Bi hài muôn kiểu làm thêm của sinh viên

Thứ Năm, 15/06/2017, 21:19
Sinh viên làm thêm đã trở thành chuyện phổ biến hiện nay ở nước ta. Nếu như trước kia, những công việc làm thêm tập trung các lĩnh vực: phát tờ rơi, gia sư, phụ nhà hàng… thì nay, các em có thể chọn cho mình những nghề khác đa dạng, mới mẻ. Tuy nhiên, dù là nghề nào đi chăng nữa thì vẫn luôn có những bất trắc khó lường bủa vây trong muôn nẻo mưu sinh...


Từ nghề "mục đồng"

Con trâu tưởng chỉ có ở làng quê thanh bình yên ả, nhưng tại TP Hồ Chí Minh, không khó để chúng ta bắt gặp từng đàn nhẩn nha gặm cỏ nép thân dưới những tòa nhà cao vút. Phát hiện ra "đặc sản" quê hương, Nguyễn Văn Toản (Trường Cao đẳng Cao Thắng) đã chọn cho mình một nghề mang đậm chất "hương đồng gió nội": đi chăn trâu thuê. Toản bảo rằng, quê mình ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).

Con trâu gắn bó và trở thành người bạn thân thương của Toản từ thời tóc còn để chỏm. Toản gãi đầu, cười tủm tỉm: "Em đi chăn trâu từ lớp 1 đến lớp 12 thì "giải nghệ" ở quê. Ngày mới vào thành phố, em bỡ ngỡ, lạc lõng vô cùng. Đi ra đường toàn thấy xe, về phòng trọ thì bốn bức tường lạnh căm. Em nhớ nhà, nhớ chú trâu quay quắt. Một buổi chiều, em đi lang thang "khám phá văn minh", bất chợt nhìn thấy đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ ở quận 2, khu vực gần hầm Thủ Thiêm. Em sướng quá, muốn nhảy cẫng lên". 

Thế là, cứ cuối tuần rảnh rỗi, Toản lại bắt xe bus đi ngắm trâu. Toản huyên thuyên nói chuyện với người chăn trâu và ngỏ ý muốn được tham gia công việc này. Người chủ nhìn chàng sinh viên mặt "búng ra sữa" với vẻ đầy ngạc nhiên và hoài nghi.

Để trấn an, Toản nói: "Em là sinh viên, một phần muốn kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống xa gia đình. Phần nữa là em rất thích trâu. Em muốn làm mục đồng cho thỏa nỗi nhớ đồng quê". Nghe tâm sự đầy u hoài của Toản, người chủ trâu đồng ý để anh thử việc trong vòng một tuần, nếu làm tốt thì trả lương. 

Sinh viên theo nghề chăn trâu thuê có lẽ chỉ một mình Toản.

Toản hào hứng nhận việc ngay. Buổi lên lớp, buổi còn lại Toản lùa đàn trâu trên 50 con ra bãi cỏ rộng thênh thang của những khu dự án bỏ hoang.

Một tuần thử việc, Toản hơi luống cuống vì chưa thuộc địa bàn, địa hình. Nhiều con trâu "say" cỏ lạc vào khu dân cư, Toản phải chạy vòng vo đi lùa về. Có những con lang thang ra đường lộ, gặp tiếng nẹt bô, bóp còi hoảng quá chạy tứ tán, Toản lại đi "dụ dỗ" trở về vị trí an toàn.

Kết thúc thời gian thử việc, chân Toản rã rời vì phải chạy nhiều nhưng niềm vui sướng với "mùi trâu" khiến cậu quên hết mệt nhọc. Người chủ quyết định nhận Toản vào làm, với mức thù lao 100 ngàn đồng/buổi. Hôm nào nghỉ học hoặc các ngày cuối tuần, Toản sẽ nhận làm cả ngày thì được 200 ngàn, bao cơm. 

Bạn bè biết chuyện Toản đi chăn trâu thuê, có đứa bĩu môi: "Ở thành phố mà chọn nghề đó à? Đúng là lão nông quê mùa!". Số còn lại đa phần đều chia sẻ thông cảm với chàng sinh viên ngành chế tạo máy. Tính đến thời điểm này, Toản đã lăn lộn với nghề chăn trâu thuê được hơn một năm và hoàn toàn tự chủ về tiền bạc.

Mấy tháng đầu, Toản nói dối bố mẹ là kiếm việc làm thêm ở một nhà hàng tiệc cưới, cho bố mẹ đỡ xấu hổ. Sau có đứa bạn cùng học về quê chơi, gặp bố mẹ Toản đã vô tình tiết lộ thông tin "động trời". Bố Toản không nói gì, còn mẹ giãy nảy lên, đòi vào lôi cổ thằng con về không cho học hành nữa.

Toản giải thích với mẹ: "Đây chỉ là công việc làm thêm thôi, con vẫn hoàn thành tốt chương trình học. Nhiều bạn của con còn đi rửa chén, đi bưng bê, làm "ô sin"… Vậy thì có khác gì con. Ở thành phố mà tìm được việc đi chăn trâu là may mắn lắm. Con yêu công việc này". Nghe con rút gan rút ruột trình bày, mẹ Toản dần nguôi ngoai và ủng hộ.

Toản vui vẻ cho biết: "Khi đã quen với công việc rồi, thì rất khỏe. Thời gian ngồi canh trâu, em có thể học bài và đọc được rất nhiều trang sách hay. Khi nào lười thì ngả mình xuống đám cỏ, ngắm cánh diều no gió bay trên bầu trời".

Đến nghề đọc sách, nhổ tóc bạc...

Khác với việc "đồng quê" của chàng sinh viên Nguyễn Văn Toản, Lê Thị Lan Thương (Trường Đại học Sài Gòn) lại chọn cho mình công việc vô cùng êm ái và… trí thức: nghề đọc sách thuê. Thương học ngành thư viện nên phải đọc rất nhiều sách và cơ hội tiếp xúc với sách thường xuyên.

Năm đầu tiên, Thương quay cuồng đi phát tờ rơi, phụ nhà hàng, gia sư… Tất cả những công việc như thế chỉ giúp cô đủ tiền xăng xe và ăn sáng, còn lại vẫn chật vật.

Những ngày rảnh rỗi, Thương thường mang sách ra công viên ngồi đọc. Có cụ bà đi tập thể dục tâm sự với Thương là mình rất thích sách, nhưng mấy năm nay mắt kém nên không đọc được. Cụ ngỏ ý muốn nhờ Thương giúp. Ban đầu Thương bỡ ngỡ, vì chưa làm việc này với ai bao giờ nhưng thấy cụ rất dễ mến nên cô nhận lời. Đọc vài lần, cụ bà mê tít, nhiều khi quên ăn luôn. Xong một buổi, cụ gửi Thương 50 ngàn tiền thù lao. 

Nghề đọc sách thuê thịnh hành, nhiều sinh viên sống tốt bằng nghề.

Cụ ông thấy vậy cũng "đòi" nghe đọc sách. Vậy là Thương có hai mối cùng lúc. Được cái, hai cụ đều có chung sở thích một thể loại là tiểu thuyết. Họ không yêu cầu cô phải làm việc theo giờ cố định, mà khi nào rảnh thì tới, lúc nào họ cũng có nhu cầu nghe.

Đọc sách vừa có kiến thức, vừa kiếm được tiền lại được họ cho ăn uống nên cuộc sống, học tập của Thương ở thành phố đã ổn định. Thấy bạn làm nghề đọc sách có hiệu quả, nhiều sinh viên cũng tập tành đi làm. Nhu cầu thuê người đọc sách ở thành phố rất cao nên các bạn sinh viên có thể sống khỏe bằng nghề. 

Tuy nhiên, nghề nào cũng có mặt trái của nó. Thương kể, bạn của cô nhận được khách hàng là cụ ông khoảng 65 tuổi sống một mình. Đọc được một tuần không có vấn đề gì, sang tuần thứ hai, ông già giở chứng không muốn nghe sách chiến tranh nữa.

Ông đưa cho cô sinh viên một cuốn sách "người lớn" yêu cầu đọc. Bị từ chối, ông ta chửi bới thậm tệ, đòi đánh cô bạn của Thương. Một người bạn khác thì ngay hôm đầu tiên đã bị khách hàng giở trò sàm sỡ. Thương tâm sự: "Làm nghề này gặp được người đàng hoàng tử tế thì chúng em sống cũng ổn. Chứ gặp mấy ông già khó tính, lại giở trò nọ kia thì ê chề lắm". 

Hiện nay, dịch vụ đọc sách thuê ở TP Hồ Chí Minh đã rất phổ biến. Ngoài người già nhàn rỗi có nhu cầu giải trí còn bộ phận trẻ em cũng được cha mẹ thuê người về đọc sách nâng cao kỹ năng sống và bổ sung kiến thức ngoài sách giáo khoa.

Ngoài đọc sách thuê, còn xuất hiện cả nghề nhổ tóc bạc. Nguyễn Thị Thu Nga (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh) là một trong nhiều sinh viên kiếm sống bằng nghề nhổ tóc bạc. Nga lúc đầu cũng đi đọc sách. Bà chủ yêu quý thường nhờ nhổ tóc bạc rồi dần dần được bà trả tiền công. Sau này khách yêu cầu, cứ hai tiếng đọc sách thì bỏ thêm một tiếng nhổ tóc bạc nữa.

Nga bộc bạch: "Nhổ tóc bạc yêu cầu phải tỉ mỉ, kiên trì. Chỉ cần đoảng một chút là gắp nhầm vào tóc đen sẽ khiến chủ đau giật mình, không vui. Hai tiếng đọc sách đã ê hết người, mỏi hết mắt, thêm một tiếng căng mắt ra nhổ tóc nữa khiến em căng thẳng và mệt mỏi.

Khổ nỗi bà chủ có chứng khó ngủ, từ ngày nhổ tóc bạc thì ngủ ngon, ngủ say nên không chịu bỏ. Nhiều khi em mệt muốn nghỉ một hôm nhưng sợ bà gọi người khác đến làm thì mất mối". 

Nhóm của Nga hiện có gần 10 "chuyên viên" hành nghề nhổ tóc bạc. Thù lao mỗi giờ được 50 ngàn đồng. Nhóm chủ yếu đến tận nhà phục vụ khách hàng.

Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao, nhiều nơi mở hẳn hội quán nhổ tóc bạc.

Nga chia sẻ: "Các bạn sợ nhất là nhổ tóc cho đàn ông, vì nhiều chuyện xấu phát sinh không mong muốn. Tất nhiên không phải ông nào cũng khó tính hoặc có "máu dê", nhưng chẳng biết đâu mà lần".

Thái Trang (Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đã gặp phải "tai nạn" khủng khiếp trong quá trình làm nghề. Khách hàng của cô là một người đàn ông khuyết tật, trạc 50 tuổi.

Ai cũng nghĩ, phục vụ hành khách này thì yên tâm. Thái Trang mang tâm trạng thật thoải mái, tự tin đi nhổ tóc bạc. Mấy ngày đầu mọi chuyện diễn ra bình thường, hết giờ ông trả tiền công rất sòng phẳng. Đã thế, trong lúc nhổ, ông còn kể nhiều câu chuyện tiếu lâm cho cô bé để đỡ buồn ngủ. 

Những ngày sau, ông bắt đầu nhờ Trang giúp vá cái áo, gội cái đầu. Vì nghĩ một người tàn tật sẽ rất khó làm mấy việc đó nên Trang nhiệt tình giúp đỡ. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của cô bé, ông ta đóng sầm cửa nhà tắm, giở trò đồi bại. Trang la hét, vẫy vùng mong thoát thân. Giữa lúc ấy có người gõ cửa đưa giấy báo tiền điện, Trang càng la hét thật to, ông ta hoảng quá buông tay, Trang thừa cơ chạy thoát. 

Từ ngày thoát khỏi bàn tay người đàn ông này, phải mất vài tháng sau Thái Trang mới hoàn hồn trở lại nhưng không dám đi nhổ tóc bạc nữa. Sau "tai nạn" đó, nhóm của Nga cũng đề ra tiêu chí, chỉ nhổ tóc phụ nữ, không nhận đàn ông. 

Nga tâm sự: "Chúng em là sinh viên, rất cần tiền cho chi phí học tập, sinh sống trong một thành phố đắt đỏ. Nhiều người dựa vào điều đó để lợi dụng, giở trò xấu xa. Đây là nỗi lo sợ thường trực đối với chúng em khi ra ngoài kiếm việc làm thêm".

Ngọc Thiện
.
.
.