Bi kịch chuyện nhiều hộ dân muốn trả "sổ đỏ"?

Thứ Tư, 26/06/2013, 16:17

Mấy ngày gần đây, việc nhiều hộ dân tại một số quận huyện của TP. Hồ Chí Minh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là GCN), nhưng đã xin trả lại vì phải đóng tiền sử dụng đất quá cao -bỗng nhiên ôm cả "cục nợ", đã gây sự chú ý lớn của dư luận.

Nhiều hộ dân phải đến cơ quan thuế ghi nợ, thậm chí trưng bảng bán nhà để mong có tiền đóng thuế nhưng ngặt một nỗi khi đã bị ghi nợ thì việc bán nhà cũng bị ách tắc nhiều thứ, nếu không muốn nói là bất khả thi…

"Bỗng nhiên ôm cục nợ"!

Vừa đưa cho chúng tôi xem tập giấy tờ và nhất là lá đơn gửi Chủ tịch UBND phường 5, quận 8 (ngày 10/5/2013), chị Nguyễn Thị Út Mơ (nhà số 1007 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8) vừa giãi bày chuyện "bỗng nhiên ôm cục nợ" của gia đình mình.

"Nhà đất này (diện tích tổng cộng hơn 135m²) tôi mua lâu rồi, tính ra cũng đã hơn 20 năm nay, mà cũng chỉ mới có "giấy trắng" (GCN quyền SDĐ nông nghiệp), thời gian trước tôi chủ động đi làm GCN trước khi sửa chữa nhà vì dự định sang năm nhà tôi sẽ nâng nền, nâng mái lên cho khỏi ngập. Sau hơn một tháng nộp hồ sơ, tôi nhận được thông báo của Văn phòng đăng ký quyền SDĐ - Phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 gọi lên nhận GCN, nhưng điều tôi không ngờ tới là khoản tiền thuế SDĐ lên tới hơn 720 triệu đồng", chị Mơ ngán ngẩm cho biết.

Theo lời chị thì cán bộ thuế giải thích, do chị có 87,5m2 đất ngoài hạn mức (hạn mức đất ở tối thiểu đối với từng quận, huyện trên địa bàn thành phố quy định tại QĐ 64/2001). Theo Quyết định 28/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 (Quyết định về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền SDĐ ở đất với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh), đối với phần diện tích vượt hạn mức sử dụng không phải là đất ở, muốn chuyển sang làm đất ở tại quận 8, hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền SDĐ cao gấp bốn lần bảng giá đất do thành phố quy định.

"Nếu biết trước phải đóng số tiền thuế lớn như vậy thì tôi sẽ không đi làm GCN cho thêm đau đầu. Tôi xin rút lại giấy tờ cũ thì không được mà trả lại GCN mới cũng không được chấp nhận, hiện tôi đã tới cơ quan thuế ghi nợ vì lo lắng với điều khoản "trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không nộp tiền SDĐ thì mỗi ngày chậm nộp sẽ bị chịu phạt 0,05% trên tổng số tiền chậm nộp của cơ quan thuế. Tuy nhiên, tôi ký ghi nợ chỉ là một cách hoãn binh để khỏi bị phạt thôi chứ cũng chưa biết tính sao với khoản tiền lớn sẽ phải nộp đó.

Số tiền thuế phải đóng còn cao hơn khá nhiều so với gia đình chị Mơ là trường hợp của vợ chồng bà Tô Thị Sáu (ở số 138 Hưng Phú, phường 8, quận 8) với số tiền thuế lên tới hơn 1 tỷ đồng cho mảnh đất mà gia đình bà đã ở trên 30 năm nay.

Chị Mơ và tờ đơn gửi chủ tịch UBND phường 5.

Đóng không nổi, xin trả sổ cũng không xong, cuối cùng bà Sáu đành phải đến cơ quan thuế xin ghi nợ tiền SDĐ. Dù vậy vợ chồng bà Sáu vẫn chưa hết lo, bởi theo quy định, việc nộp tiền SDĐ được tính theo giá đất tại thời điểm nộp. Tức là nếu 5 năm sau (thời gian tối đa người nợ thuế được gia hạn) giá đất mặt tiền đường Hưng Phú tăng gấp đôi, thì số tiền bà phải nộp là hai tỷ chứ không phải một tỷ như hiện nay.

"Hiện tôi đã ghi nợ để lấy "sổ đỏ" về rồi, nhưng vẫn phải chờ xem Nhà nước có giảm bớt số tiền phải đóng hay không, chứ cứ như thế này thì gia đình tôi cũng chẳng biết phải làm sao, trong khi đó vợ chồng tôi đều đã quá lớn tuổi rồi. Dù đã trưng biển bán một căn nhà mong có người mua để có tiền trả thuế nhưng sao tôi vẫn thấy rất khó có hy vọng bán được", bà Sáu tỏ vẻ chán nản.

Đây chỉ là những ví dụ cụ thể trong rất nhiều trường hợp hộ dân "bỗng nhiên ôm cục nợ" xảy ra trên địa bàn nhiều quận huyện của TP. Hồ Chí Minh. Và điều đáng nói là khi được thông báo làm giấy tờ hợp thức hóa nhà đất, những hộ dân này không hề được thông báo trước về cách tính tiền SDĐ để ước lượng số tiền thuế phải đóng và đương nhiên, họ đã không chuẩn bị trước số tiền "khủng" phải nộp.

Trong khi đó, việc cấp GCN của những trường hợp này là đúng quy trình, thủ tục và theo yêu cầu của người dân nên không thể hủy GCN, ngoài ra việc người dân yêu cầu trả lại giấy tờ nhà, đất cũ (giấy trắng) cũng khó giải quyết vì trên giấy tờ nhà, đất cũ này đã có dấu "đã thu hồi" khi cấp giấy mới, do đó biện pháp tức thời là người dân chỉ có thể "hoãn binh" bằng cách ghi nợ với cơ quan thuế.

Rắc rối hệ số K

Theo nhiều nguồn thông tin thì chỉ riêng tại quận 8, đã có khoảng 300 hộ dân xin được trả lại GCN, chỉ với lý do là số tiền SDĐ phải nộp quá cao. Bên cạnh đó là hàng trăm hồ sơ khác bị "ùn tắc" vì người dân không chịu đóng tiền thuế SDĐ.

Để xảy ra tình trạng này, bắt nguồn từ nhiều lý do, tuy nhiên có thể nói nguyên nhân chính xuất phát từ việc sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 28, ban hành hệ số K (là tỷ lệ giữa giá đất chuyển nhượng thực thế mang tính phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm xác định so với giá đất do UBND tỉnh quy định) điều chỉnh giá đất tính thu tiền SDĐ ở đối với gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện Quyết định 28 đã gặp nhiều phức tạp về cách tính vượt hạn mức của từng loại đất và khu vực khác nhau. Chưa kể, hệ số K vượt gấp nhiều lần so với các quy định trước, khiến cho người dân không có khả năng nộp tiền.

Bà Tô Thị Sáu.

Theo tờ trình mới nhất gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc điều chỉnh giảm hệ số K vào cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài chính đã đề xuất, đối với trường hợp hợp thức hóa nhà đất (công nhận quyền SDĐ), toàn bộ diện tích đất ngoài hạn mức đất ở đều nộp tiền SDĐ theo hệ số K nhân 2.

Đối với trường hợp chuyển mục đích SDĐ, phần vượt hạn mức được chia tiếp thành 2 phần: phần vượt hạn mức nhưng không quá 1 lần hạn mức đất ở thì nộp tiền SDĐ theo hệ số K bằng 2 như phần hợp thức hóa; riêng phần diện tích đất vượt trên mức này nộp tiền SDĐ K bằng 3,5 - 4,5 tùy theo khu vực.

Tuy nhiên, nhiều quận huyện cho rằng, hệ số như vậy vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân, làm cản trở người dân chuyển mục đích SDĐ, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Vì vậy, các địa phương kiến nghị, toàn bộ diện tích đất vượt hạn mức khi công nhận lẫn chuyển mục đích SDĐ chỉ nên thu tiền SDĐ gấp 2 lần so với bảng giá đất. Thậm chí quận Tân Phú còn kiến nghị trường hợp chuyển mục đích SDĐ vượt hạn mức thì hệ số K là 2 lần, còn hợp thức hóa nhà đất chỉ nộp 1,5 lần bảng giá đất.

Tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về hệ số K tính tiền SDĐ vài ngày trước, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Tài chính dự thảo tờ trình để thành phố thông qua việc cho giảm hệ số K cho phần diện tích đất vượt hạn mức trên địa bàn thành phố xuống còn 2 lần.

Mặt khác, thành phố sẽ có văn bản gửi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp giải quyết vướng mắc của thành phố, cũng đồng thời giúp giải quyết được những bức xúc về mức tiền đóng thuế sử dụng đất quá cao như hiện nay.

- Tại Hà Nội, nơi giá đất thị trường còn cao hơn TP. Hồ Chí Minh, hệ số K năm 2013 (theo Quyết định 35/2012 của địa phương này) chỉ tối đa là 1,8 lần bảng giá đất - hệ số này áp dụng cho bốn quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, trong khi đó, các quận tương tự ở TP. Hồ Chí Minh phải nộp tới 4,5 lần.

- Theo một cán bộ của Văn phòng ĐKQSDNĐ TP. Hồ Chí Minh, bảng tính tiền thuế nhà đất hiện nay được xây dựng trong điều kiện giá đất đai và nền kinh tế ở chiều hướng đi lên, tương ứng 1 năm từ 8-10% GDP, nhưng qua 3-4 năm nay thì việc làm ăn khó khăn, nhiều gia đình làm không đủ sống.

Do đó, theo ý kiến riêng của vị này thì điều hợp lý và công bằng là giá tiền thuế SDĐ nên được điều chỉnh lại theo biến động của kinh tế xã hội. Đơn cử như tình hình kinh tế xã hội 3 năm nay biến động hết sức rõ ràng nên cần có sự điều chỉnh linh hoạt.

- Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 cho biết: Hiện nay theo thống kê sơ bộ ở quận 8 thì có trên 800 trường hợp hộ dân phải ghi nợ và muốn hủy GCN (tính từ 2002 đến nay), trong đó nhiều trường hợp thời gian trước đến nhận phiếu chuyển qua cơ quan thuế đóng thuế song họ "một đi không trở lại", gây "tắc" ngay cả khi chưa có hệ số K…

Theo thực tế thì "hạn mức giao đất" và "số lần được nhà nước giao đất" chính là hai nguyên nhân gây ra những khó khăn và bức xúc trong việc tính tiền thuế sử dụng đất như hiện nay!

- Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân đang trong tình trạng vẫn còn ghi nợ tiền sử dụng đất, phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề chuyển nợ tiền sử dụng đất sang cho người nhận chuyển nhượng đất.

Phú Lữ
.
.
.