Bi thảm đời phu vàng

Thứ Tư, 11/12/2013, 10:00

Không chỉ là câu chuyện của một thời xa xưa, "cao su đi dễ khó về", mà ngay trong cuộc sống hôm nay, nhiều người dân lao động lầm lũi vẫn phải đánh cược với số phận mình trong cuộc đi tìm may rủi với nghề phu vàng. Những câu chuyện về đời phu vàng, những cái chết tức tưởi của họ khiến tôi bị ám ảnh nhiều đêm không ngủ. Với nhiều phu vàng, chết, đưa được thân xác trở về quê đã là một may mắn...

Tuyệt mệnh bởi những “giấc mơ vàng“

Gần hai tháng sau cái chết đau đớn của chồng, người phụ nữ này vẫn chưa nguôi được nỗi đau. Bà gầy rộc, ngồi lặng yên ở xó nhà. Thôn Thùng Ong, xã Đồng Liêm, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên có 2 người chết trong trận sạt lở bãi vàng ở Minh Lương- Văn Bàn- Lào Cai hồi tháng 9/2013. Chồng bà Hải, ông Nguyễn Văn Vinh năm nay ngoài 60, từng là bộ đội tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới. Trên bàn thờ còn mùi khói, ông mặc bộ quần áo lính trang nghiêm. "Ông nói, chỉ đi nốt lần này rồi về đưa tôi đi khám bệnh. Tháng 9 vừa rồi ông hứa về thế mà"... Bà Hải ôm mặt đau khổ. Nỗi đau khiến người bà khô quắt lại.

"Mấy hôm đó mưa gió, tôi sốt ruột, gọi điện bảo ông về, ông ấy cứ lần lữa. Ông ấy hiền lắm, lên đó chỉ làm nấu cơm thôi. Sống cả đời hiền lành mà sao chết thảm thế. Ông bảo đi nốt lần này, kiếm chút ít tiền sửa nhà rồi thôi".

Nhưng với bà Hải, nỗi đau chồng lên nỗi đau khi đứa con trai duy nhất của bà, vốn hiền khô, theo cha lên Minh Lương, giờ trở về tàn phế. Kiên sinh năm 1990, đang tuổi lao động, nhưng người xanh rớt như tàu lá chuối héo, nói không nên lời. Nhìn nó dật dờ đi vào đi ra mà xót xa. Kiên theo cha lên Minh Lương, chạy xe rùa chở đất. Nó vốn dĩ hiền lành, chăm làm, nên tính đi với cha đợt này kiếm một khoản tiền làm vốn. "Chiều tối đó mưa to lắm. Chúng tôi đang ngồi ăn cơm thì lán sập, đất đá mù trời, tối mắt tối mũi. Bố tôi rơi theo đống đất đá, chỉ kịp kêu oái một tiếng, còn tôi bị thương, nằm đau đớn ở lán 3 ngày sau mới được chuyển về bệnh viện". Kiên bị đứt tụy, giờ phải đặt ống xông, đi lại khó khăn. Chỉ uống nước cháo cầm hơi.

Bà Hải kể, chủ bưởng ở đây là Hải Trạch, và ông Chính (bố vợ của Hải) nhà ở Nam Hòa, thành phố Thái Nguyên về gom người đi. "Mấy hôm mưa gió, nghe tin có người chết, bà con đến hỏi thăm, tôi mới sốt ruột gọi cho Hải. Họ cũng chẳng báo gì cho tôi cả. Thì ra mấy ngày sau họ mới tìm được xác của chồng tôi. Theo thỏa thuận họ phải đền 175 triệu. Nhưng cuối cùng chúng tôi chỉ nhận được 125 triệu thôi, vì người ta đòi hỏi được, còn tôi chẳng có ai đi đời kiện được. Tôi đàn bà, con gái. Chồng chết, con đang nằm cấp cứu ở bệnh viện, tôi còn nghĩ được gì nữa". Còn Kiên. Tôi thấy ái ngại khi nhìn về quãng tương lai mờ mịt phía trước của Kiên. Không còn sức lao động, Kiên sẽ làm gì với cả một cuộc đời dài của mình.

Bà Hải bức xúc: "Sau khi từ Bệnh viện Việt Đức về, đang ở phòng hồi sức, chưa chuyển xuống điều trị mà họ đã chuyển Kiên về Thái Nguyên rồi. Toàn bộ bệnh án, ông Hải cầm, tôi không biết tình trạng của con mình thế nào. Họ còn dọa, nếu gia đình cho ăn cái gì khác lạ, mà Kiên có mệnh hệ gì thì họ không chịu trách nhiệm. Tôi xin 4 tháng tiền lương (mỗi tháng 4 triệu đồng) để tẩm bổ cho cháu họ cũng không cho. Họ chỉ đưa được 7 triệu tiền lương cộng với 3 triệu tiền tạm ứng khi đi làm, đủ cho 2 tháng rưỡi thôi. Tưởng bố con nhà nó đi làm kiếm được tiền, ai ngờ, người thì mất, người mang tật. Tôi biết kêu ai. Họ còn dọa tôi, nếu tôi kiện họ không đi tù mà tôi còn đi tù ấy".

Bãi vàng lậu ở rừng vầu Minh Lương.

Kiên ngồi ngẩn người: "Chẳng đòi công bằng được đâu chị, em bị thương, xin họ đưa xuống núi mãi họ mới đưa đi, họ sợ Công an. Cả bố em, xác cũng giấu trong núi, đợi trời tối họ mới chuyển xuống. Về đến nhà đã 7,8 ngày rồi". Nói rồi Kiên nhớ lại ký ức kinh hoàng: "Em thoát chết trở về là may phúc lắm rồi chị. Ngay gần chỗ em thôi, có lán sập chết hết luôn. Em không biết bao nhiêu người chết, nhưng thảm lắm. Em sống được còn may. Chẳng ai biết đấy là bưởng nào, cũng chẳng ai tìm. Những người đi làm sái cũng chết nhiều. Trong rừng Xanh, rừng Vầu, nhiều người chết mất xác".

Nhưng tôi thì xót xa cho cái kiểu AQ của Kiên. Bởi tôi không hiểu, Kiên sẽ sống ra sao với tấm thân tàn ma dại đó. Và một tương lai vô định phía trước.

Chết được toàn thây về đã là may

Rất nhiều, những gia đình nông dân nghèo ở Thái Nguyên, Tân Lạc - Hòa Bình và cả những vùng xa xôi như Mù Căng Chải, Sìn Hồ... mong đổi đời bằng nghề phu vàng. Ra đi, chắc họ không lường trước những bất trắc mà họ phải gánh chịu. Hay biết là bất trắc, nhưng họ vẫn đi vì không còn con đường nào khác để mưu sinh. Và nghĩ theo cách an ủi của Kiên, cho nhẹ lòng, bởi rất nhiều những cuộc ra đi không trở về.

Theo lời kể của một bưởng vàng đã gác kiếm ở Thái Nguyên, thì chủ bưởng không bao giờ làm việc trực tiếp với phu vàng. Rừng Vầu, rừng Xanh, địa bàn hiểm trở, rừng thiêng, nước độc. Dân phu vàng bị bóc lột sức lao động tối đa, mệt thì chủ cho dùng thử heroin, dần dần đâm nghiện, tiền lại nướng vào thuốc phiện. "Chẳng mấy ai lên bãi vàng mà trở về nguyên vẹn. Không nghiện ngập thì cũng chơi bời, bài bạc, ốm đau, bệnh tật. Không chết mất xác là còn may".

Những năm gần đây, dân Thái Nguyên, Hòa Bình đổ xô về Minh Lương, lên tận rừng Xanh, rừng Vầu lập đại bản doanh. Rừng cao, núi hiểm, cơ quan chức năng không thể kiểm soát, nên các chủ bưởng tha hồ oanh tạc. Không phải đến bây giờ, khi trận sạt lở kinh hoàng khiến 12 người chết (theo văn bản của UBND tỉnh Lào Cai) thì Minh Lương mới được nhắc đến. Mà 10 năm nay, địa bàn này vẫn luôn là cơn sốt cho những "giấc mơ vàng".

Tôi đã cùng một đồng chí Công an xã, mục sở thị bãi vàng lậu ở rừng Vầu. Chặng đường chỉ 2km nhưng phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ, qua những dốc thẳng đứng, hiểm trở, chỉ sểnh chân là có thể rơi xuống vực. "Đi một mình trên cung đường này rất nguy hiểm. Không may gặp nghiện, trấn lột, giết người như chơi". Không ai dám bảo đảm tính mạng khi trót dấn thân lên xứ sở của "thiên đường vàng" này. Đứng trên đỉnh núi cao giữa bạt ngàn tre vầu, trong bóng chiều nhập nhoạng nhìn xuống con vực sâu hun hút, tôi thoáng chút rùng mình. Không biết bao con người, bao máu và nước mắt đã chôn vùi ở đây. Bao linh hồn làm ma đói lang thang trong chốn thâm u cùng cốc này, không bao giờ tìm được ngày về. Rừng Vầu tan tác những lán trại, ngổn ngang sau cơn sạt lở. Chỉ còn trơ lại những hố vàng đào dở. “Cánh đào vàng đã rút sâu vào rừng Xanh, muốn qua đó phải đi qua con núi cao hiểm trở kia”. Tôi bắt gặp một chiếc lán trơ trọi của chị Đào Thị Dự ở Thái Nguyên lên. Mặt buồn xo, chị kể: "Hai vợ chồng chị bán hết gia sản, máy  móc, gửi con cái lại cho ông bà, lên Minh Lương tìm vận may. Chẳng may vào đợt mưa, lũ quyét, giờ ngồi trơ cả. Tôi ân hận, biết thế này thì không đi làm”.

Di ảnh của ông Vinh; Bà Hải vẫn chưa hết thảng thốt vì mất chồng.

Dự theo chồng lên đây hơn 1 năm, bỏ ra hàng trăm triệu mua máy móc, kéo anh em từ Thái Nguyên lên làm. Hy vọng đổi đời. Tôi thoáng chút nghi ngại khi nhìn chị ngồi một mình giữa rừng sâu nước hiểm này. Nhưng nhìn nồi cơm Dự đang nấu trên bếp (phải đủ cho cả 4 người ăn) thì tôi chắc chắn, không chỉ có mình chị ở đây. Không biết vợ chồng chị Dự còn định theo đuổi giấc mơ vàng đến bao giờ, khi những nguy hiểm đang rình rập chính người thân của mình. Ông Phương, Công an xã Minh Lương đi cùng tôi kể: Cách đây mấy hôm, trong đợt truy quét lớn nhất, anh chạm mặt với hai con nghiện, chui ra từ hang đá. 13 năm nay, họ sống dật dờ trên bãi vàng. Chỉ nhớ mỗi quê ở Thái Nguyên, còn vợ con, gia đình, chả còn trong ký ức của họ.

Một tên vừa đi vừa dật dờ hát: "Trời là nhà, đất là giường". Rất nhiều những cái bóng dật dờ, người chẳng ra người, ma chẳng ra ma sống dựa vào những bãi vàng ở Minh Lương như thế. Quên luôn tên họ của mình. Rồi cũng sẽ chết mất xác trong rừng sâu. "Đuổi nó chỉ chạy loanh quanh, mà nó cũng chẳng biết nhà ở đâu mà về nữa". Công an xã phân bua.

Bạc bẽo, bị bóc lột tàn tệ, các phu vàng vẫn lũ lượt rời nhà đi tìm vận may. Nhiều kẻ đi, may mắn sống sót trở về. Kẻ trở về với thân tàn ma dại vì bị tai nạn mà không có một chế độ bồi thường nào. Nhưng có những kẻ chết, còn được đưa về quê. Còn rất nhiều những tấm thân bỏ mình nơi giá lạnh.

Tôi xuống núi khi trời nhá nhem tối. Chân như rời từng đốt. Thỉnh thoảng từng đoàn người đi mót cũng lũ lượt trở về. Nhìn lên đỉnh rừng Vầu, phía xa kia là rừng Xanh, ánh điện đã bắt đầu le lói sáng. Những cuộc khai thác vàng lậu ở Minh Lương vẫn chưa kết thúc. Các cơ quan chức năng ở Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai, sẽ làm gì với nạn khai thác trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên ở đây. Để từng ngày, từng ngày, những cái chết âm thầm vẫn diễn ra, những nỗi đau vẫn chồng lên nỗi đau trên đôi vai của người dân nghèo.

Đồng chí Thượng tá Đặng Văn Quynh,
Phó Công an huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai:

Việc quản lý khai thác vàng lậu ở đây rất khó khăn. Địa bàn xa xôi, hiểm trở. Những người dân lên khai thác vàng họ cũng đi theo đường rừng núi, không báo tạm trú với xã nên rất khó quản lý lượng người qua lại. Mỗi lần chúng tôi lên truy quyét, họ chạy tan tác, nhưng sau vài ngày, lán trại lại mọc lên. Đợt truy quét lớn nhất sau trận sạt lở vàng, chúng tôi đã đốt hết các lán trại, nhưng chúng lại dạt vào rừng Xanh. Lực lượng Công an ở xã rất mỏng, nên khó quản lý. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ban ngành chức năng chứ không chỉ của Công an. Chúng tôi chỉ quản lý vấn đề an ninh trật tự trong vùng thôi. Còn chuyện sạt lở ở đây là do thiên tai.

Khánh Linh
.
.
.