Bóc gỡ đường dây "tín dụng đen" ở Bình Phước

Thứ Sáu, 11/10/2019, 12:41
Ngày 8-10-2019, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã triệt phá thành công đường dây hoạt động cho vay lãi nặng do đối tượng Trần Đức Tuân, sinh năm 1990 tại tỉnh Thái Bình (tạm trú KP Phú Thanh, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài) cầm đầu.


Các "tay chân" phục vụ đắc lực cho Tuân gồm Trần Đăng Khoa, sinh năm 1985, Trần Ngọc Khương, sinh năm 1989, Đỗ Đức Thiệp, sinh năm 1992 và Trần Văn Sơn, sinh năm 1990 cùng quê tỉnh Thái Bình (tạm trú TP. Đồng Xoài).

Cuối tháng 8-2019, Ban chỉ huy Công an TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước xác định có dấu hiệu của một đường dây cho vay nặng lãi đang hoạt động trên địa bàn nên đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự lập tổ công tác vào cuộc với yêu cầu phải nhanh chóng phá án.

Cơ quan Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng.

Tiến hành rà soát, sàng lọc đối tượng, đầu tháng 9-2019, các trinh sát đã có trong tay bản danh sách về danh tính đối tượng cầm đầu cùng các "mắt xích" trong đường dây. Khi các trinh sát vận động được ba người vay tiền của băng nhóm này đứng ra tố cáo hành vi cho vay lãi nặng thì hồ sơ mà họ cung cấp không đủ chứng cứ buộc tội vì tất cả đều được chuyển hóa sang dạng giao dịch khác.

Trường hợp thứ nhất và thứ hai, người vay khẳng định là do gặp hoàn cảnh khó khăn nên đã vay của Tuân với lãi suất 10.000đ/1 triệu/tháng, nhưng thực tế Tuân cùng đồng bọn đã dùng chiêu trò yêu cầu người vay làm giấy bán chiếc xe gắn máy, dàn máy tính với giá thỏa thuận (thực tế không có chuyện mua bán xe xảy ra).

Sau khi ký giấy mua bán, người vay muốn nhận được tiền phải viết tiếp giấy thuê lại chiếc xe và dàn máy tính của chính mình với giá cao gấp nhiều lần đi thuê xe ngoài thị trường. Trường hợp thứ ba là hợp đồng cầm đồ trang sức cũng với lãi suất 1%/tháng, song thực tế khi, các đối tượng đã ngắt ngay tiền lãi lên đến 30%, chỉ giao cho người vay 70% còn lại mà vẫn phải ký nhận "đã nhận đủ số tiền ghi trên hợp đồng"…

Đầu tháng 10-2019, khi đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng và cũng là thời điểm thuận lợi, Ban chỉ huy Công an TP. Đồng Xoài đã chỉ đạo phá án. Sáng ngày 8-10, nhận được thông tin sau khi lừa được 2 người dân sử dụng dịch vụ "tín dụng đen" của mình, Tuân chỉ đạo cho đồng bọn là Trần Đăng Khoa và Trần Ngọc Khương trực tiếp gọi điện thoại và hẹn gặp hai người này tại một quán cà phê ở phường Tân Thiện thực hiện việc ký hợp đồng.

Hơn 9 giờ sáng, khi Khương, Khoa đang thực hiện giao dịch thì trinh sát bất ngờ ập vào bắt quả tang, thu giữ tang vật gồm 2 hợp đồng cho vay tiền và 25 triệu đồng tiền mặt.

Hộ khẩu, CMND, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của con nợ và hợp đồng cho vay được tìm thấy trong phòng trọ của các đối tượng.

Khai thác nhanh từ Khương, Khoa, ngay trong ngày 8-10, cơ quan Công an đã thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở đối với Đỗ Đức Thiệp, Trần Đức Tuân và Trần Văn Sơn, thu giữ một số hung khí như rìu, dao tự chế, mác cùng nhiều tài liệu giấy tờ có nội dung liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Đặc biệt cơ quan Công an còn thu giữ 1 bộ CPU máy tính được cài đặt phần mềm tự động kết nối với người truy cập trang thông tin quảng cáo cho vay tiền và tự tính toán tiền gốc, lãi mà người vay phải trả hằng tuần hoặc hằng tháng.

Theo lời khai của Trần Đức Tuân, trước đây Tuân từng cầm đầu băng nhóm cho vay lãi nặng hoạt động ở tỉnh Thái Bình, nhưng chỉ làm "cò con" để lấy tiền mua ma túy về sử dụng. Năm 2017, khi Công an địa phương thực hiện cao điểm tấn công tội phạm, một số đối tượng trong đường dây của Tuân bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và phải chịu hình phạt của pháp luật, riêng Tuân may mắn thoát được vì thời điểm đó hắn đi dự đám cưới của một người bạn ở Hải Phòng, nhưng sau đó vẫn bị Công an địa phương áp dụng biện pháp răn đe, gọi hỏi.

Nhận thấy không còn đất dung thân, Tuân tìm vào TP. Hồ Chí Minh nhờ một người bạn đưa đi tìm mối "làm ăn". Trong một lần lên chơi với nhóm bạn đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Tuân phát hiện có nhiều công nhân trong khu nhà trọ thường xuyên đi vay tiền lẫn nhau để xử lý những tình huống khẩn cấp trong cuộc sống nhưng họ đều có chung hoàn cảnh nên cũng không thể trợ giúp nhau được nhiều.

Nhận thấy đây là cơ hội kiếm được nhiều tiền, Tuân bàn với người bạn kia cùng làm, nhưng người bạn này lắc đầu nên không thực hiện được. Với quyết tâm hình thành đường dây "tín dụng đen", Tuân về quê rủ thêm đối tượng từng có tiền án là Trần Đăng Khoa gom tiền vào thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng.

Để quảng cáo hoạt động và lôi kéo được nhiều người vay tiền của mình, Tuân, Khoa cho in hàng loạt tờ rơi có kèm theo số điện thoại với nội dung: "Hỗ trợ tài chính, thủ tục nhanh gọn, chỉ cần có giấy CMND, hộ khẩu hoặc giấy tờ xe…Giải ngân trong vài giờ…", đem dán ở trụ điện hoặc bờ tường các khu nhà trọ.

Khi có người hỏi vay tiền, Tuân, Khoa sẽ hẹn giờ rồi trực tiếp tìm đến nơi ở hoặc nơi thuê trọ để thăm dò, nếu là công nhân và thế chấp giấy CMND thì chỉ cho vay từ 500.000đ-1.000.000đ, nếu có hộ khẩu hoặc giấy tờ xe thế chấp thì mức cho vay giao động từ 2-5 triệu đồng. Tất cả các khoản cho vay, người vay tiền phải chịu mức lãi suất thỏa thuận từ 7.000đ đến 10.000đ/1 triệu đồng/ngày (tức từ 20%-30%/tháng) và Tuân, Khoa ngắt tiền lãi ngay khi giao tiền cho người vay.

Đến ngày hẹn mà không trả được thì Tuân, Khoa yêu cầu người vay chuyển thành trả góp nhưng số tiền gốc được tính gộp cả 70% đưa cho người vay trước đó và 30% mà chúng ngắt lãi. Nếu không thể trả góp được nữa, Tuân ra lệnh cho Khoa cùng một số đàn em mang rìu và mác đến nhà con nợ nói chuyện…

Sau hơn một tháng hoạt động, nhóm của Tuân bị các nhóm giang hồ khác liên tục xua quân đến đánh dằn mặt buộc phải dọn đi nơi khác. Thân cô, thế cô, Tuân đành phải ngừng hoạt động, cùng Khoa dọn về phòng trọ của một người bạn cùng quê ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương tá túc.

Trần Đức Tuân và các "tay chân"

Trong thời gian "thất nghiệp", Tuân, Khoa thường ra quán cà phê ngồi và thấy một số người nói chuyện với nhau về một số công ty trong các khu công nghiệp ở Bình Dương không đảm bảo các yếu tố về môi trường sẽ buộc phải di dời lên vùng ven TP. Đồng Xoài nên cả hai bàn nhau bắt xe đò lên xem thử. Nhận thấy khu vực này có ít băng nhóm giang hồ, cả hai quyết định gom 700 triệu đồng mang lên Đồng Xoài thực hiện hoạt động cho vay.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này Tuân, Khoa không cho in tờ rơi mà đến các khu nhà trọ tìm những đối tượng có máu me cờ bạc, đặc biệt là những người cùng quê để kết giao đồng hương rồi thông qua những người này giới thiệu hoạt động cho vay đến các nhóm công nhân và người dân địa phương.

Với 700 triệu vốn ban đầu, chỉ trong vòng chưa đầy bốn tháng cho vay đã thành gần 1,2 tỷ đồng. Thấy trục lợi quá dễ, Tuân, Khoa quyết định về quê vay thêm 1,7 tỷ đồng, thâu nạp thêm các đối tượng từng có tiền án, tiền sự ở quê Thái Bình là Đỗ Đức Thiệp, Trần Văn Sơn và Trần Ngọc Khương đưa vào phục vụ cho hoạt động tội phạm của mình.

Do là người có nhiều vốn nhất và có thâm niên hoạt động lâu nhất nên được giao nhiệm vụ điều hành chung và quản lý toàn bộ lượng tiền ra vào hằng ngày, Khoa, Khương được giao nhiệm vụ gặp gỡ và ký hợp đồng với các "đối tác" ở TP. Đồng Xoài, còn Thiệp, Sơn quản lý địa bàn huyện Chơn Thành, Hớn Quản và mở mang sang thị xã Bình Long cùng huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Để quản lý tiền bạc và vận hành đường dây, Tuân xuống TP. Hồ Chí Minh đặt mua một phần mềm có bảo mật có bản quyền ứng dụng trên internet mang về cài đặt vào máy tính. Thông qua phần mềm này, cứ mỗi khi có người liên hệ vay tiền, Tuân chỉ việc nạp thông tin cá nhân là máy tính sẽ tự động tính được tiền vốn và lãi mà người vay phải trả hằng tuần hoặc hằng tháng tùy theo hợp đồng.

Ngoài ra cứ sau mỗi ngày hoạt động, chỉ cần bấm vào lệnh Zum là có ngay kết quả số hợp đồng đã ký, số tiền xuất ra và thu vào… Tính cho đến thời điểm bị bắt, chỉ hơn một năm, từ số vốn 700 triệu đồng cùng 1,7 tỷ vừa được bổ sung cách đây gần hai tháng, đã đẻ ra thành gần 6 tỷ đồng.

Đức Cương
.
.
.