Binh chủng lính thủy đánh bộ Nga tròn 315 tuổi

Thứ Tư, 02/12/2020, 10:10
Ngày 27/11, nước Nga kỷ niệm Ngày của Binh chủng Lính thủy đánh bộ, chính thức xác lập theo lệnh của Tổng tư lệnh Hải quân Nga vào năm 1995. Lực lượng lính thủy đánh bộ thực sự có cùng độ tuổi với hải quân Nga.

Trải qua vài thế kỷ, họ trở thành binh chủng tinh nhuệ của quân đội: được trang bị tốt, trình độ huấn luyện không thua kém gì những “đồng nghiệp” nổi tiếng từ Hoa Kỳ. Lính thủy đánh bộ có thể kết hợp với lực lượng lục quân hoặc hoạt động độc lập.

Ký họa lịch sử

Sự hình thành hiện nay của lực lượng lính thủy đánh bộ gắn liền với tên tuổi của Sa hoàng Piotr I (Đại đế) và với cuộc đấu tranh của Nga giành quyền tiếp cận các lối ra biển vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Lúc đầu, vai trò của lực lượng này được giao phó cho các đơn vị trung đoàn bộ binh cận vệ  thuộc lực lượng lục quân - Preobrazhensky và Semyonovsky, trực thuộc quyền điều động của các thuyền trưởng. Họ đã vượt qua thành công lần ra mắt năm 1701-1703, đánh bật hai tàu chiến lớn của Thụy Điển và bảo vệ được hòn đảo chiến lược quan trọng Kotlin ở cửa sông Neva (hiện là căn cứ lâu đời nhất của Hạm đội Baltic  Nga Kronstadt, về mặt hành chính nằm trong ranh giới của St.Piotrsburg). Vua Piotr I đã quyết định thành lập một trung đoàn "lính biển", và vào ngày 27-11-1705, sắc lệnh đặc biệt của hoàng gia được ban hành về vấn đề này. "Những người lính biển" đã tham gia nhiều trận đánh trong cuộc chiến tranh Nga - Thụy Điển, kéo dài đến năm 1721.

Thủy quân lục chiến Hạm đội Biển Bắc đổ bộ lên bờ biển đang bị kẻ thù chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong thế kỷ 18, các hoạt động đổ bộ thuần túy đã trở thành trọng tâm chính của lính thủy đánh bộ, tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 1768-1774. Và trong chiến dịch Địa Trung Hải của hải đội dưới quyền Đô đốc Fyodor Ushakov năm 1798-1800, với mục đích chống lại sức mạnh chiến tranh của nước Pháp thời Napoléon.

Năm 1810, "Thủy thủ cận vệ đoàn" được thành lập, thành phần độc đáo của hạm đội Nga: đồng thời là thủy thủ và bộ binh cận vệ. Họ tham gia Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 - đẩy lùi sự xâm lược của Napoléon I, và trên thực tế, của toàn bộ lục địa châu Âu chống lại Nga.

Năm 1813, lực lượng lính thủy đánh bộ được chuyển từ hải quân sang lục quân và hầu như không còn tồn tại. Nhưng cuộc Chiến tranh Krưm 1853-1856 không thành công đối với Nga đã chứng minh sai lầm của quyết định như vậy.

Chỉ trong năm 1911, Bộ chỉ huy Hải quân Đế quốc Nga đã phát triển dự án thành lập các đơn vị bộ binh thường trực trong các căn cứ chính của hạm đội. Một số trong đó dự định sử dụng cho các mặt trận trên bộ, một số khác dành cho các chiến dịch hải quân trong các hoạt động quân sự, nhưng sau cuộc cách mạng năm 1917, lực lượng lính thủy đánh bộ ở Nga lại biến mất. Và chỉ được hồi sinh ở Liên Xô vào trước Chiến tranh thế giới thứ hai, vào tháng 7-1939.

Thủy thủ Hạm đội phương Bắc nạp ngư lôi lên ca nô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Lính thủy đánh bộ Liên Xô trong Thế chiến II

Vào thời điểm Đức Quốc xã tấn công Liên Xô vào ngày 22-6-1941, Hải quân Liên Xô chỉ có một lữ đoàn hải quân. Họ đã có một số kinh nghiệm thực chiến trong cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan vào mùa đông năm 1939 - 1940.

Ngay trong giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, giới lãnh đạo quân sự - chính trị Liên Xô vội vã bắt đầu thành lập các đơn vị lính thủy đánh bộ, lấy từ thủy thủ đoàn trong tất cả các hạm đội. Tổng cộng, trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, 19 lữ đoàn, 13 trung đoàn và 70 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đã được thành lập như một bộ phận của Hải quân. Ngoài ra, trong thành phần lực lượng lục quân của Hồng quân còn có 25 lữ đoàn lính thủy đánh bộ độc lập.

Trở thành lính bộ binh, nhưng không thay đổi bộ quân phục màu đen, các lính thủy đã tham gia bảo vệ Moskva, Leningrad, Stalingrad và Odessa, Crưm (cuối năm 1941 và đầu năm 1942, một số chiến dịch đổ bộ táo bạo đã được thực hiện ở Crưm) và Bắc Cực. Với sức mạnh thể chất, coi thường nguy hiểm và khả năng chiến đấu chống lại mọi quy luật chiến thuật, họ đã khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong "Đội cận vệ của Hitler", "lính thủy đánh bộ" Liên Xô được gọi không gì khác hơn ngoài cụm tù "Cái chết đen", khi nhận ra trận chiến với họ sẽ rất khó khăn và đẫm máu. Thật khó để không đánh giá cao tầm quan trọng của lính thủy đánh bộ trong thất bại cuối cùng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vào tháng 8-1945. Họ đã thể hiện những điều kỳ diệu về lòng quả cảm trong các trận chiến đấu chiếm vị trí ngã ba đường - thành phố Jiamusi trên sông Sungari (một nhánh của sông Amur) vào ngày 12-14 tháng 8, trong các chiến dịch đổ bộ lên cảng Yuki (Ungi, Songbon), Triều Tiên, ngày 11-13 tháng 8 và Seishin (Chongjin) vào ngày 13-16 tháng 8, trong các trận chiến đẫm máu trên đảo Shumshu phía bắc Kuril  ngày 18 đến 22-8.

Đã có hàng chục đơn vị lính thủy đánh bộ được tặng thưởng danh hiệu "Cận vệ" và danh dự cá nhân. Hàng chục nghìn lính thủy đánh bộ được tặng thưởng huân chương, hơn 150 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Quân nhân của một lữ đoàn vệ binh riêng biệt của lực lượng ven biển thuộc Hạm đội Baltic trong Lễ duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ.

Những năm sau chiến tranh và thời đại ngày nay

Năm 1956, trong quá trình tổ chức lại Lực lượng vũ trang, các đơn vị lính thủy đánh bộ lại bị giải tán. Nhưng 7 năm sau, binh chủng được tái thành lập để phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau được giao cho Hải quân Liên Xô; từ một lực lượng phòng thủ bờ biển trở thành binh chủng có khả năng giải quyết các nhiệm vụ ở bất kỳ khu vực nào trên các đại dương, xa căn cứ. Và lực lượng lính thủy đánh bộ cần trở thành một "lực lượng triển khai nhanh" hoàn toàn cơ động, có khả năng chiến đấu theo đúng nghĩa đen ở mọi nơi trên thế giới.

Các trung đoàn lính thủy đánh bộ được tái thành lập trong các Hạm đội Baltic và Thái Bình Dương vào năm 1963. Năm 1966, lính thủy đánh bộ xuất hiện trong Hạm đội Phương Bắc, và một năm sau trong Hạm đội Biển Đen. Binh chủng Lính thủy đánh bộ hiện được trang bị các phương tiện bọc thép của riêng mình (bao gồm thiết giáp chở quân, xe đổ bộ và xe tăng "thông thường"), pháo, tên lửa, vũ khí chống tăng và phòng không.

Một đặc điểm nổi bật là đồng phục màu đen, áo lót sọc xanh (giống như thủy thủ) và mũ nồi đen. Tổ hợp huấn luyện cho binh lính và sĩ quan bao gồm nhảy dù, đặc công phá mìn, lặn, dùng dao và chiến đấu tay không, sơ cấp cứu, ngoại ngữ. Lính thủy đánh bộ Liên Xô có mặt ở một số "điểm nóng" của nửa sau thế kỷ 20: Trung Đông, châu Phi (Angola, Somalia, Guinea), Afghanistan). Và lực lượng lính thủy đánh bộ Nga đã chiến đấu chống lại quân ly khai và khủng bố ở Bắc Kavkaz, "đối phó" mạnh mẽ với cướp biển ở Vịnh Aden, tham gia các sự kiện ở Crưm mùa xuân năm 2014, dẫn đến việc bán đảo này trở lại Liên bang Nga. Các "lính thủy đánh bộ" Nga hiện cũng đang phục vụ ở Syria.

Lính thủy đánh bộ của Hạm đội Biển Đen Nga.

Binh chủng Lính thủy đánh bộ là một phần của "lực lượng ven biển Hải quân Nga". Nhiệm vụ của họ là tiến hành các chiến dịch tấn công đổ bộ - độc lập hoặc phối thuộc cùng với lục quân bảo vệ, chiếm giữ bờ biển, các đảo, căn cứ hải quân, cảng và cơ sở khác. "Mũ nồi đen" cũng có thể được giao cho các hoạt động giải phóng hàng hóa dân sự và tàu chở khách bị cướp biển hoặc khủng bố tấn công.

Lực lượng lính thủy đánh bộ có mặt trong tất cả các đội hình hoạt động của Hải quân gồm các Hạm đội Baltic, Phương Bắc, Biển Đen và Thái Bình Dương và Đội tàu Caspi. Phục vụ trong Lực lượng lính thủy đánh bộ cũng không kém uy tín hơn trong Binh chủng Nhảy dù hoặc Lực lượng Đặc nhiệm. Tuyển chọn vào đó rất khắc nghiệt: đòi hỏi các yêu cầu cao nhất về sức khỏe, thể lực và tâm lý. 

Minh Trang (Theo Sputnik)
.
.
.