Bình yên cho những chuyến tàu

Thứ Tư, 08/04/2015, 07:00
Mặc dù công việc của những người lính Cảnh sát giao thông đường sắt không "nóng" như ở các đơn vị đấu tranh chống tội phạm ma túy, hình sự nhưng lại đầy áp lực, khó khăn, vất vả khó nói hết thành lời. Dù nắng gắt, mưa giông, gió rét, đêm tối họ vẫn âm thầm, lặng lẽ lên đường hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những khó khăn, vất vả cùng những hy sinh, chiến công của họ đã giúp mang lại bình an cho những chuyến tàu ngược xuôi trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

1.Có dịp được theo chân những chiến sĩ thuộc Đội Kiểm tra, Giám sát trật tự an toàn giao thông đường sắt phía Bắc - (Đội 1 - Cục Cảnh sát Giao thông) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường sắt trọng điểm thuộc địa phận phía Bắc mới thấy hết những vất vả, khó khăn của những chiến sĩ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ "canh giữ bình yên" cho mỗi chuyến tàu.

12h30’ trưa. Hà Nội đang bước vào đợt nắng gắt đầu tiên của những ngày đầu hè. Ở cái đỉnh của sự nóng và nắng đấy, bóng áo vàng của những người lính Cảnh sát giao thông vẫn đổ dài trên những cung đường sắt. Có cảm giác như nắng nóng khiến những đôi chân của những người lính Cảnh sát giao thông bị sấy khô trên mặt đường sắt bỏng rát.

Trong khi mọi người đang cố gắng trốn cái nắng nóng hầm hập, các chiến sĩ Cảnh sát Giao thông vẫn bám từng tuyến đường sắt. Dù nắng gắt, mưa giông, gió rét, đêm tối họ đều lặng lẽ hoàn thành công việc của mình, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và giao thông đường bộ. Vào những dịp lễ, tết, tàu tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu của hành khách về quê, những ngày đó công việc của các anh càng vất vả hơn. Nhiều chiến sĩ đã nhiều năm đón giao thừa trên Đồn.

Cảnh sát Giao thông đường sắt phối hợp với các đơn vị phát động phong trào thi đua bảo vệ đường sắt.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát mật phục ở các khu vực trọng điểm, các anh đã ngăn chặn tình trạng lợi dụng địa bàn hẻo lánh để trộm cắp vật tư, hàng hóa, ném đất đá lên tàu; kịp thời phát hiện những sự cố hư hỏng hạ tầng đường sắt như mòn, gãy ray, tà vẹt; những hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, cũng như những sự cố cản trở đến hoạt động chạy tàu… kịp thời báo với bộ phận chuyên môn khắc phục. Nhờ vậy, thiết bị, thông tin tín hiệu đường sắt được bảo vệ an toàn, không để đối tượng lợi dụng phương tiện giao thông đường sắt hoạt động gây án, phá hoại.

Là người đã từng nhiều năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ: Tuy ra đời không sớm so với các phương tiện giao thông vận tải khác nhưng đường sắt nhanh chóng trở thành phương tiện chủ lực trong vận tải, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, đến nay, một mạng lưới Đường sắt từ Bắc tới Nam với chiều dài 3.143km đã được hình thành, trong đó có 2632 km đường sắt chính tuyến, 403 km đường ga, 108 km đường nhánh. Phân bổ của mạng lưới đường sắt theo chiều dài đất nước và theo hình xương cá, gồm có 15 tuyến chính và nhánh đi qua 35 tỉnh thành (trong đó tuyến Bắc Nam có chiều dài khai thác lớn nhất) trải dài khắp đất nước từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông và có hàng chục tuyến đường sắt chuyên dùng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để bảo đảm, giữ vững bình yên cho mỗi tuyến đường sắt, những người lính Cảnh sát giao thông đã không quản đêm ngày, không quản nắng mưa, gió bão cùng với lực lượng chức năng ngành đường sắt phối hợp tuần tra, tập trung giải quyết, xử lý các tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; kiên quyết đấu tranh với bọn tội phạm đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn tàu, ga và các tuyến đường sắt.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng điều tra, truy xét 303 vụ phạm pháp hình sự, bắt 482 đối tượng trong đó có 2 vụ vận chuyển ma túy trên tàu, 10 vụ vận chuyển trái phép vật liệu nổ, 2 vụ vận chuyển hóa chất độc hại, 143 vụ trộm cắp vật tư, thiết bị đường sắt; thu 231 kg thuốc nổ các loại, 815 kíp nổ, 800 m dây cháy chậm, 85 kg hóa chất, 1,75 kg heroin và 34.300 viên ma túy tổng hợp. Tổ chức phát hiện, bắt giữ 1 vụ buôn bán trẻ em sang Trung Quốc; giải tỏa 1.194 điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt, xóa bỏ 324 đường ngang tự phát, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm hành chính…

2. Những năm gần đây, khi các tuyến đường bộ bị kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hàng lậu không chỉ là linh kiện điện tử, áo quần, vật tư y tế xuất xứ từ Trung Quốc từ Bắc vào Nam mà gỗ lậu từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng theo đường sắt ra Bắc tiêu thụ.

206 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại là con số được các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ xử lý trong năm 2014. Trong đó tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt là tuyến buôn lậu "nóng" nhất.

Một chiến công thể hiện tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm của những người lính Cảnh sát giao thông đường sắt phải kể đến đó là vụ án bắt giữ một số lượng hàng lậu lớn trên tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Chuyến tàu  ĐĐ4 bắt đầu khởi hành từ Lạng Sơn xuôi về Hà Nội trông có vẻ bình thường như bao tuyến khác. Không ai ngờ rằng trên chuyến tàu này đã có những chiến sĩ Cảnh sát Giao thông thuộc Đội 1 - Cục Cảnh sát Giao thông.

Bằng nghiệp vụ, các anh đã không mấy khó khăn phát hiện những dấu hiệu bất thường tại toa cuối đoàn tàu có hàng tấn hàng lậu. Phương án bắt giữ toàn bộ số hàng lậu này đã được các anh chuẩn bị, tổ chức lực lượng "đón lõng" tàu ĐĐ4 tại ga Sen Hồ (Bắc Ninh). Tàu ĐĐ4 từ từ tiến vào Thị Cầu (Bắc Ninh) dưới sự yểm trợ của lực lượng cảnh sát. Tàu vừa vào ga thì bất ngờ có gần 100 đối tượng là người nhà chủ hàng và cửu vạn đồng loạt xông lên toa hàng để "giải cứu" hàng. Thấy vậy, lực lượng cảnh sát ém dưới ga nhanh chóng lên tàu chặn lại dòng người đang tìm mọi cách cướp lại hàng. Nhiều đối tượng tỏ thái độ hăm dọa lực lượng Công an.

Lúc này, gần như toàn lực lượng của Đội 1 đã đứng thành hàng chặn trước toa tàu. Những kẻ cướp hàng điên cuồng hơn khi lao vào cắn xé "hàng rào" cảnh sát. Nhiều chiến sĩ bị các đối tượng  tự nhận mình nhiễm HIV cắn đến rách cả găng tay.

Trong lúc cuộc giằng co giữa lực lượng cảnh sát và người nhà của những đối tượng buôn lậu đang diễn ra căng thẳng thì  điện trên tàu phụt tắt.  Hàng lậu có thể bị cướp trắng. Chỉ đến khi Cảnh sát 113 của Bắc Ninh xuất hiện, các đối tượng mới chịu giãn ra xa tàu. Tính từ thời điểm tàu dừng cho đến khi tàu ĐĐ4 "thoát" khỏi ga Sen Hồ mất gần 20 phút.

Quyết không để các đối tượng có thể "tẩu thoát" được hàng, lực lượng cảnh sát bố trí yểm trợ tiếp tại ga Yên Viên (Gia Lâm-Hà Nội), đồng thời yêu cầu Cảnh sát 113 Bắc Ninh cùng áp tải về ga Hà Nội. Bọn buôn lậu vẫn tiếp tục đi xe phân khối lớn bám đuổi theo đoàn tàu. Cuối cùng, toa hàng lậu đã được áp tải về tới ga Hà Nội an toàn. Số hàng này khoảng 5 tấn, gồm chăn ga, gối, đệm, quần áo và vải vóc… khả năng được tuồn từ Trung Quốc sang.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường sắt tuần tra, đảm bảo an toàn các gác chắn đường ngang, đường sắt.

3.Tính riêng trong tháng 2/2015, cả nước xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 15 người chết, bị thương 2 người. Đáng chú ý những ngày vừa qua, liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm tê liệt các tuyến đường sắt trong nhiều giờ liền. Vào 21h40 ngày 10/3/2015, Đoàn tàu khách (Hà Nội - Sài Gòn) mang số hiệu SE5, chạy đến km 639 + 650  thuộc thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi có đường ngang phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, đã đâm vào xe ô tô đầu kéo BKS 75C-031.99 kéo theo rơ moóc BKS 75C-001.85.

Sau khi đâm vào ô tô, đoàn tàu trôi khoảng 200 mét rồi dừng lại, đầu máy D19E-968 bị móp méo, đứt ra khỏi đoàn tàu và trôi thêm khoảng 700 mét. Hậu quả vụ tai nạn làm lái tàu bị chết tại chỗ, 3 người bị thương; 2 toa xe bị văng ra khỏi đường sắt; 1 toa xe tàu bị trật bánh khiến giao thông trên tuyến đường ách tắc đến sáng 12/3.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, những vụ tai nạn giữa tàu hỏa với các phương tiện giao thông đa phần do người điều khiển phương tiện vượt đường sắt tại các đường ngang dân sinh, thậm chí cố tình vượt qua đường sắt bất chấp đã có cảnh báo tự động…

Đồng thời, do ý thức của các lái tàu, khi cho rằng đường sắt là đường "độc đạo", được quyền ưu tiên nên dẫn đến chủ quan, chưa thực hiện đúng chế độ kéo còi cảnh báo và xử lý khi phát hiện chướng ngại trên đường sắt...

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng và ngành đường sắt, cấp ủy chính quyền mỗi địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người dân sống hai bên hành lang đường sắt chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn giao thông đường sắt; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông  đường sắt…

Chuông của nhà ga lại đổ dồn, một chuyến tàu nữa chuẩn bị khởi hành. Những người lính Cảnh sát giao thông lại nhanh chóng lên đường để làm nhiệm vụ. Tiếng còi tàu nhỏ dần và đoàn tàu khuất dần trong đêm. Các anh mới trở về Đồn với nụ cười tươi, bỏ lại đằng sau những gian khó…

Việt Hưng
.
.
.