Từ vụ nam sinh tự tử vì áp lực điểm số:

Bi kịch chỉ hết khi cha mẹ biết hài lòng về con

Thứ Ba, 24/04/2018, 15:17
Thay đổi cách giáo dục con trẻ, để con thả lỏng nhiều hơn trong việc học tập sẽ giúp trẻ được sống vui hơn, thoải mái hơn. Bi kịch chỉ thực sự hết khi cha mẹ biết hài lòng về con cái, mà không chạy theo thành tích.


Sự việc đau lòng tại Trường Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về trách nhiệm đối với con cái mình.

Dồn áp lực lên đứa trẻ, yêu cầu đứa trẻ phải đạt được những thành tích cao như cha mẹ mong muốn mà không cần biết đến khả năng thực sự của con, sức chịu đựng của con là vô tình đẩy trẻ vào căng thẳng tâm lý nặng nề. Hậu quả của những câu chuyện này không thể không khiến người lớn phải suy ngẫm. 

Thay đổi cách giáo dục con trẻ, để con thả lỏng nhiều hơn trong việc học tập sẽ giúp trẻ được sống vui hơn, thoải mái hơn. Bi kịch chỉ thực sự hết khi cha mẹ biết hài lòng về con cái, mà không chạy theo thành tích.

Mỗi đứa trẻ một giới hạn chịu đựng khác nhau

Trường Nguyễn Khuyến là ngôi trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao hàng năm. Em học sinh vừa nhảy lầu tự tử có điểm trung bình các môn học 8.9, là một kết quả không hề đáng để thất vọng. Nhưng vì sao với thành tích như vậy, em vẫn sống trong áp lực căng thẳng về việc học hành, điểm số. 

Lá thư tuyệt vọng em để lại đã cho chúng ta thấy rõ, cha mẹ đã kỳ vọng vào em nhiều hơn thế, mong muốn em là một trong những người dẫn đầu lớp. Em tự thấy mình không thể đáp ứng được kỳ vọng đó của cha mẹ, và chạy trốn khỏi mong muốn đó của cha mẹ bằng cách tìm đến cái chết.

Nhiều năm nay, giáo dục của chúng ta đã chạy theo căn bệnh thành tích một cách quá nặng nề. Chúng ta lấy thành tích làm mục tiêu theo đuổi mà quên mất rằng, những đứa trẻ mới chính là trung tâm của giáo dục. Giáo dục là làm sao để con trẻ có thể lĩnh hội tri thức tốt nhất, hoàn thiện mình cả về kiến thức sách vở lẫn các kỹ năng sống. Giáo dục là giúp cho một đứa trẻ vui với những gì mình có, hài lòng về bản thân, yêu bản thân và có khát vọng được cống hiến, chinh phục những đỉnh cao bằng chính khả năng của mình. 

Ảnh minh họa

Bệnh thành tích là con “quái vật” tạo ra những ảo tưởng to lớn, nuốt chửng những đứa trẻ vốn còn non nớt, chưa thể chịu đựng được những áp lực ngày càng phình to đè nặng trên vai mình. Ở trường thầy cô kỳ vọng, rằng các em phải là những người xuất sắc nhất. Lớp học phải là lớp xuất sắc nhất và trường học phải là trường xuất sắc nhất. 

Ở những ngôi trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao như Trường Nguyễn Khuyến, kỷ luật vô cùng khắt khe, học sinh phải sống trong áp lực căng thẳng. Cuộc chạy đua về kết quả học tập của chính các em trong một lớp đã khiến cho nhiều em mệt mỏi. Áp lực ở trường chưa đủ, về nhà các phụ huynh còn tiếp tục dồn những đòi hỏi cao lên đầu các em. Đi học từ bao giờ đã trở thành cơn ác mộng, thay vì là niềm vui như mục tiêu đích thực ban đầu của giáo dục.

Mỗi đứa trẻ có một giới hạn chịu đựng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều này đã được khoa học chứng minh. Có những đứa trẻ với tố chất mạnh mẽ, thì khi phải sống trong áp lực chúng có thể lì đòn, vượt qua được thử thách, hay ít nhất chịu đựng được thử thách. 

Nhưng cũng có những đứa trẻ thể chất yếu đuối hơn, nhạy cảm hơn, chúng dễ bị xì-trét khi căng thẳng, không dễ bộc lộ, chia sẻ với mọi người xung quanh. 

Và đỉnh điểm của trầm cảm là có những biểu hiện không bình thường về tâm lý, khóc cười thất thường, sau đó là cảm giác tuyệt vọng, muốn chạy trốn, muốn thoát khỏi căng thẳng như tự hủy hoại mình, tìm đến cái chết.

Vấn đề ở đây là thầy cô giáo, đặc biệt các bậc phụ huynh phải hiểu được con mình, hiểu được giới hạn chịu đựng của trẻ. Ước mong con học hành giỏi giang, điểm số cao, thi đỗ vào các trường danh tiếng là hoàn toàn chính đáng của cha mẹ. 

Có lẽ không một bậc phụ huynh nào trong sâu thẳm không muốn con mình xuất sắc. Nhưng sự xuất sắc đó không phụ thuộc vào mong muốn của phụ huynh, nó còn là khả năng của con. Mà nói về khả năng, thì mỗi con người có một khả năng khác nhau. Ai cũng là thiên tài, là xuất chúng, là số 1, điều đó chỉ có ở trong mơ. 

Hiểu con trẻ để biết rằng sức lực của con đến đâu là vừa đủ, không tạo ra những kỳ vọng cao lớn, viển vông mà con không thể với tới, vô tình đẩy con vào hố sâu của áp lực, tuyệt vọng, như trường hợp đáng tiếc vừa rồi liên quan đến nam học sinh Trường Nguyễn Khuyến. Cha mẹ đánh giá đúng khả năng của con thì sẽ biết hài lòng về con, khi con đạt được một thành tích, một giới hạn nào đó, miễn là con đã cố gắng hết sức là được.

Giáo dục kỹ năng sống và tâm lý lứa tuổi cần được chú trọng

Nếu đi học chỉ quan trọng nhất là điểm số thì học sinh sẽ chỉ biết học và học. Các em sẽ chúi đầu vào sách vở mà không cần đến các kỹ năng khác, vốn rất cần cho sự phát triển thể chất, tư duy lành mạnh, và cần đến suốt đời cho một con người. 

Ở ta, áp lực thi cử nặng nề đến mức cả cha mẹ lẫn con cái cứ nghĩ đến thi cử là phát run, nhưng việc cung cấp những kỹ năng mềm, những kiến thức cơ bản phục vụ cuộc sống cho các em lại thiếu trầm trọng. 

Trong một đời sống công nghệ phát triển như hiện nay, một đứa trẻ khi tiếp xúc với các nguồn thông tin khác nhau, chúng không có kỹ năng để xử lý các thông tin đó ra sao. Vì thế cho nên, chỉ cần gặp một chút vướng mắc, khó khăn, không hài lòng là chúng rất dễ rơi vào trầm cảm, gục ngã, đầu hàng, chạy trốn. 

Một em học trò viết thư tuyệt mệnh để lại rồi tìm đến cái chết, nói chính xác là cú tát mạnh vào nền giáo dục của chúng ta. Câu chuyện đau lòng này nhắc rằng, chúng ta đã nợ con trẻ những bài học giáo dục kỹ năng sống, cách mà các em có thể sử dụng để vượt qua những khó khăn mà cuộc sống luôn bắt ta phải đối mặt.

Đã đến lúc toàn ngành giáo dục và đặc biệt là các bậc làm cha mẹ cần phải thay đổi nhận thức về sự giỏi giang cũng như thành công của một đứa trẻ. Rằng sự thành công của trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số mà quan trọng nhất là phụ thuộc vào kiến thức mà đứa trẻ đang có. 

Sự thành công sẽ đến với một người khi họ có các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, lựa chọn các mục tiêu dựa trên trí tuệ của mình. Khi trẻ được giáo dục rằng điểm số không phải là toàn bộ, thì trẻ sẽ không nô lệ kiến thức đến mức chỉ cắm cúi sách vở. Trẻ sẽ được phát triển toàn diện hơn, dựa vào những khả năng đích thực mang tính cá nhân mà không phải là một cỗ máy.

Ở các nước phát triển, vấn đề giáo dục tâm lý lứa tuổi được đặc biệt quan tâm. Các chương trình trải nghiệm liên quan đến tâm lý học trò chiếm một thời lượng không nhỏ trong toàn bộ thời gian học tập. Trẻ nhờ thế biết yêu quý bản thân mình, sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn, có lòng tự trọng và không dễ để người khác lái mình theo ý muốn của họ, kể cả người đó là thầy cô hay cha mẹ. 

Giáo dục ở ta cũng có quan tâm vấn đề kỹ năng và tâm lý lứa tuổi nhưng thực sự mà nói đó chỉ là sự quan tâm bề ngoài, thiếu thực chất và sâu sắc. Thầy cô giáo và cha mẹ học sinh vẫn chỉ chú ý đến kiến thức, điểm số mà quên mất rằng con em mình đang lớn lên ra sao, thay đổi thể chất thế nào, phát triển tâm lý có bình thường hay không. 

Trường học không có những bộ phận chuyên trách vấn đề tâm lý học sinh, để từ các thông tin của thầy cô, bạn bè, cha mẹ mà nhận biết được những học sinh nào đang chịu ảnh hưởng tâm lý ở mức độ cần được trợ giúp. 

Chúng ta đã im lặng, bỏ qua khi có những đứa trẻ đang kêu cứu trong âm thầm. Chúng ta đã không làm gì đủ tốt, đủ nhiệt tình, đủ sâu sắc để giúp các em, cho đến khi chứng kiến học sinh nào đó nhảy lầu tự tử, chỉ vì không đáp ứng được kỳ vọng của người lớn. 

Toàn xã hội, toàn ngành giáo dục và các bậc làm cha mẹ hãy hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn, để bảo vệ những đứa trẻ con em mình, thế hệ tương lai của đất nước.

Thành Duy
.
.
.