Bỏ xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ “vàng thau lẫn lộn”?

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:00
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”. Theo đó, trên văn bằng sẽ không còn ghi hình thức đào tạo, xếp loại bằng.


Việc bỏ xếp loại trên văn bằng đại học khiến dư luận băn khoăn, lo ngại điều này có thể làm suy giảm động lực phấn đấu của người học; dễ có sự đánh đồng giữa người có năng lực tốt với người có năng lực trung bình; gây khó khăn cho nhà tuyển dụng…

Sẽ ra sao nếu học tại chức cũng được cấp bằng như học chính quy?

Theo dự thảo lần 1 thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học sẽ bao gồm 10 chi tiết chính là tiêu đề, tên văn bằng, tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng, họ tên người được cấp văn bằng, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ngành đào tạo, ngày tháng cấp văn bằng, họ tên và chức danh của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định, số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Theo Bộ GD&ĐT, khi tốt nghiệp đại học, người học sẽ được cấp đồng thời cả văn bằng và phụ lục văn bằng.

Như vậy, theo dự thảo, trên văn bằng sẽ không ghi rõ hình thức đào tạo (tại chức hay chính quy) và không ghi xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình) như quy định hiện hành. Ngoài ra, tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học cũng sẽ chỉ gọi chung là bằng cử nhân, chứ không phân biệt theo các khối ngành đào tạo gồm kỹ sư, bác sỹ, dược sĩ, cử nhân… như quy định hiện hành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những quy định này là cụ thể hoá Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Tại Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.

Lý do Bộ GD&ĐT đưa ra là dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau. Do vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy - tại chức.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia không ghi xếp loại học lực trên văn bằng. Để làm được điều này, họ có hệ thống quản trị thông minh, liên thông trực tiếp từ cơ sở đào tạo với nhà tuyển dụng nên tất cả thông tin về người học nhà tuyển dụng đều nắm bắt được. Nói cách khác, để thực thi một chính sách tiến bộ, sẽ cần phải có các điều kiện đảm bảo đi kèm.

Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam hiện nay, khi mà chất lượng đào tạo giữa hai hệ học chính quy và tại chức vẫn còn độ “vênh” khá lớn, việc áp dụng quy định trên sẽ dễ gây ra tiêu cực. Do vậy, trên văn bằng tốt nghiệp đại học hiện nay vẫn phải ghi xếp loại.Việc này sẽ giúp cho các nhà tuyển dụng nhân sự thuận lợi trong việc sơ tuyển hồ sơ đầu vào, mặt khác cũng động viên sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Từ trước đến nay, chỉ có bằng tiến sĩ là không phân loại, còn lại bằng đại học đều phân loại. Thực tế cho thấy, việc phân loại sẽ tạo động lực cho người học.

"Nếu không ghi xếp loại lực học trên bằng đại học thì cũng cần phải ghi ở trong bảng điểm. Lực học mặc dù không phải là tất cả nhưng thể hiện sự cố gắng của người học trong quá trình học. Đây cũng là một yếu tố để nhà tuyển dụng hiểu thêm về năng lực cũng như những cố gắng, nỗ lực của người học trong toàn bộ quá trình học tập” - PGS Trần Văn Tớp nên ý kiến.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng cho rằng: Việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học trong bối cảnh hiện nay là không ổn. Điều này sẽ là bất công cho những người thực học và sẽ gây khó cho người tuyển dụng nhân sự bởi nguy cơ “vàng thau lẫn lộn”.

Hình thức đào tạo, xếp loại sẽ được ghi trong phụ lục văn bằng

Trước những băn khoăn của dư luận về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đơn vị soạn thảo dự thảo cho biết: Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.

Theo dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi xếp loại và loại hình đào tạo.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, trong “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng nhằm thực hiện quy định trong Luật Giáo dục đại học đều đã có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm thông tin về cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo (tại chức hay chính quy); kết quả học tập và điểm xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình)…

Các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng. Như vậy, thay vì ghi trên văn bằng, việc xếp loại sẽ được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong phụ lục văn bằng.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học gồm 3 loại: bằng Cử nhân; bằng Thạc sĩ và bằng Tiến sỹ. Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.

“Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, theo đó các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này, dự kiến, sẽ có các loại bằng kỹ sư, bằng bác sỹ, bằng dược sỹ... Do đó, trong dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT không quy định những trường hợp này” - ông Trinh nói.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng: Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia.

Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước.

Tuy vậy, ông Trinh cũng thừa nhận Dự thảo Thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tăng cường giám sát chất lượng để đảm bảo công bằng

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, nếu nhìn một cách tổng thể thì ta có thể thấy hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học thì vẫn có trường tốt và không tốt, có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn.

Như vậy, vấn đề chất lượng đại học chính quy hay tại chức ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực của từng người học để lấy kiến thức thực thụ hay học để lấy tấm bằng, chứ không phụ thuộc quá lớn vào hình thức văn bằng, hình thức đào tạo.

“Việc xóa bỏ hình thức đào tạo không chính quy trên văn bằng, không ghi xếp loại trên văn bằng đòi hỏi các trường đại học phải siết chặt chất lượng đào tạo nhằm tạo dựng thương hiệu, uy tín với người học. Tất nhiên, ngoài trách nhiệm của các trường, cũng cần tăng cường giám sát của xã hội, đặc biệt là người học về chất lượng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sắp tới, vấn đề kiểm định các trường sẽ được đẩy mạnh, nhất là kiểm định chương trình, kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng cho chương trình đó” - bà Phụng nói.

Huyền Thanh
.
.
.