Biện pháp mạnh là cần thiết

Thứ Hai, 27/02/2017, 13:51
Câu chuyện về những nhà nổi, du thuyền Hồ Tây không chỉ bôi lem "mặt gương" Hà Nội mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sống quan đây đã tồn tại từ thế kỷ trước.


Nhiều lần lắm, chính quyền thành phố họp hành, lập kế hoạch, phân công trách nhiệm, phối hợp các lực lượng… để di dời số nhà nổi, du thuyền này, trả lại cảnh quanh nơi đây. Nhưng rồi, mọi kế hoạch vẫn nằm im trên giấy. Và một thời gian sau, tất cả rơi vào im lặng.

Dịp này năm ngoái, lãnh đạo thành phố đã có một cuộc họp quan trọng, với quyết tâm "làm sạch" Hồ Tây mà điểm nóng nhất là xóa sổ những nhà nổi, du thuyền bởi giấy phép hoạt động đã hết hạn, tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng, nhất là vào những ngày hè nóng nực.

Minh họa của Lê Tâm.

Vậy mà chẳng biết vì những lý do đặc biệt gì, những nhà nổi, du thuyền đó vẫn ngang nhiên tồn tại, tối tối vẫn rực sáng đèn, người lên kẻ xuống vẫn tấp nập và rác rưởi vẫn lềnh phềnh trên mặt nước.

Đến thời điểm này, trên Hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không hề được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác.

Bên cạnh đó, 10 đơn vị còn lại hiện đang có hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi Hồ Tây cũng không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Vấn đề trên sẽ tồn tại đến bao giờ? Lẽ nào các quyết định của chính quyền chỉ mang tính hình thức mà không thể có hiệu lực trong đời sống? Và người ta có quyền đặt câu hỏi, một vấn đề nổi cộm bao năm nay, việc giải quyết triệt để không phải là quá khó khăn mà còn không làm được thì những việc khác lớn hơn, phức tạp hơn diễn ra trong thành phố gần chục triệu người này chắc chắn sẽ rất khó để giải quyết.

Rất may, mới đây, UBND quận Tây Hồ có kế hoạch yêu cầu các nhà nổi, du thuyền Hồ Tây phải tự tháo dỡ, di dời trước ngày 10-3, nếu không quận sẽ tổ chức cưỡng chế. Cụ thể, các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2 - 10 Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2 này.

Còn các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy xong trước ngày 10-3. Quá thời hạn nêu trên, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Tất nhiên, các công trình này khi tháo dỡ cũng không được đền bù bất kỳ một khoản gì. Hy vọng rằng, với biện pháp mạnh này, Hồ Tây sẽ được trả lại vẻ đẹp vốn có và kết thúc câu chuyện dai dẳng này.

Vậy đấy, khi hiểu biết pháp luật còn hạn chế, khi việc chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, khi những quyết định của chính quyền mang nặng tính hình thức thì những vấn đề nóng sẽ không được giải quyết ổn thỏa. Biện pháp mạnh là cần thiết, để lập lại trật tự xã hội và gây dựng niềm tin của nhân dân vào bộ máy quản lý nhà nước.

Như những thành phố lớn trong cả nước, Hà Nội cũng luôn có những vấn đề bức xúc, song những bức xúc này có phần căng hơn, phức tạp hơn bởi mật độ dân cư đông đúc với cơ sở hạ tầng trong nội đô ngày càng xuống cấp. Đó là nạn ùn tắc giao thông, trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm và sự gia tăng của các loại tội phạm.

Những bức xúc trên có được giải quyết không và các cơ quan hữu quan có vào cuộc một cách quyết liệt, triệt để? Chưa thể có được câu trả lời chính xác, nhưng người ta có quyền hy vọng vào một thành phố văn minh, xanh - sạch - đẹp và con người sống với nhau nhân ái hơn. Để có được điều đó, rất cần các nhà lãnh đạo đưa ra những quyết sách hợp lý, có tầm nhìn xa, phù hợp với xu thế hội nhập và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Tất nhiên, không có việc gì là dễ dàng và tạo ngay được sự đồng thuận. Cùng với các biện pháp mềm dẻo như tuyên truyền, vận động, thuyết phục thì những biện pháp cứng rắn là cần thiết khi có những tổ chức, cá nhân cố tình không tự giác chấp hành. Đây là một việc làm cần thiết, không chỉ thể hiện uy quyền của Nhà nước mà còn mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Tuấn Nguyễn
.
.
.