Hậu vụ bò tót ở sân bay Phú Bài:

Bò tót đã bị săn bắt vận chuyển qua đường 9?

Thứ Bảy, 08/09/2012, 10:07
Một con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), gây náo loạn khu vực này và húc chết một cụ bà 85 tuổi. Người ta nghi ngờ con bò đến từ một vùng rừng núi nào đó trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhưng nay các chứng cứ khoa học và nhiều nguồn tin cho biết, con bò trên không hề sinh sống ở Huế. 

Về vụ con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài, chiều 23/7/2012, người dân phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) phát hiện cụ bà Nguyễn Thị Thí, 85 tuổi, trú tổ 11, Thủy Lương nằm chết trên vũng máu ở khu đất hoang gần nhà cụ, nghi bị bò "lạ" húc chết. Cùng thời điểm này, nhân viên an ninh sân bay Phú Bài phát hiện một con bò "lạ" lạc vào khu vực gần đường băng của sân bay. Thông tin bò "lạ" được ngành Kiểm lâm và sân bay Phú Bài thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng để cùng phối hợp giải quyết. Một ngày sau, con bò này được xác nhận là bò tót, nặng khoảng 1,2 tấn, là bò đực và được các lực lượng chức năng cứu hộ, nhưng con bò không may đã bị tử vong sau đó.

Con bò tót bị chết ở sân bay Phú Bài.

Sau cái chết của bò tót, một số lãnh đạo ngành chức năng khi được hỏi về nguồn gốc của con bò này, đã có những nhận định khác nhau. Trong khi các nguồn tài liệu, chứng cứ khoa học, thông tin từ người dân địa phương… từ trước đến nay chưa từng xác nhận bò tót từng sinh sống ở Huế, thì ở tỉnh Quảng Trị lân cận, các chứng cứ khoa học và nhiều nguồn tin xác nhận, bò tót từng sinh sống lâu năm ở đây; đối với con bò tót trên rất có thể đã bị săn bắt, buôn bán trước khi nó thoát thân, lạc vào sân bay Phú Bài.

Lần tìm từ rừng Trừ Lấu

Rừng Trừ Lấu nằm giáp ranh giữa 3 huyện Đakrông, Triệu Phong và Cam Lộ (Quảng Trị). Cách đây 8 năm, Khoa Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và sinh thái học bò tót ở khu vực này.

Các cán bộ khoa học cùng với cán bộ kiểm lâm và thợ săn đã khảo sát theo các tuyến từ xã Triệu Nguyên đi theo hướng Tây lên đỉnh đồi Hai Vú, rồi từ đó lại theo hướng Tây Bắc về đến xã Ba Lòng, huyện Đakrông (một phần rừng Trừ Lấu) với tổng chiều dài tuyến xác định trên bản đồ qui đổi là 10.600m.

Tại khu đồi Hai Vú, Khe Ngàn với tổng chiều dài 15.000m, đoàn khảo sát đã thu thập được những dấu vết của đàn bò tót có số lượng 10 - 13 con. Ngoài ra, rải rác trong các vùng rừng Triệu Nguyên, Ba Lòng, đoàn còn tìm thấy rất nhiều dấu chân và xương bò tót... Hai năm sau đó, một con bò tót đực nặng gần 2 tấn đã bị mắc bẫy tại rừng Trừ Lấu.

Theo cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, con bò tót này đã giật đứt được dây bẫy là một sợi cáp thép to bằng ngón tay trỏ người lớn, nhưng đoạn vòng rút của sợi dây thắt chặt vào chân bò, gây thương tích và tụ máu, lâu ngày nó không đi lại, ăn uống được. Khi cán bộ kiểm lâm phát hiện ra con bò, nó đã kiệt sức, không còn khả năng sống, vì vậy kiểm lâm quyết định cắt đầu và bốn chân con bò này để làm tiêu bản.

Nhiều năm sau đó, người dân và lực lượng chức năng không còn thấy bò tót sinh sống ở khu rừng này cho đến trung tuần tháng 6 năm nay. Một đàn bò tót đông chừng 15 con đã xuất hiện trở lại khu rừng này.

Bò tót từng bị cắt đầu ở rừng Trừ Lấu.

Theo ông Trần Hòa (61 tuổi), một thợ săn kì cựu đang sống tại xã Triệu Nguyên, từ năm 2004 trở về trước, loài động vật hoang dã quý hiếm này thường xuyên có mặt tại vùng rừng Trừ Lấu, nhưng nhiều năm liền sau đó do sự tác động của con người đến môi trường sống, đặc biệt là nạn săn trộm đã làm cho bò tót hoảng sợ và di tản đi nơi khác. Mặc dù vậy, ở Đakrông và các vùng rừng núi lân cận, Trừ Lấu vẫn là môi trường sinh sống lý tưởng nhất đối với loài bò tót. Vì vậy, mỗi khi khu vực này bớt sự tác động của con người, chúng lại quay trở lại.

Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Hòa và Kiểm lâm bảo tồn thiên nhiên Đakrông, liệu có phải con bò tót ở sân bay Phú Bài đã di cư từ rừng Trừ Lấu? Ông Hòa và các cán bộ khu bảo tồn này nhận định: "Giáp với tỉnh Quảng Trị có Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), nhưng nếu con bò này từ Trừ Lấu đến đây thì phải qua huyện Hải Lăng (Quảng Trị) rộng lớn, rừng núi ở đây thưa thớt, nhiều sông suối cách trở. Giả thiết nó đến được Phong Điền, thì từ đây về tới sân bay Phú Bài rất xa, địa hình chủ yếu đồng ruộng, đường sá xe cộ tấp nập và khu dân cư đông đúc. Vì thế có thể khẳng định con bò tót trên không thể lạc đàn từ rừng Trừ Lấu".

Vùng núi rừng Voi Mẹp

Ở Quảng Trị, khu vực rừng núi Voi Mẹp thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa cũng là nơi sinh sống lý tưởng của loài bò tót. Ông Khổng Trung- PGĐ Sở NN-PTNN kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết, ông đã từng "treo thưởng" cho những ai chụp được ảnh bò tót ở vùng rừng núi này. Mục đích của việc "treo thưởng" là để xác thực thông tin bò tót có thật sự sinh sống ở đây hay không.

Kết quả vào năm 2008, anh Nguyễn Ngọc Tuấn và Ngô Kim Thái, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã… "chộp" được bò tót ở khu rừng núi kể trên. Việc làm này với họ không phải để nhận giải, bên cạnh mục đích xác thực thông tin từ người dân, còn có trách nhiệm bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Bằng chứng mà 2 anh này mang về gồm 4 mẫu phân bò tót mới được chúng "sản xuất" trong vòng 48 tiếng, có niêm mạc ruột đang còn dính vào phân và một số ảnh thu được từ các bẫy ảnh, chủ yếu là hình ảnh phần đầu con bò. Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã gửi 4 mẫu phân trên sang Trung tâm Linh trưởng ở CHLB Đức nhờ phân tích ADN và giới tính. Thời gian sau, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị nhận được kết quả từ Đức gửi về: 4 mẫu phân trên là của 2 cá thể bò tót, đã trưởng thành, giới tính là bò cái.

Trở lại vụ bò tót gây náo loạn ở sân bay Phú Bài, chúng tôi hỏi ông Hà Văn Hoan, PGĐ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, rằng liệu con bò này đã lạc từ vùng rừng núi Voi Mẹp? Ông Hoan nói chắc như đinh đóng cột: "Với hiểu biết của tôi, tôi khẳng định không thể có chuyện đó. Thứ nhất, vùng rừng núi Voi Mẹp cách rất xa khu dân cư, cao 1.700m so với mực nước biển nên con người rất khó để tác động vào đó và thực tế họ hoàn toàn không có điều kiện để tác động vào đó. Vì vậy hoàn toàn không có lý do để con bò trên đi lạc khỏi vùng rừng này. Hơn nữa, bò tót luôn sinh sống theo đàn, mỗi đàn ít nhất cũng từ 3 đến 5 con; nếu không vì lý do khách quan, thì chúng không thể lạc nhau được. Mặt khác, giả thiết nó lạc đàn, thì trước khi đến sân bay Phú Bài, nó phải đi qua vô số khu dân cư, vùng đồng bằng và quốc lộ; điều này là không có cơ sở".

Bò tót đã "lọt" qua các trạm kiểm soát?

Điều tra bò tót ở vùng núi rừng Voi Mẹp.
Nhận định này là có cơ sở. Ông Đoàn Quốc Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt (KT-TMĐB) Lao Bảo cho biết: "Ở Quảng Trị, Công ty TNHH Tây Tiến (trụ sở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) được phép thu gom, buôn bán bò từ Lào, mở tờ khai Hải quan, vận chuyển vào nội địa qua cửa kiểm soát khu này.

Loại bò trên rất to, nhiều con có hình dáng "khủng" như bò tót. Trong khi đó, việc kiểm tra loại hàng hóa này được tiến hành ngẫu nhiên như các loại hàng hóa khác. Cụ thể, khi làm thủ tục mở tờ khai cho khách, cán bộ Hải quan chỉ việc nhập dữ liệu vào máy tính, còn hệ thống xử lý dữ liệu đó là do Tổng cục Hải quan.

Việc báo lệnh của máy theo cách ngẫu nhiên. Lệnh báo kiểm tra thì cán bộ ở đây kiểm tra, còn không thì cho qua. Thường 2 đến 3 tuần, Công ty TNHH Tây Tiến vận chuyển bò qua đây một lần. Mỗi lần như vậy thường là 2 đến 3 xe tải, với mỗi xe 50 đến 60 con bò. Ông Trị thừa nhận, trong trường hợp lệnh báo không kiểm tra, cán bộ ở đây khó mà nhận thấy trên các xe chở bò Lào có vận chuyển bò tót hay không. 

Còn ông Lê Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: "Việc thu gom bò Lào chỉ được tiến hành ở khu vực biên giới nội địa Việt Nam, chứ bò không qua cửa khẩu này. Qua đây chỉ có vài doanh nghiệp mở tờ khai vận chuyển bò sữa đang mang thai loại thuần chủng, chúng hoàn toàn khác với bò tót".

Ở một diễn biến khác, nguồn tin riêng của Cảnh sát toàn cầu cung cấp: Con bò tót trước lúc có ở Phú Bài, đã được vận chuyển bằng xe tải thùng kín từ tuyến đường 9 Quảng Trị đến đây. Để đảm bảo an toàn trong vận chuyển, chủ hàng đã cho tiêm thuốc mê vào con bò. Tuy nhiên, đoạn vận chuyển tới thị trấn Phú Bài, do hết thuốc mê, con bò cựa quậy; tài xế và chủ hàng xuống mở thùng xe để kiểm tra, thì con bò sổng được ra bên ngoài.

Nguồn tin này cũng đã lan truyền khá nhanh đến "những người trong cuộc" trong các buổi trà dư tửu hậu. Có người còn xác nhận, chính họ đã kiểm tra con bò, nhưng vì nhiều lý do, không bắt giữ được(?)

Bò tót hoặc đã bị săn bắt ở các vùng rừng Quảng Trị, rồi vận chuyển vào phía Nam và bị sổng ở khu vực gần sân bay Phú Bài; hoặc bị săn bắt, vận chuyển từ một nơi nào khác và bị sổng ở khu vực trên? Trước những nghi vấn này, ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa nói: "Tôi có một suy nghĩ, bò tót không tự nhiên mà xuất hiện ở chỗ đông người như sân bay Phú Bài, kể cả lý do nó lạc đàn cũng không thể, bởi vì ở đây xa cách rừng hàng trăm cây số về cả bốn phía. Nguyên nhân nó đã bị vận chuyển rồi sổng ra nghe hợp lý hơn cả".

Trở lại vấn đề con bò tót bị trà trộn vào bò Lào rồi "lọt" qua cửa kiểm soát Khu KT-TMĐB Lao Bảo. Trước lúc nó sổng ra ở khu vực gần sân bay Phú Bài, chắc chắn nó đã được vận chuyển qua nhiều trạm kiểm soát trên suốt tuyến đường 9 và quốc lộ 1A qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế

Phan Thanh Bình
.
.
.