“Bộ ba Brexit” sụp đổ

Chủ Nhật, 22/07/2018, 09:29
Trong những ngày đầu tháng 7, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May phải hứng chịu nhiều sóng gió sau khi có nhiều bộ trưởng liên tiếp từ chức vì những bất đồng liên quan đến vấn đề rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), trong đó có 2 người thuộc về “Bộ ba Brexit”.


Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 10-7 đã từ chức để phản đối kế hoạch “Brexit mềm” của chính phủ, vài giờ sau khi 3 bộ trưởng phụ trách tiến trình Brexit gồm David Davis, Steve Baker và Suella Braverman rời nội các.

Là một người ủng hộ “Brexit cứng”, ông Boris Johnson cáo buộc Thủ tướng Theresa May đang “đầu hàng” trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU). Ông khẳng định đây chỉ là "Brexit nửa vời" vì Anh sẽ không thể từ bỏ các quy tắc và quy định của Brussels nếu vẫn giữ mối quan hệ thương mại chặt chẽ với EU. 

Thủ tướng Theresa May cho biết bà rất ngạc nhiên trước quyết định của ông Johnson. "Nếu ông ấy không thể cung cấp sự hỗ trợ chúng tôi cần để đảm bảo thỏa thuận này vì lợi ích của Anh, đúng là ông ấy nên ra đi", bà cho biết.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Trước đó, Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis cũng đã từ chức vì bất đồng với Thủ tướng Theresa May. Ông Davis, 69 tuổi, là một sự bổ nhiệm bất ngờ trong nội các của bà May khi lên nắm quyền vào năm 2016, ngay sau khi người Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ông David Davis không nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ suốt 19 năm trước khi được bổ nhiệm.

Ông đảm nhận vai trò cao nhất trong bộ mới được thành lập để đưa Anh rời khỏi EU, và được giao nhiệm vụ đàm phán một thỏa thuận Brexit với Brussels và một mối quan hệ tương lai với khối. Ông Davis vận động rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, và là 1 trong 3 bộ trưởng hàng đầu ủng hộ Brexit được bà May đưa trở lại vào chính phủ. Nằm trong "Bộ ba Brexit" cùng với Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, ông Davis được coi là những tiếng nói quan trọng đại diện cho những người ủng hộ Brexit trong một nội các gồm nhiều bộ trưởng đã vận động ở lại EU.

Ông Davis đã dẫn dắt các cuộc đàm phán của Anh tại Brussels về các điều khoản “ly hôn” của EU và mối quan hệ tương lai với khối này. Những cuộc đàm phán đó gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như tương lai của biên giới Ailen sau Brexit và hàng hóa sẽ chảy qua đó như thế nào. 

Ông David Davis.

Đối tác EU của ông Davis trong các cuộc đàm phán, ông Michel Barnier, bày tỏ lo ngại về cam kết của ông Davis đối với các cuộc đàm phán, nói với các đồng nghiệp rằng ông không thấy sự thành tâm của ông Davis, theo biên bản của một cuộc họp được công bố vào tháng 9-2017.

Trong suốt thời gian làm việc, ông Davis liên tục bày tỏ sự trung thành với bà Theresa May, và ca ngợi công việc của bà về Brexit. Tuy nhiên, ông cũng đe doạ từ chức khỏi chính phủ trong một số trường hợp, gần đây nhất trong các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp với các nhà lập pháp bảo thủ ủng hộ EU, những người muốn Quốc hội có tiếng nói lớn hơn về thỏa thuận Brexit cuối cùng.

Sự ra đi của ông Davis và ông Johnson để lại cho bà May một nhiệm vụ khó khăn là tìm người thay thế có thể được phe ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ của bà May tin tưởng, trong khi đưa ra kế hoạch Brexit đã không làm hài lòng nhiều người trong số họ. Bà May đứng đầu một chính phủ thiểu số chỉ đạt được thế đa số trong Quốc hội nhờ liên minh với một đảng nhỏ hơn. Đảng Bảo thủ đã bị chia rẽ sâu sắc về loại Brexit Anh nên theo đuổi.

Nếu việc từ chức của ông Davis khuyến khích phe phái ủng hộ “Brexit cứng”, bà May có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc phản đối có thể ngăn chặn thỏa thuận Brexit cuối cùng của bà khi nó được đưa ra trước Quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào cuối năm nay. Để kích hoạt một thách thức lãnh đạo chính thức, 48 nhà lập pháp bảo thủ cần phải viết thư cho chủ tịch của một ủy ban đại diện cho lợi ích của các thành viên bảo thủ của Quốc hội không phải là một phần của chính phủ.

Các quan chức EU hàng đầu cho biết Brexit chẳng khác nào một "mớ hỗn độn" cho châu Âu trong bối cảnh Nội các Anh lục đục. Một số thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền đang tìm cách lật đổ bà May vì không đồng tình với cách xử lý của bà. Đơn xin từ chức của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã được Nữ hoàng Anh phê duyệt và Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt là người được bổ nhiệm thay thế.

.
.
.