Biết đủ để vui trọn vẹn

Chủ Nhật, 11/02/2018, 07:25
40% nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe uống rượu, bia gây ra - đó là thông tin tại buổi công bố và ký kết chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2018” giữa Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Hiệp hội Các doanh nghiệp rượu Châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) mới đây tại Hà Nội.


Thực tế, thông tin trên không phải là mới bởi những con số nhức nhối đó đã tồn tại nhiều năm nay. Song, vào những ngày cận Tết, khi mọi người dân cả nước đang tất bật sắm sửa để có một cái Tết đoàn tụ, ấm áp thì nó lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng TNGT trong những ngày Tết.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, số liệu từ Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người, bị thương 417 người. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường bộ. Tuyến đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn nào.

Minh họa: Lê Tâm.

Vào những ngày Tết, người ta chỉ nói tới chuyện may mắn, tài lộc. Ngay cả bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện cũng muốn về nhà để hưởng trọn vẹn không khí ngày Tết với người thân. Thế nhưng, một tai nạn xảy ra, nhẹ thì bị thương, nặng thì tử vong khiến cho cả gia đình đau đớn, mất Tết, nó còn như điềm báo một năm xui xẻo.

Vào những ngày Tết, người ta uống bia, rượu nhiều hơn. Hầu như đến cơ quan nào, gia đình nào cũng mời nhau uống. Mỗi nơi lại một loại bia, rượu khác nhau, người tửu lượng khá còn cảm thấy mệt mỏi chứ đừng nói tới người bị ép uống, họ sẽ khó xử và mệt mỏi tới mức nào.

Bạn bè tôi từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới cũng phải thốt lên rằng: chưa thấy nơi nào kỳ lạ như nước mình. Trong bữa tiệc, họ ép nhau uống bằng được, từ chỗ mời uống lịch sự đến những lời khích bác, kích động.

Nhiều vị chứng tỏ “bản lĩnh” của mình bằng cách uống rượu mạnh như nước lọc và sau những bữa tiệc đó, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để về nhà. Sự mất kiểm soát bản thân của người say rượu là nguyên nhân của nhiều hệ lụy khác.

Trong nhiều nhà hàng ở châu Âu, khách đến ăn chỉ sử dụng rượu vang, đa số mỗi người uống vài ba ly. Còn muốn uống nhiều bia, rượu mạnh, mời bạn đến bar. Nơi đó, bạn có thể uống tùy thích.

Còn trong nhà hàng, thực khách không thể nói chuyện ồn ào, càng không thể nốc rượu rồi hò hét gây khó chịu đến những người có mặt tại đó.

Chắc bạn đọc đã quá hiểu những tác hại do việc uống rượu gây ra. Song nhắc lại cũng không thừa, nhất là vào những ngày năm hết Tết đến, đâu đâu cũng thấy liên hoan, tiệc tùng. Rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân.

Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện, nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Đương nhiên, một khi đã sử dụng nhiều thì kèm với nó sẽ là rất nhiều bệnh tật, cụ thể: thiếu máu, ung thư, tim mạch, xơ gan, mất trí nhớ, rối loạn thần kinh, gout, huyết áp cao, viêm loét dạ dày…

Nghiện bia, rượu còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như bạo hành gia đình, gây rối trật tự xã hội. TNGT tăng vọt và thương tâm có liên quan rất nhiều đến rượu, bia bởi khi uống quá nhiều, người điều khiển phương tiện sẽ mất kiểm soát hành vi và không thể đủ tỉnh táo để xử lý những tình huống trên đường.

Các cuộc vui sẽ vui hơn nếu có chút men rượu. Nó khiến con người hưng phấn hơn, cởi mở hơn. Song, cuộc vui sẽ trở nên trọn vẹn, ý nghĩa khi chúng ta biết uống vừa đủ, dừng lại đúng lúc. Xin đừng ép nhau uống rượu và coi đó là thú vui của cánh mày râu.

Bởi rượu vào không chỉ lời ra, dễ dẫn đến mâu thuẫn, hiểu lầm mà còn tiềm ẩn những rủi ro khác. Đó cũng là lời cảnh báo cho những người tìm thú vui trong men rượu bởi hậu quả xảy ra luôn là nỗi đau mà chúng ta không thể lường hết được.

Tuấn Nguyễn
.
.
.