Biến đổi khí hậu khiến người Bắc Cực: sống trong bất an

Thứ Ba, 22/12/2020, 08:16
Có thể nói một cách hoàn toàn chính xác rằng: Bắc Cực đang là “tuyến đầu” trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.


Không ít cộng đồng dân cư sống tại vùng cực bắc của Alaska, Canada và Nga hiện đã - đang phải gánh chịu hàng loạt hậu quả nặng nề từ hiện tượng Trái Đất nóng lên. Với việc các tảng băng vĩnh cửu tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nguy cơ các làng mạc, thị trấn, thành phố biến mất hoàn toàn dưới làn nước biển đang hiện hữu trước mắt con người ta.

Tuy vậy, không phải bất cứ ai cũng có cơ hội hiểu biết một cách tường tận về đủ những mối nguy hiểm khác nhau mà người dân Bắc Cực đang phải đối mặt hàng ngày, hàng năm. Cả mạng sống lẫn lối sống của họ đang đứng trên bờ vực biến mất vì biến đổi khí hậu. Đó là một sự thật phũ phàng.

Băng tan khiến xe tải không đem hàng đến được với các cộng đồng sống biệt lập tại Bắc Cực.

Mối nguy hại khôn lường tới sức khoẻ con người

Thực tế cho thấy, băng giá chứa đựng rất nhiều thứ bí hiểm, chứ hoàn toàn không hề đơn giản như người ta nghĩ. Cũng giống như đất đai, những tảng băng vĩnh cửu mang trong mình trầm tích của hàng triệu năm lịch sử. Có vô thứ nằm trong lòng băng giá: từ xác của các loài động vật thời tiền sử đến cả xác máy bay, tàu biển, v. v... Nếu chỉ nói riêng về CO2, các tảng băng tại Bắc Cực đã chứa đến 1,5 triệu tấn loại khí này, có nghĩa là chúng lớn gấp 40 lần lượng CO2 mà con người trên toàn thế giới thải ra trong năm 2019. Các nhà khoa học tỏ ra vô cùng lo ngại trước hiện tượng băng tan nhanh. Vì lẽ tình trạng trên khiến giải phóng CO2 vào khí quyển, từ đó dẫn  tới hiện tượng hiệu ứng nhà kính còn tồi tệ hơn trước.

Vậy nhưng điều nguy hiểm nhất mà băng tan đem lại là gì?! Đó chính là: Virus! Nhiều loại virus từ thời cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay do được bảo toàn gần như nguyên vẹn trong môi trường Bắc Cực lạnh giá. Trong hai cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 1992 và 2015, các nhà khoa học đã khoan sâu xuống 50m để lấy mẫu băng Bắc Cực. Kết quả được công bố hồi đầu năm 2020 cho biết, đã phát hiện ra 33 chủng virus mới, trong đó có 28 chủng cổ đại mà loài người chưa từng biết gì về chúng.

Nếu một trong những chủng virus này lây lan ra cộng đồng, hệ miễn dịch của con người sẽ không có cách gì chống cự lại với chúng được. Trong khi đó, các nhà khoa học sẽ phải tốn thêm rất nhiều thời gian nghiên cứu ra một loại vaccine. Nhưng để thử nghiệm thành vaccine ngăn ngừa COVID-19, một loại virus được biết đến từ lâu, nhưng cho đến nay, nhiều công ty dược phẩm trên thế giới đã phải mất trọn gần một năm. Thử hỏi khoảng thời gian tìm ra loại vaccine sẽ phải kéo dài trong bao lâu với loại virus mà người ta không hề có bất cứ kiến thức nghiên cứu từ trước?!

Những chú chó kéo xe chạy trên mặt băng đã tan một phần.

Chưa nhắc gì đến virus, sự ô nhiễm của các đỉnh núi cũng là một mối nguy mà người dân Bắc Cực phải đối mặt hàng ngày, như trong trường hợp núi Denali tại Alaska chẳng hạn. Đây là đỉnh núi cao thứ ba thế giới và cao nhất tại Bắc Mỹ. Mỗi năm có khoảng 1.100 lượt khách du lịch leo lên đỉnh núi Dinali. Trong quá trình leo núi thám hiểm, du khách thường xuyên dừng lại để nghỉ ngơi, ăn uống và chăm sóc các nhu cầu cá nhân khác. Và thế là, người ta mặc sức “vô tư” thải ra nào là vỏ giấy, hộp nhựa đến cả phân và nước tiểu.

Trước đây nhiệt độ trên núi Dinali bao giờ cũng dưới 0 độ nên số chất thải trên đông cứng tại chỗ. Nhưng kể từ hơn 10 năm trở lại đây, nhiệt độ có thể lên đến hơn 5 độ C vào mùa hè. Băng tan chảy, đem theo biết bao nhiêu thứ chất bẩn từ trên đỉnh núi xuống. Theo ước tính của Cục Quản lý vườn quốc gia Mỹ, kể từ năm 1951 đến nay, những người leo núi đã thải ra khoảng 70 tấn phân trên đỉnh Dinali. Lượng chất thải này đủ để “đầu độc” toàn bộ ba con sông Teklanika, Toklat và McKinley giao nhau dưới chân núi.

Hiện mức độ các loại vi khuẩn như E-Coli trong nước của ba con sông kể trên đã vượt mức an toàn gấp nhiều lần. Tỷ lệ này sẽ còn “nhích không ngừng” do nhiệt độ trung bình Alaska tiếp tục tăng, đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng trên đỉnh núi Dinali. Các ngôi làng, thị trấn nằm bên ba dòng sông đã nhận được cảnh báo không sử dụng nước sông trong sinh hoạt và sản xuất. Nhưng trong bối cảnh họ không có đủ tiền xây dựng nhà máy lọc nước hay kéo đường ống nước sạch, người dân không còn sự lựa chọn nào khác, đành “sống chung với… nước bẩn” mà thôi.

Một vấn đề có liên quan là việc thiếu hệ thống thoát và xử lý nước thải hiện đại. Hầu hết người dân Bắc Cực sống trong các cộng đồng nhỏ dưới 10.000 người. Việc xây dựng ngầm lại gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và nền băng không ổn định. Đây là lý do vì sao nhiều ngôi làng, thị trấn vẫn phải sống với cảnh xả nước thải trực tiếp ra các con sông. Việc này không những làm ô nhiễm chính nguồn nước họ sử dụng hằng ngày, mà vào mùa hè khi các trận lũ xảy ra, nhiều nơi nhanh chóng bị nhấn chìm trong nước bẩn.

Chỉ vài năm nữa thôi thị trấn Kivalina, bang Alaska, Mỹ sẽ bị nước biển nhấn chìm hoàn toàn.

Sau trận lụt lịch sử hồi năm 2019, chính quyền bang Nunavut của Canada đã phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp sau khi tỷ lệ phát các bệnh kiết lị, tiêu chảy, nấm ăn da,… tăng vọt. Cơ sở hạ tầng y tế tại Nunavut (và nhiều địa phương khác ở Bắc Cực) lại vô cùng thiếu thốn, có khi người dân phải vượt hàng nghìn ki-lô-mét mới đến được một bệnh viện đạt chuẩn. Nếu trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai, chắc hẳn số lượng nạn nhân không nhận được sự cứu chữa kịp thời sẽ cao gấp nhiều lần.

Gian nan tìm đường… sống

Công nghiệp hoá gần như chưa hề chạm tới Bắc Cực. Người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào nghề nghiệp của ông cha họ truyền lại như, đánh cá; nuôi trồng thuỷ sản; chế tác đồ gỗ, v.v…Vậy nhưng những công việc có tuổi đời hàng nghìn năm này đang chịu sự đe doạ nghiêm trọng từ điều kiện môi trường thay đổi đến mức không ai lường trước được.

Lấy ví dụ như nghề câu cá. Do đặc tính của mình mà bao giờ cũng có nước ở phía dưới mặt băng, các loài sinh vật biển vẫn thoải mái sống được. Người Inuit và các dân tộc ít người phương Bắc khác mới có truyền thống khoan xuống mặt băng rồi thả móc câu qua lỗ khoan. Vậy nhưng chỉ trong một mùa hè năm 2018, đã có hơn 20 thợ câu cá gặp tai nạn khi khoan băng. Họ vừa mới khoan được vài phân thì mặt băng đã rạn nứt rồi sụp xuống. Trong trường hợp nạn nhân may mắn leo lên được mặt băng trước khi chết trong làn nước lạnh, cơ thể họ cũng đã mất nhiệt đủ để chịu hậu quả tiêu cực. Nhiều người đã phải cắt bỏ chân đi sau khi ngâm mình trong nước lạnh do máu không chảy được xuống các cơ, gây ra hiện tượng hoại tử.

“Thủ phạm” ở đây chính là hiện tượng Trái Đất nóng lên. Người Inuit từ trước đến nay luôn tự hào về khả năng đoán độ dày, mỏng của băng. Họ chỉ cần liếc mắt qua thôi cũng đoán được nền băng chịu được khối lượng, áp lực bao nhiêu. Khả năng này giống như bản năng tự nhiên đối với họ vậy. Nhưng vì Trái Đất nóng lên mà không những nền băng mỏng hơn trước nhiều lần, toàn bộ khối kinh nghiệm truyền thống của người dân bản địa cũng thành vô dụng. Nhiều người Inuit cứ “vô tư” làm theo bản năng của mình cho nên mới sụp hố băng, phải chịu hậu quả thương tiếc.

Nền băng yếu đi còn khiến cho việc di chuyển trên Bắc Cực trở nên vô cùng nguy hiểm. Các ngôi làng, thị trấn biệt lập buộc phải sống nhờ vào những chuyến xe container chở nhu yếu phẩm đến với họ hằng tuần. Nhưng ngày càng có nhiều trường hợp xe đang đi thì sụp hố băng. Chính bởi thứ “tai nạn rủi ro” ấy cho nên đã khiến cho thực phẩm, hàng hoá thiết yếu không thể đến được với người dân. Nếu như trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, giá cả hàng hoá những nơi khác tăng từ 10-30%, thì tại vùng cực bắc Canada giá có thể nhảy một lúc hơn 50%.

Một khối băng lấy từ Bắc Cực đang được các nhà khoa học kiểm tra xem có chứa mầm bệnh gì không.

Giáo sư Pertice Moffitt, giảng dạy tại Trường đại học Aurora, Canada, đã có nhận xét: “Các bang Đông Bắc Canada là nơi mất an ninh lương thực nhất trên toàn quốc. Nhiều gia đình không thể nào tự nuôi sống được bản thân mà phải dựa vào đồ ăn do các nhà hảo tâm đóng góp. Một số quỹ từ thiện phần vì quá tải, phần vì thiếu ngân sách nên đã phải đóng cửa. Chính điều đó đã vô tình  đặt không biết bao nhiêu hộ gia đình vào vòng nguy hiểm!”.

Bà Pertice còn nói thêm về những nạn nhân đầu tiên của việc mất an ninh lương thực, đó chính là trẻ em với những nhận định không hề vui vẻ như sau: “Hiện riêng tại bang Nunavut đã có khoảng 30% trẻ em thiếu ăn, suy dinh dưỡng trầm trọng. Tỷ lệ này sẽ còn tăng mạnh vì trường học bị đóng cửa để phòng dịch, khiến cho các em không còn nhận được bữa trưa miễn phí do chính phủ trợ cấp. Nếu chúng ta không sớm hồi phục được nguồn cung hàng hoá và kiểm soát tốt giá cả, tình trạng trẻ em thiếu ăn sẽ còn trở nên trầm trọng và gây ra ảnh hưởng lâu dài lên sự phát triển sức khoẻ - trí tuệ của các em về lâu dài!”.

Nói đi cũng phải nói lại, khả năng tự chủ thực phẩm của người dân Bắc Cực đã và đang trượt dốc. Sự suy giảm số lượng các loài sinh vật biển gây ảnh hưởng trực tiếp lên các bữa ăn. Các giống thuỷ sản có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khá tốt, nhưng môi trường Bắc Băng Dương đã thay đổi đến mức chúng không thể bắt kịp được. Có khoảng 25% lượng khí CO2 do con người thải ra sẽ được đại dương hấp thu, từ đó làm thay đổi độ pH của nước biển. Theo báo cáo của Cục Khí tượng Mỹ, độ pH của nước biển Bắc Cực đã giảm từ 8,2 xuống 8,1. Hay nói theo cách khác, tính axít tăng lên. Cứ với cái đà này, độ pH trung bình tại Bắc Băng Dương sẽ giảm còn 7,8 vào cuối thế kỷ này.

Nhiều cộng đồng người Canada sống tại Bắc Cực đang bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu.

Các loài giáp xác (tôm, cua, v.v…) và động vật thân mềm (ngao, sò, v.v…) vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi độ pH. Tính axít của nước biển tăng lên đã ăn mòn lớp vỏ của những giống loài này và khiến chúng dễ tử vong hơn. Chỉ cách đây vài tháng có đến 20 tấn sò tại vùng Primorsky (Nga) đột nhiên chết hàng loạt. Cùng lúc đó những người nông dân sống tại vùng chuyên nuôi và kinh doanh cua tại Dungeness ở Alaska cũng chịu tai nạn tương tự, rơi vào cảnh trắng tay. Hậu quả của tình trạng độ pH giảm tăng theo cấp số nhân, do nó gây ảnh hưởng trực tiếp lên giới vi sinh vật - thức ăn chính của các loài cá. Và những rạn san hô - nơi ở chính của các loài cá. Rất có thể trong tương lai gần ngành thuỷ sản tại cực bắc Mỹ, Canada và Nga sẽ biến mất.

Thử đi tìm hướng khắc phục

Hơn bao giờ hết, Bắc Cực đang rất cần những nguồn vốn khổng lồ để tiến hành đầu tư phòng chống biến đổi khí hậu. Mong muốn hàng đầu của người dân và các cấp chính quyền ở đây là có vốn nâng cấp, sửa chữa, hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng. Điều kiện tự nhiên và mật độ, cơ cấu dân số khiến việc xây dựng tại nơi đây vô cùng khó khăn. Hiện tại, các vùng lãnh thổ cực bắc đều đang thiếu những dịch vụ công cơ bản nhất như điện - đường - trường - trạm. Như ở Alaska có đến 30 ngôi làng với tổng số dân 12.000 người, ấy thế nhưng chưa bao giờ người ta được sử dụng nguồn nước sạch. Bước đầu của bất kỳ kế hoạch phòng chống biến đổi khí hậu nào cũng phải là khắc phục được lỗ hổng cơ sở hạ tầng, tạo “chỗ dựa” vững chắc cho người dân.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế phát triển, thay đổi cơ cấu ngành nghề tại Bắc Cực cũng là một vấn đề rất đáng được đặt lên bàn nghị sự. Chắc các ngành nghề truyền thống địa phương sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nữa từ biến đổi khí hậu. Nhu cầu tìm những công việc mới trong dân là rất thật và rất cấp bách. Vậy nhưng có vẻ không ai có một câu trả lời hợp lý cả. Các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao tại Mỹ, Nga và Canada cho đến thời điểm này chưa tỏ ra bất kỳ có dấu hiệu nào rằng họ sẽ mở rộng hoạt động ở Bắc Cực. Trong khi đó, hai lĩnh vực du lịch và khai thác dầu khí, tuy đã tạo nguồn lợi không thể chối cãi được cho người dân, nhưng cũng gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường.

Hiện tại vẫn còn quá nhiều vấn đề cần bản thảo để tìm được một hướng giải quyết cho vấn đề biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Các diễn đàn thế giới hầu như đã “đóng băng” hoàn toàn vì đại dịch COVID - 19 và hàng loạt  chấn động kinh tế - xã hội khác. Vậy nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu giúp người dân vùng Bắc Cực có thêm lòng tin vào năm 2021 như việc đưa vào sử dụng vaccine chống COVID-19. Hay những tuyên bố của chính quyền tổng thống Joe Biden sắp lên nhậm chức về việc tham gia lại các thoả thuận chống biến đổi khí hậu. Mong rằng các bên liên quan sẽ sớm ngồi lại vào bàn đàm phán và đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề mang tính thời sự và khả thi nhất trước khi biến đổi khí hậu gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự tại Bắc Cực, ấy thế!

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.
.