Biên cương gập ghềnh

Thứ Tư, 08/02/2012, 09:08

Thiếu tá Nông Văn Hòa, Đồn phó Đồn Đàm Thủy, tận tình đưa chúng tôi đến những cột mốc xa nhất có thể tới, tận trên cao nhất của thác Bản Giốc. Cả mốc cũ và mốc mới. Mốc mới bề thế, đàng hoàng, bên chữ Việt Nam bên chữ Trung Quốc. Mốc cũ nhỏ bé, bên chữ Tây bên chữ Tàu, như cột cây số cũ mèm dọc quốc lộ, chẳng thấy một chữ Việt nào cho ra vẻ đất phía này là của ta.

Hội Nhà văn gọi điện nói anh nên đi biên giới chuyến này. Tôi giật mình: Biên giới? Hai chữ Hán-Việt này đã đeo lấy tâm và trí tôi, mà đâu chỉ riêng tâm và trí tôi, bao ngày bao tháng bao năm rồi, nhất là biên giới Việt-Trung. Vậy mà sao xa xôi, lạ lùng đến thế. Đã bao giờ tôi đặt chân tới nơi chốn xa xôi mà thiêng liêng ấy đâu. Bao buổi cao đàm khoát luận, bao kiến nghị gan ruột giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc… nhưng không hề biết mảnh đất thiêng liêng ấy ngang dọc, nóng lạnh thế nào, giỏi lắm cũng chỉ nhắn vài tin tốn chỉ vài ba ly cà fê góp đá xây Hoàng Sa-Trường Sa…

Hôm đến Đồn Biên phòng đầu tiên, Đồn Sóc-Hà, tôi hỏi ngay Thượng tá đồn trưởng Trịnh Xuân Khỏe câu hỏi mà tôi đã "chuẩn bị" mấy năm trời nay, nói chính xác là giãi bày một nỗi băn khoăn nặng trĩu trong lòng lâu nay. Câu hỏi đó là: Các văn bản ký kết về cắm mốc biên giới, với các đồng chí là những người đang trực tiếp ngày đêm bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, "nó" là những cơ sở pháp lý thuận lợi hơn hay khó khăn hơn?

Băn khoăn này không phải chỉ có ở nơi tôi. Những thông tin chính thức, bán chính thức và cả "vỉa hè", về các cuộc đàm phán hai bên luôn luôn đưa đến cảm nhận sự nhượng bộ và nhượng bộ của ta. Ngay không ít hội viên trong tổ chức hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc của tôi cũng cùng tâm trạng.Thậm chí nhiều người cho rằng, chưa nên ký kết. Nhưng với người lính Biên phòng từ Trịnh Xuân Khỏe ở Đồn Sóc-Hà cho đến  các Đồn Thị - Hoa, Đàm - Thủy, Tà - lùng… với cùng câu hỏi đó, tất cả đều không một đắn đo khi trả lời tôi:

- Thuận lợi chứ! Thuận lợi hơn nhiều chứ.

Thuận lợi này hóa ra lại là rất đơn giản, "dễ hiểu" nữa. Anh bạn láng giềng xưa nay vốn ưa tù mù, ưa duy trì trạng thái tù mù như sương mù thường dày đặc nơi vùng biên cương này. Để dễ xâm canh xâm táng, thoắt cái thêm hàng cây bạch đàn, thoắt cái lùm lùm dăm ba ngôi mộ gió… Cao Bằng có hơn 333 cây số đường biên, bây giờ có tới hơn 600 cột mốc sừng sững, vững chãi đá hoa cương, đâu dễ "có chân" mà "chạy" trong tù mù. Chỗ này "được" một ít, chỗ kia "mất" một mớ, nhưng nay đâu họ đâu ta rõ ra rồi. Nghe anh em ở các đồn nói vậy,tôi cũng…lạ.

Các văn nghệ sỹ chụp ảnh với Bộ đội Biên phòng tại thác Bản Giốc, Trùng Khánh, Cao Bằng.

Hàng tháng, hàng quý hai Đồn đối diện gặp nhau, giao ban tình hình, bước đầu phối hợp chống các loại tội phạm… Thì cũng là điều nên, điều hay để thêm niềm tin "nhân chi sơ tánh bổn thiện". Tuy cái tánh nói một đường làm một nẻo dễ gì xóa nổi. Như ở khu vực Đồn Thị-Hoa phụ trách, họ mới di dời 8 ngôi mộ xâm táng về bên kia, còn 6 ngôi nữa ở dạng "đang tìm ngày tốt" để dời. Ở khu vực Đồn Sóc-Hà, có 26 mộ phải bốc về bên kia, bây giờ còn 3 mộ "chờ ngày đẹp". Mà biết ngày mô tốt, ngày mô đẹp đây.

Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Đoàn Quảng Nguyên, ăn to nói lớn, bộ dạng khoáng đạt, phong thái hảo hớn, sau cú cụng ly trăm phần trăm chẳng biết lần thứ mấy với tôi, lại khoát tay oang oang về sự được-mất rất chi là…Cao Bằng:

- Ký hiệp định là mình được! Trước đây, Hiệp định Pháp-Thanh người Việt mình đâu có cú gì, toàn Tây-Tàu dàn xếp với nhau, bây giờ mình đi cãi tay đôi, mình tự tay cắm mốc, em đi cắm mốc cả tháng đây, mình được chứ!

Đoàn đi lần này có Trần Nhương thật lợi hại. Ngày đi, tối về, dù khuya, dù đã mệt bã ra thì lão cũng bò ra nối dây, nối mạng để gõ bài, đưa ảnh nóng hổi lên TrầnNhương.com. Hoàng Minh Tường cũng máy, cũng dây nhợ tùm lum, mà hai lão luôn ở với nhau nên phòng Nhương-Tường cứ như là trung tâm thông tin của đoàn.

Thông tin chúng tôi đi biên giới không ngờ được bạn đọc (qua TrầnNhương.com) quan tâm có thể nói từng bước đi như thế. Trước hôm đi Bản Giốc, Nhương và tôi nhận được nhiều tin nhắn từ cả Canada và Mỹ, dặn các ông toàn người đàng hoàng, phải thông tin cho khách quan nghe, đừng có vì giải thưởng hay khoản tài trợ chi đó mà quẹo ngòi bút. Tính vặc lại cho đỡ bực mình vì tin nhắn loại "ông nội người ta" đó, nhưng lại thôi, vì nghĩ cho cùng mấy anh bạn cũng đau đáu nỗi niềm biên giới mà lâu nay bao tin tức hư hư thực thực, thực ít hư nhiều, khiến lòng họ không yên về chuyện ông bà tổ tiên.

Thiếu tá Nông Văn Hòa, Đồn phó Đồn Đàm Thủy, tận tình đưa chúng tôi đến những cột mốc xa nhất có thể tới, tận trên cao nhất của thác Bản Giốc. Cả mốc cũ và mốc mới. Mốc mới bề thế, đàng hoàng, bên chữ Việt Nam bên chữ Trung Quốc. Mốc cũ nhỏ bé, bên chữ Tây bên chữ Tàu, như cột cây số cũ mèm dọc quốc lộ, chẳng thấy một chữ Việt nào cho ra vẻ đất phía này là của ta. Có cột mốc cũ dưới ngọn núi đá sừng sững, cứ như Trời cầm dao phạt một nhát thành cái vách đá dựng đứng dễ đến cả ngàn mét, nhìn lên đỉnh phải ngửa cổ đến rơi mũ.

Nông Văn Hòa chỉ cột mốc cũ dưới chân núi: "Các cụ già nhất trong làng kể cho cha chú bọn cháu rồi cha chú kể lại là lẽ ra cái cột mốc này Tây bắt lý trưởng chỉ huy dân làng gánh lên tận đỉnh núi để đặt. Có nơi lên đỉnh rồi còn dịch qua một quãng nữa. Nhưng chắc vì hết hơi,  lý trưởng chắc cũng không ăn cái giải gì, mà cao hay thấp cũng vậy, đặt quách dưới dốc cho khỏe! Đó là chuyện xưa mấy cụ già kể lại…".

Khi đứng bên cột mốc 836(2) sâu trong đất nhà mình mà phía dưới là 2 nhánh sông sâu do hệ thống thác Bản Giốc ào ào đổ xuống chảy bao quanh hòn đảo dài và phía bên kia đất liền là cột mốc tương ứng của phía Trung Quốc, Nông Văn Hòa kéo cho đủ cả đoàn vây quanh cột mốc, giọng tha thiết: "Nhiều người đến đây, thấy đề chữ VIỆT NAM 836(2), cứ tưởng là từ đây qua hết bên kia là của Trung Quốc. Đâu có! Từ ½ dòng sông sâu phía sát đất Trung Quốc mà các cô các chú thấy đó, nửa dòng sông đó trở lui, nghĩa là cả hòn đảo dài và dòng sông phía này cho tới cột mốc này là của mình. Họ giằng dai đòi mốc giới phải cắm giữa hòn đảo kia, nhưng mình quyết không chịu. Từ ½ nhánh sông phía họ trở ngược lên đỉnh thác, 4/5 là của phía mình. Nhờ các cô các chú nói rõ điều này với bà con, chứ cứ nghe ai đó nói Bản Giốc mình không còn gì, bọn cháu đau lòng lắm!".

Trần Nhương hiểu lòng của các chiến sĩ Biên phòng Đồn Đàm Thủy đã bao ngày đêm gian nan, kiên trì, mưu mẹo để giữ và giành lại từng tấc đất của Tổ quốc trong cuộc đôi co trường kỳ và nhiều lúc rất khó chịu, hiểu lòng của mỗi thành viên trong đoàn nên quay phim, chụp ảnh chi li, kỹ càng. Và biết nhiều người đang chờ thông tin về cuộc đến Bản Giốc của chúng tôi, đêm đó dù gần 12 giờ đêm mới xong buổi cơm đêm và gặp gỡ với cán bộ lãnh đạo và nhân viên huyện Trùng Khánh, Trần Nhương thức trắng để đưa tin về ngày làm việc, đưa video clip đặc biệt về Bản Giốc. Chỉ ngay sau khi đưa bài và đoạn phim ngắn lên mạng, chỉ hơn 1 giờ sau đã có gần 2 ngàn người truy cập và đến sáng con số đã lên hơn 10 ngàn người! Dĩ nhiên, khắp nơi gọi diện về khiến điện thoại của Trần Nhương sáng đó nóng bỏng và mau chóng hết pin!

Ở thác Bản Giốc, có một hình ảnh trái ngược không vui vẻ gì. Bên phía Trung Quốc du khách thì tấp nập rồng rắn xuống các thuyền du lịch để lướt vòng theo hai nhánh sông sâu, thăm thác đổ trắng trời mấy tầng mấy lớp chẳng thua gì thác Niagra ở biên giới Hoa Kỳ-Canada. Vậy mà phía ta, ngoài đoàn chúng tôi, chẳng thấy một du khách nào hết.

Báo Thanh niên mấy hôm trước đưa tin năm ngoái bên phía Trung Quốc có hơn triệu du khách đến thăm Bản Giốc (Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên vì phía họ có làng tên là Đức Thiên), còn phía ta chỉ có ba mươi ngàn. Thực lòng tôi cũng chẳng mấy tin con số ba mươi ngàn này. Bởi đường sá dẫn đến Bản Giốc cũng chỉ hơn đoạn đường đau khổ Thị Hoa - Hạ Lang tôi kể trên đây chút đỉnh mà thôi. Đoàn nhà văn chúng tôi tuổi bình quân hơn 60, đi đến đây đã thấy rêm cả thân mình rồi, còn đâu thanh thản mà ngắm trời mây thác đổ như trong thần thoại nơi này nữa. Nghe nói vừa rồi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm nơi đây và kéo theo Tập đoàn Du lịch Sài Gòn vào cuộc. May ra, may ra!...

Ở Đồn Đàm Thủy (Đồn phụ trách vùng Bản Giốc), chúng tôi thấy một khẩu hiệu ngắn và gọn thế này: NGHE DÂN NÓI, NÓI DÂN HIỂU, LÀM DÂN TIN. Đọc đã thấy… lạ, đọc lại lần nữa. Và ngẩn ra. Hay quá! Chỉ có 9 chữ mà như đúc kết tất cả hay ho của công tác dân vận. Nói dân hiểu. Hóa ra đã có bao cán bộ nói huyên thuyên, dài dòng mà như nói tiếng Tây, dân chẳng hiểu gì ráo! Ở đây không được phép như vậy. Mà phải là người hiểu dân, gần dân, thương dân thì nói người dân mới hiểu, nói ít hiểu nhiều, không nói cũng hiểu, thì mới mong có được thế trận lòng dân ở một nơi cần đến cái thế trận đó nhất. Và làm thì dân phải tin.

Điều này thì đâu ra lệnh mà có được. Anh làm việc gì phải vì dân thực sự, vì Tổ quốc thực sự, vì biên cương thực sự, không tơ hào riêng tư chủ nghĩa,thì dân tin. Tôi đọc 9 chữ này mà lòng rưng rưng. Bao người mang danh cách mạng, rực rỡ hào quang cách mạng mà 9 chữ này thật xa vời với họ, xa vời lâu lắm rồi. Thật tái tê trong lòng. Nên trưa nay tôi đứng trước 9 chữ đỏ rực ở Đồn Đàm Thủy buổi trời se lạnh mà lòng ấm áp như đang đứng bên một đống lửa hồng. Ngọn lửa hồng đó, những người chiến sĩ Biên phòng đã và đang thổi vào lòng người dân biên giới nơi đây.

Hôm trước, trên đường tới Đàm Thủy, xe chúng tôi dừng mươi phút để thư giãn và cũng để anh chị em thăm chợ phiên Trùng Khánh. Nhà văn Đào Vĩnh vô chợ mua một cái áo ấm. Mua xong anh vui vẻ ra xe và quên béng lấy hàng. Lên Đàm Thủy, rồi ra Bản Giốc… tối về huyện lỵ Trùng Khánh anh cũng không nhớ gì cái sự quên của mình,có lẽ bởi tâm trí anh đang để nơi các cột mốc biên giới. Nhưng gần nửa đêm có điện từ Đồn Đàm Thủy về cho đoàn là người bán hàng sáng nay nghe loáng thoáng chúng tôi trên đường lên Bản Giốc nên báo tin nhờ Đồn nhắn cho người trong đoàn khách ngày mai trên đường về nhớ vô lấy hàng bỏ quên. Có cần nói chi nữa không về tình thân của người dân với người lính Biên phòng ở đây? Dân đã tin người lính Biên phòng.

Tôi cảm ơn Hội Nhà văn đã kêu tôi đi chuyến này. Để cho tôi biết được nóng lạnh của vùng biên cương gập ghềnh, cho dù chỉ mới sờ, mới chạm vào thôi. Để tôi hiểu chính mình hơn, khi biết rằng trong lồng ngực mình tiếng róc rách của suối rừng Pác Bó vẫn còn chảy vô hồi.

Hóa ra tôi đã quen nhiều anh chị em trong đoàn. Và đi lần này đến với lính nên nhiều người từng là lính, gắn bó với người lính và có những tác phẩm nổi tiếng về chiến tranh. Trần Quang Quý và Đặng Huy Giang là "cặp đôi" luôn bên nhau, ở cùng ăn cùng và lai rai phố đêm mà hay rủ tôi đi cùng lại là những chiến sĩ Biên phòng, "lính bộ đánh thủy" tận Kiên Giang, Phú Quốc thời chống Pôn Pốt Yêng Xa Ry, nên thơ dù viết nhanh trên đường biên giới như Điệu thức Cao Bằng, Cởi chiều Trùng Khánh, Hai điều khác… vẫn nóng bỏng chất lính kiêu hãnh của một thời vĩ đại.

Đoàn có ba cụ xếp theo tuổi tác là Hoàng Quốc Hải, tôi và Trần Nhương. Nhương là sĩ quan cấp tá từ thời…tu huýt, chất lính khiến anh trẻ hơn tuổi nhiều, suốt ngày chụp chụp ghi ghi, đêm về còn gò lưng hoàn thành nhiệm vụ "giám đốc Trung tâm thông tin" của đoàn. Lại đều đều cho ra nhiều bài thơ và bức tranh nhớ lại một thời xưa ở Cao Bằng. Những buổi chiều mất điện cứ lần ra sông Bằng là thấy Trần Nhương tay cọ tay màu trước giá vẽ ngự giữa đảo nổi, ngửa mặt lên đám mây trắng vần lượn trên bầu trời phố núi. Lê Minh Khuê thì dù ít nói hay cười, cười hiền hiền mà chết người, cứ nhìn Khuê nghe Khuê là cứ nhớ đến những ngày thanh niên xung phong Trường sơn chống Mỹ.

Phan Thị Thanh Nhàn thì khỏi nói, đến đâu thì lính tráng, giáo viên, học sinh đều hô ầm ầm lên Hương thầm, hương thầm. Rồi thay nhau đọc, thay nhau hát bài thơ của một thời ra trận. Tuổi ông tuổi bà rồi mà còn hương kín hương thầm, ngộ ngộ thế nào, nhưng cả thế hệ chúng tôi đâu có ai có một bài thơ mà ai cũng biết, thuộc cả bài hát nữa. Nên hôm gặp gỡ với học sinh, giáo viên trường chuyên, Nhàn tếu táo đọc trẹo bài thơ đang rải trên mạng và ngoài phố: bên ấy ngày mai có người cai nghiện… Tôi thầm cảm ơn Nhàn vì ở các buổi giao tiếp, Nhàn đã "đỡ" cho đoàn đến một nửa thời gian vì các lần thay nhau đọc và hát Hương thầm, đó là chưa kể những lần Nhàn đọc trẹo bài thơ "để thay đổi không khí".

Tình quân dân.

Nói về sự đọc thơ thì tôi chưa bao giờ thấy ai độc như Nguyễn Ngọc Phú. Giọng đọc thì như lệnh vỡ, như say xỉn, từ câu đầu cho tới câu thứ vài ba trăm cuối. Và mắt nhắm tịt. Phú nói phải nhắm tịt, sống với từng câu thơ, thì mới nhớ hết. Còn mở mắt ra là quên tiệt! Bài thơ dài Tổ quốc 3000 cây số bờ biển gần như là tiết mục tủ của đoàn trong các buổi giao lưu. Bờ biển đêm cong như thân hình thiếu nữ… Phú cong người, bàn tay uốn lượn như đang vuốt ngọt tấm lưng trần đầy sức sống của người thiếu nữ làng chài.

Còn Từ Nguyên Tĩnh ít nói và có vẻ cũng ít hòa đồng với số đông. Dáng đi thì lui cui vất vả. Nhưng chất của Tĩnh hình như thế. Như tự cháy, như tự luyện kim. Ngày tôi còn lo tạp chí Sông Hương, tôi có chọn đăng của Tĩnh truyện một người mẹ suốt đời đi ăn xin để gom, để dồn tiền nuôi con trai ăn học thành một phó tiến sĩ danh giá. Truyện được tặng thưởng của chúng tôi. Không thể chỉ nhìn bên ngoài mà định giá về con người là thế.

Riêng Đức Hậu với tôi thì thân nhau từ cái thời cả hai đều đang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh mình. Ngày đó, cũng gần đây thôi, ca Huế, chèo và quan họ  nữa, nói thì ai cũng ca bài ca "đề cao âm nhạc dân tộc" nhưng thực tế các nghệ sĩ đói khô đói khổ vì diễn đâu để có tiền mà sống? Thù lao thì rẻ mạt, tuần loẹt quẹt vài buổi. Có nghệ sĩ chèo nổi tiếng của Thái Bình phải đi bán rong ở ngoài hè phố. Chúng tôi "nối" mời nhau để "chúng khẩu đồng từ". Các nhóm nhỏ lẻ quan họ, chèo, ca Huế do các hội viên Hội Văn nghệ góp sức (nhỏ thì Hội Văn nghệ mới tổ chức được, đợi Sở Văn hóa thì biết khi nào). Mời đi thăm và biểu diễn cho nhau xem. Đoàn ca Huế ra Thái Bình, rồi đi cả Quảng Ninh, về diễn cả cho công nhân than Cẩm Phả. Qua lại như thế, "đồng từ" như thế để cổ xúy, để có sức nặng thực tế mà kiến nghị. Chúng tôi cũng tìm cách đưa đoàn ca Huế này đi biểu diễn ở Mỹ năm 1995… Tôi và Hậu có kỷ niệm từ thời cơ cực là thế.

Trong đoàn có cả một tổ người… Hà Nhì. Đó là lời của Hoàng Minh Tường. Mở miệng ra là người Hà Nhì (Hà nội 2) chúng tôi. Là nói đến Văn Lừng, Tô Thi Vân là dân Hà đông, Sơn tây cũ, bây giờ sáp nhập vô Hà nội. Khi mới gặp, tôi nói ngay với Văn Lừng tôi chả thích thú gì chuyện nhập Hà Tây vô Hà Nội, cả một truyền thống văn hóa lịch sử rất đặc sắc coi chừng bị xóa béng. Không ai chủ trương xóa bỏ truyền thống đó, mà làm sao xóa bỏ được(!), nhưng trong tình thế xô bồ, ồ ồ ạt ạt, xây xây cất cất, tiền tiền bạc bạc như cơn lốc cơn xoáy hiện nay, gắng giữ cái gì đẹp nhất của chính Tràng An đã hết hơi rồi, việc quên béng những chuyện khác, nơi khác là một sự thực nhãn tiền.

Tôi nói với Thiều tôi quý và tôi nể dân Hà Tây, dân làng Chùa nhà ông lắm. Như cái ông Hoàng Minh Tường, viết được THỜI CỦA THÁNH THẦN đâu có phải ai cũng viết được, có phải thời nào cũng có được. Mà lão thông thuộc đường ngang ngõ tắt, sông suối hồ ao, núi non thung lũng của cả cái vùng nguyên là Khu tự trị Việt Bắc này ghê khiếp. Mà không phải chỉ là sự thuộc lòng. Phải có cái chất của con người xứ văn hiến, xứ Hà Nhì nớ, mới thuộc, mới thân thương được vô số địa danh sông nước  tưởng xa lạ mà gần gũi như làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều. Ngày quen Thiều.

Tôi kính trọng và cảm phục những ai viết về lịch sử, nhất là viết tiểu thuyết lịch sử. Tôi không đủ hiểu biết và khả năng. Viết về giai đoạn chiến tranh chống Mỹ mới đó đã hết hơi rồi, huống chi cả ngàn năm trước. Nên tôi quá quý hóa trong đoàn có anh Hoàng Quốc Hải, người viết tiểu thuyết lịch sử hàng đầu Việt Nam hiện nay, mới ra hai bộ tiểu thuyết đồ sộ về triều Lý (4 tập) và triều Trần (6 tập) nhân ngàn năm Thăng Long. Anh sống mực thước, hằng đêm trước lúc ngủ đều ngồi thiền. Nhưng "bộ gió" của anh khá khiêm tốn mà anh em chúng tôi gọi là họ "chân cò tay nhện". Khi Thiều bắt tôi làm Trưởng đoàn, tôi hãi nhất chuyện lỡ anh Hải ngã một cú trên đoạn đường biên giới nào đó thì ai viết thay anh ấy, ăn nói với chị Hồng ra làm sao khi về Hà Nội. Vậy mà Trời thương chúng tôi, anh Hải đi khỏe hơn nhiều người mà vẫn chân cứng đá mềm.

Hôm anh Hải, Trần Nhương, Hoàng Minh Tường và tôi theo xe do chính Chủ tịch Hội Văn nghệ Cao Bằng Đoàn Lư lái lên thăm Triều Ân (nhà văn viết và nghiên cứu lớn nhất về các dân tộc Cao Bằng), anh vẫn thoăn thoắt len giữa các hốc đá, lườn dốc trèo lên thăm hang Ngườm Bốc, nơi Bác Hồ chủ trì cuộc họp tổng kết chiến dịch Biên giới năm 1951. Ở đây, ở khu thành nhà Mạc, ở điện thờ Nùng Chí Cao… nói đến đâu anh đều như tham gia chuyện nhà, chuyện người làng, rành rẽ, cao sâu đến đấy. Cầu mong anh sống cả trăm tuổi cho hậu thế cậy nhờ từ những trang viết của anh về lịch sử cha ông.

Trong đoàn có một người, với tôi, là rất lạ. Y Ban. Tôi đã đọc, đã nghe về Y Ban, nghe nhiều hơn đọc. Nhưng đâu cần đọc nhiều, chỉ với I am đàn bà, chỉ với Xuân Từ Chiều là đủ "rùng mình"… tứ thân rồi. Từ lâu lắm người đọc đã biết là viết về sex, viết về "chuyện ấy", thì mấy ông phải gọi mấy bà mấy mợ là… mệ nội! Các bà luôn "tới nơi tới chốn" chuyện tả thực, không giả đạo đức, đoan chính. Chỉ có thêm chứ không có bớt sự thực. Như ba lần thì nói chục lần, mới hơi sướng đã nói sướng mê tơi.

Ở Tàu, ở Nhật, ở Mỹ. Ở Việt Nam bây giờ cũng chẳng thua ai, nếu không nói là ăn đứt. Nhưng hình như ở lãnh vực này, các nhà văn nữ cũng khiến không ít người "ngã ngửa ra". Mà trước hết là mấy ông "nhà văn tưởng bở". Tôi sực nhớ tới một nhà văn nữ người Việt ở Washington DC. Trước lúc gặp, tôi đã đọc mấy truyện ngắn của cô. Ớn sườn quá! Vệ Tuệ, Đỗ Hoàng Diệu… không nhằm nhò chi. Nhưng khi gặp và chuyện trò ăn uống vui vẻ  suốt buổi chiều cho đến nửa đêm cùng đám bạn bè văn chương ở Thủ đô Hoa Kỳ, tôi chỉ thấy một người đàn bà mực thước, giữ gìn từng câu nói. Cái chất dữ tợn cô cất đâu trong sâu kín, chỉ "lộ" ra với thông tin là dù còn trẻ, cô đã kịp có… 5 đứa con ngang đầu nhau!

Ngay trong buổi đầu tiên gặp Y Ban trên chuyến lên Cao Bằng, tôi đã thấy danh bất hư truyền. Chuyện sex, khi chạm đến và mọi người hay "gợi ý" để nghe cho đỡ mệt đường dài, Y Ban kể tự nhiên như… gió, mau lẹ và thông minh. Nhưng tôi nhận ra rằng, không chỉ ở chuyện sex, mọi sự việc, mọi sự vật, mọi sắc thái giao tiếp của con người với con người, kể cả chuyện phòng the vợ chồng mình,…Y Ban đều gọi đúng tên, nói chính xác, không tránh né. Ngay buổi đầu tiên đó, tôi đã nghĩ, có thể Y Ban "vậy mà không vậy".

Đêm giao lưu văn nghệ với văn nghệ sĩ Cao Bằng, mọi người thay nhau lên đọc thơ và hát… Đột nhiên Y Ban đứng dậy và bước luôn lên sân khấu, không chờ ai mời. Cô nói khẽ với nhạc sĩ đệm đàn cô sẽ hát Đêm đông. Hoàng Minh Tường nhanh nhẩu đến cạnh xin được hát cùng, Y Ban khoát tay từ chối. Không, em chỉ hát một mình! Tôi ngẩn ra như đang nhìn và nghe một Y Ban khác hẳn, Y Ban thứ hai. Tha thiết và ngọt ngào… Đêm ấy Y Ban không chỉ hát Đêm đông. Và những lần sau, khi có khoảng không gian vừa lòng, Y Ban lại nhập hồn vào những giai điệu tiền chiến mà cô yêu thích. Tôi lờ mờ nhận ra ở con người này một nội tâm sâu thẳm, đau đớn với khát vọng, hiền mà dữ… Tôi chưa bao giờ gặp một người đàn bà như thế.

Bốn mươi năm trở lại Cao Bằng
Phố Vườn Cam còn nhớ tôi không
Có ai biết một lần tôi chết đuối
Khi đôi mắt ấy chưa đi lấy chồng…

Đó là thơ của Hoàng Minh Tường. Tôi dĩ nhiên chưa có một kỷ niệm riêng tư nào, vì lần đầu tiên tôi đến đây. Nhưng tôi cũng chưa cắt nghĩa rạch ròi được là vì sao lần đầu tiên tới Cao Bằng mà tôi mau chóng thấy gần gũi, thân tín với người và cảnh ở đây như vậy. Không hề có cảm giác là khách. Tôi chưa là chủ nhưng không phải là khách. Cả những đỉnh núi chót vót vần vũ mây trắng kia cũng không xa lạ. Và giọng hát then đàn tính thì ôi thôi, sao nhức nhối thân thương quá chừng. Non thì xanh nước thì biếc và con người  thiệt thà dễ thương. Nói đến Non Nước Cao Bằng giọng ai cũng hào sảng, kiêu hãnh.

Như Đoàn Lư bỏ nghề bác sĩ làm văn nghệ, viết gần ba chục đầu sách, phần lớn là về mảnh đất mà anh tự hào trên từng bước đi. Anh dẫn chúng tôi đi thăm đền thờ Nùng Chí Cao, say sưa ca ngợi người anh hùng lẫm liệt, có lẽ đứng hàng đầu trong bảng phong thần của cả đất nước này. Anh dẫn chúng tôi tới cả nơi ngóc ngách, phải chui qua cả bụi bờ, để đến những nơi có Cự-thạch, những viên đá khổng lồ mà theo anh đó  là chứng tích vô giá về lịch sử hàng ngàn năm oai hùng của dân tộc anh.

Lư tự hào rằng Cao Bằng là nơi sinh ra nhiều vị tướng nhất cho cách mạng… Và con người thì nồng nàn với bè bạn. Như Ngọc Minh một mình quán xuyến công việc Hội và tạp chí NON NƯỚC CAO BẰNG mà lúc nào cũng bên cạnh đoàn, đoàn đi xa còn lo rang hạt dẻ nóng cho bạn bè biết mùi thơm ngon của hạt dẻ Trùng Khánh. Buổi chia tay để ngày mai chúng tôi về xuôi, ly rượu Fia-boóc bao lần vơi lại đầy.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Anh cụng ly với tôi, với Thiều và Nguyễn Trí Huân, nói văn chương đã đi cùng chúng em ra trận, chúng em đã nghe đọc Dòng sông phẳng lặng hằng tháng trời trong buổi đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt nam khi đang là lính chiến trường. Em là người Hải Phòng nhưng bây giờ em mê man mảnh đất Cao Bằng này rồi. Anh kéo mấy cô đàn tính đẹp như tiên đến bên cạnh mình, nào chúng ta cùng hát, đừng để các anh ấy về xuôi… Khoan khoan đừng vội về… Sai dám ló sài dàm… Khoan khoan đừng vội về… Núi rừng còn thương bản làng còn nhớ… Người về mang theo tấm lòng quê tôi,Người về mang theo điệu Nàng ơi…Sai dám ló sài dàm…

Tô Nhuận Vỹ
.
.
.