“Biệt đội”­ nữ cứu nạn cứu hộ

Thứ Năm, 24/05/2018, 14:12
5 cô gái với 5 cá tính khác nhau, người đã có gia đình, người vẫn còn độc thân nhưng họ cùng chung một niềm đam mê chinh phục “giặc lửa”, cứu người bị nạn.

“Biệt đội nữ” cứu nạn cứu hộ (CNCH) thuộc Phòng CNCH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội là đội nữ duy nhất trong cả nước được thành lập thí điểm đầu tiên để làm nhiệm vụ CNCH trên cạn cũng như dưới nước. 

Năm nữ chiến sĩ được mệnh danh là năm "bông hoa thép" của Phòng CNCH đó là Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Đội trưởng; Đại úy Phan Thị Ngọc Anh, Đội phó; Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan; Thượng úy Trần Thị Thủy, Thiếu úy Nguyễn Thị Lụa.

Chính vì là “biệt đội” đầu tiên nên 5 chiến sĩ nữ nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của bạn bè, đồng nghiệp mà cả dư luận trong nước. 

Thế nhưng có chứng kiến buổi luyện tập gian khổ của các chị mới thấy hết được niềm đam mê với nghề và tinh thần thép của những người phụ nữ tưởng chừng như chân yếu tay mềm, chỉ biết đến công việc bàn giấy.

Giữa trời nắng nóng lên đến 38-39 độ C, mang trên mình bộ quần áo bảo hộ vừa nặng, vừa nóng nhưng các chị đều nhanh nhẹn, thoăn thoắt thực hiện những động tác khó như các đồng nghiệp nam. 

Một màn đu dây cheo leo cực kỳ ngoạn mục trên toà nhà cao tầng chính là nơi làm việc thường ngày của cả phòng, mà nói như Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng CNCH thì nam giới còn không dẻo dai và nhanh nhẹn bằng. 

Ngày nào cũng hai ca luyện tập khắc nghiệt, mang những đồ bảo hộ nặng thực hiện những thao tác nguy hiểm, 5 chiến sĩ nữ nhận được sự cảm phục từ chính những đồng nghiệp của mình. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, các chị đã có những chia sẻ chân thành về chuyện đời, chuyện nghề của mình.

Năm nữ chiến sĩ được mệnh danh là năm "bông hoa thép" - Phòng Cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC Hà Nội.

Với Đại uý Nguyễn Thị Ngọc Lan, dù đã có gia đình, gần 40 tuổi, nhưng khi Phòng CNCH - Cảnh sát PCCC Hà Nội được thành lập vào tháng 7-2017, chị vẫn xung phong xin về công tác tại Đội CNCH dưới nước.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan tâm sự, chị được thừa hưởng sự can trường, mạnh mẽ từ người mẹ - một giáo viên võ thuật của Trường Cao đẳng Trại giam. Còn thể lực và sức bền là do lao động từ nhỏ. 

Sinh ra ở đất chè Thái Nguyên, từ bé Ngọc Lan đã phải ra đồng làm ruộng, cuốc đất trồng rau, hái chè phụ giúp bố mẹ. Sau này khi công tác trong lực lượng Công an, chị vẫn giữ thói quen tập luyện, tham gia các phong trào thể thao. Hầu như giải bắn súng ngắn quân dụng lần nào, chị và cậu em trai (cũng công tác trong Công an) đều góp mặt và đoạt giải.

Để đáp ứng công việc chuyên môn, vừa học thêm văn bằng 2 về nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC-CNCH, Đại uý Nguyễn Thị Ngọc Lan vừa tích cực cùng anh em tập luyện các phương án cứu chữa người bị nạn trong các vụ cháy.

Ở Phòng CNCH, Đại uý Nguyễn Thị Ngọc Lan là nữ chiến sĩ duy nhất tham gia Đội CNCH dưới nước, với khả năng và nghiệp vụ không thua kém gì các đồng đội nam.

Nếu như ở trên cạn, người lính CNCH còn có thể quan sát được hiện trường thì ở môi trường dưới nước như sông, hồ gần như không thể nhìn thấy gì. Những người lính cứu hộ phải dùng dây để định hướng và liên lạc với nhau. 

Chỉ cần một sơ suất nhỏ để tuột tay khỏi dây thì có thể bị trôi đi hàng chục mét. Đã có trường hợp một người lính CNCH dưới nước khu vực phía Nam, khi xuống cứu người ở khu vực nước xiết, bị tuột khỏi sợi dây này đã bị nước cuốn đi và anh dũng hy sinh.

Buổi tập thực địa đầu tiên của Đại úy Ngọc Lan và đồng đội là ở hồ Linh Đàm. Với cư dân sinh sống ở khu vực này, hồ nước khá đẹp và lãng mạn, nhưng với những người lính CNCH dưới nước, phải lặn sâu xuống 4-5m, mới biết hồ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Lòng hồ đen ngòm, đầy bùn rác, đá sỏi và nước thải hôi thối. Nước bẩn ngập ống thở. Mối liên hệ duy nhất của những người lính là sợi dây. 

Biết là xung quanh có đồng đội, nhưng Đại úy Ngọc Lan vẫn không khỏi hoang mang. Nếu như trước đó tập luyện trong bể bơi, mọi người vẫn nhìn thấy nhau thì bây giờ, xung quanh chỉ là một màu đen kịt. Mặc đồ lặn kín toàn thân nhưng khi xuống sâu, nước lạnh thấu xương. Đã thế, mỗi người còn đeo một bình thở nặng khoảng 20kg.

Với Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, là nữ chiến sĩ lớn tuổi nhất của Đội nữ CNCH khi chị đang bước sang tuổi 41, thì những bài tập nặng nhọc, vất vả, hiểm nguy vẫn không làm nhụt chí người phụ nữ đam mê với nghề CNCH. Chị cũng là nữ chỉ huy được đào tạo bài bản, tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học PCCC.

Sau khi tốt nghiệp, Trung tá Nguyễn Thị Hiền được phân công về đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Tây (cũ) và khi thành lập Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, chị được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp. 

Những tưởng công tác tham mưu thì chỉ làm bàn giấy, sổ sách, báo cáo, với lại phụ nữ thì ai lại tham gia leo trèo, đu dây như đàn ông, thế nhưng khi Đội nữ CNCH được thành lập, chị cũng xung phong về công tác tại đội để thử thách chính mình. 40 tuổi nhưng chúng tôi vẫn thấy chị đu dây thoăn thoắt, mọi hành động đều chính xác đến tuyệt đối. 

Chị bảo, ngày nào chị em trong đội cũng đến cơ quan sớm để tập chạy trong vòng 1 giờ. Một ngày hai lần thực hiện các bài tập khó để phục vụ cho công tác CNCH. 

Thực tế CNCH nguy hiểm hơn sức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều, bởi thế, các cán bộ nữ cũng như các cán bộ chiến sĩ của Phòng CNCH đều đưa ra những tình huống luyện tập khá gắt gao. 

Thao trường của những người lính CNCH là chính tòa nhà nơi làm việc của đơn vị. Còn nơi luyện tập cứu nạn dưới nước là các hồ nước tự nhiên: Linh Đàm, Hồ Tây….

Và để có những động tác chính xác tuyệt đối, an toàn thì mỗi người phải tự nâng cao trách nhiệm, học hỏi, rèn luyện bởi “sai một ly sẽ đi một dặm”. 

“Chỉ một mối buộc dây thôi cũng phải học mất hàng tuần. Trong nhiệm vụ thực hiện leo dây, đu dây nếu mình chưa an toàn thì làm sao cứu người được. Vì vậy, từ cách móc dây an toàn cho mình phải chuẩn xác, nhanh và tiện lợi nhất. Mỗi động tác hạ độ cao cũng phải bình tĩnh, tự tin và an toàn tuyệt đối”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ. 

Khi chúng tôi hỏi, gia đình có phản đối khi theo đuổi cái nghề khá nguy hiểm này không, nhất là khi chị đã lớn tuổi thì chị chỉ cười và bảo đó là đam mê, là tình yêu với nghề. May mắn cho chị là các con đều đã lớn, chồng chị cũng công tác trong lực lượng Cảnh sát PCCC nên rất hiểu và thông cảm cho công việc cũng như niềm đam mê của vợ.

Còn với Đại úy Phan Thị Ngọc Anh, dù đã có gia đình, công việc hành chính đang nhàn nhã nhưng chị vẫn quyết định dấn thân khi xung phong vào Đội nữ CNCH để thể hiện chính mình. 

Mới đầu chưa quen với cường độ luyện tập, Đại uý Phan Thị Ngọc Anh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Những ngày nắng nóng vẫn phải mặc bộ quần áo chuyên dụng dày cộp, lại bịt kín từ đầu đến chân, mồ hôi không thấm được và cứ chảy ròng ròng. Mùa đông lạnh căm căm vẫn đu dây, leo tường… đôi bàn tay dù có đồ bảo hộ nhưng nhiều khi vẫn phồng rộp, xước xát. 

“Sợ nhất những ngày đầu làm nhiệm vụ tại buổi diễn tập phương án lớn. Trong tòa nhà cao mấy chục tầng mất điện tối thui, khói mù mịt khiến mắt cay xè nhưng mình vẫn đu dây từ trên cao xuống. Khi đó mình vừa thả dây vừa tự động viên mình. Cứ thế dần dần thành phản xạ tự nhiên, trong các buổi tập tại thao trường, và trong diễn tập phương án đều rất thoải mái mà không hề bị căng thẳng”, Đại úy Phan Thị Ngọc Anh tâm sự.

Thượng úy Trần Thị Thủy, Thiếu úy Nguyễn Thị Lụa là hai chiến sĩ nữ chưa có gia đình, tuổi đời còn khá trẻ nhưng khi quyết định gia nhập Đội nữ CNCH là các chị xác định gác bỏ tình riêng, gia đình sang một bên, quyết tâm theo đuổi cái nghề nặng nhọc, nguy hiểm này đến cùng.

Dưới nắng nóng trưa hè vẫn hăng say luyện tập.

Dành những lời ưu ái cho Đội nữ CNCH đặc biệt này, Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng CNCH cho biết: “Chính phủ đã giao cho lực lượng PCCC là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ CNCH hàng ngày như cứu người bị nạn trong các vụ cháy nổ; cứu người bị nạn trong tai nạn giao thông, trong sự cố sập đổ công trình, sạt lở đất đá; cứu người bị mắc kẹt ở trên cao, dưới sâu, trong thang máy; người bị đuối nước. 

Đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm vì những người tham gia CNCH phải hoạt động trong môi trường cháy, nổ; hoạt động ở trên cao cheo leo hay dưới hố sâu tăm tối; hay phải hoạt động trong một không gian chật hẹp, không có ánh sáng, thiếu oxy và có khói, khí độc…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là phải cứu được người bị nạn trong các sự cố, tai nạn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho CBCS tham gia CNCH thì cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hà Nội phải đảm bảo thể lực và thành thạo các kỹ năng CNCH. Muốn làm được điều này, chúng tôi phải tổ chức luyện tập hàng ngày với các tình huống giả định phức tạp hơn so với thực tế và cường độ tập luyện rất cao.

Các cán bộ chiến sĩ nữ tại Phòng CNCH cũng phải tham gia luyện tập và tham gia CNCH cùng các đồng chí nam giới. Do yếu tố thể chất cũng như tâm lý của phụ nữ có phần khác so với nam giới nên để đạt được yêu cầu về huấn luyện và chiến đấu, các đồng chí nữ đã phải cố gắng rất nhiều và họ đều đảm bảo được giáo án theo yêu cầu của ban huấn luyện.

Lực lượng CNCH nữ rất có hiệu quả trong việc tiến hành sơ cấp cứu ban đầu với các nạn nhân nữ ngay tại hiện trường sự cố, tai nạn trong khi chờ các lực lượng y tế đến hoặc nơi hiện trường có nhiều nguy hiểm mà lực lượng y tế không tiếp cận được”.
Tuấn Trình- Ngọc Trâm
.
.
.