không có nước thì dân tôi sống làm sao? Tôi chỉ mong cơ quan chức năng, các bên liên quan sớm vào cuộc giải quyết cho dân chúng tôi đỡ khổ".

Phong Anh
.
.
.