Bóng hồng trên đường luyện diễu binh

Thứ Hai, 20/04/2015, 14:45
Trời Nam Bộ những ngày tháng tư nắng như đổ lửa. Trên thao trường trường quân sự, thuộc Quân đoàn 4 - Bộ Quốc phòng đóng tại Bình Dương, những bóng hồng vẫn miệt mài luyện tập diễu binh, mồ hôi rịn trên những khuôn mặt sạm nắng. Nữ chỉ huy, quản lý trẻ trong bộ quân phục rằn ri của lính Cảnh sát Cơ động ướt sũng mồ hôi vẫn hô dứt khoát, giọng hào sảng… Ít ai biết rằng, người nữ chỉ huy ấy đã từng nhiều lần gác lại công việc, gia đình, lên đường làm nhiệm vụ huấn luyện diễu binh hàng tháng trời ròng rã với những bài tập kỷ luật nghiêm ngặt.

Mồ hôi nơi thao trường

Trong chuyến công tác miền Nam, tôi tình cờ được gặp Đại úy Vũ Hồng Vượng, Đội phó Đội Đào tạo - Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (TTHL và BDNV) - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) khi chị được biệt phái vào Bình Dương làm nhiệm vụ quản lý và phối kết hợp giáo viên huấn luyện khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) tham gia diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.

Gương mặt trẻ trung, thanh tú, dáng người cao ráo, trắng trẻo, dường như cái nắng cái gió gay gắt của những tháng ngày luyện tập gian khổ trên thao trường nóng bỏng không làm giảm đi vẻ đẹp rạng rỡ, mặn mà, đằm thắm của người con gái Hà thành.

Đại uý Vũ Hồng Vượng trên thao trường.

Sinh năm 1978, nhưng Đại úy Vũ Hồng Vượng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, huấn luyện khối nữ Cảnh sát luyện tập tham gia diễu binh, duyệt binh chuẩn bị cho những ngày lễ lớn. Lần đầu là huấn luyện diễu binh kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2010), lần 2 là kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước lần này, chị lại một lần nữa được lãnh đạo tin tưởng "chọn mặt gửi vàng", tiếp tục nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả, thiêng liêng là Quản lý và huấn luyện khối nữ sĩ quan CSGT tham gia lễ diễu binh, duyệt binh.

Theo như tôi được biết, tham gia diễu binh, duyệt binh lần này, Bộ Công an có 7 khối đi và 5 khối đứng. Các khối đi đang tham gia tập luyện tại Trường Quân sự - Quân Đoàn 4 - Bình Dương. Quân số khối nữ sĩ quan CSGT được tuyển chọn từ 3 trường Công an phía Nam là Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2. Dù là khối nữ, nhưng lịch học tập và rèn luyện của các cô trò dày đặc, khắc nghiệt chẳng khác gì các khối nam sĩ quan khác.

Đối với các trường Công an, việc học tập, rèn luyện vốn đã rất vất vả, nhưng với các học viên tham gia  huấn luyện diễu binh thì việc luyện tập khó khăn, vất vả hơn gấp bội phần. Ngày nào cũng vậy, cứ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, Đại úy Vũ Hồng Vượng cũng cùng các nữ học viên thức giấc từ sáng sớm, duy trì những bài tập thể dục rèn luyện thể lực, vệ sinh doanh trại, vệ sinh cá nhân, sau đó đi ăn sáng và tập trung quân số đúng giờ quy định.

Gần 1 tháng nay, Đại  úy Vũ Hồng Vượng và các học trò của mình còn phải cấp tốc luyện tập cả vào những ngày chủ nhật. Khi người khác được nghỉ ngơi, vui đùa cùng gia đình bạn bè thì giữa cái nắng gay gắt, có hôm lên đến trên 40 độ của Bình Dương, cả cô và trò vẫn miệt mài luyện tập đến trưa mới đi nghỉ. Sau bữa cơm trưa, nghỉ ngơi không được bao lâu, họ lại tiếp tục ra thao trường. Dù lúc đó cái nắng lên đến đỉnh điểm, cô và trò vẫn hăng say tập luyện với khẩu hiệu " Vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập".

Vượt qua gian khổ

Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng tôi nhận thấy ở Đại úy Vũ Hồng Vượng luôn tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần lạc quan và yêu đời. Chị tâm sự, quản lý 118 học viên nữ không phải là điều đơn giản vì 118 con người là 118 tính cách khác nhau, chị luôn phải hài hòa, mềm dẻo nhưng cũng rất nghiêm khắc  và quyết đoán trong xử lý công việc, thương học trò không phải bằng lời nói mà phải bằng hành động,  sống với các em bằng cả cái tâm. Chính vì vậy mà chị được học trò rất yêu thương, kính trọng.

Khối nữ sĩ quan CSGT trên đường luyện tập.

"Với lịch luyện tập khắt khe, dày đặc, nếu mình không giữ vững tinh thần lạc quan, không tạo được không khí vui vẻ thì càng làm cho các nữ học viên thêm mệt mỏi, căng thẳng, tinh thần luyện tập sẽ đi xuống. Phải luôn làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên khích lệ các em kịp thời mới giúp các em vượt qua được những ngày luyện tập khắc nghiệt này", chị tâm sự. Với Đại uý Vũ Hồng Vượng thì nơi đây chính là ngôi nhà thứ 2 của chị. Chị luôn quan tâm, chăm lo cho học trò của mình.

Nói đến học trò, chị lại say sưa kể, đôi mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc, tự hào. Nơi đây có nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà cả đời chị chẳng thể quên... Có nhiều học trò nữ trong lúc tham gia luyện tập, dù chân bật máu, sốt cao nhưng giấu thầy cô kiên trì bám khối đến cùng... điều đó làm cho chị cảm động và thương trò mình nhiều hơn.

Lúc ấy, chị không chỉ là người thầy, mà còn là người chị, người mẹ, luôn gần gũi, động viên các học trò của mình. Nhẹ nhàng, tình cảm là thế, nhưng khi bước vào công việc, Đại úy Vũ Hồng Vượng lại là một con người hoàn toàn khác, nghiêm khắc và kỷ luật, bởi sau mỗi giờ luyện tập mệt mỏi, chân đau, người ê ẩm, các em lại nhận được những tin nhắn động viên, những lời hỏi han ân cần, tình cảm từ người thầy của mình.

Có thể nói, thao trường vừa là nơi công tác nhưng cũng là nơi chị cùng các học trò gắn bó, thấu hiểu nhau hơn và từ đó trở thành một đại gia đình với sự quan tâm hết mực. Có lần, các học viên nữ tếu táo hỏi chị, ngoài đời và trong công việc, đâu là con người thật của cô? Lúc ấy chị lại cười. Tình cảm nhưng nghiêm khắc, gần gũi, thân thiện nhưng vẫn rất kỷ luật, đó là bản chất con người chị. Ai đã tiếp xúc với chị, được làm việc với chị mới hiểu, đằng sau nụ cười rạng rỡ, lạc quan, là cả một sự hi sinh, sức chịu đựng lớn của người phụ nữ trót dấn thân vào nghiệp nhà binh.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại úy Vũ Hồng Vượng về công tác tại Bộ Tư lệnh CSCĐ. Công việc quản lý giáo dục, quản lý các lớp tập huấn, phối kết hợp xây dựng các chương trình kế hoạch cho TTHL và BDNV khiến chị lúc nào cũng bận như con mọn, thường xuyên đi sớm về muộn, không có thời gian nghỉ ngơi. Không những thế, chị còn kiêm luôn chức vụ Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Tư lệnh CSCĐ, Chủ tịch Hội Phụ nữ TTHL và BDNV.

Hăng say luyện tập dưới trời nắng gắt.

Những tháng ngày làm việc, rèn luyện tại Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tôi thêm ý chí, nghị lực phi thường cho người nữ chiến sĩ CSCĐ, để rồi nhờ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chị được lãnh đạo Bộ Tư lệnh tin tưởng 3 lần giao nhiệm vụ huấn luyện diễu binh, duyệt binh cho khối nữ Cảnh sát.

Gác lại sau lưng gia đình, chồng con, ba lần chị vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ, bắt đầu những tháng ngày luyện tập không mệt mỏi, với lịch học tập, huấn luyện dày đặc. Hai đứa con, một bé 15 tuổi, một bé 6 tuổi phải thay cha mẹ tự chăm sóc nhau, bởi chồng chị làm bác sĩ cũng thường xuyên vắng nhà, không có thời gian chăm lo cho các con. Hàng ngày, sau buổi tối sinh hoạt, đúng 21h 30 là báo giờ đi ngủ, tất cả các phòng đều tắt điện, nhưng chị lo lắng có nhiều học trò còn thức may vá, thêu thùa... nên  sau 22h đêm chị thường đi gõ cửa từng phòng nhắc nhở học trò ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe, sáng hôm sau còn luyện tập. Khi biết học trò của mình đã ngủ say, chị yên tâm trở về phòng. Lúc đó chị mới có thời gian cho riêng mình, cảm giác thấm mệt, nỗi nhớ thương con còn nhỏ mà thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ khiến chị trằn trọc không sao ngủ được.

Nước mắt lại lăn dài trên gối, chị chỉ mong sao trời mau sáng để mình và các học trò lại cùng nhau lăn lộn trên thao trường bãi tập, chính cái nhọc nhằn vất vả sẽ giúp chị quên đi nỗi nhớ thương con đến quặn thắt trong lòng... Tôi như bị cuốn hút bởi câu chuyện của chị, một người phụ nữ với cái dáng vẻ yếu đuối, dịu dàng mà ẩn chứa bên trong là cả nghị lực phi thường, một sự hy sinh thầm lặng.

Thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của chị, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy luôn động viên, quan tâm và tạo điều kiện để mỗi tháng  chị được tranh thủ ngày chủ nhật cuối tuần ra Hà Nội để thăm các con,  rồi lại vội vàng quay trở vào Bình Dương tiếp tục công việc của mình.

 Chỉ còn ít ngày nữa thôi, khối nữ sĩ quan CSGT của chị  lại hiên ngang trên đường tham gia lễ diễu binh, duyệt  binh kỉ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, có lẽ lúc ấy chị mới thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành xong nhiệm vụ của mình và cũng là niềm vinh dự hiếm có trong đời người.

Phong Trâm
.
.
.