Bình yên quanh mắt bão

Thứ Ba, 26/07/2016, 16:06
Những chiếc tàu ăm ắp cá tôm sau một đêm quăng chài ngoài biển trở về, tiếng cười của lão ngư giòn tan vào sương mai. Ở đây, những thúng cá mực tươi đành đạch để la liệt ngoài cầu cảng, những tay lưới mới toanh xếp trắng chân đê. Đất rộng nhưng không có chỗ cho tội phạm nương náu, không có khoảng trống cho cái ác lộng hành.

Thượng tá Phạm Kết, Phó trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một trong những cán bộ có thâm niên công tác lâu năm nhất ở huyện đảo này. Gắn bó, yêu mến, thân thương đến mức ông không muốn quay về đất liền, để rồi đất Lý Sơn đã tặng ông một người phụ nữ hiền thảo, chất phác thật thà. 

Ông yêu người con gái ấy, như yêu từng hạt cát, từng cánh sóng nơi đảo nhỏ xa xôi. Hai người con gái được sinh ra ở đảo, lớn lên trưởng thành cũng ở đảo. Vị thượng tá bảo rằng, yêu đảo lắm, bây giờ rất “ngại” vào đất liền.

Thượng tá Phạm Kết chia sẻ, ở đảo, quân và dân gắn bó tình cảm như những người thân của nhau, không hề có khoảng cách, không hề có ranh giới địa vị. Thân quen đến mức, hễ thấy bóng dáng các anh từ xa là dân “ới” vào uống li trà hay ăn chiếc càng ghẹ nóng hổi của lão ngư vừa từ biển trở về. 

Hầu như mặt mũi cán bộ chiến sĩ nào ở Công an huyện, người dân đều thân thuộc. Nhưng đây lại chính là hạn chế lớn nhất của Cảnh sát Hình sự trong quá trình đi điều tra. Có hóa trang kiểu nào thì vẫn bị người dân nhận ra mặt, còn các đối tượng vừa thấy bóng dáng quen quen của ông “hình sự” là tìm cách chuồn mất tăm. 

Vì thế, phương án được áp dụng hiệu quả nhất chính là sự hợp tác của trưởng tộc. Chỉ cần công an đến thông báo cho đại diện dòng tộc có đối tượng tình nghi là người trong họ, y như rằng hôm sau đối tượng ra trình diện. 

Nạn cướp giật hầu như không có khái niệm ở hòn đảo này, còn trộm cắp tài sản có giá trị thì “bảy kiếp” mới xảy ra một vụ, mà hung thủ thường là người vùng khác đến đảo bằng đường tàu cá. 

Đây là cái khó của lực lượng công an huyện đảo, vì trong quá trình điều tra không thể ra biển kiểm tra từng tàu đánh cá một. Vả lại, Công an huyện cũng không có tàu xịn mà rẽ sóng quạt nước đuổi theo những con tàu hiện đại với mã lực “khỏe” như cá voi.

Tình quân dân như cá với nước.

Riêng khoản xe máy thì tha hồ để ngoài đường, cũng chẳng thèm rút chìa khóa, đi chơi đi dạo đến tối về vẫn thấy xe ở đó. Thượng tá Phạm Kết cho biết, dân báo mất trộm là Công an vào cuộc ngay, chỉ cần rà soát vài đối tượng nằm trong tầm ngắm là ra hung thủ...

Chúng tôi lượn một vòng trên các nhánh đường uốn lượn quanh đảo, gió biển thổi vi vu mát rượi, xe vút ga hết cỡ cũng chẳng đụng ai, thi thoảng trong những con đường nhỏ len giữa ruộng tỏi, vài bác nông dân chở lặc lè bao giống cho mùa vụ sắp tới. 

Cả buổi giong xe trên đường, tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng anh CSGT nào, mang “chuyện lạ” này hỏi Thượng tá Phạm Kết, ông cười: “Người dân ở đảo chấp hành rất nghiêm luật giao thông, 100% đều đội mũ bảo hiểm. Còn CSGT thì kiêm nhiệm nhiều việc lắm, ngoài tuần tra các anh còn phải làm việc văn phòng, tham mưu… Cả huyện chỉ có hai đồng chí thay nhau “ra đường” thôi”. 

Hỏi về tai nạn giao thông, thượng tá Kết bóp đầu, nặn trán mãi mới nhớ ra cách đây gần chục năm, huyện đảo xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất khiến hai người tử vong, nguyên nhân được xác định là do người điều khiển xe máy say rượu tông vào cột điện. Từ đó đến nay chưa có vụ nào dẫn đến chết người cả, cho nên CSGT ở đây không phải đau đầu vất vả như mấy anh trong đất liền.

Tuyên truyền, vận động quần chúng ở huyện đảo Lý Sơn cũng rất “nhàn”. Công an dựa vào truyền thống giáo nghĩa lâu đời của các dòng tộc. Với uy tín và quyền hành, trưởng họ sẽ là người giáo dục, cảm hóa, răn đe có hiệu quả nhất đối với các thành viên trong dòng tộc, hễ có người phạm tội, họ lập tức đi bắt về giao nộp cho công an.

Năm 2004, lần đầu tiên đảo Lý Sơn xuất hiện hai con nghiện ma túy với các biểu hiện bất thường. Công an được thông báo vào cuộc điều tra, sau khi triệu tập lên trụ sở làm việc, đối tượng khai, do chán nghề biển nên đi ra Quảng Ninh làm than và dính vào nghiện ngập. 

Giữa sóng gió trùng khơi, các anh luôn là điểm tựa cho ngư dân.

Công an họp bàn với gia đình, trưởng tộc đề xuất cho theo tàu ra biển đánh cá dài ngày. Ở trên biển chỉ có trời xanh, biển mặn chứ làm gì có ma túy mà hút hít, vài lần như vậy, hai con nghiện đã “dứt tình” với ma túy.

Tệ nạn ma túy được dẹp yên một thời gian thì tiếp tục có nhóm thanh niên từ Quảng Ninh trở về, cũng dính vào “nàng tiên nâu”. Trưởng tộc phát hiện giao nộp cho Công an một số đối tượng đưa vào đất liền cai nghiện. Công an nhận định, chắc chắn phải có đối tượng bán thì mới có con nghiện. Vậy là chuyên án đầu tiên về ma túy được xác lập tại huyện đảo Lý Sơn. 

Lực lượng trinh sát được tung ra điều tra, theo dõi, mai phục và đã bắt được Võ Thị Nga. Ngày tòa xử án Nga, bà con đảo Lý Sơn gác lại hết công việc kéo đến chật cứng Tòa án nhân dân huyện để xem cho bằng được mặt mũi người đàn bà dám cả gan gieo “cái chết trắng” vào thế hệ tương lai của đảo. Võ Thị Nga phải cúi đầu nhận hết tội trạng trước những bằng chứng không thể chối cãi của cơ quan Công an và trước nhân chứng sống là 18 con nghiện. 

Vụ án ma túy “đình đám” nhất của đảo từ trước đến nay khép lại, Lý Sơn “sạch” hẳn tội phạm ma túy. Những con nghiện sau khi cai thành công đã trở về nhà, đi biển đánh cá chăm chỉ. Công an thường xuyên đến nhà động viên, hỏi thăm sức khỏe, kết hợp chặt chẽ với trưởng tộc giám sát nên không còn tình trạng tái nghiện.

Để có một Lý Sơn êm đềm như thế, lực lượng công an phải thường xuyên duy trì tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng yếu với mục tiêu không để xảy ra trọng án, án đặc biệt nghiêm trọng. Nắm bắt các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, cảm hóa, vận động họ hòa nhập cộng đồng. Ấy vậy mà năm 2009 xảy ra vụ giết người nghiêm trọng làm chấn động dân tình trên đảo. 

Công an huyện báo cáo về Công an tỉnh, ngay lập tức, hàng chục cán bộ chiến sĩ từ các phòng chuyên môn nghiệp vụ tức tốc lên tàu rẽ sóng ra Lý Sơn. Thông tin vụ án kinh hoàng nhanh chóng lan ra khắp đảo lớn đảo nhỏ, dân làng lại một phen bỏ hết công việc kéo đến xem sự tình và “ngó” mấy anh công an khám nghiệm hiện trường. 

Rất nhanh, công an xác định hung thủ chính là Nguyễn Vạn (75 tuổi), cha ruột nạn nhân Nguyễn Hải Kỳ. Biết ông Vạn giết con, người dân thông cảm nhiều hơn oán trách, bởi họ hiểu quá rõ về đứa con “nghịch tử” sáng xỉn chiều say, thường xuyên đập phá đồ đạc, mắng nhiếc, đánh đuổi cha. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, ông Vạn đã không thể chịu đựng nổi nên mới tuyệt tình mẫu tử bằng cách đó.

Công an giải ông lão 75 tuổi vào đất liền chịu án, bà con nhìn theo dáng lưng còng khắc khổ của hung thủ bước xuống tàu mà đong đầy nước mắt. Cái tình của dân đảo lúc nào cũng mặn mòi như muối biển, tâm hồn của họ không bị trầy xước bởi những bon chen, xô lấn, lừa lọc, đến cả tội ác cũng được dung thứ. 

Đêm Lý Sơn chỉ còn lại tiếng sóng bủa ghềnh, tiếng gió ầm ào trên ngọn phi lao và tiếng rù rì của loài côn trùng bung ra từ lòng cát trắng. Giấc ngủ ở Lý Sơn êm đềm, nhẹ nhàng như đang ở chính ngôi nhà thân thuộc của mình.

Ngọc Thiện
.
.
.