Bình yên cuộc sống trên sông

Thứ Sáu, 16/10/2015, 14:00
Cuộc vận động "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" đã khiến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy được nâng lên rõ rệt.

Những kết quả đó, tuy nói vài dòng nhưng là công sức, trí tuệ của hàng nghìn con người do lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) làm chủ công trong suốt 5 năm qua. Đến với những bến đò, những làng chài, bên những con người quanh năm sống nhờ sông nước, chúng tôi phần nào hiểu được những thành quả, giá trị mà cuộc vận động này đem lại.

Chuyện về những dòng sông an toàn

Đại tá Dương Ngọc Tiến, Phó cục trưởng Cục CSGT là một trong những người gắn bó, tâm huyết nhất với Cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" ngay từ những ngày đầu tiên. Với dáng người nhỏ, nhưng khỏe khoắn, ông trông giống một thầy giáo hơn là người cán bộ Công an nhưng bước chân ông nhiều năm qua dường như không mỏi trên những chuyến đò, dưới những làng chài, bên những người dân sống bằng nghề sông nước để cùng xây dựng cho họ một cuộc sống an toàn hơn, thuận lợi hơn và có văn hóa hơn mỗi khi tham gia giao thông. Mỗi nơi, mỗi địa bàn, ông đều có cách nhìn sáng tạo, thực tế để góp ý, chỉ đạo việc xây dựng văn hóa giao thông gắn với an toàn, bình yên hơn…

Cảnh sát Giao thông diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ trên đường thủy.

Ông cho biết, 5 năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" đã thực sự mang lại nhiều chuyển biến tích cực từ thu hút sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, góp phần nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân của mỗi cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy; cho tới việc tạo chuyển biến ở một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy về nhận thức pháp luật, cũng như việc tham gia giao thông có văn hóa.

Như ở Hải Phòng, tổ tự quản bến phà Máy Chai, là một trong những điển hình của mô hình an toàn, an ninh trên sông nước, là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" mà Ban  ATGT Hải Phòng xây dựng. Tổ tự quản bến phà được thành lập với vai trò nòng cốt là hội viên Hội Cựu chiến binh cùng nhân viên bến phà đảm an toàn giao thông đường thủy cho người dân đi lại.

Vào giờ cao điểm hằng ngày, hàng nghìn lượt người dân và học sinh từ các xã Lập Lễ, Phả Lễ, An Lư của huyện Thủy Nguyên và từ bên nội thành qua lại làm việc, học tập bằng bến phà Máy Chai. Vì thế, các thành viên của tổ tự quản phải trực tiếp tham gia đưa đón khách qua sông, nhắc nhở lái phà chuẩn bị dụng cụ cứu sinh, chở đúng trọng tải quy định, nhất là những ngày mưa bão, công tác này được thực hiện ráo riết hơn, tích cực hơn.

Thượng tá Bùi Văn Thái, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy Hải Phòng cho biết, thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", Hải Phòng đã kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy nội địa 50% so với trước năm 2011 và được Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) quốc gia đánh giá cao. Trong đó đáng chú ý với mô hình đầu tiên được xây dựng là "Sông Cấm - tuyến sông văn hóa - an toàn", từ khu vực Bến Bính đến ngã ba Nống (xã Lê Thiện, huyện An Dương).

Tại tuyến sông này, các mô hình liên kết an toàn từ trên bờ đến dưới sông được triển khai đồng bộ với sự tham gia của lực lượng Công an và chính quyền các địa phương. Các chương trình tuyên truyền an toàn giao thông cũng được đẩy mạnh. Các phương tiện qua lại, neo đậu làm hàng tại đây đều được đảm bảo an toàn. Thành công từ mô hình này, Ban ATGT thành phố Hải Phòng quyết định mở rộng phạm vi mô hình từ Bến Bính đến Đình Vũ để xây dựng cả tuyến sông Cấm qua địa bàn Hải Phòng đạt tiêu chí "Văn hóa - An toàn".

Cùng với "Bến phà Máy Chai văn hóa - an toàn" trên nhiều tuyến sông của thành phố Hải Phòng còn có mô hình bến thủy nội địa an toàn tại xã Hồng Thái (huyện An Dương), hay mô hình "Trạm quản lý luồng Vật Cách văn hóa - an toàn". Đặc biệt, bến phà Đình Vũ "Văn hóa - An toàn" dài 6km trên biển, vượt qua luồng hàng hải Nam Triệu đầy sóng gió đã nâng cao chất lượng vận chuyển, phục vụ, bảo đảm an toàn cho người qua phà…

Còn ở Cần Thơ, cuộc vận động đi vào cuộc sống người dân cũng từ những việc hết sức thiết thực. Ban ATGT đã sớm tham mưu cho UBND TP Cần Thơ thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động và xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra có sự tham gia của các ban, ngành liên quan. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, sắp xếp lại các bến bãi, chợ nổi, nhà hàng hoạt động trên đường thủy; giải tỏa các đăng đáy nuôi cá trên luồng đường thủy nội địa, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Từ đó, tình hình an ninh trật tự, TTATGT đường thủy được đảm bảo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông kiểm tra thiết bị an toàn trên tàu.

Với ưu thế là một trong những địa phương trọng điểm về hoạt động du lịch biển, đảo, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện thủy hoạt động du lịch, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa đã hướng công tác tuyên truyền vào các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các bến tàu du lịch, đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, thuyền viên… thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp, vận động ký cam kết bảo đảm TTATGT đường thủy, kết hợp với việc các lực lượng chức năng và Ban giám đốc các công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải du lịch; đã góp phần duy trì trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội tại các bến tàu du lịch, xây dựng môi trường du lịch biển đảo văn hóa, văn minh, thân thiện, an toàn…

Hiệu quả từ sự quyết tâm

Ngày 22/4/2011, UBATGT quốc gia đã phát động cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" trong phạm vi toàn quốc với các nội dung cơ bản là thực hiện đồng bộ các mặt công tác nhằm đảm bảo TTATGT trên đường thủy nội địa; trong đó trọng tâm là tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường thuỷ; xây dựng ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng đối với pháp luật và công tác đảm bảo TTATGT đường thuỷ; định hướng, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các nhân tố tích cực hình thành cách ứng xử có văn hoá, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, thái độ hòa nhã, vui vẻ, đậm nét văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân của các lực lượng chức năng trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa.

3 mô hình thí điểm đạt tiêu chuẩn là "Tuyến sông Cấm - Văn hóa an toàn" tại TP Hải Phòng, "Khu vực bến phà Trà Ôn-Lục Sĩ Thành - Văn hóa an toàn" thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và "Bến đò Mười - Văn hóa an toàn", trên địa bàn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, Ninh Bình được Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền cơ sở, sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân. Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả cao trong công tác đảm bảo TTATGT, trật tự xã hội trên đường thủy, đây cũng là những mô hình tiêu biểu, là cơ sở để Ban chỉ đạo cấp Trung ương nhân rộng và để các địa phương tham quan học hỏi, áp dụng vào công tác xây dựng mô hình "văn hóa giao thông đường thủy" tại địa phương mình.

Cục Cảnh sát Giao thông tặng áo phao cho người dân.

Với  1.618 mô hình "văn hóa giao thông đường thủy", cụ thể: 236 khu dân cư, xóm làng văn hóa giao thông đường thủy; 596 cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông văn hóa - an toàn; 66 đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn; 128 đoàn tàu văn hóa - an toàn; 11 doanh nghiệp, hợp tác xã có văn hóa trong kinh doanh vận tải thủy; 42 cơ quan, đơn vị chức năng đảm bảo TTATGT đường thủy văn hóa; 539 mô hình nhân dân tự quản về bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội trên đường thủy đã thực sự đánh giá thành công của cuộc vận động này đem lại. Bên cạnh đó, Ban

Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh tình hình hoạt động giao thông đường thủy, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT và giữ gìn TTXH trên đường thuỷ nội địa.  Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng các địa phương đã kiến nghị với ngành đường thuỷ nội địa di dời 570 báo hiệu dẫn luồng không phù hợp; phát hiện, bắt giữ 892 trường hợp sử dụng xung điện để đánh bắt thuỷ sản trái phép, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định; kiểm tra, xử lý 6.873 trường hợp vi phạm quy định về tạm trú, tạm vắng; đăng ký tạm trú cho 13.431 lượt người.

Sau 5 năm thực hiện, có thể khẳng định cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" là một chủ trương lớn của Chính phủ, UBATGT quốc gia nhằm tạo môi trường văn hóa trong hành động, ứng xử của mỗi người khi tham gia giao thông đường thủy, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân thay đổi hành vi và cách ứng xử khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hóa của cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, góp phần xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn minh, an toàn.

Cuộc vận động còn là cầu nối giữa công tác đảm bảo TTATGT với các công tác xây dựng phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, lực lượng CSGT thực sự khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, là cơ quan thường trực trong tổ chức thực hiện cuộc vận động, bởi các anh hiểu rằng, đảm bảo cho người dân an toàn là trách nhiệm chính của mình…

Phương Thủy
.
.
.