Bình xăng mà biết nói năng…

Thứ Hai, 04/01/2016, 21:31
Tem chống giả dán tại vi mạch trong các trụ bơm xăng chưa chống được gian. Thành thử, bây giờ khi phải rẽ vào trạm đổ xăng cho chiếc xe của mình, nhiều người luôn canh cánh một nỗi nghi ngại. Thậm chí, đã có những cái tát thẳng cánh vào mặt người cầm cò bơm, khi mà việc đong gian, bán lận bị lộ tẩy tại chỗ.


Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh nên Nhà nước đang phải bù lỗ giá xăng để chia sẻ gánh nặng với người dân. Vì vậy, việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu không chỉ dừng lại ở việc lừa dối khách hàng, gây bức xúc dư luận, mà lớn hơn là đi ngược lại chủ trương chính sách chăm lo đời sống nhân dân của Nhà nước.

Chuyện cũ vẫn mới

Không phải là chuyện mới, nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã bị phát hiện cách đây mấy năm ở nhiều địa phương, từng làm nóng diễn đàn Quốc hội và nằm trong chỉ đạo xử lý quyết liệt của Chính phủ. Thế nhưng, dường như sự vào cuộc của các ngành chức năng vẫn chưa đủ "liều lượng", nên chuyện đong gian, trả thiếu, hay gắn chíp điện tử để can thiệp vào số lít, số tiền vẫn âm thầm cướp đoạt của người tiêu dùng bộn tiền mỗi ngày.

Mới đây nhất là vụ 2 cây xăng số 436 Trần Khát Chân và 249 Yên Viên (Hà Nội) bị bắt quả tang đang sử dụng chíp điện tử điều khiển từ xa để gian lận trong buôn bán xăng. Sự vụ lại làm "nóng" xã hội, đẩy người tiêu dùng vào trạng thái "không biết tin ai" khi buộc phải rẽ vào cây xăng mỗi ngày.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề CSTC, ông Hoàng Đại Nghĩa (Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết: "Từ phản ánh của người dân, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục, ngày 24-12-2015, chúng tôi đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an TP Hà Nội tiến hành mật phục và kiểm tra đột xuất cây xăng số 436 Trần Khát Chân và 249 Yên Viên (Hà Nội).

Lực lượng chức năng kiểm tra cây xăng.

Kết quả đã phát hiện các cây xăng này có gắn chíp điện tử để gian lận, móc túi khách hàng. Mỗi cây xăng có 3 cột bơm xăng đều được gắn chíp điều khiển từ xa vào vi mạch điều khiển hệ thống bơm xăng dầu. Bằng cách này, nhân viên cây xăng có thể đứng từ xa dùng thiết bị điều khiển để can thiệp vào hệ thống bơm xăng, làm thay đổi, điều chỉnh sai số của phương tiện đo xăng. Chúng tôi đã thử bơm, đồng hồ trên cây xăng hiện 20 lít, nhưng xăng chỉ ra được 19 lít.

Chúng ta thường khuyến cáo người dân cần yêu cầu nhân viên bán xăng đưa chỉ số về 0 trước khi bơm xăng. Nhưng với việc gian lận điều khiển từ xa như mới phát hiện, việc đưa về 0 cũng không có ý nghĩa gì, người mua vẫn bị móc túi mà không hề hay biết". Được biết, cả 2 cây xăng trên đều thuộc Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC).

Mới đây, Chi cục QLTT Hà Nội đã thông báo kết quả điều tra về sai phạm của 2 cây xăng này. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (cửa hàng trưởng cây xăng 436 Trần Khát Chân) đã khai trước thời điểm kiểm tra ít hôm, có một người (không quen biết) đến cây xăng gạ bà lắp chíp điện tử điều khiển từ xa vào cột đo xăng dầu để gian lận. Còn ông Trần Thanh Trình (cửa hàng trưởng cây xăng 249 Yên Viên), cũng thừa nhận đã thuê người tên Tuấn Anh gắn chíp điện tử vào các cột xăng.

Thao tác vô hiệu hóa tem kiểm định niêm phong dán trong trụ xăng xem ra cũng khá đơn giản, chỉ cần sử dụng đèn khò làm nóng tem rồi dùng dao lam bóc tem ra và mở máy gắn chíp điện tử vào bản mạch của trụ xăng. Lắp xong thì dán lại tem niêm phong như ban đầu. Với cách làm này, cửa hàng có thể qua mặt được các đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng kiểm tra, vì tem kiểm định vẫn còn nguyên niêm phong, đối chiếu thấy phù hợp với thời hạn trên phiếu kiểm định.

Vẫn theo kết quả điều tra, tính đến ngày bị phát hiện (24-12-2015), cửa hàng đã gian lận được 4.500 lít dầu và 3.000 lít xăng, ước tính tương đương với hơn 100 triệu đồng. Điều đáng nói là đơn vị chủ quản của cửa hàng trên (Công ty CP xăng dầu chất đốt Hà Nội) không hề biết về việc làm trên của các cửa hàng trưởng.

Xử nặng để răn đe

Đánh giá về vụ việc trên, ông Lê Hồng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Nay&Mai) nêu quan điểm: "Cửa hàng trưởng và nhân viên các cây xăng nói trên cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì hành vi đã cấu thành tội phạm xét về yếu tố hành vi và hậu quả. Trên thực tế, họ đã trục lợi bất chính được số tiền rất lớn. Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân. Trong khi Nhà nước phải bỏ tiền bù lỗ vào giá xăng dầu để giảm thiểu khó khăn cho nhân dân, thì những người này vì động cơ vụ lợi, đã dùng đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn để "móc túi" người tiêu dùng.

Cây xăng số 249 Yên Viên (Hà Nội) bị phát hiện gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Hành vi của họ không chỉ vi phạm Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11-11-2011, mà đã có dấu hiệu của tội phạm "Lừa dối khách hàng", quy định tại Điều 162-BLHS. Ngoài ra, việc gắn chíp điện tử vào hệ thống điều khiển của trụ xăng đã được cơ quan chức năng kiểm định và dán tem niêm phong, để can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số, còn có dấu hiệu của tội phạm "Truy cập bất hợp pháp vào máy tính, mạng viễn thông, Internet hoặc thiết bị số của người khác" quy định tại Điều 226a BLHS".

Luật sư Đỗ Văn Nhặn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tán thành với quan điểm trên và phân tích: "Tôi cho rằng vấn nạn gian lận xăng dầu xảy ra đã khá lâu, ở nhiều địa phương, gây bức xúc cao độ trong dư luận xã hội. Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành chức năng cần tập trung dẹp bỏ vấn nạn này. Tuy nhiên, xem ra hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý dường như chưa tích cực.

Nhân vụ việc vừa rồi, các cơ quan chức năng cần tích cực điều tra xác minh để có thể truy tố, xét xử những người liên quan. Việc xử lý rốt ráo sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung rất hiệu quả. Cái khó ở đây là phải tìm được người bị hại, nhưng thói quen của người tiêu dùng cá nhân khi mua xăng đâu có lấy hóa đơn, việc tìm được họ rất khó khăn. Trường hợp tìm được thì việc chứng minh hậu quả (đã bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền trên số lít xăng đã mua) không phải là chuyện dễ dàng.

Trong trường hợp này, theo tôi, nên áp dụng Điều 226a BLHS để xử lý thì thuận lợi hơn, vì với tội phạm công nghệ cao không buộc phải chứng minh bị hại. Còn nếu thu hút về tội "Lừa dối khách hàng" thì có thể căn cứ vào lượng xăng dầu tiêu thụ trong các ngày (từ lúc lắp chíp điện tử) và tỷ lệ xăng dầu chiếm đoạt của khách hàng trên mỗi lít xăng để xác định hậu quả thiệt hại".

Ông Lê Hồng Thăng (Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội) đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng và cần xử lý nghiêm minh. Được biết, hiện nay Chi cục QLTT và Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương đã kiến nghị tạm dừng hoạt động của 2 cây xăng có vi phạm để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị này phải có biện pháp khắc phục hậu quả, buộc giao nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền đã trục lợi bất chính.  Ngày 28-12-2015, cơ quan CSĐT - Công an TP  Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 8 đối tượng làm việc tại hai cây xăng nói trên về hành vi gian lận lượng xăng dầu, trong đó có 2 cửa hàng trưởng là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ở cây xăng Trần Khát Chân); ông Trần Thanh Trình (ở cây xăng Yên Viên) cùng 6 nhân viên cây xăng Trần Khát Chân.

Chíp điện tử gắn trong trụ xăng.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Trước thực trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã và đang diễn ra khá nhức nhối, ông Nguyễn Văn Cường (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội) tư vấn: "Hãy là người tiêu dùng thông minh khi vào mua xăng dầu. Điều đầu tiên cần nhớ là trước khi mua xăng, phải yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về số "0", để tránh việc bơm nối số, ăn cắp tiền của khách. Nên bỏ thói quen mua xăng theo số tiền chẵn (như 50.000 đồng, 80.000 đồng…) vì dễ gian lận, hãy mua với số tiền lẻ như 55.000 đồng, 85.000 đồng, hoặc mua xăng theo đơn vị lít, ví dụ: 2 lít, 3 lít… .

Nếu có thể thì mua xăng bằng can có thang đo, xong mới đổ vào bình. Dân xe tải hay tài xế taxi biết cây xăng nào có uy tín, vì họ thường xuyên di chuyển trên đường. Nên thấy cây xăng nào có đông cánh tài xế này thì hãy theo chân vào mua. Trong lúc bơm xăng cần chú ý theo dõi đồng hồ báo số lít, giá tiền hiển thị trên trụ bơm. Đổ xong nên kiểm tra, đối chiếu giữa số lít với số tiền bạn mua xem có tương ứng với nhau không.

Một thủ đoạn gian lận phổ biến của nhân viên là nháy bóp cò xăng liên tục khi đổ gần đầy, hãy yêu cầu họ dừng việc làm này. Mua xăng xong tốt nhất nên ghi hóa đơn, để khi cần thiết còn có tài liệu chứng minh thiệt hại. Khi phát hiện bị gian lận, nên phản ánh ngay với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, đồng thời chia sẻ thông tin với cộng đồng để mọi người biết và phòng tránh.

Đào Trung Hiếu
.
.
.