Boris Johnson và những thách thức trước mắt

Chủ Nhật, 28/07/2019, 22:14
Ngày 24-7, ngay sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth II, ông Boris Johnson đã đến Cung điện Buckingham để diện kiến Nữ hoàng và nhậm chức Thủ tướng Anh. Cũng trong ngày 24-7, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã tiếp tân Thủ tướng Boris Johnson và yêu cầu ông thành lập chính phủ mới.


Ông Johnson dự kiến cũng sẽ bắt đầu chuyến thăm tới một số thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận yêu cầu của Anh về việc đàm phán một thỏa thuận Brexit mới. Trở thành Thủ tướng, ông Jhonson sẽ phải vượt qua nhiều thách thức đang chờ đợi cả ở trong và ngoài nước.

Nhà báo trở thành Thủ tướng

Boris Johnson tên thật là Alexander Boris de Pfeffel Johnson sinh ngày 19-6-1964. Cha Johnson là công chức làm việc cho các cơ quan châu Âu và thậm chí từng là nghị sĩ châu Âu (1979 - 1984). Johnson tốt nghiệp Đại học Oxford và có thể nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Italy.

Tân Thủ tướng Boris Johnson

Theo tiết lộ của bà Rachel, em gái ông, với tờ Sunday Times thì mẹ họ, nghệ sĩ Charlotte Johnson, bị trầm cảm nặng khiến bà phải nằm viện trong thời gian dài. Vì thế Boris Johnson và các anh chị em chủ yếu được một người trông trẻ nuôi dưỡng bởi cha ông quá bận bịu với công việc tại Hội đồng châu Âu.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Johnson làm việc trong một công ty chuyên về tư vấn. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, Johnson bỏ việc vì thấy đó là công việc nhàm chán. Sau đó, Johnson quyết định chuyển sang nghề báo và làm việc cho Tạp chí Times. Nhưng chỉ một thời gian sau, Johnson bị Times cho thôi việc sau khi… bịa ra một câu trích dẫn về Vua Edward II.

Mất việc ở Times, một thời gian sau, Johnson được nhận vào làm ở báo Daily Telegraph vì Tổng Biên tập biết rõ về Johnson từ khi là sinh viên Đại học tổng hợp Oxford. Năm 1989, Johnson được bổ nhiệm làm phóng viên của Daily Telegraph tại Brussels với nhiệm vụ chính là phản ánh các hoạt động của Ủy ban châu Âu.

Dù là phóng viên chuyên trách nhưng Johnson luôn thể hiện quan điểm nghi hoặc đối với châu Âu qua những bài viết mang mục đích bôi xấu Ủy ban châu Âu và Chủ tịch ủy ban này. Nhưng Thủ tướng Anh Marget Thatcher lại coi Boris Johnson là nhà báo yêu thích của mình.

Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp báo chí thừa nhận Johnson có kiến thức sâu và luôn khiến mọi người bất ngờ; là người có tài hùng biện, hài hước và khả năng ứng phó rất nhanh với những lời chỉ trích nhắm vào cá nhân ông hay tờ báo của ông.

Các đồng nghiệp kể rằng trong những cuộc họp báo ở Ủy ban châu Âu, hễ có sự hiện diện của Johnson thì thế nào cũng sẽ có chuyện. Chẳng hạn khi đó ngôn ngữ dùng chỉ là tiếng Pháp, nhưng Johnson lại đặt câu hỏi bằng… tiếng La-tinh vì nội dung hôm đó liên quan dự luật dùng tiếng La-tinh chỉ tên các loài cá để có thể áp dụng về chính sách đánh bắt cá chung cho toàn Liên minh châu Âu.

Nhiều người vẫn nhắc lại câu chuyện xảy ra vào ngày 16-6-1998 ở Cardiff. Hội đồng châu Âu gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ vừa kết thúc kỳ Chủ tịch của Anh và Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair tổ chức họp báo.

Boris Johnson, khi đó 34 tuổi, Phó tổng biên tập Daily Telegraph, đặt câu hỏi nhưng lại phát biểu dài dòng như một bài diễn văn. Bực mình trước câu hỏi dài dòng này, Thủ tướng Blair khi đó có vẻ mỉa mai nhà báo trẻ: "Boris này, nói hay như thế thì có lẽ cậu nên làm Thủ tướng mới phải!". Ông Blair có lẽ không ngờ rằng 21 năm sau, câu nói có tính châm chọc ấy đã trở thành sự thật.

Năm 1994, Boris Johnson quay trở lại Anh và trở thành nhà phân tích chính trị trong vai trò Trưởng ban Bình luận chính trị của Daily Telegraph, Trưởng ban Biên tập tạp chí Spectator, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và trở thành thành viên nghị viện đảng Bảo thủ.

Johnson đã xây dựng được "thương hiệu" riêng qua những bài phân tích trên Daily Telegraph. Là nhà báo chuyên phân tích chính trị, Johnson cũng bắt đầu chuyển hướng từ người quan sát sang trực tiếp tham gia chính trị khi trở thành nghị sỹ nghị viện thành phố Henley thuộc khu Oxfordshire.

Năm 2005, cựu Thủ tướng David Cameron được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ đã tìm cách đưa Johnson vào nội các nhưng không thành công vì vấp phải sự phản đối từ các thành viên khác trong đảng. Bước ngoặt lớn nhất trên con đường chính trị của Johnson vào năm 2007, sau khi được bầu lại vào nghị viện thành phố Henley, Johnson tuyên bố sẽ tham gia tranh cử chức vụ Thị trưởng London.

Tháng 7- 2018, Boris Johnson từ chức Ngoại trưởng và chỉ trích cách tiếp cận của bà May với vấn đề Brexit.

Nội dung chính trong đường lối vận động tranh cử của Johnson là ý tưởng tái cấu trúc hệ thống giao thông của London. Sự thay đổi được tập trung vào hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đấu tranh chống nạn trộm cắp vặt trên các phương tiện giao thông công cộng. Và cuối cùng Boris Johnson đã vượt qua Thị trưởng London khi đó là Kena Livingston để trở thành Thị trưởng London vào năm 2008.

Với cương vị Thị trưởng London, Johnson đã ghi dấu ấn với những chính sách như cấm sử dụng đồ uống có cồn trên các phương tiện giao thông công cộng, sự xuất hiện của các xe buýt hai tầng màu đỏ mới trên các đường phố London và nổi tiếng nhất là sự xuất hiện của hệ thống cho thuê xe đạp ở London. Các điểm cho thuê xe đạp từ đó được gắn cái tên không chính thức là "xe đạp Boris".

Boris Johnson cũng tập trung vào hỗ trợ mảng tài chính cho London, đảm bảo cho các bến Metro hoạt động cả ngày đêm và dấu ấn lớn nhất là tổ chức thành công Thế vận hội tại London vào năm 2012. Những thành công này giúp Boris Johnson có nhiệm kỳ thứ 2 làm Thị trưởng London.

Nhưng, bước ngoặt lớn nhất đối với sự nghiệp chính trị của Johnson lại bắt nguồn từ phong trào Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Theo Boris Johnson, thay đổi duy nhất của Brexit đối với người Anh là việc người Anh có thể tránh khỏi các phán quyết của Tòa án châu Âu.

Người Anh sẽ có thể tự mình thông qua các quyết định, luật lệ của mình, cũng như kiểm soát được chính sách nhập cư. Tất cả các vấn đề khác như thị trường chung, tự do di chuyển, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa và khoa học… với châu Âu sẽ vẫn được thực hiện.

Năm 2016, cuộc trưng cầu dân ý tại Anh với kết quả nghiêng về phương án rời Liên minh châu Âu đã khiến Thủ tướng Cameron, người chủ trương giữ Anh ở lại EU phải từ chức. Bà Theresa May lên làm Thủ tướng Anh giúp con đường chính trị của Johnson thêm rộng mở khi ngày 13-7-2016, bà Theresa May bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng Anh. Tuy nhiên, tháng 7- 2018, Johnson đã từ chức Ngoại trưởng do bất đồng về kế hoạch Brexit.

Tháng 6- 2019, sau khi bà Theresa May tuyên bố từ chức, ông Johnson đã tuyên bố sẽ tham gia tranh cử chức Thủ tướng Anh và nhanh chóng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất.

Nhiều thách thức đang chờ tân Thủ tướng

Ngay sau chiến thắng của ông Johnson, các lãnh đạo EU đã chúc mừng tân Thủ tướng Anh và cho biết họ muốn làm việc với ông để thông qua Brexit.

"Chúng tôi mong chờ  được làm việc một cách tích cực với Thủ tướng Johnson khi ông nhậm chức, nhằm tạo điều kiện phê duyệt thoả thuận rút khỏi EU và đạt được một Brexit có trật tự", nhà  đàm phán EU Michel Barnier viết trên Twitter. Tổng thống Mỹ Donald Trump chúc mừng ông Johnson trở thành tân Thủ tướng Anh. "Ông ấy sẽ rất tuyệt!", Tổng thống Trump viết trên trang cá nhân.

Tuy nhiên, trở thành Thủ tướng Anh lúc này đồng nghĩa với việc ông Johnson sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Ngay sau khi Boris Johnson chiến thắng, đồng bảng Anh đã giảm ngày thứ ba liên tiếp với mức giảm 0,5% so với đồng đôla, xuống còn 1,2418 USD, gần sát mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay. Trước đó, ngày 10- 6, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Anh suy giảm 0,4% trong tháng 4, một mức giảm mạnh hơn dự báo, sau khi giảm 0,1% trong tháng 3. 

Tháng 6-2016, nước Anh đã bỏ phiếu Brexit nhưng để thực hiện điều này không đơn giản. Người tiền nhiệm Thesera May đã đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 tới.

Ông Johnson tiếp quản vị trí của bà Theresa May giữa lúc thỏa thuận Brexit vẫn bế tắc. Ông Johnson từng tuyên bố sẵn sàng rời EU mà không cần thỏa thuận nào, thay vì hoãn quá trình này một lần nữa. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Johnson trúng cử, các quan chức EU nhắc lại điều họ đã nói nhiều tháng nay: Không có kế hoạch tái bàn luận thỏa thuận họ đã đồng ý với bà May hồi năm 2018.

Nếu ông Johnson không đạt được thỏa thuận Brexit mới, thì ông  sẽ phải đưa nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào hết. Theo các chuyên gia kinh tế nếu London không đạt được thỏa thuận Brexit thì sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Anh và các nước châu Âu khác, bởi tác động của nó sẽ khiến cho lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm trở nên thiếu thốn.

Chủ trương Brexit bằng mọi giá của ông Johnson đã vấp phải sự phản đối của thành viên trong Chính phủ Anh hiện tại. Ngày 24-7, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã đệ đơn từ chức sau khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng.

Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Theresa May, Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh vấn đề Brexit chưa được giải quyết đã gây ra "sự bất định" đối với nền kinh tế Anh. Bộ trưởng Tư pháp cũng tuyên bố sẽ từ chức ngày 24-7. Trước đó, một số Quốc vụ khanh các bộ cũng đã từ chức thể hiện bất đồng với tân Thủ tướng.

Ngày 18- 7, Hạ viện Anh đã thông qua một điều khoản nhằm gây khó khăn hơn nếu tân Thủ tướng tìm cách thúc đẩy kịch bản Brexit  không thỏa thuận bằng cách đình chỉ hoạt động của Quốc hội, một cách để tránh phải đưa thỏa thuận Brexit thông qua tại Hạ viện.

Ngoài Brexit, nước Anh đang khủng hoảng ngoại giao với Iran sau khi Lực lượng Cận vệ Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bắt giữ tàu dầu Anh Stena Impero ở Eo Hormuz để trả đũa London bắt tàu dầu Iran Grace 1 gần Gibraltar đầu tháng 7. Gửi thông điệp chúc mừng Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh, Iran kèm luôn cảnh báo tới Hải quân Hoàng gia Anh về căng thẳng song phương hiện nay.

Ngoại trưởng Iran Zarif cũng đã nhanh chóng chúc mừng ông Johnson trở thành Thủ tướng Anh, nhưng ông Zarif cũng đưa ra cảnh báo rằng khi Iran "không muốn tìm kiếm sự đối đầu… Đó là vùng biển của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ vùng này"…

Rõ ràng đang có rất nhiều thử thách với tân Thủ tướng Johnson. Việc ông Johnson có hóa giải được những thách thức này hay không còn phải chờ thời gian.

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.