Bộ sưu tập "thần chết" của người thợ rèn

Thứ Sáu, 03/01/2014, 11:00

Ông như gã khùng, mê tiền không mê, đi mê bom đạn, sẵn sàng đổi vàng lấy sắt vụn mang về chất đống trong vườn. Hơn 30 năm lượm lặt bom mìn, ông trở thành người giàu có nhất của chiến tranh.

­­Đi tìm "thần chết"

Thoạt nghe "khu vườn tử thần" của người thợ rèn khiến bất cứ ai cũng cảm giác nhột mình, lạnh gáy. Đến đầu xã hỏi thăm nhà ông Lâm "bom mìn", người dân sẽ mô tả từ cổng vào tận trong vườn cho mà hiểu thêm. Quả thật, tôi đã sởn da gà khi mục sở thị kho "thần chết" của ông Nguyễn Tú Lâm (ngụ ấp Gò Mối, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Ông khoái lắm, khi có người quan tâm đến "bảo bối chết người" của mình. Để trấn an, ông kéo tôi đi ra khu vườn, lần lượt gõ keng keng phía ngoài mỗi trái bom tấn, bom B52… rồi phán: "Rỗng tuếch nhé, chỉ có vỏ thôi, rút hết thuốc rồi. Lớn nhỏ đều rút hết ráo. An toàn lắm".

Trong chiến tranh, khu vực An Tây - Thanh Tuyền - An Điền (giáp Củ Chi) được mệnh danh là vùng tam giác sắt, bom đạn trút xuống dày như rải mạ, chiến sự khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Tư liệu ghi lại trong chiến tranh chống Mỹ, trung bình mỗi người dân Củ Chi phải đội trên đầu một tấn bom đạn.

Sau ngày giải phóng, vùng Củ Chi "đất thép thành đồng" ngổn ngang bom đạn. Hố bom nhan nhản khắp nơi. Người dân ngoài khắc phục hậu quả chiến tranh, muốn có đất sản xuất nông nghiệp phải đi san lấp hố bom, đi rà phá bom mìn để trồng tỉa. Những quả bom tấn, bom B52 nằm như con cá voi dưới lòng đất.

Ông Tú Lâm khi ấy là một người thợ rèn. Nông dân đi đào bom về, trái nào còn thuốc nổ thì rút ra, sau đó cưa nhỏ mang tới nhờ ông Lâm rèn làm cuốc, xẻng, dao rựa… Loại sắt thép lấy từ vỏ bom rất bền và sắc. Nghề thợ rèn tuy vất vả cực nhọc nhưng ông mê lắm, hễ thấy vỏ bom thì lại càng mê, vì ông nhận thấy sự hữu dụng từ thứ vũ khí hiện đại của người Mỹ. Những khi rảnh, ông cũng đi đào, đi rà bom về chất đầy trong vườn. Ông đi khắp các vựa ve chai, dặn người ta có vỏ bom thì kêu ông tới mua. Bao nhiêu ông cũng gom hết.

Ngày đó, làm gì có ôtô, xe kéo hiện đại như bây giờ. Ông đi mua bom bằng xe bò, xe ngựa. Trọng lượng bom rất nặng, B52 thì cũng 500kg, loại bom tấn còn khủng hơn. Mỗi chuyến xe bò kéo được từ một đến hai trái là cùng, sức kéo của bò chỉ vậy thôi. Bom đạn nhiều vô kể, ở trên mặt đất, ở dưới lòng đất, ở đâu cũng thấy. Ông Lâm ký hợp đồng thu gom vỏ bom cho Nhà máy Z1 (Quân khu 7) để bộ đội sản xuất công cụ tăng gia sản xuất. Năm 1982, khi nhà máy có các máy móc hiện đại, có nguồn sắt thép nhập khẩu thì ông Tú Lâm mất việc.

Khoảng hơn 300 vỏ bom, mìn các loại trong bộ sưu tập "thần chết".

Tuy nhiên, ông vẫn không từ bỏ niềm say mê với vỏ bom. Ông làm đơn xin thu gom sắt phế liệu, mà chủ yếu là vỏ bom đạn không có thuốc nổ và được Ban chỉ huy Quân sự huyện Dầu Tiếng cho phép. Những vỏ bom còn nguyên, ông giữ gìn cẩn thận trong vườn. Làm thợ rèn, ông chỉ rèn những mảnh đã vỡ hoặc vỏ bom nào sứt sát, lủng lỗ.

Khi những vựa trái cây, những rừng cao su xanh mơn mởn mọc lên phủ lấp tàn tích của chiến tranh thì Củ Chi và xã Thanh Tuyền không còn bom mìn trên mặt đất nữa. Lúc này, những người mưu sinh bằng nghề phế liệu lại sắm máy rà. Rà tỉ mẩn, quét sạch sẽ khắp nơi, đào bới tận dưới lòng đất, rồi đến lòng sông, lòng suối… hễ ở đâu có bom rơi đạn vãi thì ở đó máy móc rà tìm suốt ngày đêm.

Ông Lâm còn nhớ, năm 1995, người đi rà bom rinh hẳn một trái B52 còn nguyên đem bán cho phế liệu. Chủ mua cũng không hiểu gì, cứ cân ký lên, sau đó để sang một bên chờ ông đến thu mua. Ông Lâm đến thấy những đứa trẻ nhảy nhót, leo trèo lên trái bom chơi đùa, ông tá hỏa quát bọn nhỏ xuống ngay. Sau đó, ông gọi cho Ban kỹ thuật của Huyện đội xuống tháo dỡ thuốc nổ. Còn lại cái vỏ ông mới dám kéo về. Trong cuộc hành trình đào bới bom mìn, không ít cái chết thương tâm xảy ra do sự liều lĩnh. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật tháo dỡ của những người đi rà.

"Bà con mình đánh giặc thì giỏi nhưng mấy chuyện bom đạn, thuốc nổ, kíp nổ thì chẳng mấy người hiểu biết đâu. Tôi chỉ khuyên bà con hễ thấy bom mìn thì tránh xa ra, đi báo cho chính quyền tới giải quyết, chứ đừng tự ý đụng vô. Chết như chơi đó", ông Lâm cảnh báo.

Đổi vàng lấy sắt

Khoảng thời gian những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, giá sắt vụn cao ngất ngưởng từ 9 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg trong khi giá vàng chỉ mấy trăm ngàn. Để hiện thực hóa ước mơ làm giàu bằng vỏ bom, ông Tú Lâm đã đi vay vàng về đem bán để mua vỏ bom đạn. Mỗi ngày, hàng chục lượt xe kéo xếp hàng tại khu vườn rộng hơn 1.000m2 của ông để "trút bom".

Củ Chi khan hiếm, ông lặn lội xuống tận Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), mà chủ yếu ở những dòng sông lớn như Vàm Cỏ Đông lặn ngụp mò bom dưới đáy sông mang về. Khối lượng vỏ bom đạn khổng lồ chất thành từng đống từng vựa trong vườn nhà ông Lâm. Ông Lâm không am hiểu về các thông số ghi tên vỏ bom vì toàn chữ nước ngoài. Ông tự đặt theo cách nhìn và cảm nhận của mình. Trái to ông gọi là bom voi, vừa thì bom tấn, bom heo, bom tròn, bom dẹp… cho dễ nhớ.

Lúc đầu, ý niệm về vỏ bom đạn đối với ông Lâm chỉ là công việc kiếm sống. Bởi đơn giản ông là thợ rèn, thợ máy thì những thứ ấy nó là linh hồn cần thiết nhất. Ông vay vàng mua sắt để dự trữ là mong muốn trúng mánh, làm giàu trong tương lai một khi thời giá lên. Nhưng mọi sự đã khác, trong một lần đi vào địa đạo Củ Chi chơi với mấy người bạn là cựu chiến binh.

Nghe người hướng dẫn viên giải thích ý nghĩa của từng trái bom, trái mìn trong thời chiến tranh. Bom mìn là công cụ chiến tranh, vì thế mỗi trái bom đều là nhân chứng sống của lịch sử gắn liền với máu xương của đồng bào. Sau buổi viếng thăm ấy, ông Lâm trăn trở nhiều lắm. Nhìn đống vỏ bom mìn cao ngất ngưởng ngoài vườn, ông từng mơ về một cuộc đổi đời nay mai. Nhưng giờ thì khác, ý nghĩ làm giàu đã bay biến trong chốc lát, ông mỉm cười một mình và thấy khu vườn "chết chóc" kia không phải là tiền bạc nữa, mà là chứng tích lịch sử. Máu và xương gắn liền tội ác chiến tranh.

B52 còn nguyên trạng được ông Lâm lưu giữ cẩn thận.

Thời giá đổi thay, xoay chiều chóng mặt. Những năm 2.000 trở lại  đây, vàng đột ngột tăng mạnh, sắt thì xuống dốc không phanh. Số vàng ông Lâm vay để mua vỏ bom ngày trước nay phải trả gấp 5 gấp 6 lần. Ông đã phải bán hết tất cả những thứ có giá trị trong nhà để trả nợ. Lắm khi nhìn đống "thần chết" ngoài kia, ông đã ứa nước mắt. Gia sản khánh kiệt vì tậu bom, mìn.

Thật là trớ trêu, ông Lâm bỏ nghề rèn, chuyển sang nghề thợ máy. Vậy mà, hễ có ai tìm được vỏ bom hay đào được trái mìn ở đâu đó, dù xa xôi thế nào, ông cũng mò tới mua bằng được.

Cái giá có khi chỉ bằng mấy thứ ve chai người ta bỏ đi, cũng có khi vô giá. Và bây giờ cái đống "thần chết sắt vụn" của ông Lâm đã trở thành bảo vật vô giá. Về ý thức dân tộc, ông Lâm cảm thấy việc làm của mình là lưu giữ hồn cốt của chiến tranh. Ông Lâm cứ trằn trọc suốt là mình vẫn chỉ lưu giữ được một phía, tức là chủ yếu vũ khí của Mỹ, còn vũ khí của dân tộc Việt Nam vẫn chưa có cái nào. Ông muốn đem ra so sánh, đối chiếu để thấy rằng, sự tương phản giữa hai đế quốc về vũ khí không nói lên điều gì cả. Cuối cùng bên thắng chính là nhân dân Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng.

Những địa phương có nhà truyền thống đều tìm đến ông mua lại vỏ bom để về trưng bày, ông Lâm sẵn sàng hợp tác. Tháng 8 năm 2013, một công ty tư nhân ở tận Ninh Bình vào hỏi mua vỏ bom. Ông Lâm không bán, sau đó đích thân giám đốc công ty đã vào gặp trực tiếp ông,ngỏ lời chân thành muốn mua lại một số vỏ bom để lưu giữ kỷ niệm về một thời lửa đạn. Hóa ra, ông giám đốc ấy chính là người lính từng vào sinh ra tử tại vùng Củ Chi. Biết chuyện, ông Lâm vô cùng cảm động, ông đồng ý bán cho người lính ấy ba vỏ bom chở từ miền Nam ra.

Có một trái bom "khổng lồ" ông không biết tên khoa học của nó là gì, bèn gọi là bom voi. Vỏ bom này ông mua cách đây hơn 30 năm khi người ta đã cưa đôi nó để lấy thuốc nổ. Ông rinh về hàn lại như ban đầu. Có người tới trả giá 200 triệu đồng nhưng ông không bán. Và ông nói thẳng với khách: "Có chết đói tôi cũng không bán đâu nhé, và có trả bạc tỷ cũng vậy thôi. Con người ta chết đi có giữ lại được cái gì cho bản thân đâu chứ. Con cháu của tôi sinh ra sau ngày hòa bình, chúng nó làm sao hiểu được chiến tranh là gì, hy sinh mất mát, đau thương, tang tóc là như thế nào? Tôi giữ lại để con cháu nhìn vào đây mà hiểu, ít nhiều cảm nhận được cuộc sống hòa bình ngày nay, cha ông chúng đã phải trả bằng máu từ những trái bom này".

63 tuổi, sức đã yếu, ông không còn xông xáo đi kiếm tiền được nữa. Ngoài các khoản chu cấp của bốn người con, thì cuộc sống có những lúc bộn bề thiếu thốn nhưng ông Lâm vẫn kiên quyết giữ lại bộ sưu tập "thần chết" của mình. 

Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng - Bình Dương):

"Hiện nay, việc sưu tầm bom mìn tại địa phương chỉ còn mình ông Lâm. Xã Thanh Tuyền là một trong những vùng bị bom đạn cày xới tàn khốc nhất trong chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp. Việc làm của ông Lâm góp phần giữ hồn cốt của chiến tranh mà thế hệ trẻ sinh ra sau này không thể biết được".

Ngọc Thiện
.
.
.