Bí mật việc bảo quản kho hiện vật về Bác

Chủ Nhật, 10/02/2019, 16:53
Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi giữ một khối lượng lớn các di sản - hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, ít ai biết, để người dân và du khách có dịp xem lại từng hiện vật Bác từng sử dụng, từ đôi dép, đôi tất đến các bản thảo Bác viết lúc sinh thời là cả một kỳ công của một đội ngũ những người đang cần mẫn chăm chút chúng mỗi ngày, mỗi giờ…


1. Trái với không khí rộn rã, tất bật tấp nập ngoài đường, những ngày cuối năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn vô cùng tĩnh lặng. Tầng trệt của tòa nhà, khu vực dành cho bộ phận làm công tác kiểm kê bảo quản và lưu trữ hiện vật càng vắng lặng. 

Thoăn thoắt dẫn đường cho khách, chị Ngô Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản, cho biết khu vực này được kiểm soát 24/24, kể cả ngày lễ, tết đều có người trực. Kho sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm, mỗi ngày, cán bộ nhân viên trực sẽ vào kiểm tra, ghi chép các thông số về nhiệt độ, độ ẩm… Nếu phát hiện bất thường sẽ báo bộ phận kỹ thuật xử lý. 

Thông thường, kho luôn phải đảm bảo nhiệt độ từ 18 đến 22 độ C, độ ẩm tương đối, không quá khô, không quá ẩm, giao động từ 50 đến 60%. Vì bảo tàng chưa có hệ thống đèn lọc tia tử ngoại, tia cực tím đạt chuẩn quốc tế cho kho nên vẫn sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng thông thường. Việc sử dụng đèn chiếu sáng được hạn chế tối đa. Chỉ khi nào có việc thật cần thiết, hệ thống đèn mới được bật, tránh ánh sáng làm bạc màu hiện vật. 

Trừ  bộ phận có nhiệm vụ, người ra vào kho phải có lệnh từ Ban giám đốc, được cấp thẻ  vào khu vực nào thì sẽ được dẫn chính xác vào khu vực ấy.

Giải thích thắc mắc của khách, chị Hằng cho biết: Nhiều người thường quan niệm bảo quản hiện vật là phải dùng hóa chất nhưng thật ra công tác bảo quản bao gồm cả 2 mảng là bảo quản phòng ngừa và bảo quản xử lý, giống như công tác phòng bệnh và chữa bệnh trong y tế. 

Khi hiện vật không có vấn đề gì cũng không có nghĩa là bộ phận này không làm gì. Riêng bảo quản phòng ngừa đã rất bận rộn. Không chỉ kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, nấm mốc mà ngay cả việc tính toán tổ chức sắp xếp hiện vật trong kho cũng là một khâu mang tính quyết định hiệu quả của công tác bảo quản. Với đồ vải, tùy vào hiện vật, chất liệu của hiện vật mà người làm bảo quản quyết định trải ra, treo lên. 

Trong tổng số hơn 17 vạn hiện vật đã được kiểm kê, hiện vật giấy rất nhiều và các hiện vật  này cũng vô cùng đặc biệt. Nếu các cơ quan lưu trữ khác lưu giữ các văn bản hoàn chỉnh, có con dấu thì ở bảo tàng, hiện vật giấy là tất cả các bản thảo của Bác, từ viết tay đến đánh máy, các tờ báo có bút tích của Người bên lề… Vì số lượng hiện vật nhiều, nên mỗi hiện vật được cách một lớp giấy phi axit. Mỗi tập đặt trong một hộp phi axit khác. Hiện vật bằng vải, dạng trải phẳng cũng bảo quản tương tự.

2. Để có một kho hiện vật tương đối đủ đầy và ngăn nắp, an toàn như hiện nay là sự cố gắng của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Chị Nguyễn Thị Hường, Phó phòng Kiểm kê bảo quản, một trong số những cán bộ bảo tàng kỳ cựu, cho biết nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô cũ, năm 1990, Bảo tàng xây xong và mở cửa đón khách. Nhưng, từ năm 1970 đã có ban trù bị xây dựng bảo tàng. 

Các hiện vật lưu giữ tại đây được chuyển từ Văn phòng Chủ tịch nước sang, đều là hiện vật gốc. Sau khi Bác mất, các di sản liên quan đến Người, như các vật dụng từng dùng, từ quần áo, giày dép, bản thảo đến hộp đựng bút… đều được đóng gói cẩn thận. Khi Bảo tàng xây xong, hiện vật chuyển về. Mỗi hiện vật đều cần những bộ hồ sơ riêng có đầy đủ tên, lý lịch... 

Năm 2018, Bảo tàng vừa hoàn thành đợt kiểm kê mới. Trong số 178.979 hiện vật gốc có trong kho, riêng khối điện thư có đến trên 79.000 hiện vật. Khối phim ảnh có đến trên 36.100 phim. Những người làm công tác bảo quản tại đây luôn tự hào, Bảo tàng là nơi lưu giữ cơ bản các hình ảnh về Bác, kể từ năm 1946 đến khi Người qua đời.

Góc trưng bày của Bảo tàng.

Cũng theo chị Hường, mặc dù hoạt động kiểm kê đã “hòm hòm” nhưng vẫn là khối công việc làm “truyền đời” không hết. Hiện Bảo tàng vẫn còn 17.270 tài liệu hiện vật chưa xác minh được nguồn gốc, 404 đầu tài liệu, hiện vật chưa có số kiểm kê. Chưa kể các hiện vật mới sưu tầm bổ sung mỗi năm đều cần có hồ sơ riêng, cần được tìm hiểu để “trang bị” những bản lý lịch chính xác và phong phú nhất. 

Công việc vất vả nhưng người trực tiếp thực hiện luôn cảm thấy tự hào vì không chỉ được tiếp cận với kho hiện vật phong phú về Bác mà còn có dịp tìm hiểu sâu hơn, nhiều hơn về cuộc đời của Người.

Chị Hường nhớ lại: Thời điểm kiểm kê khối tư liệu vật dụng hàng ngày của Bác, nhìn những đôi dép cao su mòn vẹt, ngắm các bức ảnh chụp Bác đi tất trắng tương phản với màu đen của dép cao su, đi guốc mộc làm vườn, xem lại từng tờ tem phiếu mua hàng trong khoảng thời gian Người ở Phủ Chủ tịch, nhiều người đã bật khóc. 

Những tờ tem phiếu này ghi rõ từng chiếc nồi, cái bát, mảnh vải Bác dùng được mua ở đâu, cửa hàng nào, chất liệu gì, giá bao nhiêu tiền, đưa vải đi may quần áo ở đâu, may mấy bộ. Trong đó, phần lớn là mua ở các cửa hàng chợ Đồng Xuân, Hà Nội. 

Thậm chí có những đồ dùng còn được Bác tận dụng như chiếc hộp bút. Khi tiếp cận hồ sơ về chiếc hộp bút đặc biệt này, chị được biết nó vốn là hộp đựng thuốc lá do Trung Quốc sản xuất. Trong chuyến công tác sang nước bạn, Người được tặng hộp thuốc lá đặc biệt sản xuất cho lãnh đạo Trung Quốc. Dùng hết thuốc, Người tận dụng làm hộp đựng bút, để trên bàn làm việc.

Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh chuẩn bị hiện vật trưng bày phục vụ công chúng.

3. Nhiều du khách đến Bảo tàng từng thấy một chiếc đồng hồ được trưng bày khá ở vị trí trang trọng. Chiếc đồng hồ này không chạy, kim đứng yên ở vị trí chỉ 9h47 phút. Nếu không được hướng dẫn, không nhiều người biết, đây là chiếc đồng hồ để trong phòng Bác, dừng lại đúng thời điểm Người trút hơi thở cuối cùng. 

Nhưng, chỉ đến khi Bảo tàng chủ trương thực hiện thử nghiệm một số Audio Guide (thuyết minh tự động), lục tìm các câu chuyện liên quan, ngay cả nhóm thực hiện Audio Guide này mới biết, thực ra, quanh chiếc đồng hồ này là cả một “kho” chuyện khác về Bác. 

Đó không chỉ đơn thuần là đồng hồ sản xuất ở đâu, hãng nào, Bác sử dụng trong bao lâu mà bên cạnh đó còn có những “khối” tư liệu hình ảnh vô cùng lớn quanh thời khắc Bác mất. Tất cả các hình ảnh ghi lại khoảnh khắc Người từ giã cuộc đời đều được ghi lại chân xác nhất bằng rất nhiều hình ảnh. 

Người xem tư liệu biết được thời khắc ấy, những ai ở bên Bác, bác sĩ nào chăm sóc cho Người. Cũng chỉ đến thời điểm ấy, nhiều cán bộ công nhân viên của Bảo tàng mới biết nhiều chuyện hậu trường khác, từ việc cho đội ngũ cán bộ công nhân viên sang Liên Xô học kỹ thuật bảo quản thi hài nhưng giấu Bác ra làm sao, thi hài Bác được chuyển về Bệnh viện 108 để thực hiện kỹ thuật bảo quản, đưa về Ba Đình như thế nào…

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thí điểm thực hiện 79 Audio Guide về 79 hiện vật tiêu biểu gắn liền với cuộc đời của Bác. Đây là một trong những nỗ lực nhằm phát huy giá trị hiện vật của Bảo tàng. Theo đó, mỗi nhóm phụ trách mỗi khối hiện vật sẽ tìm những tư liệu hiện vật tiêu biểu nhất, tìm hiểu các nội dung liên quan, viết kịch bản, nội dung, trao đổi, chỉnh sửa cho nhau. Sau khi thống nhất nội dung sẽ thực hiện các Audio Guide. 

Nếu hoàn thiện theo đúng kế hoạch, 79 Audio Guide này sẽ ra mắt du khách vào năm 2019. Với cách làm này, khách tham quan sẽ tìm hiểu nhiều thông tin hơn, thay vì chỉ trưng bày hiện vật như cách làm hàn lâm, truyền thống và có phần đơn điệu lâu nay. Cũng để tăng “sức sống” cho hiện vật và công tác bảo quản, lưu giữ khoa học, tiện lợi hơn, một đề án số hóa hiện vật của Bảo tàng đang rục rịch chuyển động. 

Với đề án này, các thông tin quanh hiện vật, từ lý lịch, chuyện liên quan, bảo quản ở đâu, bảo quản như thế nào, tình trạng hiện vật ra sao, đã được trưng bày ở đâu đều được tích hợp trong một phần mềm quản lý. Khi cần, tùy vào yêu cầu của từng thời điểm mà người quản lý có thể cắt ra từng trường thông tin phù hợp… 

Với khách tham quan, khi đến Bảo tàng, thay vì phải đợi hướng dẫn viên thì chỉ cần được cung cấp mã vạch là có thể khám phá các thông tin quanh hiện vật trưng bày. Tất nhiên, đây vẫn là kỳ vọng trong tương lai gần. Bởi lẽ,  hiện tại, tất cả vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Khách đến tham quan Bảo tàng, ít nhất cũng phải từ nửa cuối năm 2019 trở đi mới có cơ hội tiếp cận hiện vật theo cách này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.